Người Nhật Bản đã tiếp thu các giá trị văn hóa nhân loại như thế nào?

Khi nghiên cứu về xã hội Nhật Bản người ta không thể nói đến sự phát triển đầy kỳ tích của dân tộc này. Hiện đại hoá được thực hiện một cách khá nhanh chóng và thành công bởi mục tiêu cháy bỏng đưa đất nước “mặt trời mọc” đuổi và vượt các nước phương Tây. Đó là quá trình đan xen phức tạp bởi nhiều yếu tố và nhiều lĩnh vực từ tư tưởng, kỹ thuật, nhân lực đến lãnh đạo, văn hoá… Đặc biệt, sự dung hoà và bản địa hoá một cách tài tình những tinh hoa của văn hoá nhân loại nhất là hai dòng văn hoá chủ yếu: phương Tây (nhất là Mỹ), phương Đông (chủ yếu là Trung hoa) đã tạo nên những nét rất riêng của Nhật Bản trong công cuộc xây dựng đất nước. Có thể nói đó cũng chính là quá trình Nhật Bản mở cửa hội nhập quốc tế và đi tìm những giá trị phổ biến của nhân loại để phục vụ cho công cuộc hiện đại hoá. Bài viết này đi sâu phân tích một số kinh nghiệm chủ yếu mà khoa học của Nhật Bản nói chung, khoa học xã hội nói riêng đã trải nghiệm và đóng góp vào việc tiếp thu các giá trị văn hoá nhân loại, phục vụ cho công cuộc phát triển đất nước trước đây cũng như hiện nay.

Người Nhật Bản đã tiếp thu các giá trị văn hóa nhân loại như thế nào?

Tác giả: PGS. TS. Nguyễn Duy Dũng, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á.

I. Tích cực chủ động hội nhập, tiếp thu nhanh chóng những tri thức và tinh hoa của nhân loại

Khi đề cập đến sự phát triển của xã hội Nhật Bản người ta đều cho rằng những kỳ tích mà nước này đạt được là nhờ sớm hoà nhập với thế giới và tiếp thu tài tình những tinh hoa và giá trị của nhân loại. Quả vậy, một đất nước nghèo nàn, khan hiếm tài nguyên và có điều kiện thiên nhiên khá khắc nghiệt, song Nhật Bản đã vươn lên trở thành một trong những siêu cường của thế giới. Rõ ràng, thành công của Nhật không thể tách rời với quá trình chủ động hội nhập quốc tế của nước này.

Hiện đại hoá xã hội Nhật Bản đã diễn ra trong một bối cảnh trong nước và quốc tế khá phức tạp. Đó là quá trình tiếp nhận nhiều dòng văn hoá, tinh hoa của thế giới: văn hoá phương Đông, văn hoá phương Tây, văn hoá Mỹ. Sự xâm nhập của chúng bằng nhiều cách thức khác nhau vừa cả tự giác và không tự giác. Vì thế, không hoàn toàn dễ dàng khi các dòng văn hoá nhân loại đi vào Nhật Bản, một đất nước mà chủ nghĩa dân tộc luôn tự vệ mạnh mẽ, thậm chí đôi khi còn rất cực đoan. Song, lịch sử đã cho thấy, trong tiến trình hiện đại hoá đất nước, người Nhật đã biết tiêu hoá và tiếp thu một cách có chọn lọc tinh hoa văn hoá nhân loại và bản địa hoá nhanh chóng để biến chúng thành những giá trị của chính mình phục vụ cho mục tiêu của đất nước đề ra. Vì vậy, khi đề cập đến ảnh hưởng quốc tế đối với hiện đại hoá Nhật Bản không thể không nói đến truyền thống văn hoá Trung Quốc. Bằng nhiều con đường khác nhau văn hoá Trung Quốc đã truyền bá, thẩm thấu khá mạnh mẽ vào đất nước mặt trời mọc. Thực tế lịch sử đã chỉ ra rằng: cách đây hàng vạn năm từ thời đại Yayoi văn hoá nước ngoài đã du nhập vào Nhật Bản do dân di cư từ Trung Quốc và Bán đảo Triều Tiên mang đến. Từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 6 đã chứng kiến sự du nhập mạnh mẽ của văn hoá Trung Hoa, kể cả đạo Khổng và đạo Phật qua con đường Triều Tiên. “Dạng chữ viết Trung Quốc dựa vào hình tượng đã được áp dụng và nhờ vào phương tiện này người Nhật đã học được các kiến thức sơ đẳng về y học, các công trình về lịch sử và thiên văn, và triết lý của Đạo Khổng. Đạo Phật được đưa từ Ấn Độ vào Nhật Bản thông qua Trung Quốc và Triều Tiên vào năm 538. Hệ thống chính quyền Trung Quốc là mô hình được các nhà cầm quyền Nhật Bản vận dụng xây dựng hệ thống riêng của mình.”(1)

Điều muốn nói là Nhật Bản đã chủ động tiếp thu những thành tựu của văn minh nhân loại vào thời điểm đó chính là văn minh Trung Hoa. Nhật Bản đã cử khá nhiều học sinh sang du học Trung Quốc. “ Những học sinh Nhật Bản học ở Quốc Tử Giám nhà Đường, phạm vi học rất rộng, thời gian học có khi tới hai, ba mươi năm. Không những họ nghiên cứu truyền thống nho giáo mà đồng thời cũng nghiên cứu thiên văn, y học pháp luật và văn học Trung Quốc.”(2).

Không chỉ có tiếp thu văn minh Trung Hoa mà người Nhật đã học hỏi và tiếp thu các dòng văn minh khác của nhân loại. Trên thực tế ban đầu việc mở cửa với phương Tây không hoàn toàn suôn sẻ. Song, chính quyền nhận ra rằng, việc đóng cửa với thế giới, nhất là với phương Tây chỉ đem lại sự cô lập và nghèo nàn mà thôi. Vì vậy, sau khi chính quyền Mạc Phủ nới lỏng quan hệ với bên ngoài và nhất là dưới áp lực của phương Tây, Nhật Bản đã dần nhận ra sự cần thiết phải hội nhập quốc tế nhanh chóng. Chính phủ đã chú trọng phát triển giáo dục, đào tạo trí thức, vì vậy tinh thần học tập đã được khơi dậy và khuyến khích. Trong đó nổi bật là phong trào học tập Hà Lan ( Rangaku-Lan học) và dần về sau là Tây phương học (Yogaku). Điều đáng chú ý là nhờ chính sách mở cửa, xoá bỏ bài ngoại mà chỉ trong một thời gian ngắn hàng loạt công trình nghiên cứu cũng như tài liệu sách vở phục vụ cho học tập đã được xuất bản. Cho đến thời kỳ Eđo ( 1600-1868) việc học tập giao lưu đã trở thành nhu cầu bức thiết của xã hội và thực tế đây cũng là giai đoạn xã hội Nhật Bản (trong đó có khoa học xã hội) đã đạt được những thành tựu khá rực rỡ. “ Nhiều học giả Nho giáo đã đi sâu vào việc nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn của Tống Nho để vận dụng vào xã hội Nhật Bản. Dựa trên bộ Tự trị thông giám của Trung Quốc đời Tống Hayashi Razan (Lâm La Sơn, 1583-1657) cùng con là Hayashi Shunsai (Lâm Xuân Tế, 1618-1680), đã biên soạn bộ biên niên sử Honcho Tsugan ( Bản triều thông giám) gồm 300 cuốn, hoàn thành năm 1671). Trước đó, năm 1643 Shusan đã xuất bản bộ Kanei Keizu cũng gồm 300 cuốn ghi lại lịch sử tất cả những dòng họ lớn ở Nhật Bản”.(3) Ở giai đoạn này nhiều công trình khá đồ sộ về lịch sử cũng đã được xuất bản. Trong đó đáng chú ý là Dai Nihon Shi (Đại Nhật Bản sử) với 397 cuốn đã hoàn thành vào năm 1906. Chính ở thời kỳ này nhiều tác gia nổi tiếng đã cho ra đời nhiều công trình đồ sộ có giá trị trong lĩnh vực khoa học xã hội. Đó là Arai Hakuseki (1657-1725), Iida Tadahiko (1816-1861), Rai Sanyo ( 1780-1832)…

Khi nói đến mở cửa của Nhật Bản ở thời kỳ này không thể không nhắc đến phong trào Hà Lan học và Tây phương học. Điều đáng chú ý là để việc học tập đạt kết quả tốt thì việc biên soạn sách giáo khoa cũng như từ điển là hết sức cần thiết. Các bộ Từ điển Nhật- Hà do Aoki Konyo chủ biên năm 1745, cuốn sách Kaitai shinsho (Giải thể tân) do Sughita Gempaku dịch …và nhiều công trình khác đã góp phần quan trọng vào việc truyền bá những kiến thức khoa học đối với dân chúng. Việc cử các nhà khoa học ra nước ngoài, thành lập các trường dạy về phương Tây và Hà Lan, xuất bản sách… không chỉ nâng cao trình độ văn hoá trong dân chúng mà còn tạo nên sự phong phú và khả năng tiếp nhận các dòng văn hoá tri thức của nhân loại. Do vậy, cách thức hội nhập trên của giáo dục khoa học và văn hoá Nhật Bản cũng là kinh nghiệm đáng quý để chúng ta tham khảo. Rõ ràng, mở cửa chỉ là điều kiện cần còn quan trọng là hấp thụ có hiệu quả tinh hoa của bên ngoài. Muốn vậy, không chỉ quán triệt sâu sắc chủ trương mở cửa hội nhập mà cần thiết phải nâng cao trình độ tiếp nhận và nội địa hoá thành vốn tri thức của chính mình. Để làm được điều đó khoa học nói chung, khoa học xã hội nói riêng đóng vai trò hết sức quan trọng.

Như vậy, có thể nói rằng không phải chỉ đến thời kỳ Minh Trị Nhật Bản mới mở rộng cửa với thế giới bên ngoài, nhất là với phương Tây mà ở các mức độ khác nhau các dòng văn hoá nhân loại cũng đó xâm nhập vào Nhật Bản. Dấu ấn mạnh mẽ của chính quyền Minh Trị chính là thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế như là một phương thức quyết định đến sự tồn vong và phồn thịnh của đất nước.

Như chúng ta đã biết, chỉ sau một thời gian ngắn trị vì đất nước Thiên hoàng Minh Trị đã làm được điều kỳ diệu : đó là tạo lập được một đất nước Nhật Bản với cơ cấu tổ chức xã hội, thể chế chính trị và các ngành công nghiệp hiện đại. Nhật Bản rất coi trọng tinh hoa của văn minh Trung Hoa và thực sự đã biến những giá trị đó thành sức sống và tinh thần Nhật Bản. Sự hoà đồng văn hoá với việc giữ vững cốt cách truyền thống của dân tộc đã là bí quyết làm nên sức mạnh của đất nước. Điều này được thể hiện trong ý thức, phong cách quản lý, trong kết cấu tập đoàn và cách thức tổ chức đời sống xã hội cũng như trong hoạt động kinh tế. Ở đây, những giá trị của Nho giáo không chỉ được gieo mầm, nảy nở mà đã biến thành những đạo lý, luân lý tích cực phục vụ cho sự nghiệp chấn hưng dân tộc cũng như rèn luyện đạo đức con người. Đặc biệt tinh thần học tập, đức hy sinh…đã có tác dụng cực kỳ to lớn cho mỗi một cá nhân cũng như công ty và đất nước.

Ngay từ khi mới lên cầm quyền Minh Trị đã giương cao khẩu hiệu Fukoku kyohei (phú quốc, cường binh). Để thực hiện thành công công cuộc hiện đại hoá đất nước, chính quyền không chỉ tiếp tục giữ gìn những giá trị truyền thống của dân tộc và những tinh hoa văn minh Trung Hoa đã thu nhận mà họ đã coi mở cửa học tập phương Tây như là điều kiện tiên quyết để chấn hưng đất nước thời bấy giờ. Điều này được thực hiện bằng các quy định pháp lý cụ thể và bằng các hình thức học tập phong phú đa dạng. Trong đó mở cửa và khuyến khích công dân ra nước ngoài học tập là một chủ trương được coi trọng. Điều này có thể nhận thấy rất rõ trong Bản quy ước có tính cách như Hiến pháp tạm thời, theo đó tại Điều 5 quy định: “Trí thức được xuất dương du học để xây dựng cho tiền đồ của dân tộc.” Rõ ràng, chính quyền đã nhận thức được rằng: Nhật Bản đang kém xa các nước phương Tây và chỉ có học tập họ mới có cơ hội và điều kiện để vươn lên. Vì vậy, việc chính quyền mới thành lập đã coi việc học kinh nghiệm và tiếp thu công nghệ, cách thức tổ chức của xã hội phương Tây như là phương thức cần thiết để hiện đại hoá đất nước và thực hiện điều đó bằng việc chủ động mở cửa hội nhập quốc tế. Với quan điểm trên cho thấy, Nhật Bản đã chấp nhận các yếu tố của văn minh phương Tây. Điều này có vẻ giống với cách thức mà hơn một ngàn năm trước đó quốc đảo này học hỏi và tiếp nhận văn hoá Trung Quốc. Điểm khác biệt chính là ở chỗ họ tiếp nhận chủ yếu bằng việc ý thức khá rõ điều đó và được thực hiện một cách bài bản với quy mô và tốc độ nhanh hơn, thực tế hơn. Chính phủ đã thực hiện chủ trương học tập phương Tây bằng hai cách thức chủ yếu: gửi người ra nước ngoài đào tạo và thuê chuyên gia nước ngoài. Việc gửi người sang các nước phương Tây cũng có sự lựa chọn khá kỹ về ngành nghề, nước đào tạo. Mục tiêu chung là lựa chọn những nước, ngành học mà có thể về sử dụng phục vụ trực tiếp cho công cuộc kiến thiết nước nhà. Trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn họ đã chọn Pháp để học về hành chính và luật, sang Mỹ, Đức học về kinh doanh…Có thể thấy rõ điều đó qua việc Nhật Bản chọn hệ thống giáo dục Pháp làm mô hình tham khảo. “Phỏng theo hệ thống giáo dục Pháp, cả nước chia thành 8 khu đại học, mỗi khu đại học chia thành 32 khu trung học, mỗi khu trung học lại chia thành nhiều trường hay nhiều ban”(4). Hoặc Nhật Bản tham khảo và tìm kiếm nhằm xây dựng hệ thống luật pháp hiện đại theo kiểu phương Tây. Trong đó đáng chú ý là Nhật đã lựa chọn mô hình Hiến pháp Đức và mời các chuyên gia Pháp xây dựng luật dân sự theo kiểu Pháp và dĩ nhiên đã có sửa đổi để phù hợp với xã hội Nhật Bản. Điều đáng chú ý là không chỉ có các nhà nghiên cứu, các giáo sư được cử ra nước ngoài mà tham gia các chuyến tham quan học tập đó còn có khá đông các nhà lãnh đạo hàng đầu đất nước. Từ năm 1871 đến 1873 đích thân Iwakura đã dẫn đầu một đoàn trong đó tới nửa là các nhà lãnh đạo chóp bu ra nước ngoài, trước tiên là Mỹ sau đó là châu Âu”(5). Chính những chuyến đi khảo sát cùng với các nhà khoa học đã giúp những nhà lãnh đạo hiểu biết xã hội phương Tây và cùng nhau thảo luận tìm kiếm mô hình xây dựng xã hội mới phù hợp và hiệu quả. Để hiện thực hoá mục tiêu học tập phương Tây, không chỉ cử người ra nước ngoài mà Nhật đã tích cực mời chuyên gia bạn sang làm việc ở Nhật. Trong thời kỳ đầu tổng số giáo viên 214 người đông nhất là người Anh với 149 người, Pháp có 50, Mỹ có 19, Trung Hoa có 9, Đức có 8…số chi phí về lương bổng cho tổng số 214 người đó lúc đầu là 534.492 yên vài năm sau lên đến 1 triệu yên chiếm một khoản lớn trong ngân sách giáo dục”(6). Tuy nhiên, người Nhật không hoàn toàn lệ thuộc vào đội ngũ chuyên gia mà họ đã khẩn trương thay thế bằng chính người Nhật được đào tạo trong nước và từ nước ngoài trở về. “Cho đến trước khi bước sang thế kỷ 20 số lượng người nước ngoài làm việc trong chính phủ hay các trường của chính phủ còn rất ít, ngoại trừ lĩnh vực giảng dạy các ngôn ngữ phương Tây”.(7)

Để học tập các tri thức khoa học cũng như cung cấp thông tin cần thiết về phương Tây, Nhật Bản rất chú trọng dịch và xuất bản các tài liệu nước ngoài. Các sách giáo khoa dùng trong nhà trường phần lớn dịch của Mỹ. Tuy nhiên, không thể không kể đến những đóng góp nổi bật của các nhà khoa học xã hội Nhật Bản trong lĩnh vực này. Trong đó Fukuzawa Yukichi (Phúc-Trạch-Dụ-Cát) người được coi như một nhà tư tưởng, nhà cải cách lớn của Nhật Bản cuối thời Edo, đầu thời Minh Trị. Từ năm 1860 ông đã hai lần tham gia các đoàn khảo sát sang các nước phương Tây. Những chuyến đi nước ngoài của ông cùng với tư tưởng cách tân đã đưa ông trở thành người “truyền bá tư tưởng tự do bình đẳng, đề xướng dân quyền, xúc tiến “văn minh khai hoá”… người đi đầu trong việc xây dựng một chế độ học tập, đào tạo nhân tài, mở mang trí và đức cho nhân dân”…và cũng là người “có ảnh hưởng không nhỏ trong các trào lưu tư tưởng của các nước phương Đông thời cận đại”…Trong đó có cả Việt Nam và nhất là với những nhà chí sỹ yêu nước như Phan Bội Châu”(8).

Không những là nhà tư tưởng cách tân mà ông cũng là học giả uyên bác trong lĩnh vực khoa học xã hội. Fukuzawa Yukichi đã để lại cho đời nhiều trước tác nổi tiếng với số lượng hàng vạn trang (ông đã viết trên 100 đầu sách), trong đó tiêu biểu phải kể đến là Khuyến học (Gakumon no susume), Khái lược luận thuyết về văn minh (Bunmerion no gairyaku), Seiyo Jijo (Tình hình châu Âu), Phúc ông tự truyện (Fukuo Jiden)…(9) . Ông còn là người xây dựng nên Trường Khánh Ứng Đại học nổi tiếng cho đến tận bây giờ. Ngoài Fukuzawa Yukichi còn có nhiều nhà trí thức nổi tiếng như Gia Đằng Hoàng Chí (1836-1916), Cơ Tác Lân Tường (1846-1902)…đã là những chí sĩ truyền bá tư tưởng tự do, khai trí văn minh cho Nhật Bản. Không chỉ học hỏi tiếp thu tư tưởng, kỹ thuật mà chính sự hội nhập cũng tạo điều kiện để du nhập văn hoá đại chúng của phương Tây vào Nhật Bản: từ phim ảnh, ca nhạc cho đến quán ăn vũ trường và thể thao… Đáng chú ý là hàng vạn cuốn sách được dịch sang tiếng Nhật và xuất bản rộng rãi với giá rẻ, trong đó có những tác phẩm nổi tiếng như: The Spirit of Laws, Histore de La Revolution Francaise… Không chỉ có kiến thức khoa học, văn học mà các tài liệu về tôn giáo tư tưởng cũng được truyền bá khá rộng rãi: các triết học gia phương Tây Auguste Conte (Pháp), John Stuart Mill (Anh), Hebert Spencer (Anh), Alexis Clerles de Tocqueville (Pháp), Francoi Guizot (Pháp)…Chủ nghĩa Mác và tư tưởng XHCN cũng đã có chỗ đứng ở xã hội Nhật Bản lúc bấy giờ và sau cách mạng tháng 10 Nga trong các phong trào của công nhân lao động tư tưởng Mácxít đã chiếm ưu thế trong một thời gian khá dài. Hiện nay, ở Nhật Bản ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác vẫn còn khá sâu rộng. Đặc biệt trong lĩnh vực khoa học xã hội: phương pháp nghiên cứu, tư tưởng và các nguyên lý Mácxít vẫn đựơc các nhà khoa học coi trọng, nhất là trong các bộ môn: kinh tế, xã hội học, tâm lý…Các nhà khoa học xã hội Nhật Bản đã đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc mở cửa và hội nhập của đất nước không chỉ ở thời kỳ ban đầu mà cả sau này, đúng như nhận định: “Cái vĩ đại của thế giới trí thức Nhật Bản là nhận ra được lý do tiên quyết để thực thi đưa nước Nhật thành một quốc gia giàu mạnh là phải xoá bỏ cho bằng được lề thói cố hữu tư duy bằng những ý niệm trực giác của nhân dân Nhật Bản. Và họ đã bền bỉ làm công việc này một cách có ý thức rõ rệt. Và họ đã làm được điều đó. Nước Nhật ngày nay là một minh chứng hùng hồn.”(10)

2. Tiếp tục tìm kiếm học hỏi và vận dụng những giá trị nhân loại trong bối cảnh mới

Khi nghiên cứu về mở cửa và hội nhập thế giới của Nhật Bản, người ta khẳng định rằng, Nhật Bản đã không ít hơn hai lần bước ra thế giới. Lần thứ nhất, đó là cải cách Minh Trị với chủ trương mở cửa với phương Tây để thực hiện khẩu hiệu “nước giàu, quân đội mạnh”. Lần thứ hai, khi Nhật Bản ký Hiệp ước hoà bình San Francisco năm 1951 với 48 nước đánh dấu sự trở lại với thế giới của Nhật Bản. Lần đầu bước ra thế giới, Nhật Bản không chỉ chủ trương “tinh thần Nhật Bản, kỹ thuật phương Tây” để thực hiện chấn hưng đất nước mà còn với tư tưởng “thoát Á, nhập Âu”. Ở lần thứ hai, Nhật Bản bước ra thế giới và đã làm được điêù kỳ diệu, đó là biến nước Nhật từ đổ nát hoang tàn sau chiến tranh trở thành cường quốc của thế giới, trở về với châu Á và thực hiện thành công chiến lược “nhập Á, nhập Âu”.

Để làm được điều đó, dĩ nhiên mở cửa và hội nhập trở thành điều kiện tiên quyết. Tuy nhiên, khác với những lần trước ở giai đoạn này sự hỗ trợ trực tiếp cho hội nhập càng trở nên thuận lợi hơn, nhất là khi có sự hiện diện, kiểm soát và điều hành ban đầu của quân chiếm đóng ( SCAP) do Mỹ đứng đầu. Dù vẫn còn không ít những tranh luận về vai trò của SCAP, việc tái tạo Nhật Bản (Remaking Japan)…song, không thể không nói đến đóng góp của đội quân này, nhất là việc dân chủ hoá ở Nhật Bản. “Việc dân chủ hoá đã có tác động đáng kể và làm biến đổi xã hội Nhật Bản theo các đường lối nguyên tắc dân chủ Mỹ. Như Cohen đã cho thấy, đó thực sự là một loại cách mạng”.(11) Với sự hướng dẫn và điều hành của Mỹ, kết thúc thời kỳ chiếm đóng nền kinh tế Nhật Bản đã đạt được những kết quả khả quan tạo tiền đề quan trọng cho công cuộc kiến thiết đất nước. Để tiếp tục đưa Nhật Bản hội nhập quốc tế đạt kết quả cao, trong giới khoa học xã hội Nhật Bản đã dấy lên những cuộc tranh luận khá sôi nổi xung quanh chủ đề này. Dù các ý kiến đều đồng tình với việc đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp nặng hơn công nghiệp nhẹ, song lại quan điểm lại khác nhau về việc phát triển nguồn lực trong nước hay tập trung xuất khẩu những sản phẩm tốt nhất của Nhật. “Đó là sự tranh luận về những nguyên tắc giữa những người ủng hộ việc phát triển hướng nội và những người tìm kiếm sự giàu có cho quốc gia từ thương mại”.(12) Đánh giá một cách khách quan những thành công của cải cách và tìm kiếm cách thức hội nhập quốc tế đạt kết quả tốt là những nội dung được các nhà hoạch định chính sách, giới kinh doanh và các nhà khoa học Nhật Bản đầu tư tìm tòi nghiên cứu trong giai đoạn này. Trên cơ sở phân tích những nhân tố quốc tế thuận lợi lúc đó, nhận thức được chính xác khoảng cách về trình độ công nghệ của Nhật Bản với thế giới…họ đã đưa ra chủ trương: đẩy mạnh nhập khẩu công nghệ từ bên ngoài nhằm nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với thế giới. Đây được coi như là cứu cánh quan trọng trong việc xây dựng các ngành kinh tế then chốt của đất nước và cũng là cách thức để “đi tắt đón đầu” có hiệu quả. Cũng cần phải nhắc lại là trước đó Nhật Bản bị cô lập về công nghệ và ít có thông tin về những tiến bộ của công nghệ thế giới. Chủ trương nhập khẩu công nghệ tiên tiến cũng là phương thức đẩy mạnh KHCN trong nước, phục vụ cho phát triển kinh tế trong điều kiện mở cửa hội nhập. Cũng ở giai đoạn này tự do hoá thương mại cũng là nội dung được các nhà khoa học tranh luận, nhất là sau năm 1949 khi Nhật Bản tái tham gia vào hoạt động của kinh tế khu vực và thế giới và trở thành thành viên của Hiệp định chung về Thuế Quan và Thương mại (GATT) và (Quỹ Tiền tệ thế giới). Chương trình tự do hoá thương mại bắt đầu vào năm 1960 và là một trong giải pháp chủ yếu để thực hiện “Kế hoạch tăng gấp đôi thu nhập quốc dân” mà Nội các của Thủ tướng Ikeda Hayato đề xướng vào đầu năm 1960. Điều mà ai cũng biết là kế hoạch đầy tham vọng này đã được thực hiện một cách thành công ngoài mong đợi và đã tạo nên hiện tượng “thần kỳ” Nhật Bản. Thực tế, chỉ sau gần hai năm vào tháng 10-1962 chỉ tiêu tự do hoá thương mại đã được thực hiện trước thời hạn đề ra. Những kết quả đạt được không chỉ cho thấy chủ trương hội nhập, tự do hoá là hết sức đúng đắn mà đó còn là dấu hiệu để Nhật Bản có thể tin tưởng hơn vào khả năng cạnh tranh của mình trên trường quốc tế. Đây cũng là cơ sở quan trọng để Nhật Bản tiếp tục hội nhập sâu rộng hơn trên các lĩnh vực: tự do hoá vốn, tiền tệ, quản lý, đào tạo…

Kết thúc thời kỳ tăng trưởng nhanh, Nhật Bản đã đạt được những kỳ tích rực rỡ, nhất là trong kinh tế và cải thiện đời sống. Giới khoa học xã hội Nhật Bản không chỉ tổng kết mổ xẻ những nguyên nhân thành công mà còn chỉ ra những sự thay đổi của xã hội và nhất là những khó khăn và thách thức ở phía trước. Lý giải về kỷ nguyên tăng trưởng các nhận định đều cho rằng: những nỗ lực của “kỷ nguyên Minh Trị, hoặc thậm chí sớm hơn, của những năm cuối của chế độ Tokugawa, rốt cuộc đã đơm hoa kết trái”.(13) Thành công đó còn do “những người đề xướng ra sự tăng trưởng nhanh là những người đổi mới, cả lớn lẫn nhỏ, cạnh tranh lẫn nhau để áp dụng công nghệ mới, phát triển sản phẩm mới, và thay đổi cách điều hành doanh nghiệp của mình. Các chính sách của chính phủ đã hỗ trợ và đôi khi công khai giúp đỡ cho các nỗ lực này.”(14) Kết quả tăng trưởng cho thấy, Nhật Bản đã gạt bỏ được tính tự ti mặc cảm và có thể sánh ngang với các nước phương Tây không chỉ trong phát triển kinh tế mà còn ở các lĩnh vực khác nữa. Đầu những năm 1980 đến nay, Nhật Bản đã phải đối mặt với nhiều vấn đề kinh tế nan giải và bài toán đặt ra là làm thế nào để duy trì sự phát triển kinh tế đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng hơn? Thực tế đã và đang đặt ra nhiều vấn đề mới đòi hỏi người dân Nhật Bản nói chung, giới khoa học xã hội nói riêng tiếp tục nỗ lực để đưa đất nước đi lên. Trong đó “những trách nhiệm toàn cầu của Nhật Bản với tư cách là một cường quốc kinh tế đã đè nặng hơn bao giờ hết lên đôi vai của nó”(15). Vì thế, hội nhập mở cửa và tiếp thu những giá trị văn hoá mới của nhân loại vẫn sẽ là chủ đề nóng hổi của Nhật Bản và cũng là nội dung quan tâm hàng đầu của các nhà khoa học và các nhà lãnh đạo Nhật Bản hiện nay. Chắc chắn với những kinh nghiệm dày dạn vốn có của mình, người Nhật Bản sẽ tìm kiếm được những cách thức có hiệu quả đóng góp vào sự phát triển của đất nước trong bối cảnh quốc tế mới.

Có thể khẳng định rằng: Các nhà lãnh đạo và khoa học tâm huyết của Nhật Bản đã đồng hành cùng với sự phát triển của dân tộc và có nhiều đóng vào sự phồn vinh của quốc gia này. Tính thực dụng, làm việc có hiệu quả cao của người Nhật nói chung, các nhà khoa học nói riêng đã thể hiện rất rõ trong hoạt động nghiên cứu, tiếp thu các giá trị nhân loại trong tiến trình mở cửa hội nhập quốc tế. Trong quá trình đó, họ không chỉ tập trung làm rõ những nội dung thời sự cần thiết của đất nước, mà còn nghiên cứu cả những vấn đề truyền thống và tương lai. Hơn thế nữa, đó cũng chính là cơ hội để chính những người lãnh đạo, các nhà khoa học, giới doanh nghiệp, kỹ trị và cả người dân tự đổi mới, chủ động mở cửa, hội nhập và nâng cao năng lực của chính mình. Bằng sự nỗ lực không mệt mỏi của các nhà khoa học đã cho ra đời những công trình khoa học nghiêm túc, có chất lượng đóng góp có hiệu quả cho công cuộc hiện đại hoá đất nước. Trước đây cũng như hiện nay, không chỉ nhiệm vụ của quốc gia đặt ra buộc Nhật Bản tìm tòi khám phá những vấn đề cơ bản và cần thiết của đất nước mà còn phải tiếp tục bồi đắp những giá trị của dân tộc bằng chính sự tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của nhân loại.

Kết luận

Có thể lấy kết luận của Giáo sư Furuta Motoo thay cho lời nhận xét về sự cần thiết đầu tư nghiên cứu tiếp thu các giá trị văn hoá của nhân loại trong bối cảnh mới: “xu hướng toàn cầu hoá kinh tế đang phát triển tất yếu sẽ tạo ra một nền văn minh chung cho nhân loại, nhưng đồng thời điều đó không có nghĩa là là các dân tộc phải gạt bỏ văn hoá đặc sắc riêng của mình đang và sẽ mạnh lên.”(16) Những kinh nghiệm của Nhật Bản về mở cửa hội nhập, tiếp thu và phát huy các giá trị sẽ là những bài học quý để chúng ta tham khảo, nhất là trong bối cảnh mới khi Việt Nam đang tích cực tham gia vào dòng chảy chung của nhân loại trên tất cả các lĩnh vực.

———————————-

Tài liệu tham khảo:

1. Arthur M.Whitehill, Quản lý Nhật Bản: truyền thống và quá độ, TTNCNB, Hà Nội năm 1996.
2. Furuta Motoo: Giới Khoa học xã hội Nhật Bản với đặc điểm xã hội Nhật Bản, T/C NCNB số 4 tháng 12 năm 1997.
3. Fukuzawa Yukichi Phúc ông tự truyện, Nxb thế giới.
4. Edwin O.Reischauer, Nhật Bản câu chuyện về một quốc gia, Nxb Thống kê, Hà Nội 1998.
5. GS Nakamura Takafura: Những bài giảng về Lịch sử kinh tế Nhật Bản hiện đại, NxbCTQG, Hà Nội năm 1998.
6. Hoàng Đại Tuệ, Khảo sát lịch sử quốc tế hoá của Nhật Bản, T/C NCNB số 4-1996
7. Iaxuhico Nacaxone, Chiến lược quốc gia của Nhật Bản trong thế kỷ 21, Nxb Thống tấn, trang 346.
8. Nguyễn Quốc Hùng (chủ biên), Lịch sử Nhật Bản, Nxb Thế giới, Hà nội năm 2007.

———————————-

Chú thích:

(1) Nhật Bản ngày nay, Hiệp hội Quốc tế về Thông tin giáo dục 1989, trang 5
(2) Lê Đức Niệm, Giao tiếp….. T/C NCNB Tháng 4-6/1995 trang 48.
(3) Nguyễn Quốc Hùng (chủ biên), Lịch sử Nhật Bản, Nxb Thế giới, Hà nội năm 2007, trang 234.
(4) Vĩnh Sính, Nhật Bản cận đại, trang 122.
(5) Edwin O.Reischauer, Nhật Bản câu chuyện về một quốc gia, Nxb Thống kê, Hà Nội 1998.
(6) Nguyễn Ngọc Nghiệp: Nhật Bản học tập phương Tây thời Minh Trị, Tạp chí NCNB và Đông Bắc Á, Số 2/4-2003, trang 59.
(7) Edwin O.Reischauer: Nhật Bản câu chuyện về một quốc gia, Sđd, trang 150-151.
(8) Fukuzawa Yukichi Phúc ông tự truyện, Nxb thế giới. Lời dẫn của GS Chương Thâu trang 16-18
(9) Như trên trang 27-28
(10) Nguyễn Thạch Giang với sự cộng tác của Megumikudo, Những nhận xét rút ra từ bộ Nhật Bản tư tưởng sử của Ishida Kazuyoshi, Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản, số 2-1999, trang 42.
(11) GS Nakamura Takafura, Những bài giảng về Lịch sử kinh tế Nhật Bản hiện đại, NxbCTQG, Hà nội năm 1998, tr.212.
(12) GS Nakamura Takafura , Sđd, Tr. 253.
(13) GS Nakamura Takafura , Sđd, Tr. 373.
(14) GS Nakamura Takafura , Sđd, Tr. 373.
(15) GS Nakamura Takafura , Sđd, Tr. 450
(16) Furuta Motoo, Giới Khoa học xã hội Nhật Bản với đặc điểm xã hội Nhật Bản, T/C Nghiên cứu Nhật Bản số 4 tháng 12 năm 1997, Tr.10

Theo INAS.GOV.VN

Tags: , , ,