Cơn ác mộng ‘Điện Biên Phủ’ của người Mỹ ở Khe Sanh

Trong suốt cuộc viễn chinh ở Việt Nam, giới quân sự Mỹ luôn mơ ước được dàn quân đánh nhau với quân chủ lực Bắc Việt Nam trên một mặt trận lớn, chấp nhận cả trường hợp chiến trường rừng núi như ở Điện Biên Phủ.

Cơn ác mộng ‘Điện Biên Phủ’ của người Mỹ ở Khe Sanh

Nắm bắt được “nguyện vọng” này, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã tương kế, tựu kế, mở mặt trận Đường 9 – Khe Sanh để hút và giam chân một bộ phận quan trọng chủ lực tinh nhuệ của Mỹ – Sài Gòn trên chiến trường rừng núi, tạo bí mật, bất ngờ và chia lửa cho các lực lượng cách mạng miền Nam trong tiến trình Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968.

Khởi đầu như một đòn nghi binh chiến lược, chiến sĩ Khe Sanh cùng toàn mặt trận B5, đã áp dụng thế trận bao vây, đánh hiệp đồng binh chủng, tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực quan trọng, phá hủy khối lượng lớn phương tiện chiến tranh của Mỹ, ngụy, giải phóng một địa bàn gần một vạn dân. Đường 9 – Khe Sanh là một chiến thắng vang dội cả về chính trị và quân sự của Việt Nam cho đến ngày nay.

Sa bàn Khe Sanh trong Nhà trắng

Từ năm 1962, quân Mỹ và quân Sài Gòn xây một căn cứ không quân – lục quân ở một thung lũng hẻo lánh ở gần khu vực biên giới Việt-Lào, có ý nghĩa chiến lược do nằm gần tuyến vận chuyển “Đường mòn Hồ Chí Minh” nổi tiếng. Ở ngưỡng cửa năm 1968, tư lệnh Mỹ ở Nam Việt Nam, tướng Westmoreland, quyết định rằng cần phải “thả mồi ngon” lùa quân Bắc Việt vào bẫy, để buộc tướng Giáp phải đánh nhau theo cung cách quy ước, vốn là sở trường của quân Mỹ. Chiến dịch này mang tên Operation Scotland (1-11-1967/31-3-1968), nhận được sự tán thưởng của bộ sậu “diều hâu” ở Washington và Sài Gòn, Tổng thống Johnson cho đắp sa bàn Khe Sanh ở Nhà trắng và hằng ngày nghe “giao ban” về chiến sự ở đây. Vậy là, trong vành đai sắt dựng trên khu vực giáp giới với miền Bắc và Lào, ngoài hàng rào điện tử Mc Namara và hàng loạt căn cứ như Cửa Việt, Cồn Tiên, Đông Hà, Cam Lộ… Khe Sanh được kỳ vọng sẽ là “nam châm” hút quân Bắc Việt, để dùng ưu thế hỏa lực tiêu diệt trong một thế trận “Điện Biên Phủ đảo ngược”.

Cả Nhà trắng, Lầu Năm góc và Bộ chỉ huy viễn chinh Mỹ ở Sài Gòn (MACV) tập trung nghiên cứu chiến lệ Điện Biên Phủ (Hồ sơ nghiên cứu trận Điện Biên Phủ phục vụ riêng cho tổng thống Johnson dày hàng chục trang, trong tổng số vài trăm trang hồ sơ về trận Khe Sanh đã được giải mật). Cả MACV lẫn Bộ chỉ huy tối cao Hoa Kỳ đều đã nhận thấy Khe Sanh có một thế mạnh căn bản so với không chỉ với Điện Biên Phủ (ĐBP), mà với mọi pháo đài từng có trong lịch sử. Đó là Khe Sanh được hỗ trợ bởi hệ thống hỏa lực cực mạnh, chế áp độc lập từ bên ngoài, gồm hàng chục lần chiếc pháo đài bay B-52 đánh phá mỗi ngày (lấy từ kế hoạch Operation Arc Light, 1965-1973, theo hồ sơ mật Nhà trắng, các phụ tá quân sự đã nhiều lần trấn an Johnson về khả năng rải thảm ở mọi điều kiện thời tiết của B-52), gồm yểm trợ đường không cự ly gần bởi lực lượng khoảng 2.000 máy bay chiến đấu khác của không quân chiến thuật, không lực của hải quân, không lực của thủy quân lục chiến, với tần suất 500 lần chiếc ngày, hoạt động được cả trong điều kiện tầm nhìn zêrô (bay hoàn toàn bằng khí tài) cũng như ban đêm. Khe Sanh còn được yểm trợ bởi trực thăng: 3.300 chiếc (Operation Niagara II); các tổ hợp ra-đa kể cả loại tân kỳ như SKY SPOT; 16 bộ pháo tự hành trên xe xích “Vua Chiến trường” 175mm bố trí tại trại Ca-rôn ở gần Cam Lộ và trận địa trên đỉnh Rock Pile, 18 lựu pháo 105mm, 8 lựu pháo 155mm tại các căn cứ pháo binh tại Quảng Trị, pháo yểm trợ tầm trung từ trận địa bắc đèo Hải Vân… Được đặc biệt tin tưởng còn có đạn pháo 105mm COFRAM (Combined Ordinance Fragmentary Antipersonnel Munition) nổ từng tràng trên cao, văng vô vàn mảnh bao phủ một tầm sát thương rộng lớn, giống như bom bi (Cluster Bomb Unit), chủ yếu được để dành, nhằm tạo bất ngờ lớn một khi Khe Sanh bị tràn ngập; cũng như đạn pháo “tổ ong” (flechettes), khi nổ bắn ra muôn vàn mũi tên thép trong một hình nón 30 độ, rất hữu hiệu chống chiến thuật biển người… Bảo đảm kỹ thuật – hậu cần cho Khe Sanh, bao gồm tải thương bằng trực thăng (MedVac); và phương thức tiếp tế LAPES (thả dù ở độ cao tầm thấp) thực hiện bởi một cầu hàng không hiện đại, qui mô đến mức hoàn hảo trên các máy bay trọng tải lớn C-130, C-132. Oét-mô-len có thể đáp ứng cho Khe Sanh tới 600 tấn hàng tiếp tế/ngày, trong khi Na-va chỉ cung cấp được cho Điện Biên Phủ 100 tấn là cùng. Từ 19 đến 25 tháng Giêng, một hệ thống cảm biến điện tử hiện đại mang bí hiệu Muscle Shoals được triển khai quanh Khe Sanh để hỗ trợ cho các hệ thống trinh sát đường không và trên bộ. Còn phải kể đến lực lượng cơ động chiến lược gồm sư đoàn kỵ binh bay số 1 và sư đoàn không vận 101, đã hiện diện ngay trước Tết ở vùng chiến thuật I (CT1), để sẵn sàng từ ngoài đánh vào để cứu Khe Sanh. Tại cao điểm của chiến trường Khe Sanh, 15-3-1968, tướng Westmoreland tăng cường lực lượng cho vùng CT1 từ 38 tiểu đoàn Mỹ khi quân Bắc Việt Nam bắt đầu phong tỏa Khe Sanh lên 54 tiểu đoàn, tức là hơn một nửa số quân Mỹ viễn chinh ở Nam Việt Nam.

Tuy nhiên, trong số những người ở Washington tin tưởng rằng sẽ có một “Điện Biên Phủ” ở Khe Sanh, không phải nhân vật nào cũng nhất quyết rằng Mỹ chắc thắng được ở đó. Theo thư gửi Tổng thống ngày 10 tháng Giêng năm 1968, một đại diện cho khuynh hướng ngờ vực này phát biểu: “Điều đáng lo ngại là sự tập trung của bộ đội Việt Nam ở Lào chống lính thủy đánh bộ (LTĐB) đồn trú ở Khe Sanh. Tổng thống nên yêu cầu tướng Westmoreland cân nhắc lợi hại về việc rút khỏi Khe Sanh, nhất là khi đường 9 đã bị cắt… Tổng thống cần được yên tâm rằng, tướng Westmoreland tuyệt đối tự tin về khả năng đương đầu ở Khe Sanh; vì đây chính là cơ hội tốt nhất để một Điện Biên Phủ xảy ra. Mà kẻ địch thì đang tìm kiếm một trận Điện Biên Phủ”. Cho dù thông điệp đầu năm 1968 của Tổng thống Mỹ đầy khích lệ, nhưng mối lo ngại về cái dớp “Điện Biên Phủ” vẫn lơ lửng trong phòng bầu dục. Có lần, Johnson quay về phía các trợ lý quân sự và hét to “Quỷ tha ma bắt cái trận Điện Biên Phủ kia đi!”.

Trụ vững ở chân, nhưng lại “ăn” một cú vào đầu

Kể từ kỳ Giáng sinh 1967, tin tình báo dồn dập báo về. Hà Nội đã tiến hành một chiến dịch tiếp tế được hiệp đồng cực kỳ tốt theo Công văn báo cáo Tổng thống 22-1-1968 của tướng Gút-pa-xtơ. Cường độ vận chuyển, cả bộ lẫn thủy tại địa phận khu 4 của miền Bắc, cũng như của đường Hồ Chí Minh đã đột ngột tăng (trung bình mỗi ngày đêm, xe tải chuyển được tới 2.200 tấn hàng, gấp 8-10 lần so với trước, và đủ cung cấp cho một sư đoàn Bắc Việt trong điều kiện tác chiến trong 22 ngày – công điện báo cáo của DIA – tình báo quân sự Mỹ, ngày 19-1-1968). Trước đó, 11-1-1968, tổng hợp tin tức của CIA về mối đe dọa đối với Khe Sanh, phụ tá về an ninh của tổng thống báo cáo với Johnson về việc cộng sản “có vẻ đang sử dụng thời gian từ nay đến Tết để hoàn thành việc tập trung quân quanh Khe Sanh, chuẩn bị tiến công (căn cứ này) vào ngay sau Tết, bằng lực lượng “2 vạn quân… tương đương với 4 sư đoàn”.

Tướng Westmoreland lập tức phản ứng linh hoạt. 11 tháng Giêng, Westmoreland gặp tướng Cushman, tư lệnh quân Mỹ ở vùng chiến thuật I. Ngoài hai tiểu đoàn tăng cường LTĐB Mỹ hiện đóng ở Khe Sanh, kế hoạch tăng viện I sẽ là một tiểu đoàn LTĐB Mỹ đến nơi 8 giờ sau khi có lệnh, kế hoạch tăng viện II sẽ là một tiểu đoàn LTĐB Mỹ nữa, đến nơi 12 giờ sau khi có lệnh… Westmoreland cũng lệnh cho Cushman trong trường hợp khẩn cấp, điều theo thứ tự ưu tiên thứ nhất, một lữ đoàn của sư đoàn Americal vào khu vực Huế/Phú Bài. Thứ tự ưu tiên thứ hai, chuẩn bị tăng cường cho Vùng chiến thuật I tại các khu vực Huế/Phú Bài/Đà Nẵng, hoặc Chu Lai quân tiếp viện hoặc từ sư đoàn không vận 101, hoặc từ sư đoàn kỵ binh bay số 1. Các cuộc hành binh bổ trợ là lữ đoàn lính thủy đánh bộ Nam Triều Tiên đang di chuyển về Đà Nẵng và một số đơn vị của sư đoàn LTĐB số 1 đã tách ra để triển khai ở phía bắc đèo Hải Vân. Một số đơn vị của sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ cũng đang tách ra để hành quân về tỉnh lỵ Quảng Trị. (Hồ sơ Nhà trắng, báo cáo của Westmoreland 12-1-1968). Điều trớ trêu là, thời hạn 31 tháng Giêng mà Westmoreland quy định phải điều động xong quân tăng cường cho vùng chiến thuật I (khu vực cận giới tuyến quân sự tạm thời và biên giới với Lào) lại chính là ngày sẽ đi vào sử sách phương Tây với cái tên là “cuộc tiến công Tết” đồng loạt nổ ra trên toàn miền Nam, gồm cả những nơi mà các đơn vị này vừa dời đi. Nhưng vẫn còn “may” cho Westmoreland. Vào những ngày ngay trước Tết, Weyand, tư lệnh Mỹ ở vùng chiến thuật III, một viên tướng gốc tình báo đã cảm nhận được những biến động quanh Sài Gòn, nhưng chủ yếu là do không thích đánh nhau ở rừng núi và biên cương. Ông ta đã xin được với Westmoreland đưa lực lượng cơ động quay về be chắn Sài Gòn. Trước giao thừa, 27 tiểu đoàn Mỹ đã trở lại tuyến phòng thủ Sài Gòn, còn 22 tiểu đoàn khác ở vành đai. Về sau Westmoreland sẽ ca ngợi đây là một trong những quyết định quan trọng nhất của cuộc chiến tranh Việt Nam. Còn các sử gia phương Tây thì cho rằng nếu hoàn toàn sập bẫy Hà Nội, đem đại quân đi càn quét vùng sâu vùng xa, Mỹ đã có thể mất Sài Gòn về tay Mặt trận Giải phóng trong dịp Tết Nguyên đán 1968.

Như để đáp lại “đơn đặt hàng” của Mỹ, chiều 20 tháng Giêng, quân Bắc Việt Nam đã khởi sự bằng pháo kích dữ dội bằng rốc-két (kachiusa) và cối vào căn cứ Khe Sanh. Kho đạn dược và kho nhiên liệu cho trực thăng nổ tung, đường băng cũng bị cày nát. Tướng Westmoreland viết báo cáo nhiều trang, cho thấy, vì dự liệu được cuộc tiến công này, từ đầu tháng, ông ta đã ban bố hàng loạt mệnh lệnh nhằm “tập trung quân lực Mỹ lớn nhất trong khả năng cho phép để đánh trả địch” (báo cáo 21-1-1968). Giữa những điều động và tăng cường trinh sát, ngày 19 tháng Giêng, Westmoreland đã điều tất cả các phi vụ ném bom của B.52 về vùng trọng điểm này. Cũng từ đây, tướng Westmoreland sẽ bắt đầu gần ba tháng liền tù tì “trực chiến” tại Sở chỉ huy, không về nghỉ đêm ở nhà riêng nữa. Chiến sử Khe Sanh của Mỹ cũng bắt đầu từ đây và đã tiêu tốn vô vàn giấy mực cho tới nay. Nhà trắng còn cẩn thận lưu vào Hồ sơ Khe Sanh những bài báo gây chấn động. Đáng chú ý có hai bài ra ngày 29-1-1968, Việt Nam: bão đang nổi lên; và Trận Khe Sanh: bước ngoặt có tính then chốt.

Ở Washington, tổng thống Mỹ theo dõi chặt chẽ tình hình chiến sự ở Khe Sanh. Giôn-sơn bắt Bộ tham mưu liên quân phải ký “quyết tâm thư bằng máu” giữ Khe Sanh. Trước đó (12-1-1968), Westmoreland khẳng định Khe Sanh, ngoài giá trị chiến lược về quân sự như chiếc “mỏ neo” ở phía tây của hệ thống phòng thủ vùng giáp giới tuyến, còn chặn đường “địch” xâm nhập xuống các tỉnh duyên hải trù phú. Từ bỏ Khe Sanh sẽ tạo ra một chiến thắng trọng đại về phương diện tuyên truyền cho đối phương, làm mất tinh thần của Mỹ và “Việt Nam cộng hòa”. Giới quân sự Mỹ dường như đã chuyển từ hành động quân sự thuần túy (chiến tranh quy ước) sang quan điểm chiến tranh còn chịu sự chi phối của các mục tiêu chính trị. Những hạt giống như thế này rồi sẽ nảy mầm thành những luận thuyết dạng như “Mỹ đã không thua về quân sự, chỉ thất bại về chính trị ở Việt Nam” xuất hiện ở Hoa Kỳ gần đây.

Ở Khe Sanh, bất chấp 40 lần không kích của B-52 và 500 lần chiếc máy bay chiến thuật mỗi ngày, đối phương vẫn chưa xuất kích. Johnson lo lắng. Ngày 2 tháng 2, ông ta lại thúc bách Chủ tịch hội đồng liên quân Uyn-lơ phân tích sự tương đồng giữa Khe Sanh và Điện Biên Phủ. Trả lời vào hôm sau, Uyn-lơ lại trích báo cáo của chính Westmoreland để trả lời tổng thống. Theo đó, kỹ năng tác chiến và nhất là công năng vũ khí của Mỹ hiện có ở Khe Sanh đều “trên tài” người Pháp ở ĐBP nhiều lắm. Điều lạ là trong dịp này, Westmoreland lại hỏi xin thêm máy bay C-130, máy bay trực thăng; các vũ khí cá nhân hiện đại hơn như tiểu liên M-16, súng máy M-60 và cối M-29 cho quân Sài Gòn. Việc quân Giải phóng và cả du kích miền Nam sử dụng những vũ khí mới gây nên một sự hoảng loạn trong hàng ngũ ngụy quân; theo báo cáo 25-2-1968, quân Sài Gòn từ nay gọi súng carbine là “súng đồ chơi”, đòi người Mỹ phải chi ra những khí giới mới.

Lạ hơn nữa là Westmoreland lại đề cập khả năng dùng đến vũ khí hạt nhân chiến thuật, hoặc vũ khí hóa học, “nếu tình hình vùng gần giới tuyến quân sự tạm thời thay đổi nghiêm trọng”. Chuyện này làm người ta không thể không liên tưởng đến kế hoạch “Chim kền kền” của Mỹ đời tổng thống Eisenhower, đòi ném bom nguyên tử xuống Điện Biên Phủ.

Cuối cùng miền Bắc cũng “xơi gọn” Làng Vây

Không có tin về Khe Sanh nổ súng không có nghĩa là tin tốt. Vì quân Bắc Việt dĩ nhiên đang chuẩn bị chiến trường. Qua trận Cồn Tiên vài tháng trước, đã lộ rõ ý đồ áp dụng kinh nghiệm vây lấn ở Điện Biên Phủ. Đại bác thường được “đút” ngang hông các triền núi, khi bắn kéo ra ngoài, bắn xong vài loạt lại rút ngay vào trong hầm để tránh phản pháo. Bộ binh thì tiến dần vào cứ điểm quân đồng minh (quân của Mỹ, Sài Gòn và đồng minh của họ) bằng cách đào công sự tỏa ra như nan quạt, vừa đào vừa đánh. Lần này những chiến thuật như thế không thể gây kinh ngạc đến mức phải tự vẫn, như đại tá pháo binh Pháp Piroth ở Điện Biên Phủ, nhưng vẫn được nói đến trong các báo cáo chiến sự ở Khe Sanh. Quân Mỹ sẽ dùng B52 đánh “sát sườn” căn cứ của mình, hoặc sử dụng mọi thứ hỏa lực, kể cả bom na-pan để ngăn chặn từ xa sự lan tỏa trận địa chiến hào của đối phương.

Trong khi dõi theo chiến sự đang tiếp diễn ác liệt trên toàn miền Nam, Washington vẫn dỏng tai chờ tiếng súng mở màn Khe Sanh. Hôm 4-2, sau khi đọc báo cáo về việc đối phương “đang chuẩn bị tiến công cực kỳ mãnh liệt ở Vùng chiến thuật I”, một phụ tá quân sự cao cấp, tướng Ginsberg, được Johnson tuyệt đối tin tưởng, đã tâu rằng, chắc là tại B52 và máy bay ném bom chiến thuật đã làm “xáo trộn kế hoạch tiến công của Bắc Việt Nam”, hoặc giả, Hà Nội đang chờ các chiến trường phối thuộc, tức là các thành phố ở miền Nam, tổng công kích đợt hai.

Dường như không muốn Nhà trắng phải thất vọng, ngay hôm sau, mồng 5 tháng 2, một số đơn vị thuộc Sư đoàn 325 của miền Bắc đã tiến công cứ điểm 861 thuộc lực lượng đồn trú Khe Sanh, kết hợp với 4 giờ liền nện rốc két, cối và pháo hỏa chuẩn bị. Báo cáo cho Nhà trắng biết, thủy quân lục chiến Mỹ và B52 cũng đáp lại dữ dội. Bắt đầu từ đây, Westmoreland được yêu cầu gửi báo cáo chi tiết hằng ngày về Khe Sanh, gồm cả thời tiết, và tình trạng đường băng là yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động của cầu hàng không tiếp tế cho Khe Sanh và tải thương, bao nhiêu loạt COFRAM đã được bắn. Nổi bật trong đó dĩ nhiên là con số lính Mỹ chết hoặc bị thương trong ngày ở Khe Sanh và bao nhiêu trong số thương vong này đã được sơ tán bằng trực thăng. Số liệu này của ngày 5-2 chẳng hạn, là bảy lính cổ da (LTĐB Mỹ) tử trận, 44 người khác bị thương. Những cơn buốt đầu của ông chủ Nhà trắng được thể hoành hành dữ dội hơn.

Dịp này, Rostow viết báo cáo cho Tổng thống, nhấn mạnh: “À đây rồi, chính nó (thời điểm bản lề của cuộc chiến tranh)!”. Ông ta lưu ý rằng Việt cộng sẽ còn tổ chức những đợt tiến công mới vào các tỉnh lỵ, đô thị, vì cú sốc đầu tiên dành cho quân đội và bộ máy chính quyền Sài Gòn tuy mạnh, nhưng chưa đủ sâu. Ông tái khẳng định rằng cuộc chiến đấu trong các đô thị chính là “chiến dịch nghi binh then chốt” để hút quân dự bị đang dành để ứng cứu Khe Sanh phải trở về đánh nhau ở các thành phố (!) Cũng trong báo cáo này, Rostow đề xuất với tổng thống Mỹ, vì đây là “trận đánh có ý nghĩa quyết định đối với hướng đi của châu Á trong một thời gian dài và vị thế của Hoa Kỳ trên thế giới và là trận đánh chỉ được phép thắng, tổng thống cần:

1- Điều ngay sư đoàn không vận số 81 sang Việt Nam bằng máy bay.
2- Tăng cường lấy quân ở Việt Nam và các nơi khác nữa.
3- Huy động lực lượng dự bị ở Hoa Kỳ …

Rạng sáng 7 tháng 2, căn cứ lực lượng đặc biệt (LLĐB) Làng Vây, cách Khe Sanh 5 dặm về phía bắc bị tràn ngập bởi trung đoàn 66, “hung thần” của trận thung lũng Iađrăng 1965. Tướng Giáp đã xuất chiêu với “bảo bối” mới: các xe tăng do Liên Xô sản xuất. Viên chỉ huy Khe Sanh đã từ chối ứng cứu cho hơn 500 lính mũ nồi xanh đóng ở Làng Vây, sợ mắc mưu “đánh điểm diệt viện” của QĐND Việt Nam. Nhưng các máy bay phóng pháo đã tới oanh tạc. Nếu việc xe tăng xuất hiện ở chừng mực nào đó không hẳn đã là một bất ngờ (Nhà trắng đã dự kiến sự xuất hiện của bộ đội không quân và tên lửa Việt Nam ở Vùng chiến thuật I này), thì việc xe tăng tiến vào cứ điểm Làng Vây từ ba hướng, chỉ bị phát hiện khi đã ở trong hàng rào thép gai, lại gây sửng sốt, ngờ vực. Thái độ bạc đãi (tước vũ khí, giam xuống hố) của lính thủy đánh bộ Mỹ ở Khe Sanh đối với các lính LLĐB người Thượng chạy thoát từ Làng Vây về khiến người ta nghĩ rằng đã có một sự khắc phục bài học “nội phản”, như của cứ điểm Bản Kéo ở Điện Biên Phủ. Hồ sơ rút kinh nghiệm Điện Biên Phủ ở Nhà trắng có đề cập một nguyên nhân thất bại của tập đoàn cứ điểm này là, quân Pháp đã “sống chung” với một số lượng dân thiểu số bản xứ, mà người Pháp cho rằng đã có điệp viên của Việt Minh trà trộn vào. Trong thời gian Làng Vây bị tiến công, Khe Sanh cũng bị pháo kích, gây tổn thất cho lính thủy đánh bộ (LTĐB) Mỹ.

Thoái chí, nhổ neo chuồn

Sự căng thẳng “trước giờ nổ súng” mà Khe Sanh áp đặt khá lớn. Một số phụ tá quân sự và an ninh đã phải làm các động tác lên dây cót cho ông chủ Nhà trắng. Trong báo cáo 4-2-1968, tướng R.Ghin-đen-bớc tìm cách động viên tinh thần của các tư lệnh, cũng như Tổng tư lệnh (tức là tổng thống Johnson) bằng cách nêu lại một kinh nghiệm về giờ G (thời điểm đổ bộ) trong thế chiến II mà ông nghĩ là có ích cho Khe Sanh… Trong báo cáo 8-2-1968, một ngày sau khi mất Làng Vây, như là Him Lam của Điện Biên Phủ, đại sứ C. Lốt-giơ đã viết, vì quan điểm của ông có thể đã bị ai đó gièm pha “nơi trướng gấm” (Nhà trắng), ông tái khẳng định rằng không hề nghiêng ngả trong ủng hộ chủ trương giữ Khe Sanh, coi đó như một quyết định sống còn. Nhưng chỉ một tuần sau, gió xem ra đã đổi chiều. Rostow viết cho tổng thống trong báo cáo 14-2-1968 về Khe Sanh như sau:

“Tôi biết rằng Khe Sanh chiếm chỗ quá nhiều trong tâm trí của ngài, cũng như của tôi. Rất có thể đã quá muộn để làm được điều gì trong hoàn cảnh này. Nếu đúng như vậy, cần phải dẹp bỏ mọi nghi ngại sang một bên và sẵn sàng chiến đấu. Mặt khác, nếu còn có thời gian để áp dụng một ảnh hưởng hữu ích (lên tình hình), thì ta phải hành động ngay.

Tôi vừa xem lại các ý kiến của tướng Westmoreland trong các điện văn gần đây. Theo đó, ông ta trình bày rằng việc chiếm đóng Khe Sanh từ ban đầu đã được biện minh bởi nhu cầu thiết lập một căn cứ hành quân nhằm tiến hành các hoạt động ngăn chặn các đường thâm nhập chính yếu từ đông Lào sang. Quan trọng hơn, việc chiếm đóng này còn ngăn chặn địch tiến về Quảng Trị, cũng như ngăn chặn chiến sự lan tới vành đai đông dân ven biển của Vùng chiến thuật I. Nhưng Westmoreland lại thừa nhận rằng Khe Sanh chẳng hữu hiệu mấy trong ngăn chặn thâm nhập từ Lào, và vai trò ngăn chặn (Quân giải phóng) tiếp cận Quảng Trị cũng chẳng rõ rệt lắm, cả trong quá khứ lẫn hiện tại.

Vậy là tướng Westmoreland trở nên không ủng hộ mạnh mẽ cho việc phòng thủ Khe Sanh nữa, bởi vai trò hiện tại của nó trong ngăn chặn các đường thâm nhập từ Lào hay trong phòng thủ khu vực chủ yếu của các tỉnh phía Bắc (của Nam Việt Nam). Cho dù tướng Westmoreland có nói trong một cuộc điện thoại với tướng Uyn-lơ rằng, ông tin tưởng rằng việc giữ Khe Sanh sẽ đem lại cơ hội, vào một lúc nào đó, chống lại đòn đánh mạnh của kẻ thù. Nhưng ông đã không nhấn mạnh điều này. Ngược lại, qua các bức công điện, ông tỏ ra bị căng thẳng do những khó khăn của việc rời bỏ Khe Sanh, cùng những hậu quả tâm lý sẽ đến của cuộc rút lui này, ảnh hưởng lên Nam Việt Nam và lên công chúng Mỹ…”.

Những căng thẳng dồn nén trong chiến cuộc Xuân 1968 đã dẫn đến tuyên bố nổi tiếng của Johnson hôm 31 tháng ba, hạn chế việc ném bom tới rìa phía Bắc khu phi quân sự, bày tỏ sự sẵn lòng đàm phán của phía Mỹ, cũng như quyết định không chạy đua cho một nhiệm kỳ tổng thống nữa. Ngay hôm sau, vào ngày “nói dối”, 1-4, cuộc hành binh giải tỏa Khe Sanh bắt đầu. Hồ sơ Nhà trắng giai đoạn này cũng phản ảnh “chiến dịch nghi binh” bằng một liên đội tăng cường quân kỵ binh bay Mỹ, tiểu đoàn 3 LTĐB Mỹ và chiến đoàn 2 của Sài Gòn, được yểm trợ bởi năm tàu chiến Mỹ, đánh về phía tây bắc Đông Hà báo cáo 4-4-1968), để phân tán lực lượng “địch” đang vây ép Khe Sanh. Hồ sơ trận Khe Sanh của Nhà Trắng, hiện mới giải mật đến hôm 5-4-1968. Theo các nguồn tin khác của Mỹ, quân kỵ binh bay Mỹ đã phải nện nhau thật lực với quân Bắc Việt Nam hôm mồng 6, cũng như trận đánh tại lô cốt cũ của Pháp ở Khe Sanh kéo dài 3 ngày liền từ 4 đến 7 tháng 4. Nhìn chung, hoạt động đánh trả đầu tháng 4 của đối phương được các báo cáo trong hồ sơ Khe Sanh là “không mạnh”, để quân kỵ binh bay thuộc loại “hàng xịn” còn mã hồi cho sớm. Nhưng, vẫn theo nguồn tin Mỹ, khi Ngựa bay chính thức kết thúc hôm 15-4, tức là sau hai tuần, đã có gần 800 lính Mỹ và hơn 200 lính Sài Gòn bị loại khỏi vòng chiến đấu trong chiến dịch giải tỏa Khe Sanh này.

Giấu đi đâu một “Điện Biên Phủ” nữa

Tưởng như đã bưng bít xong, nhưng rồi Nhà Trắng lại chao đảo lần nữa vì Khe Sanh. Lần này, lại vẫn do lũ nhà báo giở giói ra. Ngay từ hôm 24-6 phóng viên Giôn Ca-rôn của tờ Mặt trời Baltimore đã loan tin Bộ chỉ huy Mỹ “vừa buộc phải rút bỏ Khe Sanh, một căn cứ quân sự được (Mỹ) phòng thủ với một giá đắt, do vị trí rào cản có tính sống còn của nó ở dưới khu giới tuyến”. Bộ chỉ huy Mỹ mập mờ phủ định tin này, nhưng tay phóng viên khẳng định “Các thủy quân lục chiến biết việc này, người Bắc Việt Nam biết việc này, chỉ có nhân dân Mỹ là không biết. Mặc dù Bộ chỉ huy Mỹ giải thích việc này (bỏ Khe Sanh) là do những yêu cầu về quân sự đặt ra, nhưng miền Bắc cho đây là thất bại nghiêm trọng nhất cả về chiến thuật lẫn chiến lược của Mỹ trong cuộc chiến tranh này”.

Theo báo cáo dành cho tổng thống 25 và 26-6-1968, quân sư “quạt… máy” Rostow đã phải nhanh chóng ra tay. Một là, ông ta đã mất nửa giờ thuyết phục hãng tin Mỹ tầm cỡ toàn cầu AP đừng đưa tin của Mặt trời Baltimore. Hai là, để hỗ trợ cho Abrams hiện đang rối beng lên về việc “tiêu thổ” ở Khe Sanh và trăm thứ việc khác trên toàn miền Nam, Rostow đã dự thảo để MACV ra một tuyên cáo. Cốt lõi cho tuyên cáo này là, quân Mỹ phải bỏ Khe Sanh chỉ vì “địch đã thay đổi chiến thuật”. Tuy nhiên. Rostow vẫn còn lo Westmoreland, đã nổi đóa vì bị Abrams qua mặt, cho bỏ Khe Sanh ngay sau khi người tiền nhiệm vừa rời gót, sẽ phản đối luận điệu này. May mà mọi sự êm thấm. Rostow đã dàn xếp được để phát biểu của Abrams ở Việt Nam, và của Westmoreland ở Honolulu không chống nhau. Thông báo của Bộ chỉ huy Mỹ hôm 26-6-1968 đã không dài dòng văn tự như kịch bản Rostow dự thảo, chỉ gồm hai luận điểm, để khỏi hở sườn. Một là, việc căn cứ Khe Sanh “thôi không hoạt động nữa là do địch đã thay đổi chiến thuật”. Hai là, Bắc Việt Nam hiện đang tập trung ở vùng quanh Khe Sanh tới 8 (!) sư đoàn, chứ không còn là 6 sư đoàn như hồi tháng Giêng 1968.

Tác động của Mỹ rút bỏ Khe Sanh đối với công luận được tác giả Peter Bush đánh giá như sau:

“Tướng Abrams ra lệnh giữ bí mật chuyện đóng cửa căn cứ càng lâu càng tốt. Đến khi chuyện này buộc phải công bố chính thức, chỉ một lượng thông tin nhỏ được cung cấp. Sự kiện bỏ Khe Sanh được công luận Mỹ nhìn nhận một cách “đầy ngờ vực và hoang mang”. Lầu Năm Góc ghi nhận việc công bố quyết định bỏ Khe Sanh là “một sứ mạng khó khăn về phương diện tuyên truyền”.

Ngày 7 tháng 7, tờ Thời báo New York đưa tin từ Hồng Kông, cho rằng người châu Á nhìn chung tin vào lý do Mỹ phải bỏ Khe Sanh mà đài Hà Nội đã đưa ra, và bác bỏ cách giải thích của Mỹ, theo đó việc bỏ Khe Sanh là do “tình hình về quân sự đã thay đổi”.

Không giống như một số trận đánh khác, Khe Sanh đã chiếm được chú ý của truyền thông đại chúng và công luận ở Mỹ. 25 phần trăm thời lượng phim chiếu trên chương trình truyền hình buổi tối trong tháng 2 và tháng 3 năm 1968 tường thuật tình hình ở Khe Sanh. Riêng kênh CBS, tỷ lệ này là 50 phần trăm. Viện Gallup đưa ra số liệu, cứ 5 người thì 1 vừa chuyển từ lập trường diều hâu sang bồ câu trong khoảng cuối tháng 2, đầu tháng 3. Vì thế, cách tốt nhất để làm cho Khe Sanh khỏi gây ảnh hưởng xấu đối với công chúng Mỹ là bỏ căn cứ này”.

Nhưng cho đến ngày nay, Khe Sanh vẫn là một chủ đề gây nhức nhối ở Mỹ. Và để làm dịu bớt, còn nhiều tư liệu của Mỹ dần dà sẽ được giải mật. Và người dân sẽ được thông tin đầy đủ hơn về việc Nhà Trắng và bộ sậu diều hâu ở Mỹ đã “lãnh đủ một Điện Biên Phủ” ở Khe Sanh ra sao trong chiến cuộc Xuân Mậu Thân.

Theo QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Tags: ,