Kinh nghiệm dùng người tài, xây dựng đội ngũ quan lại thời Lê Thánh Tông

Tuyển chọn quan lại được coi như là tuyển chọn nhân tài cho đất nước, là việc hệ trọng của quốc gia, đã trở thành phương châm hành động của vua Lê và các cơ quan làm công tác nhân sự của nhà nước. Dựa trên nền hành chính phong kiến đến đỉnh cao, tổ chức và hoạt động của đội ngũ quan lại từ Trung ương đến địa phương đã được quy định cụ thể, chặt chẽ thông qua hệ thống các bộ luật, các chiếu, chỉ của nhà vua, tạo thành cơ sở pháp lý để thực hiện ổn định, nhất quán, lâu dài.

Kinh nghiệm sử dụng người tài, xây dựng đội ngũ quan lại thời Lê Thánh Tông

Trích đăng bài viết của PGS, TS Nguyễn Hoài Văn, Viện Chính trị học, Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2013.

Quan lại được coi là cột xương sống của bộ máy chính quyền nhà nước phong kiến, mà nho sĩ và khoa cử là vườn ươm của quan chức. Vì thế, triều đình thời Lê Thánh Tông đã đặc biệt quan tâm ưu đãi đối với các nho sĩ – quan chức, kể từ khi họ đỗ đạt trong các kỳ thi quốc gia tới khi họ được bổ nhiệm làm quan chức trong các cấp chính quyền trung ương hoặc địa phương. Chiếu chỉ năm 1463 viết: “Ta lưu tâm việc trị nước, dốc ý việc cầu tài, thường nghĩ những người tài làm được việc còn bị khuất ở hàng dưới, chìm lấp ở thôn quê, nên tìm hỏi người giỏi, mơ tưởng không quên”(1). Trong tấm bia đề tên tiến sĩ của khoa thi Nhâm Tuất, năm Đại Bảo thứ 3 (1442), hiện còn lưu tại Văn Miếu – Hà Nội, có một đoạn nêu lên sự đánh giá cũng như coi trọng nhân tài của Nhà nước như sau: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp. Vì vậy các đấng thánh đế minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên. Kẻ sĩ quan hệ với quốc gia trọng đại như thế, cho nên quí chuộng kẻ sĩ không biết thế nào là cùng. Đã yêu mến cho khoa danh, lại đề cao bằng tước trật. Ban ân rất lớn mà vẫn chưa cho là đủ. Lại nêu tên ở Tháp Nhạn, ban danh hiệu Long Hổ, bày tiệc văn hỷ. Triều đình mừng được nhân tài, không có việc gì không làm đến mức cao nhất”(2). Trong một tấm bia đề tên tiến sĩ khác của khoa thi Quý Mùi năm Quang Thuận thứ 4 (1463) cũng có đoạn ghi rằng: “Nhân tài là nguyên khí của Nhà nước, không thể không vun trồng cho rộng khắp, chế độ là phép lớn của Nhà nước không thể không quy định cho rõ ràng đầy đủ”(3).

Tuyển chọn quan lại được coi như là tuyển chọn nhân tài cho đất nước, là việc hệ trọng của quốc gia, đã trở thành phương châm hành động của nhà vua và các cơ quan làm công tác nhân sự của nhà nước. Dựa trên nền hành chính phong kiến đến đỉnh cao, tổ chức và hoạt động của đội ngũ quan lại từ Trung ương đến địa phương đã được quy định cụ thể, chặt chẽ thông qua hệ thống các bộ luật, các chiếu, chỉ của nhà vua, tạo thành cơ sở pháp lý để thực hiện ổn định, nhất quán, lâu dài.

1. Khảo khoá để thăng, giáng quan lại    

Để củng cố, đổi mới cũng như làm trong sạch đội ngũ quan lại, Nhà nước thời Lê Thánh Tông đã định ra phép khảo khoá với những quy định rất cụ thể, chặt chẽ và rõ ràng. Bình luận về phép khảo khoá, Phan Huy Chú viết: “Giao cho trách nhiệm một địa phương và tính mạng của nhân dân, mà để mặc cho họ dựa dẫm lui tới, lấy đầy xe mang về, thế thì không để tiếng xấu cho quan trường mà làm đau khổ cho dân, thì cũng ít thấy vậy. Cho nên chính sách yên dân chẳng gì hơn việc chấn chỉnh quan trường. Mà cách chấn chỉnh quan trường, tất phải khảo công, để xét rõ người hơn người kém mà thăng giáng cho rõ ràng, thì liêm sỉ riêng đường, chính hoá đi khắp. Việc cốt yếu cho nước thịnh trị của bậc đế vương, không vượt qua điều ấy được”(4).

Chế độ “khảo khóa” hay “khảo công” thực chất là việc đánh giá, xem xét hiệu quả công việc của quan lại theo định kỳ, theo khoá để làm cơ sở cho việc thực hiện chế độ thăng, giáng, chuyển đổi cũng như thưởng, phạt, hay biếm chức. Các nhà nước phong kiến từ đầu tiên đến cuối cùng trong lịch sử luôn đặt ra vấn đề đánh giá quan lại đương chức. Thời Trần, để chọn một chức quan Đại an phủ sứ (coi giữ kinh thành), phải đánh giá năng lực và phẩm chất của người đó qua mấy bước sau: Phải kinh qua chức An phủ sứ một phủ nào đó, làm việc tốt, được dân yêu, sau một thời gian nhất định được bổ nhiệm vào chức An phủ sứ phủ Thiên Trường (Nam Định, được coi như kinh đô thứ hai của nhà Trần), lại phải làm việc tốt, được dân yêu, và lại sau một thời gian nhất định mới được bổ nhiệm vào chức Đại an phủ sứ kinh thành. Rõ ràng, quy trình này phải thường xuyên đánh giá quan lại, trên cơ sở đó điều động, luân chuyển nhằm vừa phát huy hết năng lực của cá nhân, vừa đảm bảo hiệu quả quản lý ở các vị trí mà cá nhân đó đảm nhiệm.

Đến thời Lê Thánh Tông đã duy trì khá nề nếp chế độ khảo khoá, trở thành quy chế hoàn chỉnh. Đối tượng thực hiện khảo khoá là đội ngũ quan lại các cấp. Nó được áp dụng cả đối với con cháu công thần, đã hạn chế được các nhược điểm không tránh khỏi của cách thức tuyển dụng quan chức từ con đường nhiệm tử, đảm bảo cho đội ngũ quan chức nhà nước luôn luôn trong sạch và vững mạnh. Về kỳ hạn, tháng 12 Hồng Đức thứ 19 (1488), Lê Thánh Tông chính thức ban hành lệ khảo khoá, quy định rõ cứ “ba năm tiến hành một lần sơ khảo, sáu năm thì tái khảo và chín năm thì thông khảo mới thi hành thăng chức người có công và truất chức kẻ có tội”(5).

Nội dung khảo khoá là xét duyệt định kỳ những công trạng, thành tích và tinh thần trách nhiệm của quan lại, phân loại chất lượng quan chức, từ đó mà quyết định các hình thức, mức độ thưởng phạt, thăng giáng, chuyển đổi hoặc thậm chí bãi nhiệm. Cụ thể, tháng 12 năm Hồng Đức nguyên niên (1470), Lê Thánh Tông định lệ khảo khoá quan lại nơi cai quản: “Trưởng quan các nha môn trong ngoài khi khảo khoá các quan viên trong phạm vi cai quản thì phải xét kỹ thành tích trong công việc mà viên đó đã làm. Nếu quả có lòng chăm nom, yêu thương, được nhân dân yêu mến và trong nơi cai quản ít kẻ trốn tránh thì mới xứng chức. Nếu vơ vét quấy nhiễu, gây tệ riêng tư và trong nơi cai quản có nhiều người trốn tránh thì không xứng chức”(6). Như vậy, công việc khảo khoá do các trưởng quan phụ trách ty, viện thực hiện nhằm nhận xét, đánh giá với các quan lại dưới quyền theo 3 nội dung: một là, có được nhân dân yêu mến hay không; hai là, có lòng thương yêu nhân dân hay không; ba là, trong hạt, nhân dân có trốn đi nơi khác không. Tiêu chuẩn đầu tiên để đánh giá quan lại là năng lực hoạt động thực tiễn, là mức độ hoàn thành, là “thành tích trong công việc” được giao. Hơn nữa, lấy thước đo hiệu quả quản lý bằng lòng dân, đây là nét tiến bộ lớn của nền hành chính thời Hồng Đức.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư  ghi rõ quy trình tiến hành khảo khoá được quy định dưới thời Lê Thánh Tông như sau: “Quan các nha môn tại chức đủ ba kỳ khảo khoá phải khai trình đầy đủ những việc đã làm trong nhiệm kỳ, có phạm lỗi gì hay không. Trưởng quan phụ trách phải công bằng mà xét duyệt, tính bắt đầu từ ngày được bổ nhiệm. Thí quan đủ 3 năm được thực thụ thì được coi là qua kỳ sơ khảo. Trong khi tại chức mà có phạm lỗi gì thì không được khảo khoá, cùng là người không phải do quân công mà được thăng đặc cách, thì từ khi phạm lỗi và đặc cách thăng cấp đó, lại tính là kỳ sơ khảo. Kê rõ từng hạng xứng chức, bình thường, không xứng chức để định việc khảo khoá. Lại khai rõ công việc đã làm, có phạm lỗi gì không, để trình lên quan phụ trách nha môn xét duyệt, rồi gửi cho Lại bộ giữ để xét. Đợi đủ 9 năm qua kỳ thông khảo, quan phụ trách trình lên tất cả những công việc trước sau mà viên ấy đã làm qua mỗi kỳ khảo khoá trong thời gian nhậm chức và những lời nhận xét khi khảo khoá, tuỳ theo quan chức lớn hay nhỏ, có thể gửi để tâu lên, hoặc gửi để giữ lại. Lại bộ tham chiếu các lần khảo trước sau, tại nơi phức tạp hay đơn giản, theo đúng lệ, làm bản tâu lên để thi hành”(7).

Phép khảo khoá có một vai trò rất quan trọng trong việc quản lý và giám sát các quan lại. Đặt ra phép khảo khoá, Lê Thánh Tông không có mục đích nào khác là để “phân biệt người hay kẻ dở, nâng cao hiệu quả trị nước”(8). Trên cơ sở khảo khóa với những tiêu chí khá cụ thể về năng lực, phẩm chất để thăng thưởng, giáng chức chuyển đổi quan lại. Năm 1478, Lê Thánh Tông sắc chỉ cho ba ty Đô, Thừa, Hiến các xứ: “Xét quan lại trong bộ thuộc của mình, người nào liêm khiết hay tham ô, chuyên cần hay lười biếng, cùng các quan nho học dạy dỗ nhân tài, hàng năm có người được sung cống sĩ hay không, nhiều hay ít đều ghi tên tâu lên để định việc thăng hay giáng”(9). Đến năm 1485, khẳng định lại “Thừa ty, Hiến sát là những phương diện quan, trách nhiệm đã tôn, quyền uy cũng trọng, trong khi tuyên bổ phải dùng người tốt. Nếu bị khuyết: Tham nghị thì dùng quan từ lục phẩm trở lên: có tài năng, kiến thức và uy tín, nhận chức đủ bốn lần khảo khoá trở lên; Hiến sát thì dùng quan các nha môn, khoa đài, Quốc Tử Giám, Lục tự mà thanh liêm, sáng suốt, từng trải đủ bốn lần khảo khoá trở lên được mọi người suy tôn, ca ngợi, theo lệ mà tuyên bổ. Nếu dám lấy tình riêng, tuyên bổ bậy những kẻ phẩm trật thấp, tại chức ít ngày để đến nỗi dư luận không hay, việc dân sinh tệ thì Lại khoa xét hỏi trị tội”(10).

Việc khảo khoá theo niên hạn là căn cứ để thực hiện thăng, giáng như “Lệnh sử các phủ nha, lúc mới bổ thì làm á lệnh sử, làm việc 3 năm thăng thừa lệnh sử phủ nha ấy, lại làm việc 3 năm nữa được thăng đô lại nha môn có suất thân”(11). Hoặc Chiếu năm 1496 quy định cụ thể: “Giám sinh, nho sinh, học sinh, án lại, lại viên các nha môn thi hội đã trúng nhiều kỳ làm việc lâu năm, biết việc, siêng năng và có quân công thì ban đầu được trao các chức Tri huyện, Tri châu, Huyện thừa, Đồng tri châu, Thủ lĩnh, tự ban; đủ 3 năm không phạm lỗi gì thì mới cho thực thụ; sau 6 năm không phạm lỗi thì Tri huyện, Tri châu được thăng bổ Viên ngoại lang; Huyện thừa, Đồng tri châu, Tri hạ, Điển hạ, Tự ban được bổ các chức Tư vụ, Chủ sự, Thôi quan, Đô quan; đủ 6 lần khoá không phạm lỗi thì Viên ngoại lang, Đồng tri phủ mới được thăng làm tri phủ”(12). Nhưng cũng có thể dựa vào năng lực công tác mà quyết định đổi ngạch: “Năm ấy có sắc chỉ cho Nho (Nguyễn Quán Nho – BT) chỉ huy các vệ ty túc trực làm việc đủ hạn 4 lần khảo khóa trở lên, có người nào giữ công chăm việc, không tội lỗi, thì trưởng quan của vệ xét thực làm tờ trình lên, Lại bộ theo chỗ khuyết mà đổi bổ sang văn chức”(13). Lệ khảo khóa chặt chẽ góp phần tạo nên đội ngũ quan lại mạnh, có khả năng đảm nhận chức vụ. Nguyễn Trực, người đã qua khoa thi năm Đại Bảo (1442) để vào hàng ngũ quan chức cấp cao cũng đánh giá việc khảo khoá khá kỹ lưỡng như sau: “Nay các quan trong triều đình, kẻ sĩ chốn hoang dã, đã thực có thể lựa chọn kỹ, sử dụng chuyên, tin cậy chắc. Lại ban phép khảo xét công trạng, trải đủ kỳ khảo xét kỹ rồi mới quyết định thăng hay giáng, khen hay chê. Người nào tốt kẻ nào xấu, người nào liêm khiết, tài giỏi, siêng năng, mẫn cán, kẻ nào ngu dốt tham lam, lơ là, lười biếng, giữ ghế ăn hại, không đức bất tài, gian ngoan chứa ác, đều bộc lộ rõ ràng. Như vậy thì hàm quan đông đảo đều giữ phong cách người quân tử, có đáng lo gì bọn tiểu nhân!”(14).

2. Chế độ luân chuyển quan lại (luân quan)

Chế độ luân chuyển quan lại, theo sử cũ có từ thời Ngô Quyền. Sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938, Ngô Quyền xưng vương, những quan lại thân cận được phân phong về các địa phương cai trị. Hoạt động luân chuyển quan lại dưới thời Lý trở nên rõ ràng, diễn ra đa chiều hơn các thời kỳ trước đó. Việc luân chuyển có thể diễn ra đối với từng vị trí ở cấp trung ương, có thể là sự điều động từ trung ương xuống địa phương và ngược lại. Các địa phương quan trọng đều do quan lại cao cấp ở trung ương điều về, sau một khoảng thời gian lại được điều động về kinh, kèm theo đó thường là sự gia phong chức tước. Hoạt động thăng giáng diễn ra bình thường, có công được phong, có tội bị giáng, thậm chí bị cách tuột hết mọi chức tước, nhưng sau đó lại vẫn có thể được phục hồi như cũ. Dưới thời Trần, việc luân chuyển quan lại diễn ra thường xuyên hơn, được thực hiện bằng các quy định cụ thể của Nhà nước. Điều này thể hiện rõ trong việc điều động, phân bổ quan lại. Đã có thể nói tới một chính sách của nhà nước về việc điều động, luân chuyển quan lại.

Dưới thời Lê Thái Tổ, do không được kế thừa trực tiếp tổ chức bộ máy nhà nước của triều đại trước, nên ngay sau khi giành được độc lập, công tác xếp đặt quan lại được tiến hành khẩn trương. Tháng 2-1428, Lê Lợi ra chỉ lệnh: đại thần các lộ, huyện, trấn… đều phải dùng người tài giỏi, liêm khiết, cho phép đại thần tự cử. Đến tháng 6 cùng năm lại ra lệnh khảo xét các quan lại phân chia thành các hạng khác nhau(15). Đến thời Lê Thánh Tông, hoạt động luân chuyển quan lại diễn ra dồn dập, có quy mô rõ rệt. Nhiều công thần khai quốc vốn bị tước hết quyền lực ở thời Lê Lợi nhưng đến thời Lê Thánh Tông lại được bổ dụng trở lại: Lê Khuyên được phục chức Nhập nội thiếu uý, Tham tri Hải Tây đạo chư vệ quân sự thái giám, Lê Khiêm được cử làm Đô áp nha tri tư bản sự… Một số quan lại cao cấp ở trung ương được điều động lên biên giới do có những hoạt động lấn đất của nhà Minh. Lê Khả được phong làm Vinh lộc đại phu ra trấn nhậm ở Lạng Sơn, coi quản toàn bộ việc quân dân. Bùi Cẩm Hổ giữ chức Ngự sử ra làm An phủ sứ Lạng Sơn. Những quan lại địa phương nếu trông coi chính sự tốt, có tài năng thì được điều động về trung ương. Việc luân chuyển quan lại không chỉ thể hiện rõ rệt trong việc điều động quan cai trị từ trung ương về địa phương, từ địa phương về trung ương, mà còn thể hiện giữa các địa phương với nhau. Nhằm tránh trường hợp quan lại cai trị lâu ở địa phương, triều đình luôn có sự điều động giữa các địa phương áp dụng với tất cả các vị trí, dù là quan to hay quan nhỏ.

Dưới thời Lê Thánh Tông, việc luân chuyển quan lại được xác lập thành một chính sách rõ ràng. Năm Quang Thuận thứ 8 (1467), Lê Thánh Tông quy định “người nhận chức ở tại nơi biên giới xa phải đủ 9 năm mới được đổi về các huyện dưới kinh”(16). Đến đầu năm sau (1468), Thể lệ điều động quan lại giữa các địa phương được sửa lại, theo đó, những quan viên nhậm chức biên cương xa xôi, nếu hoàn thành nhiệm vụ thì “đủ hạn 6 năm thì cho chuyển về nơi đất lành” còn nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì “lại phải bổ đi miền biên cương xa, đủ 6 năm nữa mới được quyết định lại”(17). Tuy nhiên, có những vị trí với con người cụ thể, Lê Thánh Tông không cho thay đổi như quan làm giáo dục đào tạo. Vì vua cho rằng, càng giữ chức lâu, càng có điều kiện đào tạo nhân tài. Năm 1468, Lê Thánh Tông truyền cho thượng thư Nguyễn Như Đổ: “Bọn ngươi cố xin lấy giáo thụ làm quan huyện, thế là kế gian đã nảy sinh đó. Giáo thụ phải giữ chức lâu năm để đào tạo nhân tài cho có hiệu quả, thế mà giám xin đổi làm chức khác, tội ấy không nhỏ”(18). Việc điều động quan địa phương một mặt đảm bảo chính sách đãi ngộ thỏa đáng, mặt khác cũng chú trọng luân chuyển liên tục để tránh sự cát cứ lộng hành. Như vậy, quy chế tuyển chọn, bổ dụng quan lại của Lê Thánh Tông đã thấm nhuần tư tưởng là một mặt nâng cao chất lượng quan lại, mặt khác tích cực ngăn ngừa nạn cát cứ bè cánh địa phương, nhằm tạo lập đội ngũ quan lại địa phương mạnh và tuân phục triều đình.  Chính yếu tố này góp phần làm vững mạnh, trong sạch bộ máy quan lại dưới thời Lê sơ, một yếu tố góp phần vào sự hùng mạnh của quốc gia Đại Việt thời kỳ này.

3. Lệ giản thải quan lại     

Quan lại nếu không đáp ứng được nhu cầu của nhà nước, hoặc bất tài đều bị bãi. Lệ thải quan viên gồm 3 điều ban bố vào năm Hồng Đức thứ 9 (1478) chỉ rõ, quan viên nếu “hèn kém… đần độn bỉ ổi, không làm nổi việc” thì “đều bắt phải nghỉ việc”; chọn người “có tài năng, kiến thức, quen thạo việc mà bổ vào thay”. Những quan xét người hay dở mà sai sự thực thì “Ngự sử đài, Lục khoa, Hiến ty kiểm xét hoặc tâu để trị tội”(19).

Đồng thời qua khảo khóa cũng tạo cơ sở thải loại bớt những quan lại không có năng lực cũng như phẩm cách: “Trưởng quan theo đạo công xét kỹ những quan viên dưới quyền, giản hoặc có người hèn kém bỉ ổi không thể làm việc được giao bộ Lại xét thực đều bắt về hưu. Lại chọn người từng trải làm được có tài khí kiến thức thông thạo mà bổ thay vào”(20) – tạo ra sự năng động trong bổ dụng quan lại, người có thực tài được bổ vào chức vị không cần đợi đủ niên hạn khảo khóa. Quan phủ xét quan huyện, châu dưới quyền “nếu như có chính tính tốt thì trình 2 ty để bảo cử, bên nào tham nhũng không xứng chức cũng thực xét trình lên để làm tài liệu khảo khóa”(21). Đến chức xã trưởng cũng có sự giám sát nghiêm minh: “Quan phủ huyện châu theo phép công mà phúc khám, không câu nệ là xã chính, xã sử hay xã tư cứ người nào làm việc cẩn thận chu đáo nên giữ lại, còn người nào gian tham bỉ ổi không biết chức đều tinh giản cho về, các hạng già lão ốm đau đều hoàn làm dân”(22).

Khi thấy bộ máy quan lại phình to, tốn kém thì vua chủ trương giảm bớt bằng cách tiến hành rà soát đội ngũ quan lại, những ai đã từng phạm tội, hối lộ, đã bị xử biếm, giáng… mà còn đang đương chức thì cho thôi việc, để triệt quan tham nhũng, cho bớt lộc. Lê Thánh Tông thực hiện chế độ nghỉ việc đối với quan lại lớn tuổi, thể hiện trong sắc chỉ ngay từ năm thứ ba sau khi lên ngôi “các quan viên văn võ làm việc đến 65 muốn nghỉ việc, các lại điển, giám sinh, nho sinh, sinh đồ tuổi từ 60 trở lên muốn về làm dân, thì đều cho người đó nộp đơn ở Lại bộ”(23). Điều này vừa thể hiện sự đãi ngộ của triều đình, vừa tạo cơ hội để trẻ hoá, nâng cao chất lượng đội ngũ quan lại.

Có thể nói, dưới thời Lê Thánh Tông chế độ quan lại đã được phát triển đến đỉnh cao bằng hệ thống luật pháp, được thực hiện thường xuyên nghiêm túc trong phạm vi toàn quốc. Tuy có quyền hành tối cao nhưng vua không lạm quyền, áp đặt ý chí chủ quan trong xây dựng đội ngũ quan lại. Việc phát hiện, tuyển chọn, đánh giá, kiểm tra, giám sát quan lại theo tiêu chuẩn khách quan. Yêu cầu đòi hỏi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước là cơ sở quan trọng làm căn cứ đề ra chính sách, chế độ xây dựng và quản lý quan lại; không ngừng phát triển, hoàn thiện chính sách đó trong thực tiễn. Nhờ đó, Lê Thánh Tông tuyển chọn được đội ngũ quan lại có phẩm chất và năng lực, làm việc hiệu quả. Họ thực sự là những người tài giỏi, tận tâm giúp vua trụ vững ở ngôi báu suốt 38 năm, góp phần quan trọng xây dựng đất nước Đại Việt cường thịnh. Điều mà nhiều hoàng đế trước đó và cả sau này không làm được.

———————————-

Chú thích:

(1),(4),(13) Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Hà Nội, 1992, t.1, tr 582, 589, 567.
(2) Dẫn theo: Bia nghè trường Giám, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 3-1987, tr.81.
(3) Sđd, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 4-1987, tr.81.
(5) Lê triều quan chế, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 1997, tr.109.
(6),(7),(8),(9),(10),(11),(12),(15),(16),(17),(18),(19),(21),(23) Đại Việt sử ký toàn thư, t.2, tr.447, 505, 458, 471, 496, 326, 515-516, 295, 242, 423, 434, 472, 499, 397
(14) Bối Khê trạng nguyên đình đối văn sách, Tạp chí Hán Nôm, số 1-1989, tr.72.
(20),(22) Lê Thánh Tông – con người và sự nghiệp, Sđd, tr.178, 178.

Theo TẠP CHÍ LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

Tags: , , ,