Hệ thống duy trì sự ổn định chiến lược trong thế kỷ 21

Để tránh hiểu sai về nhau trong các vấn đề chiến lược, lãnh đạo tất cả các cường quốc quân sự phải giữ liên lạc và hiểu rõ mục tiêu chính trị, học thuyết quân sự, chiến lược và chiến thuật của nhau. Khác với thời kỳ Chiến tranh Lạnh, giờ đây nguy cơ lớn nhất không đến từ các cuộc tấn công bất ngờ, mà từ các cuộc đụng độ tình cờ.

Hệ thống duy trì sự ổn định chiến lược trong thế kỷ 21

Bài viết của tác giả Dmitri Treni, giám đốc của Trung tâm Carnegie Moskva. Bài viết đăng trên “Carnegie.ru”.

Quan hệ giữa Nga và Mỹ, từng là công cụ duy nhất để kiểm soát vũ khí chiến lược, nay đã không còn là mắt xích trung tâm của sự ổn định chiến lược toàn cầu. Còn quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc không có ý nghĩa quyết định đối với thế giới như quan hệ Mỹ-Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh. Điều đó cho thấy các biện pháp duy trì sự ổn định chiến lược áp dụng trong thế kỷ 20 (ví dụ như kiểm soát vũ khí) đã không còn hữu hiệu trong điều kiện hiện nay.

Giờ đây, khi trật tự thế giới ngày càng lung lay do sự đối đầu của các cường quốc, các xung đột khu vực và sự xuất hiện của những công nghệ mới, sự ổn định chiến lược từng là kết quả hiển nhiên kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh một lần nữa lại bị đe dọa. Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về ý định rút khỏi Hiệp ước về thủ tiêu tên lửa tầm ngắn và tầm trung (INF) là bằng chứng đậm nét của xu thế này.

Người ta lại tranh cãi về sự ổn định chiến lược, song lại quá tập trung vào quan hệ giữa Nga và Mỹ và quy về những kêu gọi đổi mới chế độ kiểm soát vũ khí. Dùng giải pháp của thế kỷ 20 cho thách thức của thế kỷ 21 khó mà hiệu quả.

Bối cảnh cũ

Ý tưởng về sự ổn định chiến lược nảy sinh vào giai đoạn đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, sau khủng hoảng vịnh Caribe năm 1962, khi Mỹ và Liên Xô đang đứng trên bờ vực của một cuộc đối đầu vũ khí hạt nhân thực sự. Khi đó, sự ổn định chiến lược được hiểu là do thiếu hụt động lực tấn công hạt nhân phủ đầu ở hai cường quốc đối đầu. Để đảm bảo sự ổn định, mỗi bên đều phải có tiềm lực thuyết phục để đáp trả và khiến cho đòn tấn công đầu tiên không còn tác dụng.

Viễn cảnh hủy diệt lẫn nhau ngụ ý rằng nước sử dụng vũ khí hạt nhân trước chắc chắn sẽ bị tiêu diệt chỉ sau vài phút so với đối thủ. Để đảm bảo sự tiêu diệt lẫn nhau này, năm 1972 Mỹ và Liên Xô đã nhất trí không tăng cường kho vũ khí phòng thủ chiến lược và ký kết Hiệp ước hạn chế hệ thống phòng thủ chống tên lửa.

Như vậy là cả hai đối thủ trong Chiến tranh Lạnh đều có lý do chắc chắn để không chuẩn bị tấn công lẫn nhau. Sự ổn định được duy trì nhờ cách cân bằng kho vũ khí hạt nhân chiến lược giữa Mỹ và Liên Xô. Tương quan về vũ khí thông thường ít cân bằng hơn, song điều đó không quan trọng vì cả hai bên đều hiểu rõ rằng cuộc đụng độ trực tiếp phi hạt nhân giữa quân đội khối Vacsava và NATO chỉ có thể kéo dài trong vài giờ, và rằng chiến tranh hạt nhân sẽ lên đến tầm chiến lược và quy mô toàn cầu. Học thuyết quân sự của Liên Xô phủ nhận hoàn toàn quan điểm của Mỹ về khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân hạn chế ở châu Âu, không động chạm đến lãnh thổ của Mỹ.

Như vậy là cả hai bên đều hiểu rằng chiến tranh hạt nhân sẽ hủy diệt cả thế giới và vì thế không thể có ai thắng theo nghĩa thông thường của từ này. Cán cân lực lượng tại châu Âu, nơi tập trung đội quân lớn nhất của các khối đối đầu nhau, nhìn chung là bền vững. Trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, chiến sự diễn ra chủ yếu ở bên ngoài mặt trận trung tâm – ví dụ như ở Trung Đông hay Nam Phi. Ngay cả trong các xung đột lớn nhất cũng chỉ có một trong hai cường quốc tham gia trực tiếp, như xung đột ở Triều Tiên, Việt Nam hay Afghanistan. Sau năm 1962 đã không còn khủng hoảng quanh vùng Tây Berlin.

Tất nhiên, Chiến tranh Lạnh không phải là hình mẫu của sự ổn định hay tin cậy lẫn nhau, mà ngược lại. Nỗi sợ đòn tấn công trước của đối phương vẫn bao trùm. Và sau cuộc khủng hoảng Caribe nảy sinh tình huống một bên nhầm lẫn rằng bên kia sẽ tấn công bằng tên lửa. Ngay cả trong thời kỳ yên ả nhất vẫn tồn tại những lo ngại rằng cán cân lực lượng toàn cầu hay khu vực sẽ bị thay đổi và đối phương sẽ chiếm ưu thế.

Việc triển khai tên lửa tầm trung tại châu Âu năm 1983 đã tạo ra nguy cơ châm ngòi cho đòn tấn công đầu tiên. Các ví dụ khác là cuộc tập trận Able Archer của Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng vào năm 1983 và viễn cảnh triển khai vũ khí trong vũ trụ trong khuôn khổ chương trình Sáng kiến phòng thủ chiến lược của Tổng thống Ronald Reagan. Tuy nhiên, những đàm phán giữa Mỹ và Liên Xô về kiểm soát vũ khí khởi đầu từ những năm 1960 và tiếp tục cho dù có ngắt quãng cho đến tận khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, và những thỏa thuận đạt được trong tiến trình đàm phán, đã giúp hai bên đạt được lòng tin cậy nhất định.

Như vậy là sự ổn định chiến lược trong kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh có những đặc điểm sau:

– Thiết chế lưỡng cực của thế giới với hai đối thủ chính;
– Cả hai bên đều cho rằng bất kỳ một cuộc chiến nào giữa hai siêu cường sẽ dẫn đến tấn công hạt nhân và gây ra leo thang xung đột ở cấp chiến lược;
– Niềm tin nhất định rằng triển vọng tiêu diệt lẫn nhau chắc chắn sẽ ngăn cản hai bên tấn công lẫn nhau;
– Nỗi sợ thường trực rằng đối phương sẽ tìm ra biện pháp né tránh được “thỏa ước tự sát lẫn nhau”;
– Kiểm soát song phương đối với vũ khí như phương pháp hạn chế chạy đua vũ trang và đàm phán về đề tài này như là biện pháp duy trì hoặc điều chỉnh nguyên trạng chiến lược.

Trong vòng 4 thập kỷ chiến tranh lạnh quả thật là lạnh. Chắc chắn là việc kiểm soát hạt nhân đã đóng vai trò quan trọng trong đó, song nó không bảo đảm sự ổn định: Sự kiểm soát có thể hoàn toàn không hiệu quả, và trong một số trường hợp bao gồm cả cuộc khủng hoảng Caribe, nhân loại đơn giản là đã may mắn.

Bối cảnh mới

Chiến tranh Lạnh kết thúc mở ra 25 năm thống trị của Mỹ – chưa từng có tiền lệ trên thế giới. Quan hệ giữa Mỹ và một số không nhiều cường quốc khá là thân thiện. Pax Americana nghĩa là hòa bình thực sự giữa tất cả các cường quốc.

Tuy nhiên, vị thế thống trị của Mỹ không dẫn đến việc hình thành nên hệ thống ổn định toàn cầu, tôn trọng quyền lợi của tất cả các bên tham gia quan trọng trong quan hệ quốc tế. Đến giữa nửa sau của thế kỷ 21, giai đoạn hòa bình ngắn ngủi trong quan hệ quốc tế đã kết thúc, và thế giới một lần nữa lại quay trở về thời kỳ đối đầu của các cường quốc. Sự ổn định chiến lược lại bị đe dọa.

Bối cảnh chiến lược trên thế giới cũng thay đổi mạnh. Thay cho trật tự lưỡng cực thời Chiến tranh Lạnh và đơn cực thời Pax Americana là một số cường quốc độc lập. Trong đó Mỹ vẫn là bên mạnh nhất, song vị thế thống trị của họ không còn độc tôn. Mỹ vẫn là thủ lĩnh của NATO, khối đã kết nạp thêm hai thành viên là Anh và Pháp.

Song Washington vấp phải thách thức nghiêm trọng từ phía Trung Quốc và còn đối đầu với Nga. Về phần mình, Nga và Trung Quốc, vốn được Mỹ chính thức công nhận là đối thủ và đối phương tiềm năng, lại coi nhau là đối tác chiến lược. Ấn Độ, nước đang dần trở thành cường quốc thế giới, duy trì quan hệ hữu hảo với Nga và Mỹ, song lại dè chừng Trung Quốc. Như vậy, thế giới hiện nay có 4 cường quốc hạt nhân có quan hệ khá rối rắm với nhau.

Ở cấp khu vực còn có các nước khác cũng đã chế tạo và triển khai vũ khí hạt nhân: Israel, Pakistan và Triều Tiên. Nếu với Israel, vũ khí hạt nhân chỉ được sử dụng trong trường hợp cuối cùng, thì hệ thống hạt nhân của Pakistan lại hướng đến Ấn Độ, còn vũ khí hạt nhân của Triều Tiên thì nhằm dọa và kiềm giữ Mỹ.

Israel là đồng minh lâu năm của Mỹ; Pakistan duy trì quan hệ cho dù không đơn giản song chặt chẽ với Washington, cũng như với Bắc Kinh, trong khi Triều Tiên chỉ chính thức có quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên nước nào cũng tuyên bố về vị thế độc lập chiến lược của mình. Quả thật, 3 nước này thực chất là 3 thành viên độc lập của câu lạc bộ hạt nhân.

Vào cuối thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21, việc phổ biến vũ khí hạt nhân không làm xuất hiện hàng chục cường quốc hạt nhân như những người ký Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân năm 1986 lo sợ. Tuy nhiên trong nửa thế kỷ vừa qua, câu lạc bộ hạt nhân cũng đã mở rộng mạnh. Thuyết đa tâm hạt nhân đã thành hiện thực và tiến trình vẫn tiếp tục. Về bản chất, như Bình Nhưỡng và phần nào đó là Tehran thể hiện, một nước có tài nguyên và ban lãnh đạo quyết tâm là có thể có vũ khí hạt nhân nếu chịu được sức ép quốc tế và những đòn tấn công vào lãnh thổ của mình.

Cuộc chiến của Mỹ tại Iraq, chiến dịch quân sự của NATO tại Lybia, Nga xâm lấn Ukraine cho thấy việc từ bỏ vũ khí hạt nhân khiến đất nước trở nên dễ bị tổn thương. Nếu có vũ khí hạt nhân như trường hợp Triều Tiên, thì ngược lại – nó có thể trở thành sự bảo đảm vững chắc duy nhất cho chế độ. Iran đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy việc bãi bỏ án phạt và tái hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Song nếu thỏa thuận năm 2015 giữa Iran và cộng đồng quốc tế thất bại thì không ai, kể cả các đòn tấn công của Mỹ hay Israel, có thể cản trở Iran trở thành quốc gia hạt nhân.

Giờ đây, không chỉ quốc gia mới có thể sử dụng vũ khí hạt nhân. Sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, nguy cơ một lực lượng phi chính phủ có thể tiếp cận được với vũ khí hạt nhân đã trở thành mối lo thường trực của các cơ quan tình báo toàn thế giới. Xét từ quan điểm về sự ổn định chiến lược, điều đó có nghĩa là một nhóm cực đoan nào đó có thể tổ chức vụ khủng bố giả khiến một nước tấn công nước khác, và bằng cách đó gây nên cuộc chiến tranh hạt nhân. Trong điều kiện không có sự tin cậy lẫn nhau, như giữa Nga và Mỹ, thì không thể nào tìm hiểu được sự thật.

Phát triển công nghệ cũng ảnh hưởng đến sự ổn định chiến lược: xuất hiện vũ khí chiến lược phi hạt nhân, phát triển công nghệ mạng và trí tuệ nhân tạo, khả năng đưa vũ khí lên vũ trụ. Sự kết hợp giữa các hệ thống sử dụng công nghệ này với vũ khí hạt nhân có thể làm bất ổn nghiêm trọng bối cảnh chiến lược. Các vũ khí phi hạt nhân có độ chính xác cao, có thể hạ mục tiêu ở bất kỳ đâu trên trái đất và cho phép các cường quốc quân sự tấn công bằng vũ khí thông thường. Hệ thống vũ khí hạt nhân và phi hạt nhân đã đan quện chặt chẽ với nhau.

Nguy cơ đặc biệt nghiêm trọng đối với việc kiểm soát hạt nhân truyền thống là các cuộc tấn công mạng. Giờ đây, vũ khí mạng có thể giúp đạt được mục đích mà trước kia phải dùng vũ khí hạt nhân: gây mất điện toàn thành phố lớn, gây ngưng trệ hạ tầng của cả một đất nước, làm tê liệt các trung tâm quản lý quốc gia và chỉ huy quân sự. Trong điều kiện đó, việc duy trì sự ổn định chiến lược trở nên vô cùng phức tạp, vì khó xác định người tổ chức tấn công mạng cũng như hình thức đáp trả.

Tựu trung lại, sự ổn định chiến lược trong thế kỷ 21 có những đặc điểm như sau:

– Tình thế đa cực hạt nhân và sự ổn định chiến lược thế giới liên quan bị phân mảnh;
– 4 cường quốc hạt nhân quay trở lại tình trạng cạnh tranh chiến lược;
– Vai trò ngày càng tăng của các cường quốc khu vực và các nước hạng 3 như Triều Tiên;
– Nguy cơ tấn công khủng bố và khiêu khích hạt nhân;
– Xuất hiện các hệ thống chiến lược phi hạt nhân có khả năng không thua kém các hệ thống hạt nhân;
– Sự kết hợp chặt chẽ giữa vũ khí hạt nhân và phi hạt nhân, gây khó khăn cho việc nhận diện các thành tố của vũ khí;
– Phổ biến các công nghệ tiên tiến hiệu quả cao, ví dụ như vũ khí mạng, mà có thể kết hợp với vũ khí hạt nhân hoặc sử dụng độc lập.

Cơ chế kiểm soát lạc hậu

Những bối cảnh nêu trên cho thấy các biện pháp kiểm soát sự ổn định chiến lược được thông qua trong thế kỷ 20 nay đã không còn khả năng đáp ứng điều kiện hiện tại. Thêm vào đó, sự kiểm soát của Nga và Mỹ hiện tại hầu như đã “tắt lịm”. Năm 2002, Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước hạn chế hệ thống phòng thủ tên lửa năm 1972, mà Moskva luôn xem là hòn đá tảng của sự ổn định chiến lược. Hiện tại, Washington đang tiến hành chương trình phòng thủ tên lửa để bảo vệ lãnh thổ Mỹ và các đồng minh chủ chốt. Trong tương lai không xa, chương trình này chưa chắc có thể phá vỡ tiềm lực kiểm soát của Nga, song trong dài hạn nó sẽ gây lo ngại đối với Moskva.

Thêm một thỏa thuận quan trọng nữa giữa Nga và Mỹ – INF ký năm 1987 – bị phá vỡ. Từ lâu, hai bên đã cáo buộc lẫn nhau vi phạm hiệp ước INF, và tháng 10/2018 Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi hiệp ước này. Việc phá vỡ thỏa thuận này có nghĩa là tên lửa của bên này có thể được bố trí gần sát vị trí các cơ sở chính trị và kinh tế then chốt của bên kia.

Như vậy, thời gian để phản ứng trước đòn tấn công tên lửa sẽ giảm xuống chỉ còn vài phút, và nó sẽ phá vỡ nghiêm trọng sự ổn định chiến lược – có thể là ở châu Âu hoặc Đông Nam Á.

Thời hạn của một thỏa thuận khác – START-3 – về việc cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược giữa Mỹ và Nga sẽ chấm dứt vào năm 2021 và có thể được gia hạn thêm 5 năm tiếp theo. Song thậm chí nếu thỏa thuận này có được gia hạn, thì sự kiểm soát truyền thống đối với vũ khí hạt nhân cũng khó mà giữ được vai trò ổn định như trong thế kỷ 20.

Thứ nhất, quan hệ Mỹ-Nga, vốn là chủ thể duy nhất của việc kiểm soát vũ khí chiến lược, không còn là mắt xích then chốt của sự ổn định chiến lược toàn cầu, bất chấp việc Moskva và Washington vẫn nắm giữ 90% số lượng vũ khí hạt nhân trên thế giới. Ngoài ra, vì lý do chính trị nên trong tương lai gần không một thỏa thuận mới nào với Nga về vấn đề vũ khí, cho dù nó có được soạn thảo cùng với Mỹ, có thể được hai viện Quốc hội Mỹ phê chuẩn.

Bên cạnh đó, quan hệ Mỹ-Trung, vốn có ý nghĩa lớn đối với trật tự thế giới, chưa bao giờ bao gồm đề tài kiểm soát vũ khí. Bắc Kinh phủ nhận quan điểm cho rằng tiềm lực hạt nhân khá khiêm tốn của mình có thể bị hạn chế trong khuôn khổ thỏa thuận với Mỹ. Thêm vào đó, quan hệ Mỹ-Trung không có vai trò quyết định đối với toàn thế giới như quan hệ Mỹ-Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh.

Thứ hai, bối cảnh chiến lược trên thế giới đang bị phân mảnh mạnh mẽ do sự xuất hiện của các cường quốc khu vực. Những nước này không chịu sự kiểm soát của cả Washington, lẫn Bắc Kinh và sẽ hoạt động độc lập.

Thứ ba, công nghệ mới ra đời hướng tới khả năng chiến đấu vượt trội khiến cho các phương tiện kiểm soát truyền thống dựa trên những hạn chế về số lượng trở nên khó sử dụng. Cuối cùng, việc xác định nguồn gốc của cuộc tấn công mạng mà có thể gây tê liệt hệ thống vốn có vai trò sống còn đối với đất nước là điều vô cùng khó khăn.

Những khả năng hữu hiệu

Trong điều kiện mới, khi những quyết định đơn phương và thách thức công nghệ ngày càng lấn áp, việc quan trọng nhất là phải xây dựng được những cơ chế hạn chế sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc và sự đối đầu công khai giữa Mỹ và Nga. Trong trường hợp thứ hai, các kênh liên lạc tin cậy và 24/24 giờ giữa giới chỉ huy quân sự, lãnh đạo cơ quan tình báo và lãnh đạo chính trị của hai nước, cũng như các biên bản song phương nhằm ngăn chặn leo thang sẽ đặc biệt hiệu quả để tránh kiến giải sai các diễn biến và tránh không để các vụ va chạm nguy hiểm leo thang thành các xung đột lớn.

Khác với thời kỳ Chiến tranh Lạnh, giờ đây nguy cơ lớn nhất không đến từ các cuộc tấn công bất ngờ, mà từ các cuộc đụng độ tình cờ. Trên thực tế cơ chế ngăn chặn xung đột đã được Nga và Mỹ sử dụng tại Syria. Thực tế này cần được nhân rộng, áp dụng cả cho quan hệ giữa Nga và NATO.

Để tránh hiểu sai về nhau trong các vấn đề chiến lược, lãnh đạo tất cả các cường quốc quân sự phải giữ liên lạc với nhau và hiểu rõ mục tiêu chính trị, học thuyết quân sự, chiến lược và chiến thuật của nhau. Đây là nhiệm vụ khó khăn, đặc biệt trong quan hệ giữa Moskva và Washington, nơi không còn lòng tin lẫn nhau. Việc lấy lại lòng tin đó là không dễ trong tương lai gần, song ở mức độ nào đó niềm tin vào hành động của nhau đã là mục tiêu cần có và khả thi. Những tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo quân sự cao nhất của hai nước phải bao gồm cả cuộc đối thoại giữa lãnh đạo các hội đồng an ninh quốc gia và cơ quan tình báo. Cuộc đối thoại đó có thể được tổ chức trong khuôn khổ đàm phán gia hạn START-3, song không nhất thiết chỉ diễn ra trong khuôn khổ đó. Đối thoại nhiều cấp về sự ổn định chiến lược tự nó đã là một nhân tố ổn định.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG

Tags: , , , , , ,