Một tôn giáo toàn cầu cần dựa trên nền tảng nào?

Ngày nay, điều ai cũng nhận thấy rõ là bất cứ tôn giáo nào, cho dù giáo lý có hấp dẫn, cao siêu cách mấy, cũng chỉ thu hút được một số ít người chấp nhận và tin theo.

Bài viết của  Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 Tenzin Gyatso.

Phần đông trong số năm hay sáu tỷ người trên quả đất này không theo tôn giáo nào cả. Tuy nhiên theo truyền thống, nguồn gốc và dòng giống của gia đình, họ có thể tự nhận thuộc nhóm theo tôn giáo này hay tín ngưỡng nọ. Ví dụ họ bảo: “tôi là Phật tử” “tôi theo Ấn giáo” hay “tôi là Công giáo”… nhưng trên thực tế, những cá nhân này chẳng quan tâm đến việc thực hành đạo của họ.

Các vị đại giáo chủ thời xưa như Đức Phật, Đấng Đại Hùng (Mahavira), Chúa Giêsu và Môhamét (Mohammed) đã không thành trong việc hướng dẫn toàn thể nhân loại đặt niềm tin vào 1 tôn giáo duy nhất. Thực tế, không một vị giáo chủ nào có khả năng làm được việc đó.

Những người không tín ngưỡng nói trên được gọi là vô thần. Theo vài học giả Tây phương, các Phật tử cũng được xem là vô thần, bởi lẽ họ không chấp nhận có Đấng Tạo Hoá Toàn Năng. Để phân biệt giữa Phật tử với những kẻ không tín ngưỡng nói trên, đôi lúc, tôi thêm vào một chữ “hoàn toàn” (extreme). Tôi gọi họ là những người “hoàn toàn không có tín ngưỡng”. Bởi lẽ, các phần tử này, chẳng những không có đức tin tôn giáo, mà họ còn cực đoan cho rằng không một hành động đạo đức tâm linh nào có giá trị. Tuy nhiên, những người này là một phần của nhân loại và như mọi kẻ khác, họ cũng muốn có cuộc sống hạnh phúc và an lạc. Đây là điều quan trọng.

Mặc dù quý vị bảo rằng không có tín ngưỡng, nhưng bao lâu quý vị còn là một phần của nhân loại và là con người, quý vị vẫn cần đến tình thương cũng như lòng từ bi của con người. Đây là lời dạy căn bản của các tôn giáo. Nếu không có tình thương, tôn giáo có thể trở thành tai hại. Do đó, mặc dù có tín ngưỡng hay không, sự thực hành cốt yếu của bạn vẫn là thể hiện tâm từ bi cứu giúp mọi chúng sanh. Tôi xem “Tình thương và lòng Từ Bi của con người như là một tôn giáo phổ biến toàn cầu”. Bởi lẽ, tình thương bao la sẽ là chất liệu nuôi dưỡng, giúp cho tâm chúng ta có an lạc và hạnh phúc. Vì thế, lòng từ bi cần thiết cho tất cả mọi người.

Như tôi đã từng trình bày, một vài linh mục và nữ tu Thiên Chúa cũng như các tín đồ Công giáo nói với tôi rằng họ đã áp dụng phương pháp tu tập của Phật giáo để phát triển tâm từ bi và đức tin Thiên Chúa của họ. Tôi thường bảo những người bạn Tây Phương rằng, quý vị nên cố gắng duy trì cái đạo gốc truyền thống của mình. Thay đổi tôn giáo là việc không dễ dàng và đôi khi còn gây điều bất lợi buồn phiền cho các bạn.

Tuy nhiên, những ai cảm thấy có duyên với Đức Phật, và nhận thấy tâm mình vô cùng an lạc khi thực hành lời dạy của Ngài, bạn có thể quy y theo Phật Giáo, sau khi đã suy nghĩ chín chắn. Nhưng điều quan trọng nên nhớ là bạn đừng bao giờ chê bai, chỉ trích tôn giáo cũ để biện minh, bênh vực cho hành động cải đạo theo tôn giáo mới của mình. Điều này tôi mong quý vị tuyệt đối nên tránh. Bởi lẽ tín ngưỡng chúng ta theo trước đây, mặc dù hiện giờ không còn thích hợp với bạn nữa, nhưng điều ấy không có nghĩa là tôn giáo đó vô ích đối với nhân loại. Trong tinh thần biết chia xẻ những ý kiến, tôn trọng quyền tự do của người khác, nhất là giá trị truyền thống tín ngưỡng của họ, quý vị nên kính trọng tôn giáo cũ trước đây của mình. Điều này rất quan trọng.

Chia sẻ tình thương, bố thí giúp đỡ cho kẻ nghèo khổ bần hàn là những bí quyết căn bản mang lại hạnh phúc cho chúng ta. Hãy cố gắng trở thành con người với tâm hồn từ bi, bất luận bạn là nhà tôn giáo, chính trị hay thương gia. Một cá nhân toàn thiện có thể góp phần tích cực cho hạnh phúc của gia đình và cộng đồng.

Qua nhiều thế kỷ, nhân loại đã tiếp nhận nguồn phúc lợi vô biên từ các tôn giáo. Nhưng rất tiếc, có những thời điểm, những tín ngưỡng khác biệt đã bị lợi dụng để gây nên sự xung đột, hận thù, khủng bố và chiến tranh. Nếu hiểu rằng mục đích chung của các tôn giáo là nhằm hướng dẫn chúng ta trở thành con người đạo đức lương thiện, thì chúng ta nên kính trọng tất cả các tôn giáo.

Trong đời sống thế tục, có tin theo một tôn giáo nào hay không là điều hoàn toàn tùy thuận vào cá nhân. Khi đã chấp nhận tin theo một tôn giáo, hãy thành thật, tinh nghiêm. Tất cả các tôn giáo có cùng năng lực và thiện tính giống nhau.

Có hai loại tôn giáo. Một nhóm tôi gọi là các tôn giáo hữu thần như Thiên Chúa, Do Thái, Ấn Độ và Hồi giáo. Các đạo giáo này tin vào Thượng Đế. Một nhóm khác gồm các tôn giáo vô thần như Phật giáo, Kỳ Na giáo… không tin vào Thượng Đế, Đấng Tạo Hóa Toàn Năng. Phật giáo không chấp nhận lý thuyết có một linh hồn bất tử. Điều này phân biệt giữa những người Phật tử và không Phật tử. Giáo lý căn bản của đức Phật phủ nhận có một linh hồn hay bản ngã trường tồn.

Phật giáo chia làm 2 phái: Nguyên thủy hay Nam tông và Đại thừa hay Bắc tông. Người tu theo Phật giáo Nguyên thủy nhằm mục đích giải thoát cho chính mình bằng cách thực hành thiền định và nghiêm trì giới luật Phật chế. Còn mục tiêu của Đại thừa, ngoài tự độ mình giải thoát, hành giả còn thực hành 6 phép Balamật nhằm cứu giúp hết thảy mọi chúng sanh thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử, để cuối cùng đạt đến quả vị Phật.

Nền tảng của Phật giáo và sự tu tập giáo Pháp là bất bạo động. Bất bạo động có hai mức độ: một là, nếu có thể, bạn nên cứu giúp mọi chúng sanh; và hai là nếu không thể, thì ít ra bạn đừng bao giờ làm hại đến kẻ khác.

S.T

Tags: ,