Những gợi mở về tương lai nước Nga trên ‘con đường Putin’

Chiến thắng áp đảo của Tổng thống Vladimir Putin trong cuộc bầu cử vừa qua đã chứng minh sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng Nga với cách thức ông lãnh đạo đất nước, đồng thời là chỉ dấu cho thấy Moskva sẽ rất kiên định trong việc đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Những gợi mở về tương lai nước Nga trên ‘con đường Putin’

Phá kỷ lục của chính mình

Ông Putin chiến thắng không phải điều ngạc nhiên, yếu tố gây bất ngờ là chiến thắng đó xô đổ mọi kỷ lục của nước Nga hiện đại do chính ông thiết lập và vượt mọi dự báo của phương Tây: Ông giành gần 87,3% phiếu bầu, trong cuộc bầu cử có tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao nhất từ trước đến nay là hơn 77% trong tổng số 112 triệu cử tri. Để so sánh, trước đó 6 năm, ông Putin vượt qua các đối thủ nhờ sự ủng hộ của 63,6% cử tri. Năm 2004 và 2000, ông giành 71,3% và 52,9% số phiếu. Năm 1996, ông Boris Yeltsin trở thành lãnh đạo sau 2 vòng bầu cử, với số phiếu vòng thứ hai là 53,8%. Ông Dmitry Medvedev thắng cử nhiệm kỳ Tổng thống Nga 2008-2012 với số phiếu 70,3%.

Chiến thắng áp đảo đến với Tổng thống Nga đương nhiệm khi ông không tổ chức các sự kiện vận động tranh cử rầm rộ. Thay vì tiếp xúc công chúng như các đối thủ, ông Putin gửi thông điệp qua các lịch trình làm việc hằng ngày của mình, như cuộc gặp với các nhóm thanh niên và xây dựng chương trình phát triển đất nước.

Sự ủng hộ của người dân Nga dành cho ông Putin không khó lý giải. Đối với người Nga trải qua khó khăn sau khi Liên Xô sụp đổ, phần lớn họ tin ông là người khôi phục Nga từ đống đổ nát, đưa quốc gia này thành một trong những cường quốc trên nhiều lĩnh vực, đồng thời sẵn sàng bảo vệ lợi ích quốc gia trước áp lực của phương Tây. Đối với thế hệ trẻ, nhiều người “nhìn ông Putin như người hùng”, theo National Geographic, bởi ông giúp mang đến cho họ cơ hội phát triển và một đất nước ổn định. “Họ tự hào về đất nước và tầm vóc của đất nước, gắn sức mạnh quân sự của đất nước với sự vĩ đại và tin tưởng vào tương lai đất nước”, National Geographic mô tả.

Kể từ khi trở thành quyền Tổng thống Nga ngay trước đêm giao thừa 31/12/1999, sau đó bước qua 4 nhiệm kỳ tổng thống và 1 nhiệm kỳ thủ tướng (2008-2012) ông Putin đã gắn hình ảnh cá nhân với từng bước phát triển của nước Nga. Bên cạnh những thành tựu về đối ngoại, quân sự, những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người Nga đều được cải thiện rõ rệt: Vào thời điểm Tổng thống Putin lên nắm quyền nhiệm kỳ đầu tiên, Nga ghi nhận lạm phát hơn 80% (năm 1999) và chỉ có 12 tỷ USD dự trữ ngoại hối với nợ công ở mức 92,1% GDP. Sau 10 năm, GDP Nga tăng 94% và GDP bình quân đầu người tăng gấp đôi.

Đến nay, Nga có hàng trăm tỷ USD dự trữ ngoại hối, nợ công Nga còn khoảng 21,8%. Dự trữ vàng của Nga tăng gần 7 lần sau 24 năm, từ 343 tấn năm 2000 lên 2.332 tấn năm 2024, theo Trading Economics. Bất chấp bão trừng phạt của phương Tây, tỷ trọng của Nga trong kinh tế toàn cầu tăng từ 2% lên khoảng 4%. Theo số liệu của World Bank, Nga đã lọt danh sách 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới dựa trên GDP tính theo sức mua tương đương (PPP), sau Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản. Nếu xét theo GDP danh nghĩa, Nga là nền kinh tế lớn thứ 8 toàn cầu.

Kinh tế phát triển đồng nghĩa an sinh xã hội được đảm bảo, số người sống trong mức nghèo khó giảm. Tình hình an ninh tại Nga cũng chuyển biến tốt lên trông thấy sau 2 thập kỉ. Kết quả thăm dò của Gallup thực hiện lần đầu năm 2006 cho thấy chỉ 27% người dân Nga cảm thấy an toàn khi đi một mình trong đêm tại nơi họ sống, ngang ngửa với quốc gia đứng chót bảng là Chad (24%). Năm 2023, tỷ lệ này là 71%, thuộc nhóm dẫn đầu.

Khi cơn bão trừng phạt của phương Tây ập đến với việc hơn 40 quốc gia áp đặt gần 12.000 lệnh cấm vận chống lại Nga rồi phong tỏa 300 tỷ USD tài sản của Nga ở nước ngoài, nền kinh tế Nga tưởng chừng nhanh chóng sụp đổ. Tuy nhiên, 2 năm qua, Nga đã trụ vững, tỷ lệ thất nghiệp được duy trì ở mức tương đối thấp và nền kinh tế Nga dự kiến tăng trưởng 2,6% trong năm nay, gấp đôi dự báo trước đó, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Con số này vượt xa mức tăng trưởng ước tính 0,9% của châu Âu. Dmitri, một nhân viên bất động sản 41 tuổi cho biết, ông Putin là lựa chọn của anh và nhiều người dân Nga khác. “Chúng tôi chắc chắn bỏ phiếu cho ông Putin, ông ấy đã khiến nước Nga trở thành một đất nước tốt đẹp hơn nhiều”, CNN dẫn lời Dmitri.

Xung đột Ukraina định hình chính sách Nga

Trong bài phát biểu mừng chiến thắng, ông Putin nói rất ngắn gọn, thông điệp chính là cám ơn sự tin tưởng của người Nga. Mô tả “nguồn quyền lực duy nhất của đất nước là người dân Nga”, ông Putin nêu rõ, kết quả bầu cử đã chứng minh “sự tin tưởng của người dân đất nước và niềm hy vọng của họ rằng chúng ta sẽ làm mọi thứ theo đúng kế hoạch”. Nói cách khác, ông Putin đánh giá chiến thắng của mình là thông điệp mà người Nga gửi nhà lãnh đạo đất nước, rằng họ muốn ông tiếp tục chèo lái đất nước để đạt được các mục tiêu mà nước Nga đang kiên trì theo đuổi.

Moskva rất kiên định với các yêu cầu đặt ra cho chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina và khẳng định họ phải là bên vạch ra những điều khoản đảm bảo an ninh bằng văn bản cũng như coi việc duy trì “hiện trạng trên thực địa” là điều kiện đàm phán tiên quyết. Có thể nói, chiến sự Ukraina đã, đang và sẽ là yếu tố then chốt tác động đến các chính sách kinh tế cũng như đối ngoại của Nga trong nhiệm kỳ tới.

Đầu tháng 3/2024, ông Putin khẳng định Nga không cân nhắc tạm dừng chiến sự, bởi điều đó sẽ tạo điều kiện cho Ukraina tái vũ trang. Sau khi thắng cử, ông Putin đi xa hơn khi cho rằng, Nga sẽ lập “vùng đệm an ninh” ở Ukraina, trong đó có tỉnh Kharkov, để ngăn cản những vụ tấn công quấy nhiễu qua biên giới. Theo ông, vùng đệm an ninh cần đủ lớn để khí tài phương Tây cung cấp cho Kiev không thể vươn đến đất Nga. Moskva mất 2 năm để giành và duy trì kiểm soát 4 khu vực trong chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraina và họ sẵn sàng giành thêm nhiều năm nữa để đạt ý định thiết lập vùng đệm.

Chiến sự kéo dài có nghĩa là căng thẳng với phương Tây không thể hạ nhiệt. Nước Nga trong nhiệm kỳ thứ 5 của ông Putin có thể áp dụng chính sách cứng rắn hơn nữa với phương Tây, trong khi củng cố quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ, Iran và các quốc gia đang phát triển khác.

Với phương Tây, Nga đã thể hiện thái độ rõ ràng rằng, họ không mong muốn nổ ra xung đột trực tiếp, nhưng nếu “lằn ranh đỏ” ở Ukraina tiếp tục bị xâm phạm, Moskva sẽ không loại trừ bất cứ khả năng nào để bảo vệ an ninh quốc gia. Trên Sputnik, nhà phân tích quân sự Alexei Leonkov khẳng định, nước Nga dưới thời ông Putin sẽ không sa vào cuộc chạy đua vũ trang với phương Tây, thay vào đó sẽ phát triển công nghệ. “Thắng lợi của Tổng thống Putin là yếu tố quyết định khi dưới thời ông, Nga đã xây dựng một dây chuyền công nghệ. Nó xuất phát từ công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) và kết thúc là sự ra lò các vũ khí, thiết bị quân sự hiện đại”, ông Leonkov nêu quan điểm.

Giới phân tích suy đoán, sắp tới, ông Putin có thể sẽ cải tổ Chính phủ Nga để thích ứng các nhu cầu thời chiến, đồng thời tập trung vào nhiệm vụ đảm bảo cho người dân Nga tiếp tục có cuộc sống bình thường. Ông Putin cam kết gia hạn các khoản thế chấp giá rẻ được chính phủ hỗ trợ nhằm giúp đỡ về tài chính cho các gia đình trẻ, đặc biệt là những người có con nhỏ. Ông tuyên bố dành thêm nguồn lực vào y tế, giáo dục, khoa học, văn hóa; đặt mục tiêu đưa tỷ lệ đói nghèo tại Nga xuống dưới 7% vào năm 2030. Ông nêu ra hàng loạt sáng kiến khác giúp nâng tuổi thọ trung bình của người dân hiện khoảng 73 tuổi lên 78 tuổi vào năm 2030, sau đó vượt mốc 80 tuổi.

Nga cũng sẽ chú trọng thực hiện kế hoạch chi hàng tỷ USD từ nguồn thu dầu mỏ để giải quyết nghèo đói và xây dựng lại cơ sở hạ tầng của đất nước. 2 dự án giao thông hiện rất được quan tâm là tuyến đường sắt chạy từ lãnh thổ Nga qua các khu vực mới sáp nhập đến bán đảo Crimea do ông Putin công bố ngày 19/3 và tuyến đường sắt khác chạy từ Nga, xuyên qua vùng Trung Á, Iran để đến thành phố Mumbai của Ấn Độ – thị trường mà Moskva rất muốn chinh phục, theo New York Times.

Sự trỗi dậy của Nga và việc xích lại gần nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS cũng có thể đẩy mạnh quá trình phi USD hóa và tạo nên đối trọng mới với nhóm G7. Bà Anne Krueger, nguyên lãnh đạo IMF, nhận định việc phương Tây tách Nga khỏi đồng USD sẽ buộc các đối tác của Nga dùng đồng tiền khác và làm giảm vai trò đồng USD về lâu dài.

“Trong 2 năm qua, chính quyền của ông Putin đã tái cấu trúc để thích ứng với một cuộc chiến dài hơi và điều này sẽ tiếp diễn trong nhiệm kỳ mới của ông”, Andrei Kolesnikov, chuyên gia cấp cao tại Viện Hòa bình Quốc tế Carnegie, nhận định.

Theo AN NINH THẾ GIỚI

Tags: , ,