⠀
Kinh tế hợp tác xã – một sự phản kháng trước chủ nghĩa tư bản ở Mỹ
Trên khắp nước Mỹ, các cộng đồng nghèo và người da màu đang xây dựng nhiều loại hình hợp tác xã khác nhau để có thể sinh tồn trong một hệ thống ưu tiên mọi nguồn lực cho lợi nhuận của nhà tư bản.
Bài viết của tác giả Penn Loh, một giảng viên cao cấp và là Giám đốc thực hành cộng đồng tại trung tâm Chính sách và Quy hoạch đô thị và môi trường của Đại học Tufts, bang Massachusetts, Mỹ.
Nguồn: Capitalism is not the only choice / Penn Loh / Open Democracy / 2017/11/30.
Biên dịch: Đoàn Hiểu Linh / Redsvn.net.
Kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ và Trung Quốc chuyển hướng sang thị trường tự do, nhiều nhà kinh tế học đã gọi tên cụm từ “kết thúc của lịch sử”, nơi mà sự cai trị của chủ nghĩa tư bản là cao nhất, là hình thức tối hậu của nền kinh tế. Có thể sẽ “không có sự thay thế” sang một nền kinh tế tân tự do toàn cầu, như cựu thủ tướng Anh Margaret Thatcher thường nói. Thị trường tự do là nơi mà ở đó các cá nhân cạnh tranh nhau để giành lấy cái họ có thể đạt được khi họ có khả năng. Trên thực tế, chính những chương trình thực tế như Shark Tank (show truyền hình thực tế giúp các doanh nhân tìm cơ hội đầu tư được phát trên đài ABC của Mỹ từ tháng 8/2009) đã góp phần tôn vinh các thị trường tự do này trong văn hóa đại chúng.
Tuy vậy, nhiều người trong chúng ta nằm trong số 99% không cảm thấy hạnh phúc hoặc an toàn đến thế về những kết quả của nền kinh tế này. Nhiều người đang làm việc cật lực hơn chỉ để chi trả tiền thuê nhà và thực phẩm trên bàn ăn. Kể cả những người tốt nghiệp đại học cũng mắc kẹt trong khoản nợ sinh viên, làm cho Giấc mơ Mỹ nằm ngoài tầm với của họ. Và có những người chua bao giớ được nền kinh tế này phục vụ thích đáng. Những người Mỹ gốc Phi được giải phóng khỏi kiếp nô lệ chỉ để phần lớn trong số họ bị loại ra khỏi những cơ hội của thị trường “tự do”. Những người nhập cư tiếp tục làm việc như những cái bóng. Phụ nữ vẫn chỉ kiếm được khoảng 3/4 so với thu nhập của đàn ông làm cùng công việc.
Vậy là, chúng ta đã bị mắc bẫy trong chủ nghĩa tư bản? Có thể là khi nhiều người trong chúng ta muốn có một nền kinh tế mới mà trong đó con người và hành tinh này được ưu tiên cao hơn lợi nhuận, chúng ta vẫn hoài nghi về việc một thế giới khác có thật sự khả thi hay không. Chúng ta đã có một số tiến bộ ở địa phương nhưng rồi chúng ta cảm thấy bất lực trong việc tác động lên các thế lực tầm quốc gia và toàn cầu. “Nền kinh tế” được đánh đồng với những thị trường mà các công ty cạnh tranh chỉ để đem lại lợi nhuận cho 1% người giàu nhất và phần còn lại làm việc chỉ vì tiền công hay tiền lương, đó là chuyện diễn ra quá thường xuyên.
Bản thân công việc được xem là hợp pháp chỉ khi nó tạo ra thu nhập một cách hợp lệ. Giá trị được đo lường chỉ qua khía cạnh tiền bạc, dựa trên những gì mà mọi người đang sẵn lòng chi trả trên thị trường. Tư duy tư bản chủ nghĩa cũng tách biệt nền kinh tế với xã hội và tự nhiên, như thể nền kinh tế tồn tại bên ngoài con người, các cộng đồng, chính phủ, và hành tinh của chúng ta. Nền kinh tế là cỗ máy tự thân của nó, chạy bằng nhiên liệu lợi nhuận và sự cạnh tranh.
Khi mọi thứ mà chúng ta gán nhãn “kinh tế” được giả định là có tính tư bản chủ nghĩa – có khả năng giao dịch và định hướng thị trường, thì không có gì ngạc nhiên về việc chúng ta đang sống với trí tưởng tượng nghèo nàn.
Định nghĩa lại nền kinh tế vượt lên trên chủ nghĩa tư bản
Để thoát khỏi thứ chủ nghĩa “tư bản là trung tâm” này, chúng ta cần phải mở rộng định nghĩa về nền kinh tế vượt lên trên chủ nghĩa tư bản. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu xem nền kinh tế là tất cả những cách thức đáp ứng các nhu cầu vật chất và chăm sóc lẫn nhau của chúng ta? Và chuyện gì sẽ xảy ra nếu nó không phải là một thực thể đơn lẻ? Và rồi chúng ta sẽ thấy bên dưới nền kinh tế tư bản chủ nghĩa chính thức là tất cả các loại hình nền kinh tế phi tư bản chủ nghĩa đang phát triển, nơi có thể không có động cơ lợi nhuận hoặc sự trao đổi thị trường. Các loại nền kinh tế này bao gồm cả những công việc chúng ta làm mỗi ngày. Chúng ta chăm sóc con cái và người già, chúng ta nấu ăn và dọn dẹp cho chính chúng ta và cho nhau, chúng ta nuôi trồng thực phẩm, cung cấp sự hỗ trợ cảm xúc cho bạn bè. Đó là tất cả những cách đáp ứng nhu cầu vật chất và chăm sóc lẫn nhau của chúng ta.
Với nhiều người, những nền kinh tế kiểu này củng cố sự đoàn kết và có nguồn gốc từ những giá trị dân chủ và công bằng hơn là tối đa hóa lợi nhuận. Nhưng đó lại là những nền kinh tế vô hình hoặc không được công nhận là “nền kinh tế” mà chỉ được coi là cách chúng ta tham gia vào cuộc sống. Lối suy nghĩ tư bản chủ nghĩa đã che giấu chúng ta về những hoạt động kinh tế này, những hoạt động mà một số trong đó đã làm cho sự sống khả thi hơn và cuộc đời ý nghĩa hơn.
Những con đường phi tư bản chủ nghĩa cũng bổ sung thêm một phần đáng kể vào tất cả các hoạt động kinh tế. Theo ước tính của nhà kinh tế Nancy Folbre thuộc trường đại học Massachusetts Amherst, những công việc nội địa không được trả lương (mà trong lịch sử được gọi là “công việc của phụ nữ”) chiếm đến 26% tổng sản phẩm quốc dân (GDP) của Hoa Kỳ năm 2010.
Mở rộng định nghĩa về nền kinh tế cũng đưa con người quay lại hệ thống tự nhiên và trao quyền cho chúng ta. Nền kinh tế không chỉ là một cái gì đó xảy ra với chúng ta, một biển hồ mà chúng ta bơi hoặc chìm trong đó. Tất cả chúng ta là thành phần của nhiều nền kinh tế mà một số trong đó chúng ta là những diễn viên chính, ví dụ như các nền kinh tế hộ gia đình, và một số khác mà trong đó chúng ta là phần bổ sung, ví dụ như các thị trường vốn đầu tư mạo hiểm.
Nhận ra những nền kinh tế đa dạng này và nhấc tấm khăn bao trùm “chủ nghĩa tư bản trung tâm” cho phép chúng ta nhìn ra những lựa chọn cần thực hiện, những giá trị và đạo đức cần xem xét. Lấy một ví dụ, tôi có thể chi nhiều hơn cho rau diếp từ một nông dân địa phương trồng cây bền vững hơn là chi cho rau diếp từ một nhà cung cấp xa xôi bóc lột công nhân nông trại và dùng thuốc trừ sâu. Những người tham gia lựa chọn không chỉ là người tiêu dùng mà còn là công nhân, nhà sản xuất, hàng xóm, và qua các chính sách thiết lập các quy tắc cần thiết để vận hành bất kỳ nền kinh tế nào.
Liệu tôi nên làm việc cho một tổ chức vì lợi nhuận do các cổ đông sở hữu, hay cho một hợp tác xã công nhân phi lợi nhuận, hay cho tập đoàn B? Có nên dùng đất công cho những chung cư cao cấp, hay để làm nhà ở vừa túi tiền? Những trăn trở này mở ra không gian cho tất cả chúng ta tham gia vào việc định hình thế giới của chúng ta và tương lai kinh tế của 99% dân số.
Sự đoàn kết đang gia tăng
Khắp nước Mỹ, từ Jackson, Mississippi cho tới Oakland, California, nông thôn Kentucky và trên những vùng đất Navajo-Hopi, và khắp các thành phố lớn nhất của Massachusetts, thường là các cộng đồng nghèo và cộng đồng người da màu đang xây dựng những cộng đồng hợp tác về những vấn đề trên.
Điều này không mới. Trên thực tế, đây là nơi mà những nền kinh tế hợp tác – các chiến lược tập thể để sống sót, đã đổi mới do nhu cầu cần thiết. Hãy nghĩ về sự tương trợ lẫn nhau, tổ chức cộng đồng, tự giúp đỡ và tất cả các loại hình hợp tác xã. Các thông lệ này đã để lại dấu ấn trong những phong trào giải phóng người da đen, các phong trào lao động sớm, và nhiều phong trào tiến bộ khác ở Mỹ.
Khát khao một thay đổi sâu sắc có tính chuyển hóa, khát vọng bổ sung những người dân bình thường của các nền kinh tế hợp tác vào một cái gì đó, những khát khao đó không chỉ đến từ những ai đang bất mãn mà còn cả những người bất mãn nhiều hơn thế từ những cộng đồng chỉ biết vật lộn để sống sót.
Những giấc mơ về một cuộc sống sang trọng và một cái bắt tay công bằng đến từ những người đang tạo dựng phong trào Black Lives Matter (Người da đen đáng được sống), từ những công nhân nhập cư đang làm ra những đồng lương chết đói, từ những cựu tù nhân bị nhốt bên ngoài nền kinh tế chính thống, từ những người thuê nhà chỉ có thể làm ra đủ tiền thuê, và từ những cộng đồng đang bị chiếm đoạt chỗ ở để mở đường cho 1% người giàu.
Tại Springfield, thành phố lớn thứ ba của bang Massachusetts, sáng kiến Wellspring đang xây dựng một mạng lưới các hợp tác xã công nhân để tạo ra công việc cho địa phương và kiến tạo sự giàu có cho các cư dân thất nghiệp, thu nhập thấp (hợp tác xã công nhân là hợp tác xã do công nhân bỏ vốn). Wellspring được thành lập vào năm 2011 để giành lấy một phần trong ngân sách chi tiêu 1,5 tỉ USD của các tổ chức đại diện của chính nơi này như Baystate Health, đại học Massachusetts Amherst (tổ chức đại diện-anchor institution là các doanh nghiệp như trường đại học, bệnh viện… có nguồn gốc địa phương về vốn đầu tư hay quan hệ với khách hàng, nhân viên, nhà bán lẻ). Nó được truyền cảm hứng từ hợp tác xã Cleveland Evergreen, nơi đã xây dựng một mạng lưới các doanh nghiệp công nhân để cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho các tổ chức có trụ sở trong khu vực, Một nghiên cứu cho thấy tỉ lệ mua bán từ các doanh nghiệp địa phương của các tổ chức đại diện chưa tới 10%.
Hợp tác xã đầu tiên của Wellspring là Wellspring Upholstery thành lập năm 2013 và hiện có 7 công nhân. Wellspring Upholstery là doanh nghiệp đầu tiên được phát triển một phần nhờ thành công của một chương trình đào tạo nghề làm ghế bọc nệm dành cho độ tuổi 25 do nhà tù của hạt tổ chức và có thể cung cấp các công nhân đã qua đào tạo. Hợp tác xã thứ hai là Old Windows Workshop, một doanh nghiệp tân trang cửa sổ do phụ nữ làm chủ. Theo quản lý sản xuất Nannette Bowie, mục đích chính của doanh nghiệp này là tạo ra “sự linh hoạt của một phụ nữ đi làm vừa đảm nhận trách nhiệm gia đình vừa duy trì một công việc toàn thời gian”.
Wellspring đã huy động được 1 triệu USD để bắt đầu doanh nghiệp thứ ba của mình, một nhà kính thương mại chuyên trồng rau diếp, rau xanh, thảo mộc cho các trường học và tổ chức đại diện địa phương. Việc xây dựng đã bắt đầu trong mùa hè. Với một số doanh nghiệp đang triển khai như trên, Wellspring đang chứng minh những mô hình khả thi mà họ hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho những người khác, gia tăng số công việc và những cơ hội làm giàu cho các cư dân thất nghiệp và thu nhập thấp.
Wellspring chỉ là một ví dụ về các nền kinh tế hợp tác đang trỗi dậy ở Massachusetts. Ở Worcester, thành phố lớn thứ hai của bang, Liên minh Kinh tế Đoàn kết và Xanh (Solidarity and Green) đang nuôi dưỡng hệ sinh thái gồm nhiều hợp tác xã của chính họ. Một số đang đối chiếu các kỹ năng của người dân để đáp ứng nhu cầu cộng đồng, ví dụ như thiết kế vườn, cải tạo đất, sản xuất mật ong, nông nghiệp đô thị. Số khác thì cung cấp dịch vụ cho các tổ chức phong trào, ví dụ như dịch thuật, sản xuất video, sổ sách.
Ở các vùng lân cận Roxbury và Dorchester thuộc Boston, một nền kinh tế hợp tác thực phẩm đang xuất hiện. Nền kinh tế này bao gồm một quỹ đất cộng đồng, các nông trại đô thị và một đô thị, một “lồng ấp” nhà bếp, một hợp tác xã thực phẩm cho người tiêu dùng, một công ty tái chế hữu cơ của công nhân.
Còn các cư dân Latinx ở Đông Boston cũng đã thành lập Trung tâm Đoàn kết và Phát triển Hợp tác xã. Quan tâm đến thị trường sửa nhà đang tăng trưởng nhanh, nhóm bắt đầu khám phá cách mà các lựa chọn có thể giúp họ ở lại Đông Boston. Họ hỗ trợ các hợp tác xã khởi nghiệp về chăm sóc con cái, may vá, dọn dẹp. Dự án Boston Ujima Project chính thức thành lập vào tháng 9/2017 để xây dựng một quỹ vốn cộng đồng sử dụng tiến trình ngân sách tham gia trong việc đầu tư vào các doanh nghiệp địa phương.
Ý thức, sức mạnh, kinh tế
Tuy vậy, kinh tế hợp tác bao gồm nhiều thứ hơn là hợp tác xã. Đó là một phong trào công bằng xã hội. Nó đang thay đổi ý thức của chúng ta, không chỉ để hé mở những nguyên nhân gốc rễ, mà còn mở rộng tầm nhìn của chúng ta về những gì khả thi, và truyền cảm hứng cho những giấc mơ về thế giới như nó có thể xảy ra.
Nó đang nuôi dưỡng sức mạnh, không chỉ để phản kháng và cải sửa những bất công, những sự không chắc chắn do các hệ thống hiện tại gây ra, mà cuối cùng nó sẽ quản lý một cách dân chủ và sẽ cai trị các nguồn lực kinh tế và chính trị để duy trì sự sống cho người dân và hành tinh. Nó đang tạo ra các giải pháp thay thế và các mô hình thử nghiệm kinh tế để sản xuất, trao đổi, tiêu dùng và đầu tư theo những cách thức dân chủ, bền vững, ngay thẳng hơn.
Nếu chúng ta muốn chuyển hóa và đi xa hơn chủ nghĩa tư bản, chúng ta phải đường đầu với nó trong cả ba chiều hướng này: Ý thức, sức mạnh, kinh tế.
Chúng ta không có được điều xa xỉ là tạo ra những nền kinh tế hợp tác trong “hư không”. Điều này có nghĩa là chúng ta phải biến những nền kinh tế thành thực tế tại nhà và cộng đồng của chúng ta hiện nay, bất kể quy mô nhỏ như thế nào. Đồng thời chúng ta cũng có thể làm việc với những người khác để xây dựng các giải pháp hợp tác lớn hơn và làm công việc khó nhọc đang khiến cho cuộc sống quá đỗi khó khăn với biết bao người: Cải cách các hệ thống tư tưởng, kinh tế, chính trị.
Mỗi người đều có thể đưa các giá trị hợp tác vào thực tiễn, để chúng sống trong sự đoàn kết, bắt đầu bằng bất cứ cách nào chúng ta có thể. Và đó là sức mạnh chuyển hóa của kinh tế hợp tác: Nó không chỉ mở rộng bằng cách xây dựng các tổ chức và hệ thống ngày càng lớn mà nó có thể mở rộng bằng nhiều người theo đuổi kinh tế công bằng xã hội ở nhiều nơi. Nó yêu cầu giành lại các chính phủ để phá vỡ các hệ thống đã ưu tiên cho chủ nghĩa tư bản và định hướng lại các nguồn lực công hướng tới các nền kinh tế hợp tác. Tất cả chúng ta có thể bắt đầu bằng cách lan tỏa thông điệp, chia sẻ hình ảnh tiến bộ về thế giới mà chúng ta muốn sống trong đó.
Tags: Hợp tác xã, Tư bản, Công bằng xã hội, Lao động - việc làm