Che Guevara và bóng đá: Nhà cách mạng trên sân cỏ

Thế giới bóng đá yêu Che Guevara. Hình xăm Che trên vai của Maradona và những lá cờ in hình ông trên các khán đài khắp nơi thì đã quá nổi tiếng. Nhưng tình yêu của Che với bóng đá thì ít người biết đến. Và ít biết hơn nữa, là đã có thời gian Che… đá bóng để kiếm sống.

Hai chàng phiêu lưu đá bóng dạo

Có hai chàng trai chu du vòng quanh Nam Mỹ trên chiếc xe máy, không một xu dính túi. Họ đến miền Bắc Chile. Ở đó, họ gặp một nhóm tài xế xe tải đang chơi bóng đá. Một chàng ngứa chân, lôi trong ba lô ra một đôi giày thể thao, thay cho đôi ủng đang đi và chạy vào sân.

Màn biểu diễn kỹ thuật của anh khiến những tài xế phấn khích: họ quyết định thuê 2 chàng trai cho một trận đấu giải vào ngày Chủ nhật tiếp theo. Thế là 2 chàng lãng du có thêm một chút tiền, được nuôi ăn và được du lịch miễn phí đến một thành phố khác.

Hai cầu thủ “đá bóng dạo” ấy là Ernesto Che Guevara và Alberto Granado. Như mọi chàng trai của đất nước Argentina, hai sinh viên y khoa ấy yêu bóng đá từ trong máu. Trong sâu thẳm, thậm chí họ còn mơ ước được trở thành những cầu thủ chuyên nghiệp.

Ở Machu Picchu, thánh địa của người Inca trên lãnh thổ Peru, Che gặp một vài cầu thủ. Anh biểu diễn một vài đường bóng, trước khi “nói khoác” rằng mình chơi bóng chuyên nghiệp ở Buenos Aires. Che hơi ngượng vì vụ ấy, nhưng vẫn kể lại trong nhật ký: anh muốn gián tiếp thừa nhận tình yêu và ước mơ của mình về nghiệp cầu thủ.

Người ta luôn nhắc đến Che như một nhà lãnh đạo cách mạng, một nhà thám hiểm mạo hiểm luôn khao khát đi vào nhân sinh để chứng kiến cái đói nghèo. Nhưng ở chàng trai tuổi đôi mươi ấy, như mọi chàng trai khác, cũng có một tình yêu “phù phiếm” dành cho bóng đá.

Che hiếu động từ khi còn nhỏ. Ở trường trung học và đại học, cậu chơi bóng bầu dục, làm biên tập của một tờ tạp chí chuyên về bóng bầu dục và suýt đã trở thành cầu thủ bóng bầu dục chuyên nghiệp khi có cơ hội tập cùng CLB Estudiantes.

Nhưng cậu còn thích cả cờ vua, tennis, golf và bóng đá. Cuối cùng, Che nhận ra rằng bóng đá là môn thể thao gần với trái tim mình nhất, dường như vì khả năng gắn kết mọi người của nó.

Người trả nợ cho CLB Rosario

Năm 1951, chàng sinh viên y khoa Che quyết định rời Argentina và cùng người bạn thân Alberto thực hiện một hành trình dọc Nam Mỹ trên chiếc mô tô 500 phân khối hiệu Norton mà họ đặt lên là Poderosa (Chiếc xe thần kỳ). Đó là một chuyến đi huyền thoại. Nhật ký của bộ đôi ấy, trở thành sách gối đầu giường của bao nhiêu thế hệ thanh niên đầy hoài bão.

Đoạn cuối cuộc hành trình ấy, cả 2 ở lại vùng San Pablo, Peru để đóng vai những chuyên gia về bệnh phong. Họ đóng vai ấy một phần vì đó là cách tốt nhất để có chỗ ngủ và thức ăn, một phần khác, bởi với tư cách những sinh viên y khoa, Che và Alberto cảm thấy thực sự cần chăm sóc những con người bị bỏ rơi trong trại phong khổng lồ ở San Pablo.

Che rất ấn tượng với tình bạn của những bệnh nhân phong ở Peru. “Trạng thái cao nhất của tình đoàn kết và lòng trung thành xuất hiện ở những con người cô độc và tuyệt vọng như thế này”, anh viết trong nhật ký.

Tại San Pablo, Che tổ chức những trận đấu bóng đá giữa 2 đội: đội khỏe mạnh và đội những người bị bệnh phong. Những trận đấu ấy có ý nghĩa đặc biệt với cộng đồng CĐV của Rosario, quê nhà của Che.

Thập kỷ 1920, Rosario Central, đội bóng Che yêu quý từ khi thơ ấu, từ chối tham gia một trận đấu từ thiện vì họ sẽ phải đá với các cầu thủ đến từ một trại phong. Newell’s Old Boys, kình địch cùng thành phố, quyết định tham gia.

Kể từ đó, Rosario Central mang biệt danh “Kẻ vô lại”, còn Newell’s Old Boys được gọi bằng cái tên thân thương là “Người hủi”. Những CĐV Rosario Central tin rằng những trận đấu mà Che tổ chức ở Peru là một sự chuộc lỗi cho CLB.

HLV thời vụ Che Guevara

Alberto sau này kể lại: “Trong hành trình, chúng tôi sử dụng bóng đá như một phương thức để tìm sự gắn kết với những người bản địa”. Họ là những tay cầu thủ chơi bóng dạo, đôi khi cho vui, đôi khi để kiếm thức ăn và chỗ ngủ. Và khi cần, bộ đôi ấy có thể trở thành… các chiến thuật gia.

Ở Leticia, thị trấn cực Nam của Colombia, Che và Alberto được bóng đá giải cứu khỏi chuỗi ngày đằng đẵng chờ máy bay. “Bóng đá đã cứu rỗi chúng tôi. Chúng tôi được thuê làm HLV của một đội địa phương” – Guevara viết trong nhật ký – “Chúng tôi được chỉ định huấn luyện đến khi họ thôi không biến mình thành trò hề trên sân. Thế nhưng họ tệ quá, và chúng tôi quyết định nhảy vào sân chơi luôn”.

Che tự hào khi nhắc lại rằng đội bóng được đánh giá là “yếu nhất giải”, dưới sự dẫn dắt của 2 HLV kiêm cầu thủ Che và Alberto đã được tổ chức lại, trở thành một hiện tượng của giải, lọt vào tới tận trận chung kết và chỉ chịu dừng bước trên chấm phạt đền.

Giải đó, Alberto chói sáng trong vai trò một tiền đạo, được dân địa phương tặng cho biệt danh “Pedernerita” (đặt theo tên huyền thoại bóng đá của CLB River Plate và ĐT Argentina Adolfo Pedernera). Còn Che đứng trong khung thành, vị trí ưa thích của anh, và tự thừa nhận là đã có “một pha cản phá penalty sẽ mãi mãi ở lại trong lịch sử của Leticia”.

Thần tượng cách mạng trên sân cỏ

Mối duyên của Che và bóng đá tưởng như đã kết thúc tại Colombia. Đặc biệt là sau cuộc gặp gỡ định mệnh giữa Che và Fidel Castro tại Mexico City vài năm sau chuyến hành trình bằng xe máy. Che quyết định cùng Fidel Castro thực hiện cuộc cách mạng Cuba, lật đổ chế độ độc tài Fulgencio Batista.

Sau khi cách mạng thành công, ông đảm nhận nhiều vai trò trong chính phủ mới, từ Bộ trưởng Công nghiệp, Thống đốc Ngân hàng cho đến cố vấn quân đội. Nhưng ở Cuba, bóng đá không phải môn thể thao phổ biến. Che phàn nàn với mẹ: “Ở đây, không ai chơi bóng bầu dục và bóng đá cả”. Nhưng ông vẫn không nguôi được nỗi nhớ với bóng đá. Che vẫn ngồi xem bóng đá thường xuyên với cô con gái lớn Hildita. Còn theo lời Alberto Granado, thỉnh thoảng Che vẫn tổ chức thi đấu giao hữu.

“Năm 1963 chúng tôi chơi tại Santiago de Cuba” – Granado kể lại – “Anh ấy đang là Bộ trưởng Công nghiệp và rất nổi tiếng. Nhưng khi đứng trước khung thành, anh ấy chỉ biết mình là một thủ môn.

Có một tình huống, một cầu thủ sinh viên đã đi bóng đến sát khung thành. Che lao ra và cản phá bóng ngay trong chân đối phương. Không một ai dám tin rằng ông Bộ trưởng có thể liều lĩnh đến thế. Nhưng đó là cách anh ấy sống”.

Chàng cầu thủ nghiệp dư Che Guevara có lẽ không biết rằng nhiều thập kỷ sau khi ông hy sinh tại Bolivia, mình lại trở thành một thần tượng sân cỏ. Thế giới bóng đá, bao gồm rất nhiều thanh niên đầy hoài bão và nhiệt huyết, yêu mến ông vì lý tưởng.

“Tôi mang ông ấy trên cánh tay. Hình xăm này chỉ là một tác phẩm nghệ thuật, còn thực chất, tôi mang ông ấy trong tim”, Maradona nói về hình xăm Che trên vai trái.

Diego Maradona có một hình xăm Che bên vai trái. Giống như hầu hết những cậu bé Argentina cùng thế hệ, Maradona được dạy rằng Che là “một tay sát thủ, một kẻ xấu, một kẻ khủng bố đặt bom các trường học”.

Nhưng khi tới Italia thi đấu, Maradona rất bất ngờ khi phát hiện ra rằng các công nhân đình công “giơ cao lá cờ với tấm ảnh của người đàn ông đó, khuôn mặt màu đỏ trên nền đen”. Maradona bắt đầu đọc về Che và cuối cùng trở nên thần tượng ông.

Cristiano Lucarelli là một “fan cuồng” khác. Trong trận đấu đầu tiên cho U21 Italia năm 1997, Lucarelli đã ăn mừng bàn thắng bằng việc kéo áo đấu lên, để lộ một chiếc áo phông có in hình Che bên trong. Anh cũng từng tranh cãi gay gắt với Paolo Di Canio trên truyền hình.

Di Canio là một người tôn thờ trùm phát xít Mussolini. Ông này tuyên bố rằng “Che là một nhà cách mạng mà mọi người bị quyến rũ bởi hình ảnh của ông ấy”. Lucarelli trả lời: “Không. Đó là biểu tượng của cách mạng vô sản”.

Ngay cả việc cầu thủ này trở thành một tượng đài của Livorno cũng có nguyên cớ từ lý tưởng của Che. CĐV Livorno tôn thờ lý tưởng của Che. Những tấm băng rôn có in hình của ông thường xuyên xuất hiện trên các khán đài, cho dù đó là trong những chiến dịch chống nạn PBCT hay chiến dịch… giữ ghế cho HLV Serse Cosmi.

Năm 2003, họ gây áp lực lên BLĐ đòi mua bằng được “người đồng chí” Lucarelli. Tiền đạo này đáp trả tấm thịnh tình bằng việc chấp nhận cắt giảm 50% lương để sang chơi cho “CLB của Che”, và khoác áo số 99 để tri ân một nhóm CĐV.

Đó chỉ là 2 người nổi bật nhất. Thierry Henry, Paul Breitner, Socrates, Fabrizio Miccoli,… đều đã từng công khai lòng ngưỡng mộ của mình với Che. Henry thậm chí đã chọn một chiếc áo có in hình Che đến dự lễ trao giải “Cầu thủ xuất sắc nhất năm 2004” của FIFA.

Có lẽ Che đã yêu bóng đá, và thế giới bóng đá đã yêu Che vì cùng một lý do: họ tìm thấy ở nhau những tinh thần chung. Đó là sự bình đẳng, khát khao vươn lên và lòng hướng thiện.

Theo BÓNG ĐÁ PLUS

Tags: ,