Mỹ bế tắc trước sự vươn lên của Trung Quốc tại Mỹ Latinh

Sự thống trị của Mỹ tại Mỹ Latinh vượt trội hoàn toàn so với các khu vực khác trên thế giới. Không tại đâu, Washington từng có khả năng kiểm soát trực tiếp với những hành động can thiệp mạnh mẽ như vậy, tới mức họ mặc nhiên coi khu vực này như một phần lãnh thổ kéo dài của mình.

Mỹ bế tắc trước sự vươn lên của Trung Quốc tại Mỹ Latinh

Tác giả: Claudio Katz, Giáo sư kinh tế và nhà nghiên cứu cánh tả người Argentina. Bài đăng trên trang bình luận Alai.info.

Biên dịch và biên tập: Uyển My.

Chính vì đặc điểm lịch sử có một không hai này, sự thụt lùi của siêu cường số 1 thế giới tại miền đất phía Nam sông Río Grande (hay Sông Cái, ranh giới tự nhiên giữa Mỹ và Mexico, “miền đất …” là cách gọi khác của khu vực Mỹ Latinh) là minh họa rõ nét nhất cho cuộc khủng hoảng quyền lực Mỹ. Washington đang đánh mất vị thế tại “lãnh địa” cũ của mình với một nhịp độ đáng kinh ngạc.

Những bằng chứng về đà suy giảm này trong lĩnh vực kinh tế là rất đậm nét từ sau thất bại của dự án Hiệp định Tự do thương mại châu Mỹ (ALCA) năm 2005. Mưu đồ bất thành nhằm hội nhập về thương mại và tài chính cả châu lục dưới quyền kiểm soát của mình đã ảnh hưởng tới một thị trường truyền thống của giới tư sản Mỹ. Dự án dang dở này là không thể thay thế bằng bất cứ kế hoạch nào khác có cùng định hướng. Những thỏa thuận song phương không mang lại kết quả mong đợi và khát vọng xưa cũ về vị thế thượng phong theo mô hình toàn châu Mỹ (panamericanism) giờ chỉ còn nằm trong hồ sơ tư liệu.

Bước hụt về kinh tế giờ đây lan rộng sang cả lĩnh vực địa chính trị – quân sự. Mỹ đã không thể đảo ngược đà hao mòn vị thế lãnh đạo của mình trong suốt 2 thập kỷ qua bằng các cuộc hành binh của Bộ Tư lệnh phương Nam, Hạm đội IV, các căn cứ quân sự tại Colombia hay bằng sự hiện diện của Cơ quan Bài trừ ma túy Mỹ (DEA), Cục Tình báo trung ương (CIA) và Cục Điều tra liên bang (FBI). Trong khoảng thời gian này, Nhà Trắng đã không thể lập lại các chiến dịch can thiệp và chiếm đóng quân sự như từng làm trước đây tại Granada (1983) và Panama (1989). Đúng là Washington đã siết chặt cuộc bao vây cấm vận chống Cuba và thực hiện các âm mưu đảo chính chống Venezuela, nhưng họ đã không thể tái thiết Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) hay dàn xếp một cuộc phản công mang quy mô châu lục như từng ấp ủ với Nhóm Lima.

Đà thụt lùi này còn được thể hiện trong cả lĩnh vực tư tưởng. “Giấc mơ Mỹ” đã không còn lấp lánh như trong quá khứ. Tại khu vực này, vẫn luôn có những lời tán tụng cho chủ nghĩa tư bản thuần khiết, những tiếng ngợi ca vai trò được đề cao của các doanh nghiệp hay sự lý tưởng hóa tinh thần cạnh tranh, nhưng hình mẫu Mỹ đã mất đi sức hút ngoại lệ vốn có với Mỹ Latinh. Những khó khăn mà quốc gia Bắc Mỹ này đối mặt đang dần làm lu mờ ánh hào quang rực rỡ trong quá khứ. Tình trạng bất bình đẳng gia tăng khiến cho nhận định rằng hệ thống chính trị Mỹ mang lại phúc lợi cho đa số ngày càng trở nên kệch cỡm.

Các tín đồ của hình tượng quốc gia siêu cường như nhà bảo hộ chân chính cho cả châu lục cũng đang ngày càng ít đi tại Mỹ Latinh. Giờ đây chỉ còn những bộ phần ngày càng nhỏ trong giới tinh hoa của khu vực này vẫn còn lưu giữ niềm tin rằng những giá trị theo tiêu chuẩn Mỹ là phổ quát của cả nhân loại. Những hành động can thiệp trên trường quốc tế của Washington không còn được nhìn nhận như liều thuốc giải độc công hiệu cho mọi tình huống rối loạn. Công chúng khu vực ngày càng thấy rõ những “anh hùng” lính thủy đánh bộ trên thực tế chỉ ra tay để bảo vệ lợi ích của một thiểu số giầu có tại đất nước hùng cường phương Bắc. Quá trình tái định hình nhận thức chung về vai trò của Mỹ này còn chịu tác động từ bước thâm nhập thần tốc của một “tay chơi” mới từ ngoài khu vực.

Lúng túng trước kẻ thách thức bất ngờ

Quá trình mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Mỹ Latinh rõ ràng diễn ra song song với sự hao mòn thế thống trị của Mỹ. Quốc gia đông dân nhất thế giới không phô bầy tinh thần cạnh tranh như Liên minh châu Âu (EU) hay Nhật Bản, những tác nhân trong quá khứ từng không ít lần “tập kích” bất thành vào khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của Washington này. Trong nửa cuối thế kỷ 20, những hành động thâm nhập của EU hay Nhật Bản chỉ giới hạn trong một số ngành kinh tế nhất định và chưa bao giờ đe dọa uy thế bao trùm Mỹ Latinh của siêu cường Mỹ.

Nhưng lần “đổ bộ” này của Trung Quốc mang một quy mô và sắc thái khác, tạo ra dấu ấn trên toàn bộ khu vực Mỹ Latinh, nơi mà giới cầm quyền Mỹ vẫn thường gọi với hàm ý miệt thị là “sân sau của Mỹ”. Tốc độ thâm nhập của quốc gia châu Á tại Tây Bán Cầu là chưa từng có, khởi đầu ở lĩnh vực thương mại với mức tăng giá trị thương mại đạt 26% mỗi năm. Giá trị trao đổi Trung Quốc – Mỹ Latinh đã tăng từ 18 tỷ USD năm 2002 lên mức 450 tỷ USD vào năm 2021. Ngày nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Argentina, Brasil, Chile, Peru và Uruguay, và lớn thứ hai của Mexico và Colombia.

Mối quan tâm ban đầu của Bắc Kinh tập trung vào việc thu mua tài nguyên, nhằm đảm bảo nguồn cung nguyên liệu từ khu vực có dự trữ dồi dào nhất hành tinh. Bằng cách này, Trung Quốc công khai thách thức ý đồ “canh giữ” các nguồn khoáng sản này của Mỹ. Mỹ Latinh chiếm tới 40% đa dạng sinh học toàn cầu, 25% diện tích rừng và 28% nguồn nước ngọt, đồng thời sở hữu 85% trữ lượng lithium đã được kiểm chứng trên thế giới, 43% trữ lượng đồng, 40% lượng nikel và 30% lượng bauxite. Bắc Kinh rõ ràng đã chú ý đặc biệt tới ưu đãi thiên nhiên này để duy trì nhịp độ tăng trưởng phi thường của mình.

Đà tiến của Trung Quốc tại Mỹ Latinh trên thực tế vẫn tuân thủ chiến lược mà quốc gia này áp dụng tại các khu vực khác trên thế giới, nhưng trong trường hợp này, Bắc Kinh đã va chạm trực tiếp với lợi thế có trước của đối thủ chính tại “lãnh địa” địa chính trị cố hữu của Mỹ. Washington có vẻ như đã khá bất ngờ trước những bước tiến mạnh bạo này và giới hoạch định chính sách của họ vẫn chưa thể định rõ một chiến lược đáp trả xứng tầm.

Trung Quốc đã tận dụng thất bại của dự án ALCA dưới thời chính quyền Bush và tư tưởng tương đối dễ dãi của Obama trong quản lý tự do thương mại để ký kết những thỏa thuận kinh tế với các nước Mỹ Latinh. Thông qua con đường này, chỉ trong vòng 20 năm, quốc gia đông dân nhất thế giới đã vươn tới một vị trí trong thương mại rất sát với Mỹ tại toàn bộ khu vực.

Cựu tổng thống Donald Trump muốn đáp trả bằng phản ứng mang tính bảo hộ đầy độc hại, ông đóng băng các vận động đa phương, triển khai chương trình nghị sự của bộ phận tư sản Mỹ hướng nội và nỗ lực giành lại các thị trường cũ bằng mọi hình thức phi chính quy. Nhưng cả những quân bài mang tính vụ lợi con buôn của nhà lãnh đạo lập dị này cũng không mang lại kết quả, khi nó không đảo ngược được thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc và cũng chẳng cải thiện được mức thặng dư với các khách hàng Mỹ Latinh.

Vị nguyên thủ tài phiệt này chỉ giành được chút “dưỡng khí” với việc thay đổi hiệp định với Mexico (T-MEC), làm hài lòng các doanh nghiệp Mỹ và đảm bảo những lợi ích thuế quan to lớn. Ngoài ra, ông cũng thiết lập những hàng rào ngăn cản các doanh nghiệp Nhật Bản và Đức thâm nhập thị trường nội địa Mỹ, và “phủ quyết” được một số hiệp định hấp dẫn mà Trung Quốc dự định dành cho Mexico.

Nhưng những thành tích đó không bù đắp được những không gian mà Washington đánh mất vào tay Bắc Kinh tại khu vực. Mỹ đã không thể mở rộng mô hình T-MEC ra các nước Trung Mỹ và Caribe, và cũng không thể tránh được các chính phủ rất thân phương Tây tại khu vực mở rộng các thỏa thuận với Trung Quốc.

Bước hụt về kinh tế này có những tác động tương ứng về chính trị. Những đòn phản kích của Trump nhằm buộc các chính phủ hữu khuynh tại khu vực đứng vào cùng chiến hào với Washington đã không có hiệu quả đáng kể trong hoạt động kinh doanh, và giai cấp thống trị tại khu vực không chịu buông bỏ những trao đổi với Bắc Kinh.

Thất bại của Mỹ trong việc cản trở bước tiến của Trung Quốc càng rõ rệt nếu đặt trong so sánh kết quả điều hành của Trump so với người tiền nhiệm Nixon, mà trong những năm 1970 từng phải đối diện thách thức từ khả năng cạnh tranh rất cao của các nền kinh tế Đức và Nhật Bản. Vị tổng thống cũng thuộc đảng Cộng hòa khi đó đã xóa bỏ giá trị bất biến của đồng USD (dựa trên chế độ bản vị vàng), triển khai một loạt biện pháp nâng thuế mạnh tay, thỏa hiệp để phân tách Trung Quốc khỏi đồng minh Liên Xô, và “bù đắp” thất bại quân sự tại Việt Nam bằng cuộc đảo chính của đối tác thân cận Pinochet tại Chile và cuộc phản kích của Israel tại Trung Đông.

Ngược lại, tất cả các sáng kiến địa chính trị của Trump đều không vững chắc, rất hạn chế về hiệu quả thực tế và nhiều lúc bị chính ông đảo ngược khi còn chưa đạt kết quả cụ thể nào. Trump dao động trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, trưng ra vô số thất thường trước Nga, kết hợp những tuyên bố hùng hồn với trạng thái bất động trên thực tế trước Triều Tiên và Iran, và rồi không thể áp đặt các đòi hỏi về quân sự hóa với EU. Bức tranh tương phản này với thời kỳ cầm quyền của Nixon là một chỉ dấu khác về vị thế thụt lùi hiện tại của Mỹ so với trước đây.

Cuộc phản công bất thành

Mỹ giờ đây không còn sử dụng những đề nghị tự do thương mại để ngăn chặn đà mở rộng của Trung Quốc, đơn giản vì họ không cạnh tranh được với địch thủ của mình trong khía cạnh đó. Trao đổi mậu dịch phi thuế quan luôn là “biển hiệu” của các nền kinh tế có tính cạnh tranh cao hơn: nó từng là khẩu hiệu lớn của London trong thế kỷ 19, của Washington trong thế kỷ trước và là của Bắc Kinh hiện tại.

Mỹ chỉ áp dụng nguyên tắc này khi nền kinh tế của họ đủ năng lực để khuất phục các đối thủ cạnh tranh. Ở thời điểm đó, các thành phần theo khuynh hướng bảo hộ và hướng nội tại Mỹ phải nhường “sân khấu” cho giới tư bản theo đuổi tư tưởng toàn cầu hóa, những người luôn muốn áp đặt nghị trình tự do hóa.

Tại Mỹ Latinh, con đường này được định hình trước với học thuyết tư tưởng toàn châu Mỹ và tiếp nối với các chương trình mở cửa thương mại. Khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, lá cờ tự do thương mại gắn liền với kinh tế Mỹ, mà ở thời điểm đó có GDP gấp 3 lần Liên Xô, 5 lần Anh và sở hữu một nửa hoạt động công nghiệp toàn cầu.

Đà sụt giảm tỷ trọng năng suất ấn tượng này được ghi nhận đầu tiên trước các nền kinh tế được tái thiết của Nhật Bản và Đức, và giờ đây hiện rõ trước sự vươn lên của Trung Quốc. Năng lực cạnh tranh hiện tại của Trung Quốc lý giải sự nhiệt thành của họ trong việc bảo vệ lập trường phi điều tiết thương mại tại Hội nghị thượng đỉnh Davos. Ở đây, sự trung thành bề ngoài với lý tưởng đó của phương Tây tương phản với sự thúc đẩy thực tâm mục tiêu đó của trung tâm kinh tế mới tại phương Đông.

Thất bại của phương án bảo hộ mà Trump triển khai đã khiến Biden thử nghiệm những công cụ kinh tế kiểu Keynes để chạy đua với Trung Quốc. Ông tiến vào Nhà Trắng với những luận điệu kiểu New Deal và những đề xuất táo bạo về gia tăng chi tiêu công, tổ chức lại các nguồn thu và thúc đẩy đầu tư vào hạ tầng cơ sở. Biden hứa hẹn đảo ngược các chính sách cắt giảm thuế và trừng trị các thiên đường thuế khóa, để tập hợp các nguồn lực phục vụ nhiệm vụ kích thích nền kinh tế Mỹ.

Biden không áp dụng lại chủ trương đa phương hóa của Obama hay những sáng kiến tự do thương mại của những người tiền nhiệm theo tư tưởng toàn cầu hóa. Ông chỉ cố gắng tiệm cận con đường đó để kích hoạt các động cơ thúc đẩy vai trò của Mỹ. Nhưng ngay cả chiến lược được hứa hẹn đó cũng chưa khởi động toàn phần trên thực tế trong 2 năm đầu nhiệm kỳ vừa qua.

Tới nay, gói biện pháp gia tăng chi tiêu công của Biden chỉ đạt những tiến bộ ít hơn mong đợi rất nhiều tại Quốc hội, khi vấp phải sự phản đối của phe Cộng hòa và cả từ chính một bộ phận phe cầm quyền. Đầu tiên, giới vận động hành lang của các công ty dược phẩm đã ngăn chặn bất cứ hạn chế nào nhắm vào lãnh địa bản quyền sáng chế của họ, và kế đó giới đại tư bản đã phủ quyết mọi ý đồ cải thiện các dịch vụ xã hội và tăng thuế. Tiếp nữa, giới chủ ngân hàng ngáng chân ý định mở rộng chi tiêu công và cuối cùng, các tập đoàn dầu khí cản trở sự cất cánh của một nền kinh tế xanh.

Tất cả các sáng kiến về chi tiêu cho môi trường, cải thiện dịch vụ chăm sóc y tế hay tăng thuế tuần tự đều bị biến hình thành những gói kích thích chi tiêu thông thường và vụn vặt. Ngoài ra, ý đồ tái kích hoạt kinh tế theo công thức Keynes còn phải đối mặt với bối cảnh lạm phát mới tiếp nối đại dịch và hệ quả từ gia tăng chi tiêu quốc phòng do cuộc chiến tại Ukraina.

Những rào cản này tiếp tục làm chậm lại những dự án thương mại xuyên Đại Tây Dương và xuyên Thái Bình Dương, mà Mỹ vẫn giữ trong trạng thái chưa xác định. Và thế bế tắc của các dự án tham vọng này càng phơi bầy những điểm yếu của siêu cường lớn nhất thế giới. Thế thượng phong trên trường quốc tế của đồng USD, những ưu thế về công nghệ cao và uy thế của Lầu Năm Góc, chưa đủ làm giá đỡ để Mỹ cạnh tranh với tốc độ mở rộng của Trung Quốc. Chính vì lẽ đó, Biden không thể đảo ngược được bước tiến liên tục của con rồng phương Đông tại Mỹ Latinh.

Giai cấp thống trị tại khu vực này ngày càng thắt chặt hơn quan hệ làm ăn với Trung Quốc, bất chấp những sức ép từ Washington để cản trở hướng đi đó. Biden lặp lại thất bại của người tiền nhiệm khi không thể phá vỡ các mối liên kết này. Ngay cả hai “tín đồ” của Trump tại Mỹ Latinh – (các cựu tổng thống Argentina và Brasil) Macri và Bolsonaro – cũng đều chỉ tiến hành lấy lệ một vài biện pháp sơ khởi tách rời Bắc Kinh.

Nhưng ngay cả những bước đi hình thức đó cũng đã bị bỏ lại khi các nhà xuất khẩu tại cả 2 nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ này đòi phải duy trì những giao dịch khổng lồ của mình với Trung Quốc. Quyết định của Macri trì hoãn một số công trình hạ tầng do Bắc Kinh tài trợ hay những động thái thân thiện của Bolsonaro với Đài Loan nhanh chóng bị những yêu cầu của giới đại tư sản bản địa vô hiệu hóa.

Sự tiếp diễn của mối quan hệ tài chính và thương mại với Bắc Kinh là câu trả lời thực dụng của giai cấp thống trị Mỹ Latinh trước sự thiếu vắng các đề nghị bù đắp thỏa đáng từ phía Mỹ. Trump đơn giản chỉ phô trương sự cáu giận của mình với Argentina, Jamaica, Panama và Colombia, sau khi đòi hỏi các nước này phá vỡ quan hệ với Trung Quốc mà không có chính sách đối trọng dưới bất kỳ hình thức nào. Biden có thay đổi luận điệu đó, nhưng rốt cục vẫn tìm cách tái lập thế bảo hộ cũ của Mỹ với rất ít phương án bổ trợ tương xứng.

Kế hoạch phối hợp thu thuế quốc tế của Mỹ chính là minh chứng cho tính mong manh của những đề xuất mà Washington dành cho các đối tác Mỹ Latinh. Sáng kiến này nhắm vào việc trừng phạt việc trốn và tránh thuế, thông qua một thuế suất mới đánh vào các doanh nghiệp lớn đăng ký nộp thuế tại các thiên đường thuế quan. Thế nhưng vì thuế suất này, theo công thức đề nghị, được thu về nước nơi đặt trụ sở chính của các tập đoàn này, thay vì nước đặt cơ sở sản xuất, nên toàn bộ lượng tiền khoảng 100 tỷ USD dự kiến thu được từ thuế suất này sẽ “chẩy vào túi” chính phủ các nền kinh tế lớn. Nói cách khác, Washington sẽ hút được một dòng tiền đáng kể mới, với các nguồn lực và giá trị chủ yếu được tạo ra trong lãnh thổ các nước Mỹ Latinh. Như vậy, Biden lại tiếp tục truyền thống xưa cũ là bòn rút Mỹ Latinh, nhưng vẫn không cản trở được đà mở rộng của một đối thủ đã và luôn sẵn sàng thương lượng với tất cả giới tư sản bản địa tại vùng “sân sau” của Mỹ.

Con đường tơ lụa tại Mỹ Latinh

Cuộc quyết đấu giành thế thượng phong kinh tế tại Mỹ Latinh cũng diễn ra trong không gian các siêu dự án quốc tế. Trung Quốc muốn thúc đẩy một vành đai hạ tầng khổng lồ, với nhiều cảng biển và đường giao thông kết nối với nhau, mà tới nay đã thu hút sự tham gia của 145 quốc gia, chiếm 70% dân số và 55% GDP toàn cầu. Con đường tơ lụa mới này dẫn tới những gói tín dụng ấn tượng với tổng trị giá lên tới 8.000 tỷ USD, vượt mức của những kế hoạch tái thiết mà Mỹ từng đưa ra sau Chiến tranh thế giới thứ hai từng làm thay đổi thế giới.

Dự án hạ tầng khổng lồ này phải phát triển trong bối cảnh những căng thẳng gay gắt mà cuộc chiến tại Ukraina gây ra, tình trạng lạm phát và đứt gẫy chuỗi cung ứng do hệ quả của đại dịch COVID-19. Đồng thời, Trung Quốc còn phải đối mặt với những xung đột do các khoản nợ dành cho các nước tham gia dự án còn được gọi là Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) này, khi giờ đây họ là chủ nợ lớn của những nền kinh tế rất mong manh như Mông Cổ, Lào, Maldivas, Montenegro, Yibuti, Tajikistan và Kyrgyzstan, hay tái cấu trúc các khoản cho vay với những nước chịu quá nhiều tác động từ gánh nặng nợ như Bangladesh, Tanzania hay Nigeria.

Các cuộc đàm phán về mỗi phân khúc của Con đường tơ lụa mới còn làm bùng nổ những xung đột hay tranh cãi khi những nước tham gia dự án gia tăng tỷ trọng của mình nhưng không tham vấn với các đối tác láng giềng. Những hiệp ước mà Italy đã ký “sau lưng” EU khắc họa rõ nét những căng thẳng dạng này. Nhưng trong những bối cảnh rất khác nhau này, Trung Quốc đều cho thấy quyết tâm mạnh mẽ, trong khi Mỹ thường chỉ đóng vai một khán giả bối rối.

Mỹ Latinh cũng không phải ngoại lệ của chiến lược này. Chỉ trong vòng 4 năm, Con đường tơ lụa mới đã thu hút 20 quốc gia trong khu vực tham gia, và Mỹ Latinh có vai trò có thể so sánh được với châu Phi trong siêu dự án này. Nước mới nhất tham gia dự án là Argentina, và sự gia nhập này tạo thêm áp lực để 3 nền kinh tế có trọng lượng còn lại trong khu vực, là Brasil, Mexico và Colombia, cũng có bước đi tương tự.

Nền kinh tế các nước vùng Chóp nón Nam Mỹ phụ thuộc nhiều vào các khoản tín dụng lớn để mua sắm hàng hóa chế tạo và dịch vụ của Trung Quốc. Trong vấn đề quan hệ với Bắc Kinh, Argentina chịu ít sức ép từ Washington hơn so với Mexico hay Colombia, đồng thời cũng có nền công nghiệp quy mô nhỏ hơn so với Brasil để phải bảo vệ trước làn sóng nhập khẩu. Nhưng các đề nghị mà Brasilia đang cân nhắc đồng điệu với nhịp độ gia tăng thương mại giữa Brasil và Trung Quốc, từng nhảy vọt từ mức 2 tỷ USD năm 2000 lên mức hơn 100 tỷ USD năm 2020.

Mexico vẫn chưa đưa ra câu trả lời cho đề nghị từ Bắc Kinh về việc ký kết một thỏa thuận tự do thương mại, nhưng khả năng này hầu như đã bị loại trừ bởi các điều khoản trong hiệp định T-MEC mà đất nước Azteca đã ký với Mỹ. Nhiều tiếng nói đang thúc đẩy Chính phủ Mexico tiến hành bước đi gây tranh cãi này để đặt đất nước thực sự cân bằng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng ở thời điểm này đây là quân bài mà dường như chưa ai trong bộ máy của tổng thống Andres Manuel López Obrador muốn tung ra.

Trung Quốc đàm phán với tất cả các đối tác mà không đòi những cam kết tiên quyết như Mỹ thường làm, cũng không bám giữ vào truyền thống của các chủ nợ thường tịch thu tài sản đất đai, doanh nghiệp hay tài nguyên của các con nợ mất khả năng chi trả. Con số về các vụ kiện do “không hoàn thành” nghĩa vụ tài chính tại Cơ quan trọng tài quốc tế (ICSID) cho thấy quy mô gánh nặng trừng phạt mà các doanh nghiệp Mỹ (hoặc châu Âu) áp đặt lên các nhà nước Mỹ Latinh. Con số các án phạt đã tăng từ 6 năm 1996 lên 1.190 năm 2022, với tổng trị giá các khoản phạt là 33 tỷ USD.

Chỉ thời gian mới trả lời được những nghi vấn về cách hành xử trong tương lai của Trung Quốc trước những hoàn cảnh tương tự. Một số nhà phân tích dự đoán rằng quốc gia phương Đông này đã bắt đầu phòng ngừa những diễn biến dạng này khi đang dần thay các khoản tín dụng nhà nước – nhà nước bằng những khoản vay tư nhân có bảo đảm bằng tài sản. Nhưng việc thực hành những điều khoản phạt không hoàn thành tới nay vẫn chưa diễn ra và tới nay Trung Quốc vẫn có bộ mặt thân thiện hơn Mỹ và tiến bước trên Con đường tơ lụa mới với một vận tốc làm chóng mặt đối thủ đầy quyền uy từ phương Bắc.

Lời đáp trả thiếu thuyết phục

Trước thế công mãnh liệt trong khía cạnh kinh tế của Trung Quốc, Trump ấp ủ dự định dựng lên một bức tường phòng ngự từ năm 2019 với dự án “châu Mỹ tăng trưởng” hay “America crece” (do dự án này hướng tới các nước Mỹ Latinh, nên tên gốc của dự án được đặt bằng tiếng Tây Ban Nha, ngôn ngữ chính của đại đa số các nước trong khu vực), với mục tiêu thúc đẩy các thỏa thuận ưu đãi với Mỹ Latinh với các doanh nghiệp Mỹ trong các hoạt động hứa hẹn nhất của ĩnh vực năng lượng. Kế hoạch này đặc biệt khuyến khích những kết nối về khí đốt từ Mexico tới các nước Trung Mỹ, gia tăng sự hiện diện của các công ty Mỹ trong các hệ thống điện lưới quốc gia tại Colombia, Ecuador, Peru và Chile, đồng thời cũng đặt trọng tâm vào các nguồn dự trữ khí đốt tại Bolivia và các mỏ dầu thô tại vùng hoang mạc Vaca Muerta của Argentina và tại lớp tiền muối vùng biển sâu trong lãnh hải Brasil tại Đại Tây Dương.

Để thúc đẩy các sáng kiến này, Trump đã sắp đặt – trái với thông lệ truyền thống – một quan chức Mỹ (Mauricio Claver Carone) vào vị trí chủ tịch Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (BID – thể chế tài chính đa phương lớn nhất châu Mỹ) và ép Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cấp gói tín dụng khổng lồ cho một chính phủ Argentina cực hữu đang trong tình trạng khánh kiệt và gần vỡ nợ. Ngoài ra, Washington còn thúc đẩy những điều chỉnh mạnh mẽ trong hệ thống mua sắm công của nhiều nước Mỹ Latinh và đưa ra đề xuất ký kết các thỏa thuận theo dạng hiệu lực thực tế (thường là dưới hình thức hợp tác cấp dưới chính phủ cho dù các thỏa thuận này có phạm vi và tác động lớn) để giảm thiểu thời gian đàm phán và né tránh cơ chế giám sát của nghị viện các nước. Chính nhờ định dạng sáng tạo kiểu Trump này mà Mỹ đã ký kết được trong thời gian kỷ lục nhiều thỏa thuận đáng ngờ về mặt pháp lý với các nước trong khu vực.

Nhưng ngay cả với biện pháp ứng biến linh hoạt đó, vị nguyên thủ tài phiệt cũng không thể đưa ra một lựa chọn thay thế thực sự nào cho BRI của Trung Quốc. Những sáng kiến của ông rốt cục vẫn trôi nổi trong cả biển những dự án chưa triển khai, trong khi các chính phủ Mỹ Latinh vẫn tiếp tục thực hiện những thỏa thuận hiệu quả với các khách hàng và nhà cung cấp Trung Quốc. Ánh hào quang từ sự khởi đầu vang động của “America Crece” nhanh chóng lụi tàn mà hầu như không gợi lên mối quan tâm nào thực sự ý nghĩa.

Những bước đi dang dở đó làm dấy lên những căng thẳng ngay trong lòng nước Mỹ giữa khối tư sản bảo hộ và khối theo tư tưởng toàn cầu hóa. Tình trạng xung đột lại càng cản trở một sáng kiến vốn đã thiếu sự hỗ trợ tài chính đủ tầm từ ngân sách quốc gia, khi “America Crece” vốn được nhìn nhận như một kế hoạch mở cửa kinh doanh cho khối tư nhân và chính khối này được cho là phải tự xác định lựa chọn và khối lượng đầu tư của mình. Công thức này ban đầu được đưa ra nhằm đối chọi với kiểu cách của Trung Quốc; tuy nhiên, khi Con đường tơ lụa mới vẫn đều đặn trải dài, Washington nhận thấy rằng thiếu “ví tiền” trực tiếp từ chính phủ, họ không thể cạnh tranh với đối thủ châu Á.

Biden kế thừa sự bế tắc này mà không đóng góp được giải pháp nào. Ông vẫn duy trì khuôn mẫu của “châu Mỹ tăng trưởng” dưới một tên gọi mỹ miều “Liên minh Thịnh vượng kinh tế châu Mỹ” và chú trọng kết hợp tới chương trình khuyến khích bổ trợ cho các doanh nghiệp Mỹ thoái vốn từ châu Á về Tây Bán Cầu (Back to the Americas hay “trở về châu Mỹ”). Ông cũng nhắm vào nguồn quỹ từ BID để ganh đua cung cấp tài chính với Trung Quốc tại Mỹ Latinh và tìm cách xoa dịu những căng thẳng mà người tiền nhiệm gây ra tại khu vực này bằng cách sa thải một số quan chức từ thời Trump khỏi BID.

Các cuộc đàm phán với 11 quốc gia Mỹ Latinh nhằm kích hoạt dự án mới tiến triển rất chậm chạp và không khơi dậy mối quan thiết như dự án ALCA thất bại từng làm được. Lời kêu gọi mở rộng mô hình đối tác với Mexico (T-MEC) sang Trung Mỹ không giúp giải quyết bất cứ vấn đề nào trong số những yếu tố từng làm tê liệt sáng kiến của Trump.

Mức thâm hụt tài chính khổng lồ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cản trở nguồn tiền cần thiết để triển khai những đề xuất dạng này. Sự thiếu hụt ngân sách cũng hạn chế cú bật kiểu Keynes mà Biden từng mường tượng nói chung và là chướng ngại cho cuộc cạnh tranh với Trung Quốc trên bình diện toàn cầu. Chính vì vậy, trong khi BID – cơ chế hầu như bị Mỹ khống chế – vẫn “lang thang” vô định thì Diễn đàn Trung Quốc – Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) tăng cường đều đặn nghị trình song phương. Mỹ thậm chí còn không thể tận dụng những tương đồng về chính sách từng đạt được trong quá khứ qua mô hình Đồng thuận Washington.

Sự sụt giảm vai trò mang tính quy mô của Mỹ tại Mỹ Latinh là rất dễ nhận thấy, nếu so sánh các bước đi nêu trên với những sáng kiến mà Nhà Trắng từng áp dụng trong những năm 1960 để vô hiệu hóa tác động từ cuộc Cách mạng Cuba. Vào thời điểm đó, Mỹ thành lập Liên minh vì tiến bộ với những khoản tín dụng và đầu tư khổng lồ vào tất cả các nước trong khu vực mà không vấp phải sự cạnh tranh kinh tế từ bất cứ cường quốc nào khác. Giờ đây, Washington không còn huy động những nguồn lực ở quy mô đó và phải đối diện với một đối thủ thâm nhập ngày càng sâu vào “sân sau”. Giới tư sản Mỹ Latinh, mà trong những thập kỷ trước đây thường “tự động” đứng vào hàng ngũ của ông chủ phương Bắc, hiện nay lại muốn giữ khoảng cách và cố tạo ra cuộc chơi của riêng mình.

Một bức chân dung của tình thế

Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ vừa qua minh họa một cách cụ thể vị thế đi xuống này của Mỹ. Sự kiện này được coi là không gian chính để Washington sắp xếp về chính trị khu vực Tây Bán Cầu và mỗi kỳ trong số 8 hội nghị trước đó được tổ chức xuyên qua 3 thập kỷ qua, đều phản ánh trạng thái mối quan hệ “liên Mỹ” ở từng giai đoạn.

3 cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên (Miami 1994, Santiago de Chile 1998 và Quebec 2001) đều cho thấy sự phục hồi vị thế rõ ràng của Mỹ tại Mỹ Latinh, với bước khởi đầu và vươn lên mạnh mẽ của chủ nghĩa tự do mới, cùng sự tan rã của Liên Xô. Nhưng đà tiến này đột ngột bị cắt đứt tại hội nghị lần thứ 4 (Mar del Plata 2005) với thất bại lịch sử của dự án ALCA. Cú xoay này trùng khớp với giai đoạn thế đơn cực của Mỹ bắt đầu đi vào thoái trào và mở ra một loạt những thất bại tiếp theo của “chú Sam” tại khu vực.

Obama đã cố điều hành một bối cảnh hòa hoãn trong 3 kỳ hội nghị thượng đỉnh sau đó (Puerto España 2009, Cartagena 2012 và Panama 2015), khi không thể hiện thực hóa những thỏa thuận tự do thương mại song phương thay thế cho ALCA và chấp nhận sự hiện diện của Cuba. Thậm chí, vị nguyên thủ da mầu đầu tiên trong lịch sử Mỹ còn đưa ra luận điệu hòa giải và ngang bằng với các nước khác trong khu vực, đồng thời xa cách chủ nghĩa toàn châu Mỹ.

Trump điều chỉnh mạnh mẽ kịch bản đó với mục tiêu khôi phục thế thống trị công khai của Mỹ. Ông kết hợp các màn phô diễn sức mạnh với những lời công kích chê bai diễn đàn này, và cuối cùng là vắng mặt tại hội nghị thượng đỉnh Lima 2018 để tránh các cuộc biểu tình phản đối mà chính những phát ngôn bài ngoại gây hấn của ông khơi ra. Thế nhưng những ồn ào xung quanh sự vắng mặt này cũng chỉ nhằm che đậy thất bại của những âm mưu lật đổ chính quyền Venezuela và sự đổ vỡ không kèn không trống của liên minh cực hữu mà Washington gây dựng và tham vọng mở rộng ra khắp khu vực (Nhóm Lima).

Còn tại Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ vừa qua (Los Angeles 2022), Biden phải đối diện với mức độ phản kháng chưa từng có từ các nước thành viên. Để che đậy mục đích nắm lại thế thượng phong ở Tây Bán Cầu, ông chủ Nhà Trắng đã đưa vào hội nghị tất cả các chủ đề thời thượng nhất trên diễn đàn quốc tế, từ năng lượng sạch, hạ tầng số tới kinh tế xanh và năng lực cai trị dân chủ. Washington loại bỏ Nicaragua, Cuba và Venezuela khỏi cuộc gặp để làm vui lòng giới chính trị gia cực hữu gốc Latinh thống trị bang Florida và phô trương vị thế của vai trò kép là chủ nhà tổ chức và người bảo trợ của diễn đàn. Thế nhưng bước đi thô thiển và ngạo mạn theo đúng kiểu Trump này rốt cục đã gây ra vô số những phản đối cả trong và ngoài diễn đàn và phá hỏng sự kiện.

Mexico mở đầu làn sóng nguyên thủ tẩy chay vì không chấp nhận cách hành xử đơn phương, hống hách này, khiến cuộc gặp cấp cao trở thành một một sự kiện gần như chỉ mang tính hình thức, bị chính hầu hết những người tham dự nghi ngờ. Quyết định loại bỏ với cái cớ là những vi phạm nhân quyền ở 3 nước có các chính phủ không thân thiện với Washington đặc biệt kệch cỡm trong bối cảnh chính phủ Mỹ đang hòa giải với chế độ quân chủ tội ác tại Saudi Arabia. Biden thậm chí còn bị chính một số chính phủ hữu khuynh đồng minh truyền thống bỏ rơi khi nguyên thủ các nước này cũng lựa chọn không tham dự.

Sự vắng mặt diện rộng này đã cản trở việc ký kết một hiệp định nhằm ngăn chặn các luồng di cư trái phép từ Trung Mỹ tới Mỹ – mục đích thực tế quan trọng nhất của Washington tại hội nghị, hay việc đạt đồng thuận rộng rãi trong khu vực đối với các biện pháp trừng phạt Nga, trong khi Washington thậm chí còn phải chấp nhận nguyên tắc không được phép tiến hành việc tự ý loại trừ các thành viên tham dự các hội nghị thượng đỉnh trong tương lai. Trên thực tế, những diễn giả đề xuất và bảo trợ nguyên tắc này đã trở thành những nhân vật chính thật sự của hội nghị. Ngay cả những ẩn ý rõ nét của Nhà Trắng về nguy cơ một cuộc xung đột vũ trang toàn cầu cũng không khiến các chính phủ Mỹ Latinh đứng vào chiến hào cùng người anh cả của châu lục.

Những diễn biễn này đã khắc họa sự thay đổi trong tương quan giữa các lực lượng chi phối tại khu vực. Mỹ đã thử nghiệm nhiều miếng đánh khác nhau, những vẫn không thay đổi được những yếu tố bất lợi cho mình, và giờ đây ngay cả trong lĩnh vực chính trị vốn nắm giữ ưu thế tuyệt đối, Washington cũng đã bắt đầu phải cạnh tranh với những hội nghị do Bắc Kinh thúc đẩy, vốn không loại trừ thành viên nào. Khác với Mar del Plata năm 2005, Hội nghị Thượng đỉnh Los Angeles thất bại (đối với Mỹ) không phải do một liên minh mạnh mẽ giữa các nước Mỹ Latinh (mà khi đó do 3 tổng thống tiến bộ rất có uy tín khởi xướng là Lula da Silva của Brasil, Hugo Chávez của Venezuela và Nestor Kirchner của Argentina), mà là do sự bất lực của chính Washington.

Quân bài tẩy sức mạnh quân sự

Mỹ đang cố gắng phản kích lại những bược hụt trong kinh tế bằng việc gia tăng hành động địa chính trị và quân sự. Đây là quân bài mà mọi ông chủ Nhà Trắng sẽ chơi để kìm giữ sự hiện diện của Trung Quốc và khuất phục quyền tự chủ của giai cấp tư sản bản địa tại Mỹ Latinh.

Cả 2 mục tiêu này đều được giới chóp bu của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ chia sẻ, với phương châm kết hợp các chính sách đe dọa với thương lượng, nhằm tái tập hợp quyền lực Mỹ tại khu vực. Sự pha trộn giữa cây gậy và những hành xử bề ngoài mực thước là công thức chính của hầu hết các chính quyền Mỹ.

Không một vị nguyên thủ của Mỹ nào cân nhắc giả thuyết rút lui khỏi Mỹ Latinh. Yếu tố bất biến này là nội dung cốt lõi của siêu cường số 1 thế giới, do đó họ không thể và không muốn “chuyển giao” cho Trung Quốc quyền thống trị Mỹ Latinh như cách họ từng “nhận” từ Anh vào nửa đầu thế kỷ 20.

Mỹ đang muốn duy trì ưu thế của mình bằng cách vận dụng cấu trúc quân sự đồ sộ mà Lầu Năm Góc nắm giữ tại khu vực. Bộ Tư lệnh phương Nam, Hạm đội IV và các căn cứ đặt tại Colombia có cấu trúc và quy mô rất giống với cách bố trí lực lượng lính thủy đánh bộ tại Vùng Vịnh hay Địa Trung Hải.

Mỹ Latinh là sân khấu lịch sử của chủ nghĩa can thiệp Mỹ. Từ năm 1948 tới 1990, Bộ Ngoại giao Mỹ đã nhúng tay vào việc lật đổ 24 chính phủ tại khu vực. Trong 4 trường hợp, binh lính Mỹ được triển khai trực tiếp, trong 3 trường hợp khác phương án ám sát của CIA được lựa chọn, và 17 cuộc đảo chính còn lại được Washington “điều khiển từ xa”. Phần lớn những người trực tiếp thực hiện các cuộc đảo chính này nằm trong số 70.000 sĩ quan quân sự mà Lầu Năm Góc đào tạo “giúp” các nước Mỹ Latinh trong giai đoạn 1961 – 1975.

“Cuộc chiến chống ma túy” là hình thái mới nhất của chính sách trường kỳ này. Chiến lược này bao gồm sự hiện diện lâu dài của Cơ quan bài trừ ma túy Mỹ (DEA) tại khu vực, đặc biệt là ở Mexico, Colombia, Peru và Bolivia. Các hành động vũ trang dưới danh nghĩa này đã để lại số người thiệt mạng không hề nhỏ tại Mỹ Latinh mà không có chút tác dụng nào trong mục tiêu giảm bớt hoạt động buôn bán ma túy. Trên thực tế, tính vô hiệu này là hệ quả từ chính hành động của CIA, tổ chức ngầm cho phép những trao đổi mậu dịch các chất ma túy để trục lợi tài chính. Ngoài ra, việc duy trì vòng luẩn quẩn này còn mang lại những khoản lợi nhuận bạc tỉ cho các nhà sản xuất vũ khí và ngân hàng – những kẻ rửa những khoản tiền đen từ ma túy qua những giao dịch hợp pháp thông thường, và kể cả khi những hoạt động rửa tiền này bị vạch trần, thì những tổ chức liên quan – ví dụ như ngân hàng Wells Fargo – cũng chỉ phải trả những khoản phạt tượng trưng.

Bộ Ngoại giao Mỹ luôn đeo cho những hành động xâm phạm của mình những chiếc mặt nạ nhiều mầu sắc. Những chàng lính thủy đánh bộ và các đại sứ quán Mỹ luôn được quảng cáo như những người giải cứu trước nhiều kẻ thù khác nhau. Đầu tiên là những người cộng sản, sau đó là Taliban, tiếp nữa là những kẻ buôn bán ma túy và cuối cùng là những tên khủng bố. Hollywood cũng tích cực đóng góp cho sự nhào nặn đó với các sản phẩm công phu, nghệ thuật hóa những “chiến công” mà Washington tự tô vẽ nên.

Mỹ hiện có 12 căn cứ quân sự tại Panama, 12 tại Puerto Rico, 9 tại Colombia, 8 tại Peru, 3 tại Honduras và 2 tại Paraguay. Họ còn duy trì những cơ sở tương tự tại Aruba, Costa Rica, El Salvador và Cuba (Guantanamo). Tại quần đảo Malvinas (của Argentina nhưng bị Anh chiếm với tên gọi Falklands), đồng minh Anh đảm bảo một mạng lưới hoàn chỉnh của NATO khi kết nối căn cứ của họ tại đây với các cứ điểm của liên minh tại Bắc Đại Tây Dương.

Nhưng Washington đang phải áp dụng chiến lược quân sự với những hạn chế mà họ không vấp phải trong quá khứ. Giờ đây, họ không thể thản nhiên đóng vai sen đầm một cách ngạo mạn tại khu vực như vào nửa cuối thế kỷ XX, và ưu tiên các hoạt động trong bóng tối, để lật đổ các chính phủ “khó chịu” và dựng lên các nền độc tài thân Mỹ.

Chỉ cần lắng nghe lời thú nhận gần đây của một quan chức cấp cao thời cựu tổng thống Trump (cố vấn an ninh đặc biệt John Bolton), ta có thể thấy tính bền bỉ và cặn kẽ trong sự chuẩn bị các cuộc đảo chính của Mỹ tại khu vực thời gian qua. Washington cũng đứng đằng sau những cuộc đàn áp dã man của các chính phủ mình dựng lên, như trường hợp trợ giúp kẻ tiếm quyền Boluarte chống lại nhân dân Peru hiện tại.

Với sự sống sượng không cần che đậy, vị nữ chỉ huy của Bộ Tư lệnh phương Nam của Mỹ Laura Richardson mới đây còn tuyên bố quyền của Lầu Năm Góc được kiểm soát tùy ý các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Mỹ Latinh, và theo tinh thần đó, mới đây một tập đoàn xây dựng Mỹ đã thay đổi dòng chẩy các dòng sông qua Paraguay. Trong thế đối đầu với Bắc Kinh, Washington đang cố tránh bất kỳ xu hướng giảm bớt sự hiện diện quân sự nào của mình tại “sân sau”.

Trừng phạt Nga để đẩy xa Trung Quốc

Sự phụ thuộc về địa chính trị của các bộ ngoại giao các nước Mỹ Latinh là một công cụ phản công khác của Mỹ trước Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Mỹ dự định sử dụng cuộc chiến tại Ukraina để ràng buộc các chính phủ trong khu vực vào chiến dịch lên án Putin. Áp lực mới này nhắm tới việc bẻ gẫy những phản kháng từ nhiều nguyên thủ Mỹ Latinh trước yêu cầu kết minh vô điều kiện với Washington.

Những biện pháp trừng phạt nhắm vào Moskva mà Washington đang đòi hỏi chính là việc thu hẹp biên độ tự chủ của các nước trong khu vực. Trong quá khứ, kiểu ép buộc này trong Chiến tranh lạnh từng chôn vùi những di sản độc lập của hầu hết các nước trong khu vực.

Các phương tiện truyền thông đại chúng lớn, với tư tưởng thân phương Tây truyền thống, cũng hòa mình vào dàn đồng ca gây sức ép trừng phạt Moskva do Washington khởi xướng, tạo ra bầu không khí bài Nga trong dư luận và đặt ra những kiểm duyệt ngặt nghèo chống mọi ý kiến có cảm tình nào với Putin. Chiến dịch này đồng thời nhằm hồi sinh Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) – cánh tay nối dài của Mỹ tại Mỹ Latinh, và vô hiệu hóa Cộng đồng các nước Mỹ Latinh (CELAC) – tổ chức theo đuổi đường lối độc lập khu vực hơn.

Dù sức ép này từ phía Mỹ không mang lại bất kỳ kết quả nào với nguyên thủ vốn bị Nhà Trắng coi là đối thủ (Venezuela, Bolivia, Cuba và Nicargua), nhưng có tác động nhất định tới những chính quyền thường dao động theo chu kỳ giữa việc xa cách hay thần phục Mỹ (Argentina, Chile), và nhiều lần khiến các chính phủ này bỏ phiếu chống Nga tại các diễn đàn quốc tế.

Mỹ không giấu diếm sự khó chịu của mình với Mexico vì không chấp thuận giọng điệu hiếu chiến đó, và bản thân tổng thống Ukraina Volodimir Zelensky đã chỉ trích gay gắt người đồng cấp López Obrador, khi nghi ngờ đề xuất đàm phán hòa bình và ngừng bắn trong 5 năm của nhà lãnh đạo cánh tả Mexico. Tình trạng căng thẳng tương tự cũng diễn ra với tổng thống Lula da Silva của Brasil.

Xét về tổng thể, không khí hiếu chiến mà Mỹ muốn khơi dậy không lôi kéo được đa số các nhà cầm quyền tại Mỹ Latinh, khi phần đông các nước trong khu vực muốn tránh xa cuộc xung đột đang làm xáo trộn châu Âu. Vì lý do này, lời yêu cầu của Lầu Năm Góc tới vài chính phủ trong khu vực để gửi các khí tài có nguồn gốc từ Nga cho Ukraina đã bị từ chối thẳng thừng. Tóm lại, Washington đã không lặp lại được sự áp đặt truyền thống những hành xử địa chính trị của mình lên Mỹ Latinh như trước đây.

Hạn chế này đối lập với sự phục tùng mà Mỹ có được tại châu Âu. Tất nhiên, sự khác biệt này trước hết đến từ thực tế rằng “lục địa già” đang là sân khấu của cuộc xung đột vũ trang này, nhưng có thể thấy những thể hiện yếu đuối của châu Âu trước Mỹ đã diễn ra từ trước cuộc chiến tại Ukraina và được các chiến lược gia của NATO lập trình cẩn thận. Có lẽ quá nhiều năm kinh nghiệm đau thương với kẻ áp chế Mỹ, giờ đây Mỹ Latinh có “kháng thể” tốt hơn so với châu Âu trước những chiêu bài khiêu khích từ Bộ Ngoại giao Mỹ.

Nhà Trắng cũng không giấu diếm các ý đồ kinh tế của mình trong đợt công kích này, khi hối thúc tất cả các nước trong khu vực loại bỏ những quan hệ kinh doanh ít ỏi với Nga: họ đòi hỏi Ecuador phải ngừng bán chuối, Paraguay phải giảm xuất khẩu thịt, Brasil phải giới hạn những chuyến hàng đậu tương và cà phê, còn Mexico phải hủy các giao dịch về ô tô, máy tính và bia; trong khi sức ép với Argentina tập trung vào đề tài vốn đã nhậy cảm là năng lượng nguyên tử.

Thế nhưng do những dấu ấn kinh tế của Nga tại Mỹ Latinh là rất khiêm tốn, có thể thấy mục đích thực sự của Mỹ là ở hướng khác: “chú Sam” muốn tận dụng cuộc xung đột tại Ukraina để làm suy yếu sự hiện diện của Trung Quốc, đồng minh của Nga, tại Mỹ Latinh. Biden bị ám ảnh với nhiệm vụ kiềm chế Bắc Kinh, ông biết rằng quyền kiểm soát của Mỹ với nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ của Mỹ Latinh đang bị thu hẹp với tốc độ ngày càng nhanh và ông hối hả khôi phục lại thế thống trị của Washington tại “sân sau”.

Cuộc chiến tranh giành các tài nguyên sử dụng cho quá trình chuyển đổi năng lượng đang là ưu tiên trong cuộc đua nhiều mặt giữa Mỹ và Trung Quốc. Một số nước Mỹ Latinh sở hữu những nguyên liệu mà cả hai cường quốc này khao khát chiếm đoạt, và ở thời điểm này, luận điệu hiếu chiến đang là quân bài chủ chốt mà để Mỹ kỳ vọng giành chiến thắng.

Lập trường cũ với kẻ thù cũ

Cuộc phản công của Mỹ cũng bao gồm những làn sóng công kích mới nhắm vào khối các chính phủ Mỹ Latinh bị Washington coi là thù địch nhất tại khu vực: Liên minh Bolivar cho châu Mỹ (ALBA). Bước leo thang chống Cuba, Venezuela, Nicaragua và Bolivia này được phơi bầy trong Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ, như đã mô tả ở trên. Tổng thống Biden lúc đầu nhiệm kỳ từng muốn “lưu kho” những tàn tích cực đoan của chính quyền Trump, nhưng sau đó đã áp dụng lại lập trường hiếu chiến mà trên thực tế ông đã theo đuổi trong chiều dài sự nghiệp chính trị của mình: ông từng ủng hộ cựu thủ tướng Anh Thatcher trong Chiến tranh Malvinas, hậu thuẫn những hành vi tội ác trong khuôn khổ Kế hoạch Colombia (kế hoạch viện trợ quân sự nhiều năm của Mỹ cho Colombia với mục tiêu chính thức là chống buôn lậu ma túy) hay đồng tình với những chiến dịch tàn bạo của DEA tại Trung Mỹ.

Nhà Trắng đã quay lại với những khoản chi lớn dành cho ngoại giao, các quỹ “viện trợ” và vai trò trung tâm của các đại sứ quán, nhằm tái định hình liên minh với giới hoạch định chiến lược tại Mỹ Latinh, bên cạnh đó hoạt động vận động hành lang của giới cực hữu gốc Mỹ Latinh tại bang Miami, vốn luôn yêu cầu một chính sách can thiệp thô bạo, cũng trở nên rất nhậy cảm với chính quyền đương nhiệm.

Ảnh hưởng này bộ lộ rõ nhất qua việc tiếp nối chính sách thù địch gay gắt chống Cuba từ chính quyền Trump. Biden không thay đổi việc phân loại Cuba như nước bảo trợ khủng bố và từng cố trục xuất phái đoàn của La Habana khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Dĩ nhiên vị đương kim tổng thống tiếp nối một danh sách dài các nguyên thủ Mỹ muốn phá hủy Cách mạng Cuba qua con đường bao vây cấm vận và cả các âm mưu vũ trang. Siêu cường số 1 thế giới không bao giờ “nuốt trôi” thất bại nặng nề nhất của mình tại khu vực hay chấp nhận sự tồn tại của một tiến trình xã hội chủ nghĩa chỉ cách Miami 90 hải lý. Thách thức từ “hòn đảo tự do” đã tạo ra một hiệu ứng dài hạn to lớn khi làm bộc lộ khả năng tổn thương của Mỹ ngay tại lãnh địa của mình. Cách mạng Cuba chính là nền móng cho sự dịch chuyển dần dần hướng về quyền tự chủ của toàn bộ khu vực.

Đúng là Washington đã kìm hãm được làn sóng lan rộng của Cách mạng Cuba ra phần còn lại của châu Mỹ trong những năm 1960-1970, và cũng ngăn chặn được sự bùng nổ tư tưởng tiến bộ ở thập kỷ tiếp đó, đặc biệt khi sử dụng tới khủng bố và các nền độc tài, cùng một cuộc chiến tiêu hao mà đỉnh điểm là chiến dịch xâm lược Panama.

Như mọi khu vực khác trên thế giới, Mỹ “đền bù’ thất bại tại Cuba bằng những thành tựu kìm hãm phản cách mạng tại các nước khác. Tại Viễn Đông, Washington “đánh mất” Trung Quốc và Việt Nam, nhưng “chinh phục” được Indonesia, ngăn chặn Triều Tiên và đánh bại các phong trào tiến bộ tại Myanmar và Philippines. Nhưng Cuba vẫn là cái gai “khó nuốt” cắm sâu vào “không gian tự nhiên” của Mỹ, và cũng như những người tiền nhiệm của mình, Biden không thể vượt qua được tâm lý thù ghét này.

Tương tự, kể từ khi làm ông chủ Nhà Trắng, Biden tiếp tục chính sách bóp nghẹt Venezuela với nhiều hành động khiêu khích khác nhau, mà điển hình là việc bắt cóc nhà ngoại giao Alex Saab và liên tục tịch biên các tài sản nhà nước mà Caracas sở hữu ở nhiều nơi trên thế giới.

Các vụ chiếm đoạt này bao gồm hàng tấn vàng ký gửi tại Ngân hàng Anh và những tài sản riêng của CITGO, công ty lọc dầu lớn thứ 8 hoạt động tại Mỹ và là tài sản ngoài nước của tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela PDVSA. Chính phủ theo tư tưởng Bolivar chỉ mới giành lại được quyền kiểm soát nhà máy hóa dầu của mình tại Colombia (Petroquimica Monomeros) và đang tranh cãi về một chiếc máy bay bị giữ tại Argentina theo yêu cầu của Mỹ. Sự quấy rối của Mỹ với Venezuela là dai dẳng và tàn bạo nhất trong lịch sử vài thập kỷ qua, khi bao gồm đủ mọi hình thái âm mưu và mang động cơ rõ ràng là khôi phục quyền kiểm soát của Washington với khối tài nguyên dầu mỏ khổng lồ nhất tại châu lục.

Biden cũng duy trì nguồn tài trợ chop he đối lập Nicaragua với mục tiêu lật đổ tổng thống cánh tả Daniel Ortega và ký ban hành đạo luật kích hoạt các biện pháp trừng phạt mới chống quốc gia Trung Mỹ này, đồng thời cũng “bật đèn xanh” cho một số âm mưu gây rối tại Bolivia, cho dù đã ghi nhận những khó khăn Mỹ đang đương đầu tại Mỹ Latinh.

Những cam kết bấp bênh

Những phát ngôn và hành động trái khoáy cùng sự thiếu chắc chắn của Trump tại Mỹ Latinh đã để lại nhiều thất bại cho Washington mà tới nay Biden vẫn chưa thể đảo ngược, đặc biệt khi ông muốn đối phó thế bất lợi đó bằng việc kết hợp sự tiếp nối với một số điểm khác biệt không mang tính bản chất.

OAS vẫn trong tình trạng hao mòn liên tục, Nhóm Lima đã tan biến và không một tổ chức khu vực nào khác thực hiện các yêu cầu của Mỹ. Biden đã điều chỉnh để thích nghi với tình thế, nhưng không tìm ra một kịch bản thực sự nào cho hành động của Washington.

Khởi đầu nhiệm kỳ, vị nguyên thủ bát tuần này đã sa thải những nhân vật diều hâu phản động nhất mà Trump đã đề bạt trong Bộ Ngoại giao, đồng thời cũng giữ khoảng cách với những đồng minh hữu khuynh El Salvador và Guatemala để gột rửa di sản của vị tiền nhiệm trong cách thức điều hành của mình.

Tiếp đó, ông cũng chú trọng tới danh sách của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu dẫn độ các quan chức liên quan tới tham nhũng và đầu tư, với tổng cộng 62 người từng làm việc trong các chính phủ thân Mỹ tại Guatemala, Honduras và El Salvador, thậm chí một số cựu tổng thống (như Juan Orlando Hernadez của Honduras) và người thân đã bị dẫn độ và giam giữ tại Mỹ chờ xét xử. Với những hành động này, vị đương kim tổng thống Mỹ muốn cắt đứt với những “cận thần” đã mất ân sủng, và những động thái kết án ngoài lãnh thổ này cũng nhắm tới việc nhấn mạnh quyền uy của Mỹ như trong quá khứ và tái khẳng định nguyên tắc áp đặt luật pháp Mỹ lên các vùng lãnh thổ khác. Bằng cách này, Biden muốn “đưa vào khuôn khổ” nhiều chính phủ tại Trung Mỹ phụ thuộc vào Washington, và chính sách này còn được mở rộng sang Nam Mỹ, với việc Phó tổng thống Paraguay buộc phải từ chức chỉ do một yêu cầu từ Đại sứ Mỹ tại đây.

Với các đối tác phức tạp hơn, Biden tỏ ra thực dụng hơn và thay thế những hành động cưỡng bức của người tiền nhiệm bằng những cuộc đàm phán. Ông phát triển mối quan hệ với người đồng cấp Mexico López Obrador một mối quan hệ rất khác với thái độ kẻ cả và trịnh thượng của Trump và thay vì xây dựng bức tường biên giới đầy tranh cãi, ông nhất trí với các hình thức ngăn chặn những luồng di cư ngay từ biên giới phía Nam của Mexico. Những nội dung này được cụ thể hóa trong cuộc gặp gỡ thượng đỉnh song phương ngay sau vụ va chạm tại Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ tại Los Angeles, nơi tổng thống Mexico từ chối tham dự.

Hiện tại, dù vẫn tiếp tục các biện pháp trừng phạt, chính quyền Biden đang đàm phán với Venezuela một thỏa thuận khá táo bạo để nhập khẩu dầu thô đang khan hiếm do cuộc chiến tại Ukraina, khi Mỹ cần một nguồn cung gần gũi về địa lý để đảm bảo nguồn cung trong nước, hoạt động xuất khẩu khí hóa lỏng sang châu Âu và các biện pháp trừng phạt Nga.

Một vài doanh nghiệp Mỹ đã thỏa thuận tái khởi động hoạt động khoan thăm dò và nâng sản lượng khai thác tại các giếng dầu ở Venezuela, tuy nhiên, hoạt động đầy đủ của ngành này vẫn cần Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và công nhận chính phủ theo tư tưởng Bolivar, điều mà tới nay Biden vẫn né tránh do chứa đựng quá nhiều biến số chính trị. Bước đi hòa giải này có thể là tiền đề để mở ra một chiến lược tương tự với Iran, và Nhà Trắng vẫn chưa quyết đoán được liệu cú xoay này sẽ tác động ra sao trong cuộc ganh đua với Trung Quốc.

Như trong mọi vấn đề nóng khác, Biden luôn trì hoãn quyết định cuối cùng, trong khi tiếp tục những điều chỉnh nhỏ chính sách đối ngoại của mình. Đợt phản công của Mỹ tại Mỹ Latinh chỉ là phản ứng để tái tập hợp lực lượng, nhưng các sáng kiến về dài hạn vẫn chưa “chín muồi” trong “ban chỉ huy” của nước Mỹ.

Sự bế tắc về chiến lược

Sự thâm nhập mạnh mẽ của Trung Quốc tại Mỹ Latinh phơi bầy sự bất lực của chủ nghĩa quân sự Mỹ để ngăn chặn đà thụt lùi trong lĩnh vực kinh tế. Cần nhớ rằng không khu vực nào khác trên thế giới, Washington có ưu thế vượt trội và công khai như tại đây và nếu những vũ khí, điệp viên và đại sứ quán hùng mạnh của họ cũng không kìm hãm được cỗ máy kinh doanh của Bắc Kinh tại Mỹ Latinh, thì Mỹ càng ít có cơ hội để đạt được mục tiêu đó tại những nơi khác trên thế giới. Chính vì vậy, có thể coi Mỹ Latinh là một bài thử nghiệm cho tương lai.

Sự tiếp cận của Trung Quốc với khu vực này rõ ràng đã bào mòn khả năng kiểm soát trực tiếp mà Mỹ đã nắm giữ rất nhiều năm qua khi vắng bóng những đối thủ thực sự. Khác với châu Á, Mỹ thực hành tại “sân nhà” hình thái kiểm soát đó ở toàn bộ châu lục mà không cần sự trợ giúp của các siêu cường cũ (Nhật Bản) hay các đồng minh then chốt (Australia). Cũng khác với Trung Đông, tại đây Washington không cần tới một nhà nước ủy nhiệm và ký sinh như Israel, khi những “sen đầm” khu vực luôn bị Lầu Năm Góc giám sát (Colombia) không bao giờ có được sự tin tưởng và ưu ái từ giới hoạch định chiến lược Mỹ. Cũng khác với Đông Âu, tại đây Mỹ không cần tới các đồng minh NATO để xử lý những xung đột với Nga.

Điểm khác biệt của sự thống trị của Mỹ tại Mỹ Latinh luôn là sự can thiệp trực tiếp, công khai và mạnh mẽ tại phía Nam sông Rio Grande, chính vì thế, sự đua tranh của Trung Quốc tại đây mang rất nhiều ý nghĩa.

Mỹ chưa bao giờ ngần ngại phát triển mọi kiểu hành động để thể hiện sự thống trị đó và nhắc nhở tầng lớp cầm quyền bản địa nhớ rằng ai mới là ông chủ thật sự. Washington có trong “thực đơn” của mình đủ loại lựa chọn pha trộn, những lời răn đe và dọa nạt để minh chứng vai trò lãnh đạo của mình. Thế nhưng sự kết hợp mang bản chất sức mạnh và vỏ bọc “cùng chung sống” đó giờ đây không đủ để răn đe những hoạt động kinh doanh giữa giới tư sản Mỹ Latinh và Bắc Kinh.

Thất bại này đặt nhà thống trị Mỹ vào một tình thế chưa từng có và do đó họ thiếu những chỉ dẫn để đối phó. Đây không phải là thách thức cách mạng từ tầng lớp dưới như những năm 1960 – 1970, cũng không phải là một cuộc cạnh tranh địa chính trị thuần túy như trong Chiến tranh lạnh, cũng không giống với sự rút quân để lưu giữ ảnh hưởng như những cường quốc suy tàn từng buộc phải làm trong làn sóng phi thuộc địa hóa tại châu Phi. Ở đây Mỹ phải thi đấu trong lĩnh vực kinh tế mà chính họ từng giương cao ngọn cờ trong quá khứ, và việc sử dụng sức ép quân sự không thực sự hiệu quả. Những đặc điểm riêng của đối thủ Trung Quốc lý giải sự bế tắc hiện tại của Mỹ, cho dù Bắc Kinh còn cách rất xa khả năng thay thế vai trò Washington tại Mỹ Latinh và kết quả của cuộc đua tranh hiện tại chỉ có thể biết được trong tương lai.

Theo NGHIÊN CỨU CHIẾN LƯỢC

Tags: , , , ,