Kẻ chống dân chủ điên cuồng nhất là ai nếu không phải phương Tây?

Phương Tây, phương Đông đều giống nhau ở một điểm: Đã làm chính trị là thích đánh bóng bề nổi, càng đẹp đẽ càng tốt và giấu thật kín những bỉ ổi, bẩn thỉu càng sâu càng tốt.

Kẻ chống lại dân chủ nhiệt tình nhất là ai nếu không phải phương Tây?

Tác giả: Nhà báo Hà Quang Minh.

Mặc định, các bạn tin (vì nghe tuyên truyền) đại ý những quốc gia Cộng sản, những quốc gia độc tài, toàn trị là những quốc gia rất thiếu dân chủ. Và nếu bạn đã đặt chân sang các nước phương Tây như Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Italia…, hẳn các bạn sẽ càng tin hơn vào điều đó qua những tương quan so sánh mà các bạn được chứng kiến.

Nhưng tất cả chỉ là bề nổi. Phương Tây, phương Đông đều giống nhau ở một điểm: Đã làm chính trị là thích đánh bóng bề nổi, càng đẹp đẽ càng tốt và giấu thật kín những bỉ ổi, bẩn thỉu càng sâu càng tốt.

Về bản chất này, các bạn sẽ sốc khi biết, kẻ chống lại dân chủ nhiệt tình nhất lại chính là phương Tây, cụ thể nhất là nước Anh, và đồng minh thân cận của nó: Mỹ.

Có thể, bạn nói tôi điên. Nhưng hãy thử tìm kiếm cụm từ “Operation Gladio”, các bạn sẽ hiểu ai mới thực sự điên. Và tốt hơn hết, đừng chỉ nên xem Operation Gladio từ những tài liệu miễn phí. Hãy đọc nó từ các bản phải mua bằng tiền hoặc nhiều tiền hơn để nhấm nháp những thông tin kinh ngạc từ đó. Còn ở đây, tôi sẽ miễn phí cho các bạn 1 ít, ngắn gọn thôi, nhưng tôi tin là đủ.

“Bằng cách tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản trong đất nước của mình [Hitler], ông ta đã chặn đứng con đường của nó đến Tây Âu… Vì vậy, Đức có thể được coi là một pháo đài của phương Tây chống lại chủ nghĩa cộng sản.”. Đó chính là Italia kiến của Bá tước Halifax, còn gọi là Lord Halifax (Đại sứ Anh tại Mỹ từ 1940-1946, Bộ trưởng Ngoại giao Anh từ 1938-1940, Phó vương và Toàn quyền Ấn Độ từ 1926-1931), nhận xét về Hitler và Đệ tam đế chế, một lời nhận xét như khen ngợi dành cho một kẻ được xem như kẻ thù.

Bá tước Lutz Schwerin von Krosigk, ngoại trưởng Đức quốc xã, đã có bài phát biểu tại Berlin vào ngày 3/5/1945 và bài phát biểu này sau đó được đăng trên tờ London Times vào ngày 8/5 (năm 1945) mà trong đó, ông ta dùng khái niệm “Bức màn sắt” để nói về chủ trương cũng như các chương trình chống lại sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản từ Xô Viết. Một năm sau, kỳ lạ thay, Winston Churchill, ở vai trò một thủ tướng của quốc gia thắng trận, đã đọc một bài phát biểu có tên “Bức màn sắt” vào ngày 05/03/1946. Churchill có thể là người dẫn dắt nước Anh chống lại Đức trong Thế chiến II nhưng chính ông ta lại say mê với chính sách chống cộng kiểu Đức quốc xã và bản thân ông cũng có những ủng hộ đối với phong trào phát xít Anh (Hãy tham khảo chương 1 cuốn “The Empire on which the Black Sun never set”).

Những ai say mê lịch sử thế giới vẫn thường chỉ trích Nga Xô vì hiệp ước Molotov-Ribbentrop (hiệp ước bất tương xâm) ký năm 1939 mà vô tình quên thoả thuận Munich mà thủ tướng Anh Neville Chamberlain đã ký với Hitler 1 năm trước đó. Người Tiệp khắc xem đây là thoả thuận của sự bội phản.

Ở thời điểm đó, Tiệp khắc không yếu như chúng ta được tuyên truyền. Nhà sử học Alex Krainar đã viết về Tiệp khắc như sau: “Câu chuyện chúng ta được học ở trường là chính phủ Anh đồng ý chia cắt Tiệp Khắc chỉ như một biện pháp tuyệt vọng để tránh một cuộc chiến tranh châu Âu lớn hơn. Quan điểm này dựa trên ý tưởng rằng Đức đã là một cường quốc quân sự áp đảo có thể dễ dàng đánh bại phòng thủ yếu ớt của Tiệp Khắc. Tuy nhiên, ý tưởng này hoàn toàn sai lầm.

…Được thành lập vào năm 1919, Tiệp Khắc là quốc gia thịnh vượng nhất, dân chủ nhất, mạnh mẽ nhất và được quản lý tốt nhất trong số các quốc gia ra đời từ Đế quốc Habsburg… Ý tưởng rằng người Đức có lợi thế quân sự và an ninh của Tiệp Khắc yếu kém đều là những bịa đặt của một chiến dịch tuyên truyền kéo dài, được dàn dựng bởi truyền thông và đại diện chính phủ Anh để đánh lừa công chúng Anh và châu Âu…

Về chất lượng, vũ khí và công sự, quân đội Tiệp Khắc được biết đến là tốt nhất ở châu Âu và vượt trội hơn quân đội Đức về mọi mặt ngoại trừ không lực. Vào ngày 3 tháng 9 năm 1938, tùy viên quân sự Anh tại Praha đã gửi một bức điện đến London, nói rằng: ‘Tôi không quan sát thấy bất kỳ điểm yếu nào trong quân đội Tiệp Khắc…’”.

Chính sự bội phản ở Munich đã khiến Tiệp khắc phải đầu hàng, khi thấy mình bị các đồng minh bỏ rơi và lại bị lừa phỉnh bởi những hứa hẹn và dần bị thao túng để nghiêng về phía Đức. Sự đầu hàng của Tiệp dẫn tới việc quân đội Đức trở nên mạnh hơn sau khi tiếp quản một lực lượng quá hùng hậu.

Tất cả những chi tiết kể trên chỉ là khởi đầu cho một sách lược lớn mà Anh đã sử dụng cho đến tận mãi sau này. Đó là sách lược “stay-behind” với các lực lượng được gọi bằng tiếng Italia là “Gladio” (thanh gươm). Nước Anh lên kịch bản nếu thua trong thế chiến, họ sẽ dùng chính các lực lượng được cài cắm ở khắp châu Âu để tổ chức chiến tranh du kích chống lại người Đức. Ý tưởng này ban đầu là tích cực. Nhưng khi Anh và đồng minh thắng trận, nó được phát triển thành một chiến dịch dài hơi được chỉ huy trực tiếp từ thủ tướng Anh và MI6: Chiến dịch Operation Gladio. Nhiệm vụ của các nhóm “stay-behind” này rất đơn giản: tìm mọi cách phá rối tình hình chính trị, thậm chí tổ chức lật đổ, các chính phủ có xu hướng thân với cộng sản hoặc ở đó đảng cộng sản thắng thế. Xu hướng này rất rõ, đặc biệt ở Hy Lạp và Italia. Do đó, Operation Gladio cũng diễn ra ở Italia rất mạnh mẽ, và cũng may nhờ diễn ra ở nơi đó, mọi việc mới được phanh phui sau khi thủ tướng Italia Andreotti tiết lộ để bảo vệ chính uy tín cá nhân của mình.

Kết thúc thế chiến II, Thủ tướng Anh Winston Churchill vạch ra chiến lược Unthinkable gồm hai kế hoạch. Hai kế hoạch này do chính Churchill ra lệnh vào tháng 5 năm 1945 và do Bộ Tham mưu Kế hoạch Liên hợp của Lực lượng Vũ trang Anh phát triển vào cuối Thế chiến II ở châu Âu. Kế hoạch thứ nhất dự định tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ vào lực lượng Liên Xô đóng tại Đức để “áp đặt ý chí của Đồng minh phương Tây” lên Liên Xô. Kế hoạch thứ hai là một kịch bản phòng thủ, trong đó người Anh phải chống lại một cuộc tiến công của Liên Xô về phía Biển Bắc và Đại Tây Dương sau khi lực lượng Mỹ rút khỏi lục địa châu Âu. Kế hoạch thứ nhất đã bị đình chỉ khi thủ tướng Attlee lên nắm quyền nhưng giới tình báo Anh – Mỹ vẫn say mê với ý tưởng Unthinkable. Và kế hoạch thứ 2 không bị đình chỉ. Mỹ tham gia sâu hơn sau năm 1947, khi CIA được thành lập. Rồi sau đó, NATO ra đời và tiếp quản luôn Operation Gladio. Và Operation Gladio cũng phát tác với nền tảng là những mạng lưới được cài cắm ở khắp các quốc gia châu Âu, sau này còn lan rộng ra cả Bắc Phi và Trung Đông.

Hai vết nhơ lớn nhất của Operation Gladio là ở Hy Lạp và Italia. Ở Hy Lạp, dưới sự cai trị của Đức Quốc xã, người Hy Lạp đã tiến hành chiến tranh du kích phản kháng mạnh mẽ, và đạt nhiều thành tựu. Chỉ vài tháng sau cuộc xâm lược của Đức Quốc xã, ELAS, Quân đội Giải phóng Nhân dân, được thành lập dưới sự khởi xướng của Đảng Cộng sản Hy Lạp (KKE). EAM, cánh chính trị của Quân đội Giải phóng Nhân dân, cũng bị chi phối bởi những người cộng sản Hy Lạp. Trong tổng dân số bảy triệu người, có tới hai triệu người Hy Lạp là thành viên của Đảng EAM, trong khi 50.000 người trực tiếp chiến đấu trong hàng ngũ của quân đội ELAS. Nhưng năm 1943, Churchill đột ngột cắt mọi liên lạc cũng như hỗ trợ cho phong trào này với lo ngại rằng sau khi chiến thắng, Hy Lạp có thể bị chi phối bởi Cộng sản. Để chống lại KKE, London đã lên kế hoạch phục hồi vua George II, người đã hợp tác với nhà độc tài phát xít Ioannis Metaxas, để thành lập một chính phủ thân phát xít. Metaxas đã kêu gọi thiết lập một “trật tự mới” phát xít ở Hy Lạp, và ông lập luận vào năm 1943 rằng cuộc Đại suy thoái đã chứng minh sự thất bại của nền dân chủ và rằng chủ nghĩa phát xít là giải pháp.

Giải pháp phát xít này diễn ra cùng với việc khôi phục chế độ quân chủ ở Hy Lạp. Chỉ thị quan trọng của Văn phòng Ngoại giao Anh ngày 20 tháng 3 năm 1943 nêu rõ rằng “SOE (Special Operations Executive – quân đội mật vụ của Anh, sau này đổi thành SO) nên luôn hướng về các nhóm sẵn sàng ủng hộ nhà Vua và Chính phủ, và hơn nữa nhấn mạnh với các nhóm có xu hướng chống quân chủ rằng Vua và Chính phủ nhận được sự ủng hộ đầy đủ từ Chính phủ của Hoàng gia Anh.” Vua George II không được nhiều người Hy Lạp ủng hộ sau khi đã hợp tác với nhà độc tài phát xít Metaxas. Tuy nhiên, London vẫn theo đuổi chính sách bảo thủ này, và vào tháng 10 năm 1943, Văn phòng Ngoại giao Anh thậm chí đã xem xét “một chính sách tấn công và làm suy yếu EAM bằng mọi cách có thể.”

Điều đáng nói là các nhóm phát xít mới của Hy Lạp này không được người dân ủng hộ, nhất là khi họ có các vụ săn lùng ám sát những nhân vật của ELAS. Tới cuối năm 1944 cũng chỉ có 600 người tham gia lực lượng mới mẻ được London hậu thuẫn. Điều đó khiến Churchill phải đưa ra quyết sách thành lập một quân đội Hy Lạp mới, lấy tên Lữ Đoàn Núi Hy Lạp, Lực lượng đột kích Hy Lạp và LOK (Lochos Oreinon Katadromon bằng tiếng Hy Lạp). Dưới sự giám sát của quân đội Anh, lực lượng này chủ trương bảo vệ nền quân chủ chống cộng hoà. Lực lượng quân đội cánh hữu này không được lòng dân Hy Lạp, và chỉ 6 tuần sau khi Hy lạp được giải phóng, đã có một vụ thảm sát ở Quảng trường Syntagma – Athens khi quân đội Anh nã súng vào 600 người tuần hành ôn hoà. Vụ tắm máu này rõ ràng không phải là một hành động bảo vệ nền dân chủ.

Nhưng sự việc ở Italia còn kinh khủng hơn. Cộng sản Italia góp công rất lớn trong việc lật đổ Mussolini và nguy cơ Đảng Cộng sản Italia chiếm nhiều ghế trên chính trường quốc gia này đã khiến Anh và Mỹ lo lắng. Và Anh-Mỹ đã xúc tiến để những đồng minh Italia xây dựng Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (DCI) “đầy rẫy những kẻ cộng tác, những người ủng hộ quân chủ và những kẻ phát xít chưa được cải tạo.” Alice de Gasperi của DCI trở thành Thủ tướng và từ năm 1945 đến 1953 đã lãnh đạo trong tám nội các khác nhau.

Sau khi Kenedy bị ám sát, CIA cùng SIFAR (cơ quan tình báo Italia hậu chiến do CIA xúc tiến thành lập) và đội quân Gladio bí mật ở Italia đã tổ chức 2 cuộc đảo chính vào năm 1963 và 1976 buộc những người xã hội chủ nghĩa Italia phải rời nội các. Nhưng lực lượng Gladio ở Italia đã bị bại lộ và khi có cuộc điều tra của quốc hội Italia về Gladio, Tướng De Lorenzo buộc phải thừa nhận rằng Mỹ và NATO đã ra lệnh cho ông thiết lập các hồ sơ theo dõi bí mật toàn bộ giới tinh hoa của Italia.

Cuộc bầu cử 1976, Đảng Cộng sản Italia (PCI) đạt được kết quả tốt nhất từ trước đến nay tại các cuộc thăm dò (34%), và rõ ràng đã đánh bại đảng DCI. Thủ tướng lâm thời của Italia khi đó, Aldo Moro, đã có dũng khí để tin rằng có thể đánh bại quyền phủ quyết của Mỹ. Ngày 16 tháng 3 năm 1978, Moro đóng gói tài liệu về “sự thỏa hiệp lịch sử” (compromesso storico) vào vali và ra lệnh cho tài xế cùng vệ sĩ đưa ông đến tòa nhà quốc hội Italia ở Rome, nơi ông quyết tâm trình bày kế hoạch đưa những người cộng sản Italia vào chính phủ. Trên đường đến quốc hội, hai người đàn ông đã nổ súng vào năm vệ sĩ của Moro. Sau khi trở về từ Washington, Moro đã lo lắng và trước đó đã yêu cầu một chiếc xe chống đạn, nhưng yêu cầu này đã bị từ chối. Do đó, những phát súng đã xuyên qua xe và vệ sĩ của ông đã bị giết ngay lập tức. Moro bị bắt và bị giam giữ ở trung tâm Rome trong 55 ngày. Sau đó, thi thể của Moro với đầy vết đạn đã được tìm thấy trong cốp một chiếc xe bỏ hoang ở trung tâm Rome, đỗ một cách biểu tượng giữa trụ sở của DCI và trụ sở của PCI. Cơ quan mật vụ quân sự và Thủ tướng lâm thời Giulio Andreotti ngay lập tức đổ lỗi cho tổ chức khủng bố cánh tả Lữ đoàn Đỏ về tội ác này và đàn áp phe cộng sản. Và đây chính là một chiêu được sử dụng nhiều nhất của Operation Gladio ở nhiều quốc gia, chiêu Nguỵ Kỳ, tức là đổ hết lỗi cho cộng sản, y như cách Đức Quốc xã làm khi xảy ra vụ cháy toà nhà quốc hội.

Những ví dụ kể trên chỉ là điển hình để chứng minh rằng hậu chiến, Anh và Mỹ (sau này là NATO) đã thường xuyên tạo ra những hỗn loạn chính trị ở các quốc gia mà họ cảm thấy nguy cơ Cộng sản sẽ thắng thế khi bầu cử. Đó có phải là biểu hiện của dân chủ hay không? Hay chính nó là hành vi chống dân chủ tồi tệ nhất.

Nước Anh, với Magna Carta, tự hào là đất nước ươm mầm dân chủ và luôn đề cao giá trị dân chủ. Nước Mỹ thì luôn đề cao giá trị của tự do. Nhưng họ đã thực thi chúng thế nào ở các quốc gia khác?

Trung Đông hay Ukraina hôm nay có cùng kịch bản không? Các bạn cứ suy ngẫm nhé.

Theo HÀ QUANG MINH FACEBOOK 

Tags: , , , , , ,