Nhà tình báo chiến lược Phạm Ngọc Thảo: Chân dung một huyền thoại

“Trong lịch sử tình báo ta, câu chuyện ly kỳ như Phạm Ngọc Thảo là hãn hữu, nếu bỏ qua không nghiên cứu đến nơi đến chốn là thiếu trách nhiệm đối với công cuộc tích tụ kho tàng tình báo Việt Nam” .

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Ngọc Thảo (14/2/1922 – 17/7/1965), còn gọi là Chín Thảo, Albert Thảo, xuất thân trong một gia đình trí thức giàu có, theo đạo Công giáo toàn tòng ở Vĩnh Long. Ông nội là cụ Phạm Ngọc Lành, một thương gia lớn ở Nam bộ thời Pháp thuộc, rất tích cực ủng hộ, hậu thuẫn cho các phong trào yêu nước chống Pháp. Thân sinh của Phạm Ngọc Thảo là cụ Adrian Phạm Ngọc Thuần, một kỹ sư trắc địa, một điền chủ giàu có ở Nam bộ, mang quốc tịch Pháp. Anh ruột ông, luật sư Gaston Phạm Ngọc Thuần là Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam bộ, sau năm 1954 là Đại sứ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Cộng hoà Dân chủ Đức.

Sau khi đỗ tú tài ở Sài Gòn, Phạm Ngọc Thảo không sang Pháp mà ra Hà Nội học. Năm 1942, ông tốt nghiệp kỹ sư, về làm việc tại Sài Gòn. Năm 1945, Phạm Ngọc Thảo tham gia Cách mạng tháng Tám. Khi Pháp quay lại chiếm Nam bộ, ông tuyên bố hủy bỏ quốc tịch Pháp, lên đường cầm súng đi kháng chiến.

Năm 1946, Phạm Ngọc Thảo được cử đi học Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn ở Sơn Tây khoá 1. Sau khi tốt nghiệp, ông trở về miền Nam chiến đấu và đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng: Tiểu đoàn trưởng, Trung đoàn phó, Trưởng phòng Mật vụ Nam bộ.

Cuối năm 1946, Pháp đổ bộ vào miền Nam, giữa sự bao vây ráo riết của địch, Phạm Ngọc Thảo đã trực tiếp đưa đồng chí Lê Duẩn từ trụ sở Ủy ban Hành chính kháng chiến miền Nam ở Phú Yên về chiến trường Nam bộ. Cuộc hội ngộ này chính là bước ngoặt quyết định đến sứ mệnh sau này của Phạm Ngọc Thảo.

Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Phạm Ngọc Thảo được đồng chí Lê Duẩn – Bí thư xứ uỷ Nam bộ giao nhiệm vụ luồn sâu, hoạt động đơn tuyến, lợi dụng mâu thuẫn để đánh địch từ bên trong ra. “Anh Phạm Ngọc Thảo đã nhận một nhiệm vụ đặc biệt, chưa từng có tiền lệ trong công tác cách mạng của chúng ta”.

Để thực hiện nhiệm vụ, Phạm Ngọc Thảo đã chủ động công khai lý lịch kháng chiến của mình bằng một “ván bài lật ngửa”, từng bước tiếp cận gia đình họ Ngô thông qua Giám mục Ngô Đình Thục – anh trai Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu.

Được sự giới thiệu của Ngô Đình Thục, Phạm Ngọc Thảo quay lại Sài Gòn làm việc tại Viện Hối đoái. Sau khi Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống, ông được bố trí làm Đại úy đồng hóa, Tỉnh đoàn trưởng Bảo an…

Năm 1957, Phạm Ngọc Thảo tham gia sáng lập và biên tập Tạp chí Bách Khoa. Chỉ tính riêng trong năm 1957-1958, ông đã cho đăng liên tục hàng loạt bài trên tạp chí tập trung đề tài về quân sự: “Thế nào là một quân đội mạnh?”; “Đánh giặc mà không giết người”; “Góp ý kiến về thiên Mưu công trong binh pháp Tôn Tử”; “Một số ý kiến về lãnh đạo tinh thần một đơn vị quân đội”; “Vấn đề kinh tế tự túc trong quân đội” …; “Lực lượng quân sự cơ động và lực lượng địa phương”; “Quân đội và nhân dân”; “Quân đội bình định đem lại bình an hay oán hận”; “Quan niệm về quân sự hiện đại” … Những bài báo đó đã tạo tiếng vang lớn, được giới quân sự, chính trị ở Sài Gòn cũng như các chuyên gia CIA và tình báo nước ngoài rất quan tâm.

Chính quyền Ngô Đình Diệm bắt đầu trọng dụng Phạm Ngọc Thảo. Ông gia nhập vào Ban Tuyên huấn của Đảng Cần Lao. Sau khi được thăng quân hàm thiếu tá, ông rút về làm việc tại Sở Nghiên cứu chính trị – xã hội (cơ quan mật vụ Phủ Tổng thống) do Trần Kim Tuyến làm Giám đốc.

Đầu năm 1961, Phạm Ngọc Thảo được bổ nhiệm làm Tỉnh trưởng Kiến Hòa (Bến Tre). Chỉ trong thời gian ngắn làm Tỉnh trưởng, ông đã thả hơn 2.000 tù chính trị và khôn khéo lái các cuộc hành quân tảo thanh vào chỗ không người góp phần quan trọng vào việc bảo tồn lực lượng cách mạng, tạo điều kiện mở rộng cuộc Đồng khởi ở miền Nam.

Suýt bị thiếu niên biệt động Bến Tre ám sát nhầm

Nhân ngày Quốc khánh Việt Nam cộng hòa 26/10/1961, một cuộc mít-tinh lớn biểu dương lực lượng được tổ chức tại Quảng trường An Hội (khu Vườn Hoa 3 con chim câu bây giờ).

Ông Hai Trung, Tỉnh ủy viên phụ trách Thị ủy, đã giao nhiệm vụ trực tiếp cho ông Thiều phá cuộc mít-tinh này với 5 trái lựu đạn. Ông Thiều giao nhiệm vụ lại cho ông Tư Tuấn tức ông Đặng Quốc Tuấn (sau này là Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh đoàn, rồi làm Giám đốc Đài phát thanh – truyền hình tỉnh Bến Tre), lúc đó 17 tuổi, đang học đệ tam (lớp 10). Mỗi ông cầm 1 trái lựu đạn MK2, 3 trái kia để ở nhà ông Thiều.

Ông Tư Tuấn kể: “Sau khi ông Thảo đọc diễn văn, lúc đó khoảng 8 giờ 30, tới phần diễu hành, tất cả quan khách đứng lên. Ông Thiều liệng 1 trái lựu đạn rơi cách ông Thảo 1 mét rưỡi, không thấy nổ. Tôi liệng tiếp 1 trái cách ông Thảo 5 mét rồi bỏ chạy, cũng không nổ luôn. Tôi chưa biết ông Thiều bị bắt tại chỗ, nên chạy về nhà ông Thiều định lấy tiếp 3 trái còn lại. Rủi cho tôi, tại nhà ông Thiều đã có mật báo dẫn người lên ém. Tôi đến bọn chúng giữ lại, chưa bắt ngay. Chúng vô nhà xét, lấy 3 trái lựu đạn và chiếc cặp da đi học tôi để ở nhà ông Thiều. Vì cái cặp da có giấu cây súng trước đây tôi để trong cặp, nên tôi bị bắt, bị đánh tại chỗ”.

Một tuần sau khi hai ông bị bắt, ông Thảo có đến gặp ông Tuấn và ông Thiều. Lần đó, một cố vấn Mỹ thẩm vấn, ông Thảo làm phiên dịch. Hỏi: “Tại sao là học sinh mà đi ám sát Tỉnh trưởng ngay tại ngày Quốc khánh? Có phải Cộng sản giao việc không? Ai là người giao việc?”. Trả lời: “Do chính quyền độc ác, đàn áp ức hiếp giết hại dân. Chúng tôi học tập gương của Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thái Học đứng lên đấu tranh, không liên quan gì tới Cộng sản, không có ai giao việc cả”. Ông Thảo dịch như thế nào ông Tư Tuấn không biết, ông Thảo chỉ nói với hai ông: “Các em còn nhỏ, phải lo chuyện học hành, chính trị là chuyện của người lớn, sau này lớn lên muốn làm gì thì làm”.

.

Năm 1962, ông sang Mỹ học một khóa quân sự cao cấp. Về nước, Phạm Ngọc Thảo được bổ nhiệm làm Thanh tra Ấp chiến lược, trực thuộc Phủ Tổng thống.

Năm 1962 – 1963, Phạm Ngọc Thảo cùng với Trần Kim Tuyến và Huỳnh Văn Lang lên một kế hoạch đảo chính với mục tiêu “cải sửa” chế độ nhằm vô hiệu hóa ý đồ của người Mỹ muốn gạt bỏ gia đình họ Ngô để thay vào đó giới lãnh đạo thân Mỹ. Tuy nhiên, kế hoạch bị lộ, cuộc đảo chính không thành.

Ngày 1/11/1963, Dương Văn Minh tiến hành đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Phạm Ngọc Thảo dù không chủ động tham gia cuộc đảo chính nhưng ông vẫn được Dương Văn Minh cử làm tùy viên báo chí, sau đó được cử sang Mỹ tu nghiệp.

Tháng 1/1964, Phạm Ngọc Thảo về nước, được thăng hàm Đại tá. Ông được cử làm Giám đốc báo chí, phát ngôn viên chính phủ Việt Nam Cộng hoà. Đầu tháng 10/1964, Nguyễn Khánh cử ông sang Mỹ làm Tùy viên văn hóa, quân sự.

Cuối năm 1964, Nguyễn Khánh ra lệnh triệu hồi Phạm Ngọc Thảo về nước với ý đồ sẽ bắt ông tại sân bay Tân Sơn Nhất. Phạm Ngọc Thảo khôn khéo không về đúng giờ nên ý đồ của Khánh không thực hiện được. Ông bí mật móc nối tổ chức lực lượng, kéo tướng Lâm Văn Phát và hàng chục sĩ quan khác tiến hành cuộc đảo chính ngày 19/2/1965. Cuộc binh biến do tướng Lâm Văn Phát cầm đầu về danh nghĩa, thực tế do Phạm Ngọc Thảo tổ chức và chỉ huy, vì vậy người ta còn gọi ông là “Tư lệnh hành quân 19/2”.

Tháng 6/1965, Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu lập tòa án quân sự xét xử những người tham gia đảo chính. Phạm Ngọc Thảo bị kết án tử hình vắng mặt, chúng treo giải thưởng 3 triệu đồng cho ai bắt được ông.

Trước tình thế đó, đồng chí Võ Văn Kiệt gợi ý để Phạm Ngọc Thảo ra chiến khu cho an toàn. Tuy nhiên, Phạm Ngọc Thảo quyết định tiếp tục hoạt động bí mật ở Sài Gòn, cho xuất bản tờ “Việt Tiến” để tập hợp lực lượng. Ông được các giám mục, linh mục, giáo dân Công giáo cùng nhiều bạn bè trong và ngoài quân đội giúp đỡ, bảo vệ.

3 giờ sáng ngày 16/7/1965, Phạm Ngọc Thảo bị quân đội Việt Nam Cộng hoà bắt tại Đan viện Phước Lý và đưa về Tam Hiệp, Biên Hoà. Bị tra tấn dã man, đêm 17/7/1965, Đại tá Phạm Ngọc Thảo hi sinh. Khi đó, ông mới 43 tuổi.

Năm 1987, Phạm Ngọc Thảo được Nhà nước công nhận Liệt sĩ. Ngày 30/8/1995, ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân với quân hàm Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam (Quyết định số 557/KT/CTN của Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam) vì thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cùng nhiều phần thưởng cao quý khác như: Huân chương Chiến sĩ Giải phóng hạng I, II, III; Huân chương Quân công hạng II; Huân chương Chiến thắng hạng II.

Ngày 29/6/2015, Di tích “Nơi ở và hoạt động của Đại tá Phạm Ngọc Thảo” tại phường 3, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia (theo Quyết định số 2243/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch).

Phạm Ngọc Thảo được coi là một trong những tình báo xuất sắc nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Giữa một rừng gươm giáo hiểm ác, ông như một nghệ sĩ xiếc đi trên dây, bên phải thì địch muốn giết, bên trái thì ta cũng muốn giết. Ông hiên ngang lật ngửa ván bài và “chơi” đến tận cùng. Cuộc đời ông kết thúc bi thảm nhưng sứ mệnh ông thực hiện là hoàn hảo: “Các nhà tình báo thông thường có nhiệm vụ giấu mình, thu thập, khai thác tin tức chuyển về trung tâm. Riêng Phạm Ngọc Thảo đi thẳng vào hàng ngũ kẻ thù, tung hoành hoạt động vì Tổ quốc cho tới tận lúc hi sinh, trường kỳ mai phục và độc lập tác chiến. Anh là người tình báo đặc biệt có một không hai” .

Theo BTLSQSVN.ORG.VN

Tags: , , ,