⠀
Nhận diện tính cách dân tộc Việt qua truyện trạng
Hệ thống truyện trạng Việt Nam bao gồm các bộ phận truyện Trạng Quỳnh, truyện Xiển Bột, truyện Nguyễn Kinh, truyện Thủ Thiệm, truyện Ông Ó, truyện Khun Hón (dân tộc Thái), truyện Lật Đời (dân tộc Chăm),… Qua nhiều thế hệ, chúng luôn hấp dẫn, lôi cuốn người đọc (nghe).
1. Sự thông minh, tài trí của các nhân vật trạng do nhân dân bao đời sáng tạo nên, nhằm phản ánh khát vọng về người tài giỏi có thể làm xã hội trở nên công bằng, conngười sống trong môi trường lành mạnh, lẽ phải được xiển dương, áp bức bị lên án và đánh bại. Do việc sáng tạo của văn học dân gian mang tính tự phát, tính cộng đồng, không phải bằng sự thông thái kèm ý thức chủ quan và cá tính mạnh mẽ như của các nhà văn, nên có thể tìm thấy mối quan hệ nhất định giữa tính cách của các nhân vật được un đúc, tô bồi, với tính cách của cộng đồng sáng tạo nên các nhân vật ấy. Nói rõ hơn: tính cách của nhân vật trạng có sự tương đồng nhất định với tính cách dân tộc.Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn trong bài “Thói nguỵ biện của người Việt”, viết: “Người Việt chúng ta thường rất tự hào về những đối thoại (mà chúng ta cho là “thông minh”) giữa Trạng Quỳnh và Chúa Trịnh ngày xưa. Nhưng nói một cách công bằng và theo tiêu chuẩn của lí luận logic, thì những trao đổi của Trạng Quỳnh hay tương tự chỉ là những ngụy biện ở trình độ thô sơ nhất. Nhưng có điều đáng buồn là những đối thoại kiểu Trạng Quỳnh, mà trong đó sự hơn thua nhau từng câu nói, bắt bẻnhau từng chữ, vặn vẹo ý nghĩa của từng câu văn, v.v… lại đi vào sử sách, như thể để làm gương cho thế hệ sau này. Mà làm gương thật. Cho đến ngày nay, có người vẫn còn cho đó là một biểu tượng của sự thâm thúy, thông minh của dân tộc, là phản ánh sự phong phú của ngôn ngữ Việt, và đem ra ứng dụng trong tranh luận” (1). Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong bài “Lạm bàn về thơ Việt hôm nay”, viết: “Đành rằng chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc có ý nghĩa to lớn trong dựng nước và giữ nước. Tuy nhiên trong hàng ngàn, hàng vạn năm không có chiến tranh, trận mạc, lúc đó lòng yêu nước trở thành “viên ngọc quý, được cất giữ trong rương trong hòm”, thì cái mà người Việt vẫn dựa vào để tồn tại vững vàng qua mỗi ngày lại là nhân cách Việt. Đó là tất cả những giá trị giúp con người tồn tại như một nhân cách xứng đáng, trong khuôn khổ cộng đồng Việt, tạm gọi là nhân cách Việt. […] Theo nghĩa đó, có thể xem truyện Trạng Quỳnh là biểu tượng về nhân cách Việt, hơn là tinh thần phản phong và chống ngoại xâm như ta thường giải thích”(2).
Hai trích dẫn vừa ghi có một nhìn nhận chung (tạm không bàn đến các nội dung ngoài việc nhìn nhận này): sự ứng xử của Trạng Quỳnh được xem là biểu tượng “của sự thâm thúy, thông minh” hay “về nhân cách”của dân tộc, hiện được mọi người đem ra ứng dụng. Đây là vấn đề mà bài viết đang đặt ra.
Khái niệm nhân cách thường được hiểu như một khía cạnh thiên về giá trị hay sự định giá về mặt đạo đức của tính cách. Bên cạnh đó, cũng có thể mở rộng phạm vi của “nhân vật Trạng Quỳnh”, thành các nhân vật trạng của tổng thể truyện trạng Việt Nam – sở dĩ cần sự mở rộng này vì các nhân vật trạng trong tổng thể truyện trạng Việt Nam ở nhiều vùng miền của đất nước, đều có quan hệ gắn bó với nhau thành một thể thống nhất, và nhìn chung, họ có cùng một tính cách. Bấy giờ, sẽ nảy sinh vấn đề: trong tính cách của các trạng, được cho là biểu tượng của tính cách dân tộc ấy, có những ưu, nhược điểm gì? Vấn đề cần được xem xét, bởi ngoài yêu cầu về nội dung mà việc tìm hiểu truyện trạng phải nắm bắt, còn là vấn đề thuộc lĩnh vực con người, nhân tố chính làm nên cục diện của đất nước.
2. Các nghiên cứu về truyện trạng thường nói nhiều đến mặt đấu tranh xã hội của nhân vật trạng. Trong một tìm hiểu của người viết về vấn đề, qua 371 mẩu truyện của 27 bộ phận truyện trạng Việt Nam, thì cụ thể về mặt đấu tranh này được chia làm ba lĩnh vực như sau: a)Truyện trạng chống lại sự gian tham, tàn ác của tầng lớp hào lí, quan lại, vua chúa (229 truyện, chiếm 61,7%); b) Truyện trạng trừ khử các thói hư tật xấu của người dân thường (114 truyện, chiếm 30,7%); c) Truyện trạng bài xích quỷ thần, người phụng sự quỷ thần (28 truyện, chiếm 7,5%). Nhìn chung, đó là sự đấu tranh vì tiến bộ xã hội. Có thể nói, ba nội dung vừa nêu đồng thời cũng là ưu điểm của truyện trạng, của nhân vật trạng.
Bên cạnh ưu điểm lớn vừa nêu, cũng cần trình bày một số nhược điểm, hạn chế hiện chưa thấy các nghiên cứu về truyện trạng đề cập. Đó là:
+ Nhân vật trạng sử dụng mưu kế, tức “bày binh bố trận”, quyết hạ bệ hay thuyết phục bằng được đối phương, và luôn thành công. Chúng ta không khó nhận ra, đây là cuộc đọ sức thiếu sòng phẳng, công khai, bởi một bên được chuẩn bị chu đáo, bên kia bị đánh úp bất ngờ. Nói rõ hơn, trạng đã sử dụng một phương tiện không công bằng, trong đó phần lợi nghiêng về phía mình. Nó tương tự với lối đánh mai phục hay phục kích (ém sẵn người, vũ khí ở một địa thế phù hợp, để bất ngờ tấn công khi đối phương sa vào trận địa đã chuẩn bị ấy), thường gặp ở các đội quân nhỏ lẻ, khi tổ chức chiến đấu chống lại một lực lượng đối lập mạnh hơn.
Điều vừa nói được thể hiện ngay trong chính mô hình (mô hình cấu trúc ngôn ngữ văn bản), đồng thời là kết cấu, cốt truyện gồm bốn phần (hay bốn bước) của thể loại này: 1) Tạo mâu thuẫn giữa nhân vật trạng và nhân vật là đối tượng mà trạng cần chiến thắng (theo lối hạ bệ, thuyết phục) – bước thắt nút haykhai đoan; 2) Nhân vật trạng tiến hành các phần việc theo mưu kế của mình, để tấn công đối tượng – bước phát triển; 3) Mưu kế được thực hiện trọn vẹn, nhân vật trạng chiến thắng, đối tượng của nhân vật trạng bị hạ bệ hay thuyết phục – bước đỉnh điểm, cao trào; 4) Nhân vật trạng hả hê, đối tượng của nhân vật trạng ê đòn (có khi, bước này nhằm giải thích cho bước trước) – bước mở nút, kết thúc.
Trên đại thể, mô hình ấy đã phân định: phía nhân vật là đối tượng của trạng, đó là kẻ gian ác, sai bậy (nhân vật phản diện); phía nhân vật trạng, là người chống lại cái ác, bảo vệ lẽ phải, nhưng đang ở vào thế yếu (như người dân thường mà chống lại quan chức, quan nhỏ chống lại quan to,…), hoặc phải tự vệ chính đáng (nhân vật chính diện). Ngoài ra, có một điều quan trọng khác bổ sung cho sự hợp lẽ ở phía nhân vật trạng nữa, là việc làm của trạng không nhằm mang lại lợi lộc hay để vinh thân phì gia, mà vì cộng đồng, vì tôn trọng các chuẩn mực chung (về trí tuệ, đạo đức,…) (3).
Như vậy, đã có thể nói, truyện trạng, ở bình diện kết cấu hình tượng nghệ thuật, cái để tạo nên thông điệp cho tác phẩm, đã thể hiện một quan niệm ngầm ẩn: lấy mục đích biện minh cho phương tiện (4) (trạng đã vin vào mục đích chính đáng để biện minh cho phương tiện không được tử tế, sòng phẳng của mình). Đây là một quan niệm chỉ có thể chấp nhận trong một số trường hợp đặc biệt, bởi còn phải xem xét mức độ, phạm vi của mục đích cùng phương tiện sử dụng tương ứng, và hoàn cảnh của sự việc liên quan.
Có không ít phương tiện xấu đã làm lu mờ mục đích tốt đẹp. Chẳng hạn, truyện “Bà huyện đái dầm” (truyện Ba Giai) kể việc Ba Giai đột nhập vào thuyền của vợ chồng viên huyện Gà đang nghỉ ngơi bên bờ sông. Do có quen biết, nên ông được mời ăn uống cùng họ. Ăn xong, vờ lăn ra ngủ. Gần sáng, Ba Giai múc nước đổ từ chỗ bà huyện nằm đến chỗ mình, rồi lu loa lên là bà huyện đái dầm, ướt cả áo quần. Huyện Gà đành phải đền cho ông bộ đồ lụa tơ tằm mới, bộ đồ bị ướt kia cũng cho giặt và hứa mang đến trả tận nhà, lại biếu mấy quan tiền để đi ăn sáng. Đành rằng, tên huyện Gà (kẻ làm tay sai cho thực dân Pháp) rất đáng bị trừng trị, nhưng cách làm của Ba Giai không đàng hoàng, chỉ như một sự quậy phá, thậm chí, có phần giống với lối nằm vạ để kiếm chác của kẻ bất lương.
Trường hợp đối tượng của nhân vật trạng là người yếu thế, thì chính trạng đã ỷ giỏi cậy khôn để bức hiếp người. Đọc hai mẩu truyện sau (một thuộc truyện Ba Giai, một thuộc truyện Thủ Thiệm):
(a) BỞI VÌ ĐÔI DÉP
Hôm ấy, Ba Giai đang ngồi tán ngẫu với bạn bè, bỗng nghe có tiếng lợn kêu eng éc bên hàng xóm. Ông chạy ra xem, thì biết anh đồ tể ở làng xa đang mặc cả mua lợn của nhà ấy. Ông nói với mọi người:
– Cái thằng chết đâm chết chém nào lại muốn đến ngay cạnh nhà mình mà mua lợn, mua gà, khiến đinh tai nhức óc, chẳng còn ai trò chuyện gì được với chúng. Tức cha chả là tức!
Đám bạn nhao nhao, yêu cầu Ba Giai cho hắn một vố, để chừa cái thói táo tợn, giỡn mặt Ba Giai đi. Ông đồng ý, bảo mọi người cứ đợi xem.
Thấy anh đồ tể quảy lợn đi, Ba Giai vào trong lấy đôi dép mới toanh, cuộn chúng trong chiếc võng rách, rồi cắm cổ đi.
Con đường từ nhà Ba Giai ra đường cái uốn lượn quanh co, lại lắm cây cối rậm rạp. Ba Giai đi theo đường tắt, tới chỗ miếu gốc đa là nơi cây cối um tùm nhất, lôi đôi dép ra, vứt vào hai nhánh của khúc quẹo, cách nhau vài chục bước, đoạn nấp vào bụi cây chờ.
Lát sau, anh đồ tể khệ nệ quẩy lợn tới, nhìn thấy chiếc dép mới liền dừng chân ngắm nghía. Bụng định nhặt nhưng lại thôi, vì nghĩ chỉ có một chiếc thì dẫu mới cũng chẳng được trò trống gì. Nhưng đến bên kia khúc quẹo anh ta lại thấy một chiếc dép nữa, đồng bộ với chiếc trước. Anh đồ tể đặt con lợn trên vai xuống nhặt chiếc dép, rồi đi ngược lại chỗ trước để nhặt chiếc kia cho đủ đôi. Ba Giai chỉ đợi có thế. Ông nhảy xổ ra, tháo đòn khiên, bọc con lợn vào cái võng, vác nó lên vai, rồi chạy thật nhanh. Nhưng không phải ông chạy về nhà mình mà đến chỗ Tú Xuất.
Giao con lợn cho Tú Xuất xong, Ba Giai quay lại nhà mình. Ông thấy anh đồ tể nọ đang than vãn với nhà hàng xóm về chuyện mất lợn, và ngỏ lời muốn mua con khác, để không phải nghỉ phiên chợ. Đến khi anh ta mua xong, xốc lợn quảy đi, thì Ba Giai cũng vội vã chạy ra cổng. Đến chỗ bỏ dép ban nãy, ông nấp vào một bụi rậm.
Anh đồ tể khệ nệ tới. Chờ anh ta qua khỏi mình độ mươi bước, Ba Giai mới bịt miệng giả làm tiếng lợn kêu. Anh đồ tể chỏng tai: quả có tiếng lợn thật. Anh ta vội vã vứt đôi dép và quẳng con lợn trên vai xuống đường, chạy hộc vào bụi xăm xoi tìm kiếm. Ba Giai lách bụi chui ra, vác luôn con lợn lên vai, không quên nhặt lại cả đôi dép mới của mình, co giò chạy.
Sau một hồi chui lủi ở các bụi rậm để tìm kiếm không thành, anh đồ tể đành trở ra đường cũ, thì ôi thôi, cả con lợn và đôi dép không cánh mà bay! Anh ta kêu khóc, nguyền rủa kẻ cắp chán chê rồi vác cái đòn không lủi thủi ra về.(5)
(b) MẶC LỘN QUẦN NGƯỜI TA MÀ CÒN HÀM HỒ
Một người phụ nữ còn trẻ, vốn là chỗ bạn buôn mắm lâu nay của vợ Thủ Thiệm, cậy có chút nhan sắc nên rất vênh váo. Hôm ấy, do bán ế, trời thì đã chạng vạng, cô ta khó thể về nhà, bà Thủ thân tình mời về nhà, cho cô bạn ở tạm qua đêm. Thấy người phụ nữ trẻ này ra tuồng hợm mình, nói năng lại không được lễ phép, Thủ Thiệm ghét lắm.
Đến khuya, đợi cô ta ngủ say, Thiệm lấy một ngọn lá chuối đang còn ấp cọng, giả làm rắn, nhẹ nhàng luồn vào ống quần cô nàng. Thấy có vật gì bò lành lạnh, nhồn nhột trong quần, người phụ nữ giật mình thức dậy. Thần hồn nát thần tính, cô ta tưởng là rắn thật, vội vã chụp ngay lấy chỗ ống quần có con rắn đang bò, một tay giữ chặt lấy con rắn trong quần, một tay tụt vội quần ném ra xa. Thiệm chụp lấy cái quần của cô ả đem đi, và bỏ vào cạnh giường ả nằm cái quần của mình.
Hồi lâu, người phụ nữ thấy yên, nghĩ là con rắn chắc đã bò đi, mới lần mò tìm lại cái quần mặc vào, rồi yên tâm lên giường ngủ tiếp.
Trời mới hừng sáng, Thiệm mò tới giường cô ả, không chút e dè, đưa tay rờ rẫm, xoa bóp khắp người. Choàng tỉnh, cô ta hốt hoảng la lên. Thiệm cũng gân cổ la làng…
Tức nhiên, bà Thủ chạy tới trước tiên, kế đó là mấy người hàng xóm. Ai cũng nghĩ, chắc ông Thủ sinh tật.
Người phụ nữ ra sức phân bua:
– Chị Thủ và bà con coi, tui đang ngủ ngon, ông ni mò vô rờ mó tứ tung, thiệt là già dê…
Thủ Thiệm cũng giãi bày:
– Bà con nghĩ coi, cô ni thích ăn vụng mà cũng ưa làm bộ đoan trang. Ai đời, mặc lộn quần người ta mà còn hàm hồ, la lối. Thôi mau trả quần cho tui, quần của cô ở dưới chân giường kia kìa!
Người phụ nữ kênh kiệu nhìn xuống, quả nhiên quần của mình đang nằm ngay phía dưới chân giường, còn cái đang mặc là quần đàn ông rất rộng. Xấu hổ quá, cô ta chụp vội cái quần của mình chạy vào buồng trong.(6)
Ở (a), Ba Giai đã dùng mưu mẹo để cướp lấy hai con lợn của anh hàng thịt, trong lúc anh này chẳng làm điều gì đáng tội với mọi người, và với bản thân ông. Có thể thấy, việc đổ tội cho người mua do lợn kêu ồn khi bị bắt bỏ rọ, là tuỳ tiện, việc nhặt của rơi giữa đường cũng không có gì là sai trái. Hay vì anh này là đồ tể, nghề bị cho là không mấy lương thiện, khiến Ba Giai bất bình đến phải ra tay? Lí do để gỡ cái tội tước đoạt của cải người khác may ra được tìm thấy ít nhiều ở đó. Ở (b), Thủ Thiệm ghét người phụ nữ có nhan sắc mà vênh váo. Nhưng từ cái ghét thường tình kia đến việc “rờ rẫm, xoa bóp” lại còn đổ tội dâm ô lên người ta, thì đã không còn bình thường nữa, mà phạm tội: tội quấy rối tình dục, tội lăng nhục người khác. Ta thấy, tuy mục đích của các trạng là tốt hay có phần tốt (làm cho kẻ ít có thiên lương phải thua thiệt mà chùn tay, và kiếm lợn để thịt chiêu đãi bạn bè, hay trị thói hợm mình, vênh váo để người ta tốt lên), nhưng phương tiện thì tệ hại, đến mức không thể chấp nhận. Vả lại, hai nhân vật mà các trạng tước đoạt hay xúc phạm đều ở vào vị thế yếu, nên việc làm của trạng đáng bị chê trách, và nội dung truyện đã có phần phản cảm, phản tác dụng.
+ Do yêu cầu đề cao trí tuệ và phải chiến thắng đối phương mà nhân vật trạng trở nên khô khan, thuần lí, gần như thiếu hẳn yếu tố tình yêu và lòng nhân ái. Truyện Xiêng Miệng (Lào), loại truyện tương tự với truyện trạng Việt Nam, có mẩu truyện cuối “Tuỳ ý chú”, kể việc Xiêng Miệng đi nhờ thuyền của một chú tiểu. Ông ngồi ỳ không chịu chèo giúp, lại nói “Cho lên ở đâu là tuỳ ý chú!”. Chú tiểu dựa vào lời nói hớ ấy để đẩy Xiêng Miệng xuống một vạt rừng gai mây hoang vắng (nơi đã vào thì khó thể thoát ra). Trước khi dùng mái chèo xua Xiêng Miệng ra khỏi thuyền, chú tiểu nói: “Xiêng Miệng, anh đã biết thế nào là trí khôn của con người chưa? Anh tưởng anh đánh lừa được người khác mà không bị người khác xỏ lại anh hay sao? Anh thông minh nhưng thiếu tình thương, và bây giờ thì anh cứ ở đây chờ khi nào có ai thương tình thì nhờ người đó cứu!” (7).
Thật ra, “thiếu tình thương” cũng là một đặc điểm trong tính cách của các nhân vật trạng, nói chung.
Ở đây, có thể nảy sinh một phản bác, rằng trạng đã đấu tranh chống các thế lực áp bức xã hội, loại bỏ những thói xấu ở một số cá nhân, hòng đem lại cuộc sống tốt đẹp cho mọi người, điều đó không phải tình thương, thì là gì? Vâng, đó là tình thương. Trên thế giới, có không ít thể chế, đảng phái chính trị, cả một số tôn giáo nữa, cũng đề ra mục đích, nhiệm vụ đấu tranh của tổ chức mình như thế, và cho một phần kết quả đạt được để nhận sự ủng hộ của cộng đồng chính là tình thương. Điều cần phân định trong trường hợp này là, cái tình thương từ việc đấu tranh làm cho xã hội tốt đẹp theo lối của một tổ chức, khác biệt với tình thương là một yếu tố trong tính cách của một con người hay một nhân vật trong truyện kể. Cũng có thể nói, có hai thứ tình thương: tình thương là thuộc tính của một con người; và tình thương là mục đích của một tổ chức đấu tranh cho sự công bằng và tiến bộ xã hội. Theo đó, thì nhân vật trạng không có loại tình thương đầu. Vì cá thể người hay nhân vật truyện có thất tình lục dục, nên cũng có một tình thương cụ thể mang chất người, chứ không phải thứ tình thương trừu tượng, vượt ra ngoài phạm vi của một con người; do đó, ở bình diện đang bàn, có thể nói, nhân vật trạng không có tình thương.
+ Có một số trường hợp, trạng hành xử theo lời thách đố, thường có thưởng (tiền bạc, cuộc rượu,…) của người khác, như “Dằn mặt chú khách” (truyện Tú Xuất),“Đây là của chú!” (truyện Mân Nhuỵ), “Nhờ nước giếng mát quá mà sáng mắt” (truyện Nguyễn Tuyn), “Vuốt râu hùm” (truyện Thủ Thiệm), “Ông khách không mời” (truyện Học Hoàng), “Trị bệnh trứng trắng” (truyện Bợm Bảy), “Sợ bay mất mấy con chim”, “Anh Ba Tiền chết đâm” (hai mẩu thuộc truyện Ba Giai),“Mua bút”, “Đổ ruốc vào bàn tay” (hai mẩu thuộc truyện Phủ Tuấn),… Sự thành công trước các thách thức gay cấn nói lên tài cán của trạng; đồng thời, ở nhóm truyện này, cũng dễ dàng nhận ra sự háu thắng, có khi bất chấp sĩ diện của nhân vật này.
Bên cạnh đó, một số truyện khác lại cho thấy, để kiếm ăn, trạng giở đủ ngón nghề, và nhằm vào người dân thường. Sự việc này xuất hiện nhiều ở bộ phận truyện Tú Xuất: “Con trong cối, mẹ giữ chày”, “Để mất bạc của khách, chủ quán trọ phải đền”, “Của cô mày tròn hay méo?”, “Vịt đẻ năm trứng một đêm”, “Bùa cầu tài”,… Truyện đầu kể việc Tú Xuất giả làm pháp sư kiêm thầy thuốc đến chữa bệnh cho một cậu bé, con của một người đàn bà goá. Ông bảo bà mẹ sắc thuốc nam với hai nén bạc, lại bảo bà nhấn chân giữ chỗ đầu chày để đầu kia ngỏng lên, có chỗ mà đặt đứa trẻ vào cối (loại cối đạp), để ông làm phép. Khi bà chủ nhà bị “khoá phép” như thế, ông lấy hai nén bạc lỉnh đi.
Các truyện này cho thấy, trạng đã phải dùng đến hạ sách, là lừa dối để có cái ăn hay kiếm tiền sống qua ngày. Do trong tình trạng quẫn bách (cái đói) người ngoài cuộc có thể thông cảm. Nhưng với người bị hại thì khó tránh khỏi điều chê trách, thậm chí cho trạng là trí trá, lừa đảo. Bấy giờ điều gọi là thuyết phục ở nhân vật trạng bị hạ thấp. Việc gọi đích danh trạng là “bợm”, là “láo” (truyện Bợm Bảy, truyện Anh Láo, người Việt), là “thằng” (truyện Thằng Cuội, người Mường),… cũng phản ánh một cách nhìn nhận của dân gian, chủ thể đã sáng tạo ra các nhân vật trạng. Sự nhìn nhận này có thể xuất phát từ những truyện như thế.
3. Từ việc trình bày trên, có thể nói: khi cho tính cách nhân vật trạng là biểu tượng về tính cách của dân tộc, thì điều quan trọng hàng đầu, là không nên coi tính cách ấy là hoàn toàn tốt đẹp và đã định hình, để cứ thế mà làm theo. Bởi như chúng ta đã thấy, trong tính cách của nhân vật trạng có nhiều ưu điểm, nhiều yếu tố tích cực, nhưng cũng có một số nhược điểm, hạn chế.
Cho đến nay, có việc lớn như quan hệ với nước ngoài của các đoàn ngoại giao, không ít người chú trọng đến việc đối đáp sao cho rắn rỏi, thể hiện được lòng tự tôn dân tộc của sứ giả hơn là quan tâm về những kết quả cần có mà chuyến quan hệ ngoại giao ấy mang lại cho đất nước, có việc nhỏ như vào các tháng đầu năm 2013 này, trên báo chí rộ lên thông tin các học sinh bậc phổ thông khắp nước, rất thích tấn công bạn bằng loại đồ chơi gọi là “bom thối” (khi xì ra, phát mùi hôi), chúng đều ít nhiều có “dính dáng” đến truyện trạng, nhân vật trạng. Việc đầu có thể tìm thấy ở cung cách ứng xử của phần lớn các nhân vật trạng; việc sau, có thể tìm thấy trực tiếp qua hành động của ba nhân vật trạng: Trạng Quỳnh (ở truyện “Ống quyển thi”), Xiển Bột (ở truyện “Trị bọn Tây đoan bắt rượu lậu”), Thủ Thiệm (ở truyện “Mo cơm”),… Cho dù các việc vừa nêu có thuộc tính cách dân tộc đi nữa, thì đó cũng là những việc làm không đúng. Mà đã vậy thì cần phải chỉnh sửa.
Một dân tộc biết ưu điểm để xiển dương, phát huy, biết nhược điểm hòng khắc phục, chế ngự, là một dân tộc tiến bộ. Trên con đường phấn đấu để có được một tính cách dân tộc tốt đẹp, thì những nhược điểm đang mắc phải nên đẩy lùi dần về quá khứ.
Bàn về tính cách dân tộc qua một đối tượng cụ thể là truyện trạng, một thể loại văn học dân gian có biểu hiện mạnh về vấn đề đặt ra, có thể có sự thuyết phục nhất định.
—————————————
Chú thích:
(1) Nguyễn Văn Tuấn, “Thói nguỵ biện của người Việt”, vanhoanghean.com.vn/, ngày 8-8-2010.
(2) Nguyễn Khoa Điềm, “Lạm bàn về thơ Việt hôm nay”, trannhuongcom.blogspot.com/, ngày 11-10-2011.
(3) Để biểu thị điều này, các nhân vật trạng đều có cuộc sống nghèo khổ hoặc ở mức trung bình (như Xiển Bột, Phan Điện, Nguyễn Kinh, Thủ Thiệm, Ông Ó, Anh Kđưng, Khun Hón,…), và có những kết cục không bình thường (như Trạng Quỳnh, Men Chây bị vua chúa hại chết; Ba Giai, Tú Xuất và nhiều trạng khác chỉ xuất hiện lúc còn trẻ rồi mất tăm dạng).
(4) Cũng nói “cứu cánh biện minh cho phương tiện” (“cứu cánh”: mục đích cuối cùng).
(5) Theo: Nguyễn Cừ, Phan Trọng Thưởng, Tuyển tập Văn học dân gian Việt Nam – Tập III: Truyện cười, truyện trạng cười, truyện ngụ ngôn, Nxb. Giáo dục, tr. 336-340.
(6) Theo: Nguyễn Văn Bổn, Thủ Thiệm – Tiếng cười dân gian độc đáo xứ Quảng, Nxb. Lao động, Hà Nội, 2011, tr. 173-174.
(7) Theo: Trương Sĩ Hùng (Chủ biên) Nguyễn Đức Hiền, Đào Văn Tiến, Truyện trạng Đông Nam Á: Thơmênh Chây, Xiêng Miệng, Trạng Quỳnh, Sở Văn hoá Thông tin Gia Lai Kon Tum xuất bản, 1987, tr. 115.
Theo TRIỀU NGUYÊN / TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ AN
Tags: Người Việt, Văn học, Văn hóa Việt