Chiến lược phát huy ‘sức mạnh mềm’ để gia tăng vị thế quốc tế của Ả Rập Saudi

Hiện nay, các quốc gia trên thế giới đều sử dụng, phát huy “sức mạnh mềm” để nâng cao vị thế của mình trong khu vực và trên thế giới. Với xu thế phát triển chung đó, sử dụng “sức mạnh mềm” trở thành một lựa chọn quan trọng đối với các nước Trung Đông để gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, trong đó có Ả Rập Saudi.

Chiến lược phát huy ‘sức mạnh mềm’ để gia tăng vị thế của Ả Rập Saudi

Tác giả: TS Trần Thùy Phương, Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Khái niệm, vai trò và nội dung của “sức mạnh mềm”

Khái niệm “sức mạnh mềm” hay “quyền lực mềm” (Soft Power) lần đầu tiên được đề cập trong nghiên cứu chính trị học của Giáo sư Klaus Knorr, trong cuốn Quyền lực và sự thịnh vượng(1). Sau này, khái niệm “sức mạnh mềm” được Giáo sư Joseph Samuel Nye Jr. của trường Đại học Havard định nghĩa và đưa thành một luận thuyết vào năm 1990, trong công trình nghiên cứu “Soft Power” (Quyền lực mềm)(2) và cuốn “Bound to lead” (Ràng buộc để dẫn đầu)(3). J. Nye định nghĩa “sức mạnh mềm” là khả năng khiến người khác muốn cái mà bạn muốn, do đó họ sẽ tự nguyện làm điều đó mà không cần phải ép buộc hoặc mua chuộc. Ông cho rằng, “sức mạnh mềm” được đặc trưng bởi sự tự nguyện và không bị định hướng, trong khi “sức mạnh cứng” dựa vào các lời đe dọa và dụ dỗ. Sau đó, khái niệm “sức mạnh mềm” được J. Nye phát triển trong nhiều nghiên cứu của mình vào các năm sau đó. Đến năm 2007, J. Nye đưa ra định nghĩa sức mạnh mềm, đó là “một loại năng lực có thể giúp đạt được mục đích thông qua sức hấp dẫn chứ không phải ép buộc hoặc dụ dỗ. Sức hấp dẫn này đến từ quan điểm giá trị về văn hóa, chính trị và chính sách ngoại giao của một nước”(4). Theo J. Nye, “sức mạnh mềm” bao gồm ba yếu tố cơ bản: 1- Văn hóa quốc gia; 2- Tư tưởng chính trị và chính sách đối nội; 3- Chính sách ngoại giao và các giá trị mà chính sách đó truyền tải.

Trong quan hệ quốc tế, yếu tố “sức mạnh mềm” ngày càng được đề cao, trở thành nhân tố chủ chốt góp phần gia tăng sức mạnh quốc gia, bên cạnh “sức mạnh cứng”. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế với xu thế hòa bình – hợp tác vẫn là chủ đạo thì “sức mạnh mềm” càng đóng vai trò quan trọng. Việc lạm dụng “sức mạnh cứng” như thông qua kinh tế, quân sự… nhiều khi không mang lại tác dụng như mong muốn, thậm chí vấp phải sự phản ứng của cộng đồng quốc tế, có thể dẫn đến suy giảm vị thế và uy tín quốc gia. Trong khi đó, “sức mạnh mềm” ngày càng được phát huy sẽ nâng tầm ảnh hưởng của quốc gia trên thế giới, góp phần thúc đẩy hội nhập quốc tế.

Chiến lược phát triển “sức mạnh mềm” của Ả Rập Saudi

Ả Rập Saudi có diện tích lãnh thổ lớn nhất bán đảo Ả Rập (chiếm 80% diện tích bán đảo) nhưng lại có mật độ dân số thưa, có đường bờ biển dài nhất khu vực, đường biên giới trên bộ giáp tới bảy quốc gia Ả Rập láng giềng. Thành phố Mecca của Ả Rập Saudi nằm trên con đường giao thương giữa Trung Đông và thị trường Địa Trung Hải. Bên cạnh đó, Ả Rập Saudi không chỉ là vương quốc dầu mỏ dẫn đầu các nước trong bán đảo Ả Rập mà còn cả khu vực Trung Đông.

Ả Rập Saudi có cách tiếp cận độc đáo giữa việc sử dụng “sức mạnh cứng” và “sức mạnh mềm”. Dựa trên nền tảng là một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới, sở hữu trữ lượng dầu mỏ khổng lồ, Ả Rập Saudi đã thúc đẩy lợi ích thông qua cả chính sách đối nội và đối ngoại với “quyền lực cứng” là nền kinh tế dầu mỏ và tiềm lực quân sự mạnh mẽ, còn “quyền lực mềm” là sức mạnh văn hóa, chính sách đối nội và đối ngoại linh hoạt.

Trong quá khứ, các triều đại của Ả Rập Saudi đã từng sử dụng “sức mạnh mềm” để điều hành đất nước, tuy nhiên, chiến lược sử dụng “sức mạnh mềm” được thấy rõ nhất là từ giai đoạn Nhà vua Abdullah bin Abdul Aziz Al Saud cầm quyền (năm 2005). Trong 10 năm cai trị đất nước (2005 – 2015), ông đã củng cố “quyền lực mềm” thông qua các chính sách thúc đẩy ngoại giao văn hóa. Kế tiếp là Vua Salman bin Abdulaziz Al Saud (năm 2015) đã thể hiện tốt chính sách đối nội và ngoại giao mang đậm tính chất “quyền lực mềm”, thông qua các hoạt động về tôn giáo, văn hóa và thể thao(5)… Có thể thấy, “sức mạnh mềm” không chỉ giúp Ả Rập Saudi gia tăng vị thế, mà còn thể hiện một hình ảnh vương quốc ôn hòa và cởi mở.

Thứ nhất, với vị trí là thủ đô của các nước Hồi giáo, nơi tập trung các biểu tượng linh thiêng tối cao của đạo Hồi là thánh địa Mecca và Medina, Ả Rập Saudi đã tận dụng và phát huy nguồn “sức mạnh mềm” lớn nhất này.

Hiện nay, Ả Rập Saudi là vùng đất của hai ngôi đền thiêng, gồm Thánh đường Al-Masjid al-Haram ở thành phố Mecca và Al-Masjid al-Nabawi ở thành phố Medina. Trong thánh đường Al-Masjid al-Haram ở thành phố Mecca, nổi bật là Nhà thờ Kaaba – nhà thờ Hồi giáo cổ xưa nhất trái đất. Người Hồi giáo tin rằng, Thánh Allah đã ra lệnh xây dựng Nhà thờ Kaaba(6). Vì vậy, thành phố Mecca trở thành địa điểm linh thiêng nhất của đạo Hồi. Còn Thánh đường Al-Masjid al-Nabawi ở thành phố Medina được gọi là Thánh đường Tiên Tri, do nhà tiên tri Mohammed xây dựng và thành phố Medina là địa điểm linh thiêng thứ hai của đạo Hồi.

Ả Rập Saudi có vai trò quan trọng trong đức tin của các tín đồ Hồi giáo và các quốc gia Hồi giáo. Một trong năm nghĩa vụ thiêng liêng của người Hồi giáo là hành hương về thánh địa Mecca. Vì vậy, Ả Rập Saudi được coi như nơi nhất thiết phải tới ít nhất một lần trong đời của mỗi tín đồ Hồi giáo và là đích đến của hơn 2 triệu người Hồi giáo trong mỗi mùa hành hương hằng năm. Ngoài lễ hành hương bắt buộc về thánh địa Mecca, người Hồi giáo còn có lễ hành hương Umrah (hành hương về Mecca bất cứ thời điểm nào trong năm theo nguyện vọng cá nhân).

Ả Rập Saudi có quyền lực rất lớn khi quản lý hai địa điểm linh thiêng nhất của đạo Hồi là Mecca và Medina. Thông qua việc tuyên truyền và quảng bá về ý nghĩa linh thiêng của nghi lễ quan trọng này trong đời sống tôn giáo của những tín đồ Hồi giáo, Ả Rập Saudi đã tăng cường “sức mạnh mềm” của mình trong thế giới Arab. Chi phí hành hương về các thánh địa tương đối đắt đỏ, song các tín đồ Hồi giáo vẫn cố gắng thực hiện (thậm chí có người phải tiết kiệm cả đời để một lần được đến Mecca). Ả Rập Saudi rất khắt khe trong việc cấp visa cho người nhập cảnh vào đất nước (chỉ cấp visa cho ba đối tượng: người hành hương, người đến công tác và người lao động). Ả Rập Saudi lập ra Bộ Phụ trách hoạt động hành hương (HUM) để quản lý các hoạt động liên quan. Có thể thấy, Ả Rập Saudi đã rất thành công khi thể hiện quyền lực tôn giáo của mình không chỉ đối với các quốc gia Hồi giáo mà xa hơn là cả khu vực Trung Đông và thế giới.

Hành hương về Mecca không chỉ thể hiện tầm quan trọng về vị thế của Ả Rập Saudi mà còn mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ cho quốc gia này. Do số lượng khách hành hương ngày một gia tăng, Ả Rập Saudi đã mở rộng thánh đường (nâng sức chứa từ 600.000 lên 2 triệu người), nâng cấp hệ thống tàu điện, cải thiện kết cấu hạ tầng… để phục vụ. Mục tiêu lâu dài là phát triển du lịch tôn giáo để đa dạng hóa các ngành kinh tế. Lễ hành hương cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, hộ gia đình tư nhân… gia tăng lợi nhuận. Các thánh địa cũng là nguồn thu quan trọng của Ả Rập Saudi, khi nền kinh tế của quốc gia này đang thực hiện chiến lược “thoát dầu”, khôi phục và phát triển kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Thứ hai, khuyến khích phát triển và phổ cập văn hóa Hồi giáo ra khắp thế giới thông qua truyền thông, nghệ thuật, thể thao…

Ả Rập Saudi thúc đẩy phát triển công nghệ truyền thông hiện đại để nâng cao hình ảnh của vương quốc với người Hồi giáo, người Ả Rập và hướng tới toàn thế giới. Các nước có công nghệ truyền thông hiện đại đều được khuyến khích đầu tư vào Ả Rập Saudi, như Anh đầu tư vào lĩnh vực truyền hình, báo chí; các hãng truyền thông toàn cầu của Mỹ như Fox News và Twitter đều được cấp phép. Ả Rập Saudi quảng bá hình ảnh quốc gia như một biểu tượng của Hồi giáo. Với sự ra đời của vệ tinh liên lạc như Arabsat và Nilesat, Ả Rập Saudi không còn bị giới hạn trong tiếp cận thông tin thế giới: từ truyền hình, truyền thông đa ngôn ngữ, các mạng xã hội. Các công ty truyền thông tư nhân cũng được phép hoạt động mạnh, ví dụ đài phát thanh vệ tinh như MBC FM (âm nhạc vùng Vịnh), Panorama FM (nhạc Ả rập đương đại), ART Zikr (độc tấu kinh Qur’an) và ART Music (âm nhạc Ả rập)…. Al Arabiya – kênh truyền hình thuộc sở hữu của Ả Rập Saudi – được khán giả Trung Đông đánh giá là một trong những đài truyền hình Ả Rập hàng đầu. Cùng sự hỗ trợ của một số đài truyền hình Mỹ, Al Arabiya đang tham gia một chiến dịch ngoại giao công chúng tích cực, mục tiêu tiến tới thống trị lĩnh vực truyền hình cáp và vệ tinh Trung Đông, xa hơn nữa là có thể tiếp cận toàn thế giới Arab(7).

Chính quyền Ả Rập Saudi tăng cường thúc đẩy các dự án hợp tác văn hóa với Pháp (như xây dựng nhà hát giao hưởng, trao đổi các tác phẩm nghệ thuật, phát triển du lịch…). Dự kiến trong thời gian tới, chính quyền Ả Rập Saudi sẽ đầu tư khoảng 64 tỷ USD cho lĩnh vực nghệ thuật và giải trí(8). Khoản kinh phí này sẽ được sử dụng cho các hoạt động văn hóa trong nước và hợp tác quốc tế. Ở khu vực tư nhân, gia tộc quyền thế Saudi Jameel đã sáng lập Trung tâm văn hóa Misk Art Institute nhằm thực hiện các chương trình quảng bá nghệ thuật ở Mỹ, Pháp và Italia; thành lập Trung tâm Hayy Creative Hub nhằm phục vụ ngành công nghiệp sáng tạo. Hay đế chế dầu mỏ Saudi Aramco thành lập Trung tâm văn hóa thế giới King Abdulaziz  ở thành phố Dhahran, đảm nhận việc xuất bản Tạp chí văn hóa Aramco World (định kỳ 2 tháng/số) để quảng bá về văn hóa Hồi giáo.

Thứ ba, chính sách đối nội thông minh, vừa đề cao giá trị gia tộc cầm quyền, vừa dung hòa mối quan hệ với dân chúng.

Chính quyền Ả Rập Saudi sử dụng hiệu quả “sức mạnh mềm” khi đan xen mục tiêu chính trị và luật Hồi giáo. Sự phát triển của vương quốc đồng nhất với học thuyết Hồi giáo, mang lại tính hợp pháp lớn cho chế độ. Ở Ả Rập Saudi, các chức trách tôn giáo là nhân viên nhà nước, góp phần tạo nên nhiều tiếng nói cho giới chính trị. Sự hợp nhất giữa chính trị và tôn giáo của Ả Rập Saudi lớn hơn các quốc gia Hồi giáo khác (ở nhiều quốc gia Trung Đông, lãnh đạo tôn giáo hoạt động độc lập với nhà nước).

Gia tộc Al Saud được coi là dòng họ cầm quyền duy nhất và nhận sự tôn kính từ công chúng, bởi gia tộc này đã sáng lập Vương quốc Ả Rập Saudi. Hơn nữa, gia tộc Al Saud có lợi thế bởi sự liên minh với Muhammad ibn Abdul Wahhab, một nhà cải cách có tư tưởng Hồi giáo chính thống (Wahhabism), được đa số người Hồi giáo và các lãnh đạo tôn giáo ở bán đảo Ả Rập trân trọng. Những đặc điểm này mang lại cho gia tộc Al Saud tính hợp pháp về chính trị và tôn giáo mạnh mẽ. Mặc dù luôn ủng hộ các nhóm bảo thủ hơn nhóm cải cách, nhưng gia tộc Al Saud rất linh hoạt đáp ứng nhu cầu tự do trong xã hội Ả Rập Saudi, từ đó tối đa hóa “sức mạnh mềm”. Thực tế cho thấy, các phong trào cải cách ở Ả Rập Saudi trước đây (dù cánh hữu hay cánh tả), hay cơn sóng gió trong vương quốc do phong trào “Mùa xuân Ả Rập” mang lại chỉ tạo ra sự cơ cấu trong nội bộ chứ không có sự thay đổi về chính quyền(9).

Chế độ quân chủ ở Ả Rập Saudi vẫn chú trọng quyền tự do công dân. Vương quốc hoạt động trên cơ sở hòa hợp được lợi ích của tầng lớp cầm quyền và sự đồng thuận của người dân. Chế độ quản trị quân chủ song mang tính đa nguyên, các thành viên hoàng gia đều phải tham gia nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Do đó, lợi ích quốc gia cân bằng với mục tiêu của chế độ. Hoàng gia sẵn sàng phế truất các vị vua bị đánh giá không phù hợp và từ chối người kế vị nếu không được công chúng chấp nhận.

Thứ tư, thực hiện cải cách kinh tế, xã hội để phát triển và hòa nhập với xu hướng quốc tế.

Trong 10 năm cầm quyền, Quốc vương Abdullah đã đưa nền kinh tế Ả Rập Saudi hòa nhập với kinh tế thế giới. Ông là nhà vua duy nhất của Ả Rập Saudi thực hiện hàng loạt chính sách cải cách và hiện đại hóa theo hướng tự do trong thời gian ngắn, gồm thành lập cơ chế đối thoại quốc gia, các ủy ban nhân quyền, khởi xướng cuộc chiến chống tham nhũng, cải cách giáo dục, luật pháp, chính trị – xã hội… với sự tư vấn của Hội đồng tham vấn quốc gia – Hội đồng Shura (Majlis Shura – là cơ quan lập pháp của Ả Rập Saudi). Quốc vương Abdullah chủ trương sử dụng nguồn thu từ dầu mỏ để quản lý đất nước, xây dựng thể chế, hỗ trợ người dân, đầu tư cho chính trị, kinh tế, xã hội… Những chính sách này được đánh giá là mang lại thực chất và hiệu quả. Sau khi phong trào “Mùa xuân Ả Rập” bùng nổ ở Trung Đông – Bắc Phi, cơ chế quản lý đất nước và các chính sách cải cách kinh tế – xã hội mà Quốc vương Abdullah thực hiện hiệu quả là nguồn “sức mạnh mềm” để Ả Rập Saudi xây dựng xã hội ổn định và phát triển(10).

Năm 2015, Vua Salman lên nắm quyền và tiếp tục thực hiện chính sách đa dạng hóa nền kinh tế và cải tổ xã hội mạnh mẽ, được giới trẻ, đặc biệt là phụ nữ ủng hộ, bởi trong đó có những chính sách đề cao quyền phụ nữ. Theo đó, từ năm 2017, phụ nữ Ả Rập Saudi được phép lái xe; từ năm 2018, phụ nữ có quyền tham dự các sự kiện giải trí, thể thao… Tháng 8/2020, Vua Salman đã tăng thêm quyền cho phụ nữ Ả Rập Saudi, như: quyền đi xa mà không phải xin phép người thân là nam giới (là bố, anh trai, em trai, chồng…), được xin cấp giấy tờ cá nhân (như khai sinh, kết hôn, ly hôn…), được cấp hộ chiếu độc lập (trước đây phụ nữ chỉ có một trang trong hộ chiếu của người giám hộ), được đối xử bình đẳng trong công việc (được đi làm mà không cần người giám hộ)… Như vậy, có thể nói, phụ nữ Ả Rập Saudi bây giờ có toàn quyền quyết định số phận pháp lý của mình.

Thứ năm, chính sách đối ngoại linh hoạt, chú trọng hợp tác đa phương, nhấn mạnh bốn vòng cung hợp tác, gồm các quốc gia vùng Vịnh, cộng đồng Ả Rập, cộng đồng Hồi giáo và cộng đồng quốc tế.

Ả Rập Saudi ưu tiên quan hệ hợp tác với các nước Ả Rập vùng Vịnh (gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Ả Rập Saudi và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất UAE). Dựa trên những tương đồng về văn hóa, tôn giáo, lịch sử và huyết thống, Ả Rập Saudi gắn kết chặt chẽ với các nước vùng Vịnh thông qua Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC). Những bước gắn kết của các thành viên GCC tăng dần: miễn thuế hàng hóa và dịch vụ (năm 2008), cam kết hợp tác về kinh tế và an ninh (năm 2018), hướng tới thành lập khối tài chính và sử dụng đồng tiền chung vào năm 2025. Ả Rập Saudi cho phép công dân từ các nước GCC nhập cảnh để hành hương chỉ cần thẻ căn cước mà không phải xin visa như các nước khác.

Ở khu vực, Ả Rập Saudi là thành viên sáng lập của Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Liên đoàn Ả Rập, Liên đoàn Hồi giáo thế giới (MWL), Tổ chức hợp tác Hồi giáo (OIC)… Ả Rập Saudi cũng là thành viên tích cực sáng lập Liên minh thuế quan Ả Rập (ACU) năm 2015 và Thị trường chung Ả Rập (ACM) năm 2020. Trong đó, MWL và OIC là hai cơ chế quan trọng nhất để Ả Rập Saudi phát huy “sức mạnh mềm”. Ả Rập Saudi đã thể hiện vai trò lãnh đạo trong nhiều nội dung quan trọng, như tìm kiếm giải pháp hòa bình cho người Palestine, giải quyết vấn đề chính trị ở Yemen, Libya và Syria… mà không phá vỡ cấu trúc và mục tiêu chung của các thành viên trong Liên đoàn Ả Rập. Vai trò của Ả Rập Saudi không chỉ hỗ trợ các quốc gia thành viên về an sinh xã hội, mà còn cải thiện cơ sở vật chất như xây dựng sân bay cho Senegal, làm đường cho Yemen… Phương châm đối ngoại của Ả Rập Saudi là hỗ trợ các nước Hồi giáo song song với việc duy trì vai trò đứng đầu thế giới Ả Rập.

Trên phạm vi quốc tế, Ả Rập Saudi tham gia ngay khi Liên hợp quốc được thành lập (năm 1945); sau đó, tiếp tục là thành viên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Chủ trương của Ả Rập Saudi khi liên kết quốc tế nhằm bảo đảm an ninh và triển vọng kinh tế cho vương quốc, không chú trọng liên minh mật thiết như những vòng cung trên. Trong vòng hợp tác ngoài cùng này, OPEC là thể chế quan trọng để Ả Rập Saudi phát huy vai trò. Với tư cách là một trong năm thành viên sáng lập OPEC và là thành viên đóng góp sản lượng khai thác lớn nhất trong nhóm, Ả Rập Saudi đã làm tốt vai trò thủ lĩnh OPEC khi dung hòa hai mục tiêu đối lập, điều phối sản lượng khai thác để tối đa hóa lợi nhuận nhưng không “phật lòng” các khách hàng phương Tây. Ngoài ra, Ả Rập Saudi cũng là nhà tài trợ cho rất nhiều tổ chức Hồi giáo, các quỹ từ thiện Hồi giáo, các hoạt động Hồi giáo… trên khắp thế giới.

Những thành quả từ việc phát huy “sức mạnh mềm” của Ả Rập Saudi

Thứ nhất, ổn định chính trị – an ninh.

Trong biến động chính trị “Mùa xuân Ả Rập” (năm 2011), tuy không chịu ảnh hưởng nặng nề song “hiệu ứng cách mạng” từ các quốc gia láng giềng cũng tác động đến Ả Rập Saudi. Trong năm 2011 và năm 2012, một số cuộc biểu tình quy mô nhỏ và vừa của cộng đồng thiểu số Shia phía Đông, của các nhóm phụ nữ… được lên kế hoạch hoặc diễn ra. Mục tiêu của người biểu tình là phản đối chính sách bất công, kém hiệu quả; đòi hỏi củng cố luật pháp, gia tăng quyền phụ nữ, gia tăng quyền cho người hồi giáo Shia, giải phóng tù nhân chính trị, không cho phép quân đội nước ngoài đồn trú… Trước yêu cầu bức thiết trong nước cộng với sức ép quốc tế, chính quyền Ả Rập Saudi đã nhìn nhận lại toàn bộ chính sách đối nội và đối ngoại. Sau đó, vào tháng 3/2012, Nhà vua Ả Rập Saudi đã thiết lập một gói cứu trợ lớn dành cho các công dân, cơ quan, cơ sở tôn giáo, thậm chí còn thuyết phục các nhà kinh doanh thưởng lớn hơn cho nhân viên. Năm 2013, Ả Rập Saudi đã tiến hành nhiều chính sách cải cách kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và an ninh. Cùng với đó, Chính phủ Ả Rập Saudi tuyên truyền quan điểm “các cuộc nổi dậy Trung Đông là trái với Hồi giáo, trái với hệ tư tưởng của chủ nghĩa Wahhabi”. Ả Rập Saudi xây dựng và tôn sùng Chủ nghĩa Wahhab (Wahhabism) – là học thuyết Hồi giáo chính thức ở Ả Rập Saudi, thậm chí được coi là phương tiện để ổn định chế độ khi gia tộc Al Saud lên nắm quyền (11).

Ả Rập Saudi giữ vững tình hình chính trị – xã hội trong chính biến “Mùa xuân Ả Rập” bởi hai nguyên nhân: Một là, nền tảng kinh tế vững chắc từ nguồn thu khổng lồ dầu mỏ nên hỗ trợ không bỏ sót nhóm dân cư nào; hai là, làm tốt công tác định hướng xã hội, cho rằng biểu tình nghĩa là đang chống lại hệ tư tưởng Wahhabism và Hồi giáo. Do đó, phong trào “Mùa xuân Ả Rập” dường như càng củng cố niềm tin Hồi giáo của Chính phủ Ả Rập Saudi, thậm chí còn góp phần truyền bá hệ tư tưởng Wahhabism ra khắp Trung Đông. Ả Rập Saudi đã sử dụng linh hoạt “sức mạnh mềm”, khiến vương quốc miễn dịch đáng kể đối với “virus biểu tình”.

Thứ hai, gia tăng vị thế trong khu vực và trên thế giới.

Ả Rập Saudi đã khéo léo sử dụng vấn đề tôn giáo như “sức mạnh mềm” để duy trì vị trí dẫn đầu, lãnh đạo khu vực Trung Đông và thế giới Hồi giáo rộng lớn. Với nguồn sức mạnh văn hóa gồm trách nhiệm canh gác hai ngôi đền linh thiêng là Mecca và Medina, bản sắc Hồi giáo, truyền thống gia tộc Al Saud… Ả Rập Saudi thể hiện mình với vai trò là nhà lãnh đạo Hồi giáo và Ả Rập, là nhân tố củng cố sự đồng thuận trên khắp Trung Đông. Năm 1981, GCC được thành lập, mục tiêu để các nước vùng Vịnh liên kết và hỗ trợ lẫn nhau, Ả Rập Saudi hùng mạnh nhất sẽ bảo vệ các quốc gia thành viên. Sau thời gian xảy ra mâu thuẫn và chia rẽ giữa các nước GCC và Qatar vào năm 2017, đến đầu năm 2021, Hội nghị thượng đỉnh GCC đã được tổ chức tại Ả Rập Saudi nhằm hàn gắn những xích mích nội bộ, một phần là để tránh các nước thành viên gây khó dễ cho sự tham dự của Qatar. Điều đó cho thấy vai trò đầu tàu của Ả Rập Saudi trong cộng đồng các nước vùng Vịnh và Trung Đông.

Tháng 12/2015, Ả Rập Saudi đứng đầu thành lập Liên minh quân sự quốc tế chống khủng bố (IMCTC), với sự tham gia của 34 thành viên. Tháng 11/2017, trong cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên của Liên minh IMCTC tại Thủ đô Riyadh, số lượng thành viên tăng lên 41. Các nước tham gia đến từ châu Á, Trung Đông và châu Phi. Sự đông đảo của các thành viên trong liên minh cho thấy uy tín và mức độ ảnh hưởng lớn của Ả Rập Saudi đối với các nước Hồi giáo không chỉ ở vùng Trung Đông mà còn trên khắp thế giới. Thông điệp của Ả Rập Saudi khi thành lập Liên minh IMCTC là “Thế giới Hồi giáo không phải là kẻ thù của phương Tây”. Mục đích thành lập liên minh này là để đáp ứng yêu cầu của Mỹ, mong muốn các nước Ả Rập tham gia nhiều hơn vào cuộc chiến chống khủng bố tại Trung Đông và thế giới, cũng nhằm khẳng định vị trí đồng minh của Ả Rập Saudi với Mỹ (trước đây Ả Rập Saudi đã tham gia Liên minh chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu tại Iraq và Syria). Ngoài ra, mục tiêu ngầm của Ả Rập Saudi khi thành lập liên minh này không chỉ để chống khủng bố mà còn nhằm củng cố nhóm các quốc gia Hồi giáo theo hệ phái Sunni, trấn áp sự cạnh tranh đang ngày càng gia tăng của Iran với vai trò đứng đầu các quốc gia Hồi giáo theo hệ phái Shia, duy trì uy tín và thanh thế của Ả Rập Saudi tại Trung Đông.

Trong “Tầm nhìn Ả Rập năm 2030”, Ả Rập Saudi chủ trương thúc đẩy quan hệ với Nga, nhằm giảm sự phụ thuộc an ninh vào Mỹ, chủ động quyết định các quan hệ quốc tế, tối đa hóa lợi ích và sức ảnh hưởng của Ả Rập Saudi ở Trung Đông và thế giới. Với hình ảnh một quốc gia mạnh về tài chính nhưng rất mực bảo thủ trong thế giới Ả Rập, lại đang sử dụng hiệu quả “sức mạnh mềm” để thúc đẩy hợp tác quốc tế cởi mở và khéo léo hơn, Ả Rập Saudi được đánh giá là biết nắm bắt và vận dụng hài hòa sức mạnh quốc gia, góp phần củng cố và phát huy sức mạnh của một cường quốc không chỉ vì mạnh về dầu mỏ ở khu vực Trung Đông.

Tuy nhiên, Ả Rập Saudi vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Trên phương diện khu vực và quốc tế, đó là tương lai bất định do nền kinh tế dầu mỏ mang lại, Mỹ và Iraq đang gắn kết hơn hay là những bất đồng trong vấn đề hạt nhân Iran… Trên phương diện trong nước, Ả Rập Saudi cần tiếp tục đa dạng hóa, hiện đại hóa nền kinh tế, thực hiện chính sách kinh tế “thoát dầu”… Vì vậy, Ả Rập Saudi cần kết hợp khéo léo giữa “sức mạnh cứng” (sự giàu có từ dầu mỏ) và “sức mạnh mềm” (giá trị văn hóa, chính sách đối nội…) để có thể phát huy tốt được vai trò trung tâm của mình trong bốn khu vực chiến lược trên thế giới, gồm: vùng Trung Đông, thế giới Ả Rập, thế giới Hồi giáo, thế giới năng lượng toàn cầu; đưa Ả Rập Saudi trở thành quốc gia có vị trí quan trọng không chỉ ở khu vực mà trên toàn cầu, hướng tới tương lai phát triển phồn thịnh của vương quốc này.

———————–

Chú thích:

(1) Knorr, Klaus: Power and Wealth: The Political Economy of International Power, Basic Book, 1973
(2) Nye, Joseph: Soft Power, Foreign Policy, 1990, tr. 53-71
(3) Nye, Joseph: Bound to lead: The Changing Nature of American Power, Public Affairs, New York, 1991
(4) Nye, Joseph: Notes for a soft\power research agenda in power in world politics, Routledge, London, 2007
(5) Alkatheeri, Abdullah R, & Khan, Muhammad: “A Perspective on Saudi Soft Power and Cultural Diplomacy”, Global Social Sciences Review, 2019, t. 4(2), tr. 25-34
(6) Đấng tiên tri Mohammed đặt Hắc Thạch vào bức tường của Nhà thờ Kaaba năm 605. Hắc Thạch được cho là nơi Đấng tiên tri Mohammed ra đời, do đó người Hồi giáo khi thực hiện lễ hành hương đều mong ước được chạm vào Hắc Thạch
(7) Hammond, Andrew: “Ả Rập Saudi’s media empire: Keeping the masses at home”, http://www.arabmediasociety.com/ articles/downloads/20071001152622 _AMS3_Andrew_Hammond.pdf
(8) Rahel Aima: “How Powerful is Ả Rập Saudi’s Soft Power Push?”, ngày 25-1-2021, https://www.frieze.com/article/how-powerful-saudi-arabias-soft-power-push
(9) Lippman, Thomas W: Ả Rập Saudi on the edge: The uncertain future of an American ally, Potomac Books, Washington DC, 2012
(10) Gallarotti, Giulio and Al-Filali, Isam Yahia: “Ả Rập Saudi’s Soft Power” https://www.researchgate.net/publication/285490128_Saudi_Arabia’s_Soft_Power
(11) Callejón, Elisabeth: “A Comparative Analysis of the Foreign Policies of Egypt and Ả Rập Saudi after the Ả Rập Spring”, https://www.central.edu/writing-anthology/2019/05/20/a-comparative-analysis-of-the-foreign-policies-of-egypt-and-saudi-arabia-after-the-arab-spring

Theo TẠP CHÍ CỘNG SẢN

Tags: ,