⠀
Đối đầu Mỹ – Trung: Quản lý xung đột kế tiếp giữa các nền văn minh
Cách tiếp cận mang tính thực dụng của Trung Quốc đối với chính trị quốc tế đã giúp Trung Quốc có lợi thế so với Mỹ, và quan điểm chiến lược về thế giới bị ám ảnh bởi sự toàn diện của Trung Quốc cũng vậy.
Bài viết của tác giả Graham Allison – giáo sư về chính quyền, trường Hành chính Kennedy thuộc Đại học Harvard. Bài này được rút gọn từ cuốn sách của ông “Đi tới chiến tranh: Liệu Mỹ và Trung Quốc có tránh được bẫy Thucydides?” (Houghton Mifflin Harcourt, 2017).
Nguồn: Graham Allison, “China vs. America”, Foreign Affairs, Sept-Oct 2017.
Biên dịch: Huỳnh Hoa
Khi người Mỹ tỉnh ngộ trước một Trung Quốc đang trỗi dậy và giờ đây đang đối địch với Mỹ trên mọi đấu trường, nhiều người đã tự trấn an bằng niềm tin rằng khi Trung Quốc trở nên giàu có hơn, hùng mạnh hơn thì nước này sẽ đi theo dấu chân của Đức, Nhật và nhiều nước khác từng trải qua những cuộc chuyển hóa sâu sắc và nổi lên thành những nền dân chủ tự do tiên tiến. Theo cách nhìn này, một hỗn hợp kỳ diệu của toàn cầu hóa, chủ nghĩa tiêu dùng dựa trên thị trường và sự hội nhập vào một trật tự thế giới dựa trên luật lệ cuối cùng sẽ đưa Trung Quốc trở thành một nền dân chủ ở trong nước và phát triển thành cái mà cựu thứ trưởng ngoại giao Mỹ Robert Zoellick có lần gọi là “một cổ đông có trách nhiệm” ở nước ngoài.
Samuel Huntington không đồng ý như vậy. Trong tiểu luận “Sự xung đột giữa các nền văn minh” (“The Clash of Civiliztions?”) xuất bản trên tạp chí Foreign Affairs năm 1993, nhà khoa học chính trị này cho rằng, những đường đứt gãy về văn hóa chẳng những không bị hòa tan vào cái trật tự thế giới có tính tự do toàn cầu mà còn có khả năng trở thành một đặc điểm xác định thế giới thời hậu Chiến tranh Lạnh. Ngày nay, lập luận của Huntington được nhớ tới chủ yếu vì tính tiên tri của nó, soi chiếu sự phân cách giữa “các nền văn minh phương Tây và Hồi giáo” – một sự tách biệt được biểu lộ sinh động nhất bởi những cuộc tấn công ngày 11 tháng 9 và hậu quả của chúng. Nhưng Huntington còn nhìn thấy vực thẳm ngăn cách giữa văn minh phương Tây do Mỹ dẫn dắt và nền văn minh Trung Hoa cũng sâu rộng, kéo dài và gây ra hậu quả tương tự. “Bản thân ý niệm rằng có một ‘nền văn minh phổ quát’ là ý tưởng của phương Tây, nó mâu thuẫn trực tiếp với chủ nghĩa đặc thù (particularism) của phần lớn các xã hội châu Á và sự nhấn mạnh vào những gì phân biệt dân tộc này với dân tộc khác”, ông khẳng định.
Từ bấy đến nay năm tháng đã ủng hộ nhận định của Huntington. Những thập niên sắp tới sẽ càng củng cố nó thêm nữa. Mỹ là hiện thân của những gì mà Huntington coi là nền văn minh phương Tây. Và căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc về hệ giá trị, truyền thống và triết lý sẽ làm trầm trọng thêm sự căng thẳng có tính chất nền tảng xảy ra khi một thế lực đang lên, chẳng hạn như Trung Quốc, đe dọa thay thế vị trí của một thế lực đã được thiết lập, chẳng hạn như Mỹ.
Lý do mà những sự chuyển dịch như vậy thường dẫn tới xung đột chính là cái bẫy Thucydides – được đặt theo tên một sử gia Hy Lạp cổ đại, người đã ghi nhận một xung đột nguy hiểm giữa một Athens đang nổi lên với một Sparta đang cai trị. Theo Thucydides, “chính sự trỗi dậy của Athens và mối lo sợ mà điều đó gây ra ở Sparta đã làm cho chiến tranh là không thể tránh khỏi”. Các cường quốc đang lên có ý thức ngày càng mạnh mẽ về quyền lực và đòi hỏi một ảnh hưởng lớn hơn, một sự tôn trọng lớn hơn. Đối mặt với những kẻ thách thức như vậy, các cường quốc đã định hình có khuynh hướng sợ hãi, bất an và phòng thủ. Trong một môi trường như vậy, mọi sự hiểu lầm sẽ được phóng đại, sự đồng cảm trở nên hiếm hoi, những sự cố và hành động của một bên thứ ba nào đó, lẽ ra chỉ là chuyện vặt hoặc có thể xử lý được, lại có thể kích hoạt chiến tranh mà những tay chơi chủ chốt không bao giờ muốn xảy ra.
Trong trường hợp của Mỹ và Trung Quốc, những rủi ro của chiếc bẫy Thucydides kết hợp với tính không tương hợp về văn minh giữa hai quốc gia càng làm cuộc tranh đua thêm trầm trọng và càng khó đạt tới một tình hữu nghị thật sự. Rất dễ nhìn thấy sự bất cân xứng này ở những khác biệt sâu sắc giữa quan niệm của Mỹ và của Trung Quốc về bản chất của nhà nước, kinh tế học, vai trò của cá nhân, quan hệ giữa các quốc gia dân tộc và bản chất của thời gian.
Người Mỹ coi nhà nước như là một “cái xấu cần thiết” và tin rằng, nhà nước có khuynh hướng trở nên độc tài và lạm dụng quyền lực, một khuynh hướng đáng sợ và cần được chế ngự. Đối với người Trung Quốc, nhà nước là một “cái tốt cần thiết”, là trụ cột căn bản bảo đảm trật tự và ngăn ngừa hỗn loạn. Trong chủ nghĩa tư bản định hướng thị trường kiểu Mỹ , chính phủ thiết lập và thực thi luật pháp; quyền sở hữu của nhà nước và sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế đôi khi vẫn xảy ra nhưng chỉ là những ngoại lệ không mong muốn. Trong nền kinh tế thị trường do nhà nước kiểm soát của Trung Quốc, chính phủ thiết lập các mục tiêu tăng trưởng, lựa chọn và trợ cấp để các ngành công nghiệp phát triển, xây dựng các công ty hàng đầu quốc gia và thực hiện các dự án kinh tế quan trọng, dài hạn để thúc đẩy quyền lợi của đất nước.
Văn hóa Trung Quốc không tôn vinh chủ nghĩa cá nhân kiểu Mỹ vốn đo lường xã hội theo tiêu chuẩn xã hội đó có làm tốt hay không việc bảo vệ quyền lợi và nuôi dưỡng tự do của cá nhân. Thay vì vậy, thuật ngữ “cá nhân” (gerenzhuyi – cá nhân chủ nghĩa) trong tiếng Trung Quốc có hàm ý là thiên kiến ích kỷ chỉ biết tới bản thân mình hơn là quan tâm tới cộng đồng. Với người Trung Quốc, câu nói “cho tôi tự do hoặc cho tôi án tử” sẽ trở thành “cho tôi một cộng đồng hài hòa hoặc cho tôi cái chết”. Đối với Trung Quốc, trật tự là giá trị cao nhất và sự hài hòa sẽ sinh ra từ tôn ti trật tự, trong đó mọi thành viên phải tuân thủ lời dạy đầu tiên của Khổng Tử: “Hãy tự biết mình”.
Quan điểm này không chỉ áp dụng cho xã hội trong nước mà cả cho các hoạt động toàn cầu, mà người Trung Quốc nghĩ rằng vị trí đúng đắn của Trung Quốc là ở trên đỉnh của kim tự tháp, các quốc gia khác phải được sắp xếp như là những nước chư hầu phụ thuộc. Quan điểm của Mỹ thì hơi khác. Ít nhất là từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, Washington luôn tìm cách ngăn chặn sự trỗi dậy của một “đối thủ cạnh tranh cùng trang lứa” có thể thách thức sự thống trị về quân sự của Mỹ. Nhưng những quan niệm của Mỹ thời hậu chiến về trật tự quốc tế cũng luôn nhấn mạnh vào nhu cầu có một hệ thống toàn cầu vận hành theo luật lệ có khả năng chế ngự ngay chính Mỹ.
Cuối cùng, người Mỹ và người Trung Quốc nghĩ về thời gian và trải nghiệm sự trôi đi của thời gian theo những cách khác nhau. Người Mỹ có khuynh hướng tập trung vào hiện tại và thường đếm thời gian theo ngày hoặc theo giờ. Người Trung Quốc trái lại thường bận tâm tới lịch sử và thường suy nghĩ theo từng thập niên, thậm chí theo từng thế kỷ.
Tất nhiên, đây là những sự khái quát hóa chung chung được tóm gọn và không phản ánh đầy đủ tính chất phức tạp của xã hội Mỹ và Trung Quốc. Nhưng chúng cũng cung cấp một số gợi ý quan trọng mà các nhà hoạch định chính sách ở cả Mỹ và Trung Quốc cần lưu ý trong việc xử lý cuộc cạnh tranh sao cho không dẫn tới chiến tranh.
Ta là số một!
Những dị biệt văn hóa giữa Mỹ và Trung Quốc đang bị làm trầm trọng thêm bởi một đặc điểm đáng chú ý mà cả hai bên đều chia sẻ: mặc cảm cực kỳ siêu việt. Mỗi nước đều tự thấy mình như một ngoại lệ – nghĩa là vô đối, không có ai cùng hạng. Nhưng chỉ có một con số một mà thôi. Lý Quang Diệu, vị thủ tướng quá cố của Singapore, từng nghi ngờ khả năng của Mỹ có thể thích nghi với một Trung Quốc đang trỗi dậy. “Về mặt cảm xúc, thật rất khó chấp nhận việc Mỹ bị thay thế, không phải trên thế giới mà chỉ trong vùng tây Thái Bình Dương, bằng một dân tộc châu Á từ lâu bị khinh rẻ, bị coi là suy đồi, yếu ớt, tham nhũng và lạc hậu… Ý thức về uy thế văn hóa của người Mỹ càng làm cho sự thích nghi trở nên khó khăn bội phần”, ông Lý nói trong một cuộc phỏng vấn năm 1999.
Tuy vậy, về nhiều phương diện, chủ nghĩa biệt lệ (exceptionalism) của Trung Quốc còn có ảnh hưởng sâu rộng hơn nhiều so với đối tác Mỹ. “Đế quốc [Trung Hoa] tự coi mình là trung tâm của vũ trụ văn minh,” sử gia Harry Gelber viết như vậy trong cuốn sách Nations Out Of Empires xuất bản năm 2001. Suốt thời kỳ quân chủ chuyên chế, “các học giả-quan chức Trung Hoa thường không nghĩ về một ‘Trung Hoa’ hoặc ‘nền văn minh Trung Hoa’ theo ngữ nghĩa hiện nay. Đối với họ, chỉ có dân tộc Hán và ngoài họ ra thì chỉ còn những kẻ man di (barbarism). Những gì không văn minh, theo định nghĩa, đều là man di.”
Ngày nay, người Trung Quốc vẫn rất hãnh diện về những thành tựu văn minh của mình. “Đất nước chúng ta là đất nước vĩ đại”, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố trong một bài diễn văn năm 2012. “Trong suốt quá trình văn minh hóa và phát triển kéo dài hơn 5.000 năm, dân tộc Trung Hoa đã có những đóng góp không thể phủ nhận được vào nền văn minh và sự tiến bộ của loài người”, ông Tập nói. Thật vậy, trong cuốn sách xuất bản năm 2014 của mình, The Governance of China, ông Tập tuyên bố rằng “Nền văn minh liên tục của Trung Quốc là một thành tựu độc đáo của lịch sử nhân loại, trên trái đất không gì sánh nổi”.
Người Mỹ cũng tự nhìn mình như là người tiên phong của văn minh, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển chính trị. Niềm say mê tự do đã được trân trọng khắc ghi trong văn bản cốt lõi của tư tưởng chính trị Mỹ, bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố “mọi người sinh ra đều bình đẳng, Tạo hóa cho họ những quyền không thể xâm phạm được”. Những quyền đó, bản Tuyên ngôn xác định, là “quyền Sống, quyền Tự do và quyền Mưu cầu Hạnh phúc”. Bản Tuyên ngôn cũng khẳng định đây là sự thật “hiển nhiên”, không phải bàn cãi. Như nhà viết sử Mỹ Richard Hofstadter viết: “Định mệnh của chúng ta, với tư cách một dân tộc, không phải là có những hệ tư tưởng, mà là một hệ tư tưởng”. Trái lại, giá trị chính trị trung tâm của Trung Quốc là trật tự – trật tự sinh ra từ hệ thống tôn ti, thang bậc. Tự do cá nhân, theo cách hiểu của người Mỹ , sẽ phá hủy tôn ti trật tự; và theo quan điểm của người Trung Quốc, nó sẽ kích hoạt hỗn loạn.
Làm như tôi nói… và như tôi làm?
Những sự dị biệt về triết lý này sẽ thể hiện trong quan niệm của mỗi nước về chính phủ. Mặc dù có nỗi hoài nghi sâu sắc đối với quyền lực, các nhà lập quốc Mỹ vẫn công nhận rằng, xã hội cần có chính quyền. Nếu không thì ai sẽ bảo vệ các công dân khỏi những mối đe dọa của ngoại bang hoặc của bọn tội phạm vi phạm quyền của họ ở trong nước? Tuy nhiên, các nhà lập quốc bị vướng vào một nan đề: một chính phủ mạnh đủ để thực hiện các nhiệm vụ thiết yếu của mình sẽ có xu hướng trở nên chuyên chế và bạo ngược. Để xử lý thách thức này, họ thiết kế ra một chính phủ có “các định chế riêng biệt cùng chia sẻ quyền lực,” như miêu tả của nhà sử học Richard Neustadt. Kiểu chính phủ này cố tình tạo ra cuộc ganh đua thường xuyên giữa các nhánh hành pháp, tư pháp và lập pháp, dẫn tới sự trì hoãn, bế tắc, thậm chí rối loạn chức năng của chính phủ. Nhưng nó cũng tạo ra cơ chế kiểm tra và cân bằng, chống lại sự lạm dụng quyền lực.
Quan niệm của Trung Quốc về chính quyền và vai trò của chính quyền trong xã hội thì rất khác. Theo ghi nhận của ông Lý, “Lịch sử và văn hóa của nước này cho thấy khi nào có một trung tâm quyền lực hùng mạnh (Bắc Kinh hoặc Nam Kinh) thì đất nước hòa bình và thịnh vượng. Khi trung tâm bị suy yếu thì các tỉnh, các huyện rơi vào tay của các lãnh chúa”. Như vậy, kiểu chính phủ trung ương hùng mạnh mà người Mỹ chống lại thì đối với người Trung Quốc lại là một nhân tố chủ yếu để duy trì trật tự và lợi ích công cộng, ở cả trong nước và nước ngoài.
Đối với người Mỹ , dân chủ là hình thức công bằng duy nhất của chính quyền: quyền cai trị thoát thai từ tính chính danh (legitimacy), từ sự ưng thuận của người dân bị cai trị. Đây không phải là quan niệm phổ biến ở Trung Quốc, nơi người ta thường tin rằng, chính phủ có được hoặc đánh mất tính chính danh chính trị tùy thuộc vào kết quả điều hành. Tại một diễn đàn TED Talk gây nhiều tranh cãi năm 2013, một nhà đầu tư tài chính tại Thượng Hải là Eric Li đã thách thức cái gọi là tính ưu việt của thể chế dân chủ. “Có lần người ta hỏi tôi, ‘Đảng [Cộng sản Trung Quốc] không được bầu lên qua bầu cử. Thế thì đâu là cội nguồn của tính chính danh?’, ông kể lại. “Tôi nói: ‘Thế năng lực thì sao?’”. Ông nhắc nhở khán giả rằng năm 1949, khi đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền, “Trung Quốc tan hoang vì nội chiến, bị các thế lực xâm lược nước ngoài chia năm xẻ bảy, và tuổi thọ trung bình của người dân lúc ấy chỉ là 41 tuổi. Ngày nay [Trung Quốc] là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, một cường quốc công nghiệp và nhân dân ngày càng giàu có”.
Washington và Bắc Kinh cũng có những cách tiếp cận khác nhau rõ ràng khi quảng bá các giá trị chính trị nền tảng của họ ra quốc tế. Người Mỹ tin rằng nhân quyền và dân chủ là những khát vọng có tính phổ quát cho mọi dân tộc, cho nên mô hình của Mỹ cần được thực hiện ở khắp nơi. Mỹ, như Huntington viết trong cuốn sách kế tiếp của ông, The Clash of Civilisations, là “một dân tộc truyền giáo”, được thôi thúc bởi niềm tin “rằng các dân tộc ngoài Tây phương nên tự gắn bó với các giá trị Tây phương và nên tích hợp các giá trị này vào các định chế của họ.” Đa số người Mỹ tin rằng các quyền dân chủ đem lại lợi ích cho mọi người, ở mọi nơi trên thế giới.
Nhiều thập niên qua, Washington đã theo đuổi một chính sách ngoại giao tìm cách thúc đẩy nguyên tắc dân chủ – thậm chí đôi khi họ gắng áp đặt nó lên những xã hội đã thất bại trong việc tự xây dựng dân chủ. Trái lại, mặc dù người Trung Quốc tin rằng, các dân tộc khác đang nhìn họ, thán phục những thành công của họ, và thậm chí cố gắng bắt chước hành vi của họ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã không khuyến khích người khác đi theo cách tiếp cận của mình. Như nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ Henry Kissinger có lần lưu ý: Trung Quốc đế quốc “không xuất khẩu các ý tưởng của mình mà để người khác tự tìm đến chúng”. Và do đó không nên ngạc nhiên khi thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn hoài nghi sâu sắc những nỗ lực của Mỹ nhằm cải hóa họ theo tín điều của người Mỹ . Vào cuối thập niên 1980, Đặng Tiểu Bình – người lãnh đạo Trung Quốc từ năm 1978 đến 1989 và khởi động tiến trình tự do hóa kinh tế của nước này – than phiền với một chính khách đang viếng thăm Trung Quốc lúc ấy rằng phương Tây nói về “nhân quyền, tự do và dân chủ được thiết kế chỉ để bảo vệ quyền lợi của các nước mạnh và giàu có, những nước lợi dụng sức mạnh để dọa nạt các nước yếu kém, để theo đuổi bá quyền và thực hành chính trị sức mạnh”.
Nghĩ nhanh và nghĩ chậm
Ý thức của người Mỹ và người Trung Quốc về quá khứ, hiện tại và tương lai có sự khác biệt căn bản. Người Mỹ tự hào chào mừng nước mình chuyển sang tuổi 214 hồi tháng Bảy; còn người Trung Quốc thích nhắc nhở rằng, lịch sử của nước họ trải dài tới 5 thiên niên kỷ. Các nhà lãnh đạo Mỹ thường đề cập tới “những cuộc thử nghiệm của Mỹ ” và những chính sách đôi khi có vẻ ngẫu hứng của họ phản ánh tâm thế đó. Trung Quốc, trái lại, tự thấy mình như cột trụ cố định của vũ trụ, nó đã luôn như thế và cũng sẽ luôn như thế.
Nhờ ý thức về thời gian được mở rộng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc rất cẩn thận khi phân biệt cái “ác tính” với cái “mãn tính”, cái “khẩn cấp” với cái chỉ “quan trọng”. Thật khó hình dung một nhà lãnh đạo chính trị Mỹ có thể đề nghị xếp lại một vấn đề chính sách đối ngoại quan trọng để chờ thế hệ sau giải quyết. Tuy nhiên, ông Đặng đã làm đúng như vậy năm 1979 khi ông dẫn đầu phía Trung Quốc trong các cuộc đàm phán với Nhật Bản về nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư và chấp nhận một giải pháp cuối cùng hơn là một giải pháp trước mắt cho vụ tranh chấp.
Tỏ ra ngày càng nhạy cảm với nhu cầu của vòng xoáy truyền thông và dư luận của công chúng, các chính trị gia Mỹ sử dụng mạng Twitter hoặc công bố chính sách theo kiểu gạch đầu dòng hứa hẹn sẽ có giải pháp nhanh chóng. Ngược lại, các nhà lãnh đạo Trung Quốc thì nhẫn nại hơn về mặt chiến lược: chừng nào các xu hướng vẫn còn chuyển động theo hướng có lợi cho họ thì họ thoải mái chờ cho vấn đề trôi qua. Người Mỹ nghĩ mình là người giải quyết vấn đề. Cái chủ nghĩa ăn non của người Mỹ thể hiện ở chỗ họ luôn nhìn thấy vấn đề là những việc riêng lẻ, hữu hạn cần giải quyết ngay bây giờ để chuyển sang các vấn đề khác. Nhà văn và sử gia Mỹ Gore Vidal có lần gọi nước ông là “Hợp chủng quốc chóng quên” (the United States of Amnesia, thay vì the United States of America) – nơi mà mỗi ý tưởng là một sự canh tân và mỗi cuộc khủng hoảng đều chưa có tiền lệ. Điều này tương phản sâu sắc với ký ức lịch sử và ký ức cộng đồng của người Trung Quốc – những người cho rằng dưới ánh mặt trời thì không có gì mới mẻ cả.
Thật vậy, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có khuynh hướng tin rằng nhiều vấn đề không thể giải quyết được mà chỉ có thể quản lý chúng. Họ nhìn các thách thức như là các vấn đề dài hạn, lặp đi lặp lại – những vấn đề mà họ phải đối mặt hôm nay là kết quả những quá trình đã diễn ra trong năm ngoái, trong thập niên trước hoặc thậm chí trong thế kỷ trước. Các hành động chính sách họ thực hiện hôm nay chỉ đơn giản là góp phần vào cái tiến trình đó. Ví dụ, từ năm 1949, Đài Loan đã được cai trị bởi cái mà Bắc Kinh gọi là những người dân tộc chủ nghĩa Trung Hoa phản bội. Mặc dù các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn nhấn mạnh rằng Đài Loan vẫn là một bộ phận không tách rời của Trung Quốc song họ theo đuổi một chiến lược trường kỳ, áp dụng việc siết chặt dần các mối ràng buộc về kinh tế và xã hội để thu hút hòn đảo này trở về.
Ai là ông chủ?
Cuộc xung đột về văn minh gây khó khăn lớn nhất cho Washington và Bắc Kinh khi tìm cách thoát khỏi chiếc bẫy Thucydides lại nổi lên từ các quan điểm đang cạnh tranh giữa hai bên về trật tự thế giới. Cách đối xử của Trung Quốc với dân chúng của mình cung cấp một kịch bản để hiểu quan hệ giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng nhỏ hơn và yếu hơn. Đảng Cộng sản Trung Quốc duy trì trật tự bằng cách cưỡng đặt một hệ thống tôn ti trật tự có tính chất chuyên chế, đòi hỏi dân chúng của họ phải tôn kính và tuân phục. Hành vi của Trung Quốc trên trường quốc tế cũng phản ánh các kỳ vọng tương tự về trật tự thế giới: trong một khoảnh khắc bất ngờ tại hội nghị Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Asean) ở Hà Nội năm 2010, đáp lại những lời than phiền về sự hung hăng của Trung Quốc ngoài Biển Đông, bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc lúc đó là Dương Khiết Trì (Yang Jiechi) đã nói thẳng với những người đồng nhiệm khu vực và ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton rằng “Trung Quốc là một nước lớn, các nước khác là nước nhỏ và đó là một thực tế”.
Trái lại, các nhà lãnh đạo Mỹ mong muốn một hệ thống pháp quyền quốc tế (international rule of law) về căn bản phản ánh rõ ràng pháp quyền nội bộ của Mỹ (U.S. domestic rule of law). Nhưng đồng thời, họ cũng ý thức được thực tế quyền lực trong khu rừng toàn cầu kiểu Hobbesian (*), ở đó làm sư tử bao giờ cũng tốt hơn làm cừu non. Washington thường cố gắng dung hòa mâu thuẫn này qua việc miêu tả một thế giới trong đó Mỹ là một kẻ bá quyền nhân hậu, hành động như một nhà lập pháp của thế giới, một cảnh sát viên, một quan tòa…
(*) Khu rừng toàn cầu kiểu Hobbesian: ẩn dụ từ quan điểm của nhà triết học chính trị Anh Thomas Hobbes (1588-1679), được trình bày chủ yếu trong tác phẩm Leviathan (1651). Hobbes coi xã hội như một khu rừng, trong đó mỗi cá nhân đều cho rằng mình có quyền với tất cả mọi thứ, dẫn tới cuộc “chiến tranh tất cả chống lại tất cả”, mạnh được yếu thua. Để thoát ra khỏi tình trạng man rợ này, xã hội cần có một khế ước chung sao cho quyền lợi của người này không mâu thuẫn với người khác và cần có một chính quyền chuyên chính để thực thi khế ước đó… Hobbes được coi là một trong những người đặt nền móng cho triết học chính trị phương Tây hiện đại. (ND) |
Washington thôi thúc các cường quốc khác hãy chấp nhận cái trật tự quốc tế dựa trên luật pháp mà trong đó Mỹ đang ngự trị. Nhưng dưới mắt người Trung Quốc, có vẻ như người Mỹ làm ra luật và các nước khác phải tuân theo mệnh lệnh của Washington. Đại tướng Martin Dempsey, cựu chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân Mỹ , là người quá quen thuộc với nỗi ác cảm có thể tiên đoán được mà cách nhìn này gây nên ở Trung Quốc. “Một trong những điều tôi thấy thú vị về người Trung Quốc là bất cứ khi nào tôi nói chuyện với họ về các tiêu chuẩn quốc tế hoặc luật lệ quốc tế trong cách hành xử, họ hầu như đều chỉ ra rằng, các luật lệ đó được hình thành khi họ chưa có mặt trên vũ đài thế giới”, ông Dempsey nhận xét trong một bài trả lời phỏng vấn tạp chí Foreign Affairs năm ngoái.
Bạn có thể đi theo đường của bạn
Mỹ đã trải qua ba thập niên là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới. Trong thời gian này, ảnh hưởng to lớn của Washington lên những vấn đề của thế giới đã làm cho nhu cầu hiểu biết văn hóa Mỹ và cách tiếp cận chiến lược của Mỹ trở nên cấp bách cho giới tinh hoa và lãnh đạo các quốc gia khác. Người Mỹ , trái lại, thường cảm thấy rằng họ không cần phải suy nghĩ cẩn thận về thế giới quan của người nước khác – một sự thiếu quan tâm được khuyến khích bởi niềm tin trong nhiều người thuộc giới tinh hoa ở Mỹ rằng, dù thế nào đi nữa, phần còn lại của thế giới sẽ chậm rãi nhưng chắc chắn trở nên giống với Mỹ.
Tuy vậy trong những năm gần đây, sự trỗi dậy của Trung Quốc đã thách thức sự dửng dưng đó. Các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ đang bắt đầu nhận ra rằng họ phải cải thiện sự hiểu biết của họ về Trung Quốc – đặc biệt là tư duy chiến lược của người Trung Quốc. Các nhà hoạch định chính sách và phân tích chính trị của Mỹ cũng đã bắt đầu nhìn thấy những đặc điểm khác biệt rõ ràng trong cách mà đối tác Trung Quốc nghĩ về việc sử dụng sức mạnh quân sự. Khi quyết định nên hay không nên, lúc nào và cách thức nào để tấn công kẻ thù, các nhà lãnh đạo Trung Quốc phần lớn đều tỏ ra chín chắn và thực dụng. Tuy vậy, các nhà phân tích và hoạch định chính sách của Mỹ đã xác định được năm điều giả định và thiên hướng có thể giải thích cho hành vi chiến lược của Trung Quốc trong các cuộc xung đột.
Thứ nhất, cả trong chiến tranh và hòa bình, chiến lược của Trung Quốc được thúc đẩy bởi sự thực dụng trắng trợn, không bị vướng víu vào bất kỳ nhu cầu nào cần có để biện minh cho hành vi của họ về phương diện luật pháp quốc tế hoặc quy tắc đạo đức. Điều này cho phép chính phủ Trung Quốc hành xử linh hoạt, hoặc tráo trở một cách độc ác, bởi vì họ cảm thấy gần như không bị kiềm chế bởi những tiền lệ và gần như miễn nhiễm với mọi sự phê phán “tiền hậu bất nhất”. Một ví dụ, khi Henry Kissinger tới Trung Quốc năm 1971 để bắt đầu các cuộc hội đàm bí mật về nối lại quan hệ Mỹ -Trung, ông thấy những người đối thoại với mình chẳng mảy may quan tâm tới vấn đề ý thức hệ và họ thành thật một cách kinh hoàng về quyền lợi quốc gia của Trung Quốc. Trong khi Kissinger và tổng thống Mỹ Richard Nixon thấy cần phải biện minh cho sự thỏa hiệp mà cuối cùng họ phải đi đến nhằm chấm dứt chiến tranh Việt Nam như là “hòa bình trong danh dự” thì lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông lại thấy không cần phải giả vờ rằng việc thiết lập quan hệ với Mỹ tư bản chủ nghĩa – để củng cố vị thế của Trung Quốc cộng sản mặt đối mặt với Liên xô – là nhằm thúc đẩy phong trào quốc tế xã hội chủ nghĩa rộng lớn hơn.
Có thể nói rằng cách tiếp cận mang tính thực dụng của Trung Quốc đối với chính trị quốc tế đã giúp Trung Quốc có lợi thế so với Mỹ, và quan điểm chiến lược về thế giới bị ám ảnh bởi sự toàn diện của Trung Quốc cũng vậy. Các nhà kế hoạch Trung Quốc thấy mọi sự việc đều được nối kết với nhau. Cái bối cảnh đang vận động trong đó xảy ra một tình huống chiến lược nào đó sẽ quyết định cái mà Trung Quốc gọi là “thế” (shi). Thuật ngữ này không thể dịch trực tiếp sang tiếng Anh nhưng có thể hiểu như là “năng lực tiềm tàng”, hoặc “động lực” vốn có trong mọi hoàn cảnh tại một thời điểm nào đó. Thế bao gồm cả địa lý và địa hình, thời tiết, cân bằng lực lượng, yếu tố bất ngờ, quy tắc đạo đức và nhiều yếu tố khác nữa. “Mỗi yếu tố có ảnh hưởng tới các yếu tố khác, kích hoạt những sự dịch chuyển tinh vi trong động lực và lợi thế tương đối,” như Kissinger đã viết trong cuốn sách On China xuất bản năm 2011 của ông. Như vậy, một nhà chiến lược tài năng của Trung Quốc sẽ dành phần lớn thời gian của mình để kiên nhẫn “quan sát và nuôi dưỡng những sự thay đổi trong cảnh quan chiến lược” và chỉ hành động khi mọi sự đã được sắp xếp tối ưu. Khi ấy, ông ta sẽ ra tay rất nhanh. Với người quan sát, kết quả rõ ràng là khó tránh khỏi.
Đối với các nhà chiến lược Trung Quốc, chiến tranh trước tiên là chiến tranh chính trị và chiến tranh tâm lý. Trong lối suy nghĩ của người Trung Quốc, cảm nhận của đối phương về những dữ kiện trong thực tế cũng quan trọng không kém bản thân các dữ kiện đó. Trong thời quân chủ Trung Quốc, tạo ra và nuôi dưỡng hình ảnh về một nền văn minh Trung Hoa ưu việt tới mức đại diện cho “trung tâm của vũ trụ” là nhằm ngăn ngừa các kẻ thù dám thách thức sự thống trị của Trung Quốc. Ngày nay, câu chuyện về sự trỗi dậy tất yếu của Trung Quốc và sự suy thoái không thể đảo ngược của Mỹ cũng đang sắm một vai trò tương tự.
Theo truyền thống, người Trung Quốc tìm kiếm chiến thắng không phải trong một trận đánh quyết định mà thông qua hành động gặm nhấm từng bước được thiết kế để cải thiện dần dần vị thế của họ. David Lai, một chuyên gia về các vấn đề quân sự châu Á, đã minh họa cho lối tiếp cận này bằng cách so sánh môn cờ vua với môn cờ tương tự của Trung Quốc, gọi là cờ vây (weiqi), tiếng Anh đôi khi gọi là cờ “Go”. Trong cờ vua, kỳ thủ tìm cách chiếm lĩnh trung tâm của bàn cờ và khuất phục đối phương. Trong cờ vây, kỳ thủ tìm cách bao vây đối phương. Nếu một cao thủ cờ vua nghĩ trước từ năm đến sáu nước đi thì cao thủ cờ vây phải tính trước hai mươi, ba mươi nước đi. Xem xét mọi phương diện của mối quan hệ rộng rãi giữa Trung Quốc với các địch thủ, các chiến lược gia Trung Quốc thường cưỡng lại ý muốn nôn nóng đạt tới chiến thắng kiểu ăn non; thay vì vậy họ nhắm xây dựng lợi thế từng bước một. “Trong truyền thống phương Tây, người ta thường nhấn mạnh vào việc sử dụng vũ lực; binh pháp chủ yếu giới hạn trong hoạt động ở chiến trường và phương thức chiến đấu là lấy vũ lực đối đầu với vũ lực,” ông Lai viết trong một bản phân tích năm 2004 cho Viện nghiên cứu chiến lược của trường Đại học Chiến tranh thuộc bộ Lục quân Mỹ. Trái lại, “triết lý đằng sau môn cờ vây… là giành kết quả tương đối hơn là tìm cách hủy diệt hoàn toàn lực lượng của đối phương.” Và trong một lời nhắn nhủ khôn ngoan, ông Lai cảnh báo “sẽ rất nguy hiểm khi chơi cờ vây bằng não trạng của kỳ thủ cờ vua”.
Hãy thương lượng
Washington rất nên để ý tới lời cảnh báo đó. Trong những năm sắp tới, bất kỳ điểm nóng nào cũng có thể gây ra khủng hoảng trong quan hệ Trung Quốc-Mỹ, bao gồm những vụ tranh chấp lãnh thổ ngày càng tăng ở Biển Đông và xung đột về chương trình vũ khí hạt nhân mới manh nha của Bắc Triều Tiên. Bởi vì quân đội Trung Quốc cần có thêm ít nhất một thập niên hay hơn nữa mới có khả năng bắt kịp năng lực của quân đội Mỹ nên Trung Quốc sẽ rất thận trọng và cảnh giác với mọi sự sử dụng vũ lực gây sát thương chống lại người Mỹ. Bắc Kinh vẫn sẽ coi sức mạnh quân sự là công cụ thứ yếu trong chính sách ngoại giao của mình, sẽ không tìm kiếm chiến thắng trên chiến trường mà tìm cách hoàn thành các mục tiêu quốc gia. Trung Quốc sẽ thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế và ngoại giao với các nước láng giềng, làm sâu sắc thêm sự phụ thuộc của các nước này vào Trung Quốc, và sử dụng đòn bẩy kinh tế để khuyến khích (hoặc dọa nạt) sự hợp tác ở các vấn đề khác. Mặc dù người Trung Quốc, theo truyền thống, vẫn coi chiến tranh là giải pháp cuối cùng, nhưng nếu Trung Quốc rút ra kết luận rằng các xu hướng lâu dài không còn chuyển dịch theo hướng có lợi cho họ và họ đang mất dần sức mạnh mặc cả thì Trung Quốc có thể kích động một xung đột quân sự giới hạn để cố gắng đảo ngược các xu hướng ấy.
Lần mới nhất mà Mỹ phải đối mặt với những rủi ro kiểu Thucydides cực kỳ nghiêm trọng là trong thời Chiến tranh Lạnh – đặc biệt là trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Hồi tưởng lại cuộc khủng hoảng vài tháng sau khi nó được giải quyết, tổng thống Mỹ John F. Kennedy nhận ra một bài học có giá trị bền vững: “Trên hết, trong khi chúng ta bảo vệ những lợi ích thiết yếu của chúng ta thì các cường quốc hạt nhân phải tránh tất cả những cuộc đối đầu nào có thể buộc địch thủ phải lựa chọn, hoặc rút lui nhục nhã, hoặc chiến tranh hạt nhân.” Bất chấp những tuyên bố cứng rắn của Moscow, thủ tướng Liên Xô Nikita Khrushchev cuối cùng cũng kết luận rằng, ông ta có thể thỏa hiệp về vũ khí hạt nhân ở Cuba. Tương tự như vậy, Kissinger và Nixon sau này phát hiện ra rằng, ông Mao Trạch Đông của Trung Quốc là người rất khôn khéo, sẵn sàng từ bỏ ý thức hệ nếu điều đó phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc.
Ông Tập và tổng thống Mỹ Donald Trump đều đưa ra những đòi hỏi tối đa, đặc biệt là trong vấn đề Biển Đông. Nhưng cả hai ông đều là những nhà thương lượng dày dạn. Chính phủ của ông Trump càng hiểu rõ cách thức Bắc Kinh nhìn nhận vai trò của Trung Quốc trên thế giới và các lợi ích cốt lõi của quốc gia, thì họ càng chuẩn bị tốt hơn khi bước vào các cuộc thương lượng. Vấn đề còn lại là nhận thức tâm lý: ngay cả những quan chức dày dạn của bộ Ngoại giao Mỹ vẫn thường quan niệm sai lầm rằng lợi ích cốt lõi của Trung Quốc phản ánh lợi ích của chính Mỹ. Vì vậy, sẽ là khôn ngoan nếu các quan chức giờ đây đang soạn thảo cách tiếp cận của chính phủ Trump với Trung Quốc chịu đọc lại Tôn Tử (Sun Tzu), nhà triết học cổ đại Trung Quốc: “Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng; biết ta không biết địch, có thua có thắng; không biết ta cũng không biết địch, trận nào cũng thua”.
Theo VS / NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ