⠀
Giai thoại tình yêu của vua Lê Đại Hành và thái hậu Dương Vân Nga
Giải oan cho nghi án thông dâm giữa vua Lê Đại Hành và thái hậu Dương Vân Nga, có một giai thoại kể về mối tình thời trẻ giữa ông và Dương thị ở Ninh Bình mà ít người biết đến.
Đền thờ vua Lê Đại Hành ở Cố đô Hoa Lư.
Chỉ là nối lại tình xưa
Giai thoại này cho rằng, việc quan hệ của vua Lê Đại Hành và thái hậu Dương Vân Nga sau này, trong cung đình khi vua Đinh Tiên Hoàng đã băng hà, chỉ là việc hợp pháp hoá mối tình thời thanh xuân và là cách họ nối lại tình xưa.
Theo giai thoại này, Lê Hoàn vốn là một vị tướng rất thương yêu binh sĩ và luôn đồng cam cộng khổ cùng binh sĩ. Một ngày đẹp trời, ông thăm nhà một anh lính họ Dương để kết thêm tình quân dân và gặp Dương Vân Nga. Trai tài gái sắc sóng mắt đưa tình, thế là “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”.
Trong lúc đó, Ðinh Bộ Lĩnh đang là hoàng đế ở Hoa Lư. Ông không thể không quan tâm đến tiếng đồn về sắc đẹp của Dương Vân Nga và không hề biết giữa nàng và vị tướng Lê Hoàn đã ‘thầm yêu trộm nhớ”. Nhưng vì được hoàng đế để mắt, Dương Vân Nga trở thành hoàng hậu của vua Ðinh là thế bắt buộc.
Sau khi lấy Dương Vân Nga, Ðinh Bộ Lĩnh mới được biết người vợ yêu chính là người thương của Lê Hoàn, vì thế không ngừng thử thách lòng trung thành của vị tướng này. Và Lê Hoàn – không phụ lòng Ðinh Bộ Lĩnh – trước sau thể hiện sự trung quân, nên được vua Đinh trao cả 10 đạo quân. Nắm trong tay binh quyền, nếu Lê Hoàn có lòng phản nghịch thì thật không phải đợi đến ngày vua băng hà.
Tuy nhiên, có lẽ Ðinh Bộ Lĩnh dù tin Lê Hoàn cũng không muốn ông ở gần ái hậu của mình vì thế Lê Hoàn luôn phải ra biên ải. Đó cũng là chứng cứ ngoại phạm khi Ðinh Bộ Lĩnh và Ðinh Liễn bị Ðỗ Thích giết, ông không có ở trong cung. Mối nghi giết vua không phải là Ðỗ Thích thì cũng không thể đổ lên đầu Lê Hoàn được.
Tiếp đó, vì phải bảo vệ con và chính bản thân mình, Dương Vân Nga phải mời Lê Hoàn về kinh đô để lo mọi sự. Điều này cho thấy, mối quan hệ của Dương Vân Nga và Lê Hoàn thật sự không đơn giản ở vai trò Hoàng Hậu và Thập Ðạo tướng quân, mà là một mối quan hệ sâu lắng. Khi thấy nguy ngập thì người đầu tiên Hoàng hậu họ Dương nghĩ đến là Lê Hoàn và khi Lê Hoàn về đến kinh đô, tình cảm đè nén của hai người bao nhiêu lâu được dịp bùng nỗ mãnh liệt. Kết quả là Dương Vân Nga tự tay khoác áo long bào lên vai Lê Hoàn và chính thức trở thành Hoàng hậu lần thứ hai.
Dẫu chỉ là giai thoại không thể kiểm chứng những câu chuyện cho thấy sự cảm tình đặc biệt của dân gian với vị vua tài trí của nhà tiền Lê. Đó cũng là lý do tại Hoa Lư dân thờ Dương Vân Nga chung với Lê Hoàn, khi đến ngày giỗ của Ðinh Tiên Hoàng thì thỉnh Dương Vân Nga đến đền thờ ông một đêm, rồi sáng mai đem trả lại đền thờ của vua Lê.
Sự ưu ái của dân gian
Không chỉ bênh vực vua Lê Đại Hành trong nghi án với Dương Vân Nga, dân gian và các nhà sử ký còn có nhiều lời ca ngợi ông như một tấm gương trẻ mồ côi kiên cường tài trí.
Thần tích Lê Hoàn tại lăng vua Lê, làng Ứng Liêm (Hà Nam) kể rằng, Lê Hoàn sinh ra ở xã Trường Yên, Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Ông nội là Lê Lộc và bà nội là Cao Thị Phương; cha là Lê Hiền, mẹ là Đặng Thị Khiết. Nhà nghèo nên cha mẹ ông đã về xã Ninh Thái, Thanh Liêm, Hà Nam làm nghề chài lưới, đơm đó bắt cá. Ngày mùng 10 tháng Giêng năm Nhâm Tuất (942), mẹ ông sinh ra ông. Năm lên 7 tuổi, ông mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải làm con nuôi quan án châu Ái (Thanh Hoá).
Cha mẹ qua đời sớm, Lê Hoàn được một vị quan là Lê Đột nhận về nuôi. Lớn lên ông đi theo Nam Việt Vương Đinh Liễn và đã lập được nhiều chiến công, Đinh Bộ Lĩnh giao cho ông chỉ huy 2.000 binh sĩ. Đến năm 968, Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp xong loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, lập nên nhà Đinh. Lê Hoàn có công lao trong cuộc đánh dẹp và được giao chức vụ Thập đạo tướng quân (tướng chỉ huy mười đạo quân), Điện tiền đô chỉ huy sứ – tức chức vụ tổng chỉ huy quân đội cả nước Đại Cồ Việt, trực tiếp chỉ huy đội quân cấm vệ của triều đình Hoa Lư. Lúc đó ông mới 27 tuổi.
Xung quanh thân thế của vua Lê Đại Hành còn được kể với nhiều tình tiết ly kỳ. Chẳng hạn, thân mẫu Lê Hoàn, khi đang mang thai ông, bỗng nằm mơ thấy bụng mình nở ra hoa sen và kết thành hạt sen ngay. Bà bấy hạt sen ấy đem chia cho mọi người nhưng phần mình lại không ăn. Tỉnh dậy, bà lấy làm lạ lắm. Đến khi sinh vua, vừa thoáng thấy mặt mũi đến hình dáng đều khác thường, bà nói với mọi người: “Thằng bé này về sau ắt sẽ được sang giàu hơn người, chỉ tiếc là tôi không kịp được hưởng lộc mà thôi”.
Thế rồi được độ vài năm, bà mất. Bấy giờ, có viên quan người họ Lê (hiện chưa rõ tên), người Ái Châu (nay thuộc Thanh Hóa) thấy vua có dung mạo khác thường, bèn nuôi làm con. Một hôm, mùa đông giá rét, Lê Hoàn phải nằm phục xuống như hình cái cối úp cho đỡ buốt, chẳng dè đêm ấy, nhà sáng rực cả lên vì có con rồng vàng nằm che lên…
Đặc biệt, các nhà nghiên cứu đã thống kê được hơn 43 nơi thờ Lê Đại Hành (trong đó có 12 nơi thờ riêng, 5 nơi phối thờ với bà vợ cả là Đô Hồ phu nhân; 2 nơi phối thờ với thái hậu Dương Vân Nga và 21 nơi thờ với các vị thần khác). Trong đó Ninh Bình là tỉnh có nhiều di tích thờ Lê Hoàn nhất là 12 nơi; tiếp theo là Thái Bình với 10 nơi; Hà Nội có 10 nơi, Nam Định 4 nơi, Hà Nam 3 nơi; các tỉnh Thanh Hoá, Hưng Yên, Hải Phòng, Hải Dương đã tìm thấy 1 nơi thờ.
Theo ĐẤT VIỆT ONLINE
Tags: Nhà Tiền Lê, Tình yêu, Lê Đại Hành, Giai thoại lịch sử