Một góc nhìn về ‘Luật rừng’ của kẻ mạnh trong quan hệ quốc tế đương đại

Nga dùng luật rừng vì bản thân họ cũng đang trong một thế giới luật rừng mà kẻ sử dụng luật rừng nhiều nhất lại chính là Mỹ và đồng minh của mình. Họ thiết lập một trật tự thế giới dựa trên quyền lực từ sức mạnh và bắt tất cả phải tuân thủ theo trật tự đó bằng các hành động luật rừng.

Một góc nhìn về ‘Luật rừng’ của kẻ mạnh trong quan hệ quốc tế đương đại

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà báo Hà Quang Minh.

Nói về một cuộc chiến thực tế khó có thể nào chỉ nhận xét đúng – sai, chính nghĩa – phi nghĩa bằng lớp bề mặt đơn thuần. Tất cả những gì sâu xa nhất mới là thứ cần đáng quan tâm nhất. Nhưng khốn nỗi, càng sâu xa lại càng khó nhận ra và càng hay bị che đậy. Có những sự thật vĩnh viễn không bao giờ được hé lộ. Có những sự thật chỉ được hé lộ sau nhiều năm, nhiều thập niên.

Nhưng nếu phải nói về chiến tranh ở Ukraina hôm nay, có thể dễ dàng nhận xét bằng hai chữ “Luật rừng”. Cái cách mà Nga tiến hành chiến dịch quân sự, hay nói thẳng ra là xâm lược Ukraina, là một dạng hành xử luật rừng đúng nghĩa của kẻ mạnh hơn, với những đòi hỏi gắn liền với lợi ích của mình, và không thể thanh minh bằng bất kỳ cách nào. Việc dùng uy lực quân sự để tiến qua biên giới một quốc gia có chủ quyền là xé bỏ mọi công pháp quốc tế và nó đúng như cách hành xử theo luật rừng không hơn không kém.

Tuy vậy, Nga dùng luật rừng vì bản thân họ cũng đang trong một thế giới luật rừng mà kẻ sử dụng luật rừng nhiều nhất lại chính là Mỹ và đồng minh của mình. Họ thiết lập một trật tự thế giới dựa trên quyền lực từ sức mạnh và bắt tất cả phải tuân thủ theo trật tự đó bằng các hành động luật rừng. Không một quốc gia nhỏ nào tham gia vào cuộc chơi mà Mỹ thiết lập thực sự có được một vị thế được tôn trọng. Ý chỉ của Mỹ không khác gì ý chỉ của một ông trùm băng đảng mà bất kỳ quốc gia nào đi ngược ý chỉ ấy đều sẽ phải nhận lấy hậu quả không ngắn thì dài. Nga đánh Ukraina, không đơn thuần là việc giữa hai quốc gia. Nga cũng muốn vẽ ra một sân chơi cho mình, mà ở đó, mình cũng cầm cái quyền tối thượng kiểu Mỹ, với một trận tự thế giới khác, với một thứ luật rừng khác.

Trung Quốc cũng là một quốc gia sẽ hành xử bằng luật rừng như thế với các nước nhỏ hơn mình. Và trong tương lai, khi vị thế của họ có thể nói chuyện phải quấy với Mỹ một cách sòng phẳng, cũng không ai chắc họ có dám dấn thân một cuộc chơi để thay đổi luật rừng theo ý họ hay không, nhất là khi họ đã học được rất nhiều bài học kinh nghiệm không tốn một xu nào từ những gì Nga đang phải trải qua hôm nay. Trong cuộc chiến Ukraina, các đòn trừng phạt mà Mỹ và phương Tây áp đặt lên Nga thực tế là một thử nghiệm đáng giá nhất để Trung Quốc lên mọi kịch bản đối phó cho nó một khi sau này họ phiêu lưu quân sự. Lợi ích Trung Quốc thu được từ cuộc chiến ở Ukraina là rất lớn, và đa chiều. Bởi thế, các giả thuyết đặt ra cho rằng chính Trung Quốc đã ấn thêm một bàn tay để đẩy Nga vào cuộc chiến này không phải là không có cơ sở.

Hôm nay, Zelensky tuyên bố bắt oligarch Viktor Medvedchuk và sự kiện này thực tế rất đáng suy ngẫm. Nhưng trước tiên, phải xem đó là một thứ hành xử luật rừng. Không có bằng chứng nào để kết tội Medvedchuk phản quốc. Thứ duy nhất mà chính quyền Zelensky quy chụp Medvedchuk phản quốc chỉ là ông này có quan hệ thân với Putin. Medvedchuk cũng không phải đối thủ chính trị của Zelensky. Và một khi Zelensky ra quyết định bắt giữ một công dân của mình không bằng chứng kết tội nào ngoài cáo buộc bằng miệng là phản quốc, hành động ấy không phải là một việc mà nhà cầm quyền nên làm và nó mang đậm chất luật rừng.

Song, mục đích của Zelensky là dùng Medvedchuk để đánh đổi tù binh. Tù binh nào mà phải cần đến một nhân vật quan trọng đến mức như thế? Có lẽ, trong số 1000 lính Ukraina đầu hàng Nga ở Mariupol có những tên tuổi mà Mỹ rất cần trao đổi. Zelensky thực tế chỉ hành động theo ý chỉ của nước Mỹ mà thôi. Theo như bài viết của ký giả Regis Le Sommier trên tờ Le Figaro ra số ngày hôm nay, khi ông theo chân những người Pháp tham gia lực lượng lê dương tình nguyện quốc tế ở Lviv, ông đã tình cờ biết được chỉ huy là một cựu binh Mỹ, có tên Carl Larson. Người này khi biết Sommier là ký giả đã đuổi ông đi ngay lập tức. Và câu hỏi đặt ra là trong số những tình nguyện binh đến từ Mỹ, có bao nhiêu người thực tế do chính quân đội Mỹ cài cắm? Tại sao Ukraina muốn cả thế giới biết đến tội ác chiến tranh của Nga nhưng lại sẵn sàng đuổi ngay nhà báo phương Tây đi khỏi điểm nóng? Họ sẽ kiểm soát thông tin theo cách mà họ muốn, và Mỹ muốn. Và chắc cũng sớm thôi, trong số 1.000 tù binh ở Mariupol, sẽ có danh sách những sĩ quan NATO được tiết lộ ra. Họ ở đó để làm gì? Họ ở đó từ bao giờ? Cuộc chiến có phải đơn thuần chỉ bắt đầu từ Nga và Ukraina hay không?

Để đổi một tù binh vô danh, người ta chỉ cần một tù binh tiểu tốt. Để mang Medvedchuk ra đổi, chắc chắn người mà phía Ukraina cần rất có giá trị. Có tin đồn về tướng Mỹ là tư lệnh lục quân NATO là Roger Cloutier nằm trong số tù binh bị bắt giữ ở Mariupol. Phía Mỹ và phương Tây phủ nhận tin đồn này, cho nó là tin giả và đưa ra hình ảnh Cloutier ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 4/4/2022. Nhưng sự thật của 1 tuần sau ngày 4/4/2022 ấy có thể khác hay không? Đây là câu hỏi khó minh định ngay lúc này nhưng việc Ukraina liên tục có nỗ lực giải cứu bằng trực thăng ở Mariupol suốt thời gian qua đủ cho thấy những người cần được giải cứu quan trọng đến mức nào.

1.000 lính đầu hàng ở Maruipol đã phải cầm cự trong tình trạng thiếu nước, thiếu lương thực suốt 1 tháng qua và cho đến khi họ không còn đạn dược nữa, họ buộc phải đầu hàng. Và trong một video tung lên Facebook trước khi ra hàng của một quân nhân trong lực lượng này, thuộc lữ đoàn Thuỷ quân lục chiến số 36, có một câu nói rất đáng để chúng ta suy ngẫm “Không còn ai liên lạc với chúng tôi nữa cả. Chúng tôi đã bị lãng quên”.

Đó là câu nói đủ nói lên hết bản chất của một cuộc chiến luật rừng. Những chính trị gia, trong say sưa thiết lập lại luật rừng riêng của mình, thực tế chẳng quan tâm đến sinh mạng người dân và cả những người lính đang chết vì “chính nghĩa mà chính trị gia ấy đề cao”. Thế nhưng, để tạo ra sức nặng cho việc thực thi luật rừng, họ sẽ trưng bày các cái chết kia như bằng chứng không thể chối cãi để kết tội đối thủ. Song song đó, họ vẫn kích động lòng hận thù, đúng như cách Zelensky khinh khỉnh với nguyên thủ nước Đức chỉ vì thái độ của Đức là “lồi lõm” chứ không mạch lạc như Mỹ hay Ba Lan.

Thế nên, đừng nên nói thiện hay ác, chính hay tà ở đây nữa. Cuộc chiến nào đi qua cũng sẽ chỉ có phe thắng, phe thua. Và thực chất, hai phe ấy là gì? Chẳng qua chỉ là cái ác đã bị khuất phục trước một cái ác hơn mà thôi. Để rồi sau này, sẽ đến lúc, cái ác hơn lại bị khuất phục bởi môt cái còn ác hơn nữa.

Các bạn tiếp tục chọn phe đi, theo cái ác, cái ác hơn, hay cái ác hơn nữa?

Theo HÀ QUANG MINH FACEBOOK 

Tags: , , , , ,