⠀
Chúng ta nên ứng xử với các loài vật như thế nào?
Trong câu chuyện chém lợn và chuyện 3 tấn mèo bị cảnh sát môi trường tiêu hủy, tôi cho rằng mấu chốt vấn đề cần tranh luận có lẽ là ứng xử với loài vật (animal ethics) và câu chuyện về mối quan hệ giữa người và vật (animal-human relation).
Vậy thì chém lợn, tiêu hủy và chôn sống 3 tấn mèo là đúng hay là sai, xét từ phạm trù đạo đức (ethics, moral philosophy)? Cũng từ góc độ này, các câu hỏi có thể được đặt ra, đó là: Liệu chúng ta có quyền đối xử với loài vật như với một thứ thấp hèn, hạ đẳng hay không? Nếu có thì chúng ta và loài vật khác nhau ở đâu để dẫn tới việc chúng ta cho rằng chúng ta cao quý hơn loài vật? Nếu không thì thừa nhận quyền của loài vật như thế nào? Và nếu như loài vật cũng có quyền (giống như chúng ta có quyền con người) thì chúng ta cần có nghĩa vụ ứng xử như thế nào đối với chúng? Ngoài ra, có sự khác biệt gì không trong ứng xử với động vật hoang dã, động vật gây nguy hiểm cho tính mạng con người và ứng xử với vật nuôi (ví dụ, chó, mèo)? Tiếp nữa, chúng ta cân bằng thế nào giữa các quyền của mỗi cá thể (inpidual rights) khi các quyền ấy mâu thuẫn nhau? Chẳng hạn, nếu chúng ta cho rằng động vật nào cũng có quyền được sống, thế thì tại sao chúng ta có quyền ăn thịt một số động vật mà không bị lên án, nhưng khi ăn thịt một số động vật khác thì chúng ta lại bị lên án? Mặt khác, nếu động vật cũng có quyền được sống, vậy thì quyền sống của con người có được bảo vệ không khi quyền ấy bị đe dọa bởi động vật? Gần đây tôi nghe trên BBC Radio câu chuyện một thợ săn người Uganda đã săn lùng và giết chết bằng được một con cá sấu bởi vì con cá sấu đó đã ăn thịt vợ bác cùng đứa con 8 tháng chưa kịp chào đời. Vậy thì việc giết một con cá sấu vì nó đe dọa tính mạng con người là đúng hay sai? Và, liệu có thể so sánh việc giết con cá sấu ăn thịt người với việc giết chết (chém chết) một con lợn không (chưa) gây hại gì đến ai cũng như việc tiêu hủy 3 tấn mèo có thể có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng (dù chưa được kiểm chứng)?
Những phán xét thuộc phạm trù đạo đức (moral judgements), theo nhà triết học James Rachels (1993), không nên là những phán xét dựa trên sự yêu ghét cá nhân, cảm tính. Chẳng hạn, nếu như bạn không thích một tách cà phê, bạn có thể nói rằng bạn không thích và bạn không cần phải có lý do bào chữa cho việc bạn không thích. Bạn cũng không thể bắt tất cả mọi người phải cảm nhận theo cách của bạn: cùng ghét cà phê. Tương tự, nếu bạn không thích việc chém lợn, bạn cũng không nên cưỡng ép mọi người phải căm ghét việc chém lợn. Hay nếu như bạn ghét ăn thịt mèo, bạn cũng không thể bắt người khác phải ghét ăn thịt mèo như bạn. Thế nhưng, nếu như bạn đặt vấn đề việc chém lợn, việc ăn thịt mèo, việc tiêu hủy mèo, là sai (morally wrong) thì đó không còn là sự yêu ghét cá nhân, cảm tính nữa. Và nếu bạn đưa ra được những lý do để chứng minh cho nhận định đó, và những người phản đối bạn không đưa ra được những lập luận thuyết phục hơn thì họ buộc phải chấp nhận rằng việc chém lợn là sai. Thí dụ, một trong những lý do thông thường vẫn được đưa ra để biện minh cho việc con người có quyền định đoạt sinh mệnh của loài vật là bởi vì con người có ngôn ngữ và năng lực tư duy. Thế nhưng, nhà triết học Jeremy Bentham (thế kỷ 18) đã thách thức lập luận nói trên bằng các nghi vấn: Có thật sự động vật không có năng lực tư duy? Có thật sự động vật không biết nói? Có thật sự động vật không biết chịu đựng sự đau đớn? Ngày nay, khoa học đã chứng minh rằng động vật có khả năng suy nghĩ, thể hiện suy nghĩ theo cách riêng của chúng, và cũng có ngôn ngữ theo cách riêng của chúng. Như vậy, ngôn ngữ và khả năng suy nghĩ không phải là khả năng chỉ có ở loài người, và do đó, không thể là lý do để biện minh cho sự khác biệt giữa người và vật.
Giáo sư Clare Palmer (Đại học Texas, Austin, Mỹ) và giáo sư Peter Sandøe (Đại học Copenhagen, Đan Mạch) trong cuốn Animal Welfare (tạm dịch Phúc lợi động vật) đã cho rằng cái gọi là đúng và sai trong câu chuyện ứng xử với loài vật không phải là một “factual question” (loại câu hỏi có thể trả lời bằng thực chứng, bằng cách cân đong đo đếm). Hai học giả này đã tổng kết lại 5 quan điểm ứng xử với loài vật, đó là:
Thứ nhất, tuyệt đối độc tôn lợi ích của con người. Theo đó, trong ứng xử với loài vật, lợi ích của con người phải được đặt lên trên hết. Loài vật không thể và không bao giờ được coi là ngang bằng với con người.
Thứ hai, bắt nguồn từ lý thuyết “telos” của Aristotle, quan điểm thứ hai cho rằng trong ứng xử với loài vật, cái quan trọng là hiệu quả, là đích đến. Do vậy, việc giết chóc, chém giết loài vật có thể chấp nhận được nếu nó giúp cho sự sinh tồn của loài người. Tuy nhiên, ngoài lợi ích của con người, quan điểm này cũng xem xét đến việc giảm thiểu sự đau đớn cho loài vật. Theo đó, giết chết loài vật không phải là hành vi sai trái, nhưng sẽ là sai trái khi nó gây ra sự đau đớn cho loài vật.
Thứ ba, từ góc độ quyền của động vật (animal rights view), các nhà triết học, đạo đức học, và khoa học cho rằng động vật có nhu cầu, sở thích, và cũng có quyền (chẳng hạn, quyền được trải nghiệm cuộc sống, quyền được tự do sống, hay thậm chí quyền tự vệ). Luận điểm này nhấn mạnh rằng động vật là những sinh vật có cảm giác (sentient), cũng biết trải nghiệm các cung bậc cảm xúc và cũng biết đau đớn. Do vậy, quyền, nhu cầu, sở thích của loài vật cần phải được tôn trọng.
Thứ tư, quan điểm thứ tư cho rằng dù mỗi loài là mỗi cá thể nhưng vẫn có sợi dây liên hệ giữa cảm xúc của con người với cảm xúc của loài vật. Chẳng thế mà, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều câu chuyện về mèo cứu chủ, chó cứu chủ, mèo sưởi ấm cho em bé bị bỏ rơi, mèo là bạn của người già cô đơn. Có nghĩa là ở đây, phúc lợi của con người (human welfare) đã không thể tách rời với phúc lợi của động vật (animal welfare). Do vậy, hành vi đạo đức đúng đắn trong ứng xử với loài vật nên là sự cảm thông và quan tâm, chăm sóc lẫn nhau.
Thứ năm, quan điểm tôn trọng tự nhiên (respect for nature) cho rằng trong ứng xử với loài vật thì việc bảo vệ chúng khỏi họa tuyệt chủng mới là quan trọng nhất. Theo quan điểm này, chúng ta có thể giam giữ một con vật trong vườn thú để bảo tồn nòi giống cho chúng cho dù việc giam giữ này có thể mang đến sự bất tiện hay gây khó chịu cho con vật đó.
Tôi cho rằng những căn cứ mà tổ chức Animal Asia hay các nhà kêu gọi quyền của động vật đưa ra là dựa trên quan điểm thứ ba, quan điểm thừa nhận động vật cũng có khả năng cảm nhận, cảm giác như con người, và vì vậy chúng nên được đối xử bình đẳng và chúng không đáng phải chịu đựng sự đau đớn.Trong khi đó, phần lớn chúng ta đang đứng ở quan điểm thứ nhất để đối thoại. Vì vậy mà chúng ta không thể tìm được tiếng nói chung. Ở một xứ sở văn minh như nước Úc, tôi vẫn thỉnh thoảng thấy kangaroo bị xe cán chết và hất lên lề đường. Tôi thậm chí đã chụp được một vài bức ảnh như vậy. Thịt kangaroo ở Úc vẫn bị xẻ bán hàng loạt và xuất sang các nước châu Âu. Tôi thậm chí cũng từng thử ăn thịt kangaroo. Nhưng sau khi nhìn thấy kangaroo thì tôi đã từ bỏ việc ăn thịt con vật này bởi vì tôi thấy chúng quá dễ thương. Tất nhiên, đây là lựa chọn ứng xử của cá nhân tôi. Tôi không thể cấm những người khác không ăn thịt kangaroo. Vấn đề ở đây là dù ăn thịt kangaroo nhưng người Úc vẫn quan tâm đến việc không làm cho con vật ấy phải chịu đựng sự hành hạ và đau đớn. Trong khi đó, ở Việt Nam, khái niệm phúc lợi động vật vẫn còn là một thứ rất xa lạ.
Trở lại với câu chuyện lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng. Tôi hiểu rằng mỗi vùng, mỗi nước sẽ có những phong tục, tập quán khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Các cụ làng Ném Thượng vẫn khăng khăng giữ tục lệ xưa cũ và tôi đồng ý là chúng ta không thể dùng tư duy đám đông để cưỡng ép một bộ phận thiểu số dân làng Ném Thượng tuân theo. Tuy nhiên, trong câu chuyện này, có lẽ chúng ta cũng nên bàn đến cách chúng ta tư duy về tính phổ quát (universalism) và tư duy về tính cá biệt (relativism) bởi theo tôi, hai cách tư duy này đều khiếm khuyết. Tôi không ủng hộ tư duy phổ quát theo kiểu “nước ngoài làm vậy, trong nước mình cũng phải làm theo như vậy”. Tôi không cho rằng chúng ta cứ nhất thiết phải học theo phương Tây thì mới gọi là văn minh. Nhưng tôi cũng thấy cách tư duy cá biệt theo kiểu nhân danh truyền thống, pháp luật, văn hóa của một vùng miền, một quốc gia, là không thuyết phục, là thiếu tính phản biện. Hai cách tư duy nói trên, xét cho cùng, đều là tư duy đối lập (oppositional thinking), tức là kiểu tư duy hoặc là chỉ có anh đúng hoặc là chỉ có tôi đúng. Với kiểu tư duy đối lập này, chúng ta sẽ tạo ra những tranh cãi miên man bất tận (bởi vì hoặc là anh đúng hoặc là tôi đúng) nhưng sẽ khó có thể tìm được tiếng nói chung để giải quyết bất kỳ mâu thuẫn nào.
Với câu chuyện tiêu hủy 3 tấn mèo khi chưa có giấy chứng nhận kiểm dịch, ở góc độ pháp trị, tôi cho rằng đây là hành vi nóng vội, chủ quan. Ở góc độ đạo đức, tôi cho rằng đây là cách ứng xử tuyệt đối độc tôn lợi ích của con người. Ở góc độ nhận thức luận, tôi cho rằng đây là minh chứng cụ thể của tư duy nhị nguyên (binaristic thinking), tức là tư duy theo trật tự cao thấp, đối lập, trong đó con người được coi là trung tâm, là cao quý còn loại vật là hạ đẳng. Lối tư duy này đã bị phê phán và bị thách thức từ rất lâu bởi triết học hậu nhân sinh, hậu cấu trúc. Cái khoảnh khắc mà Jacques Derrida (2008) cảm thấy mình trần trụi và xấu hổ là khi ông bắt gặp ánh nhìn của một chú mèo. Đó cũng chính là khoảnh khắc mà Derrida chợt nhận ra rằng đã có thể từ rất lâu rồi, động vật đã nhìn chúng ta, theo cái cách của chúng, để rồi chúng đã bóc mẽ sự yếu đuối và làm trào dâng nỗi hổ thẹn trong chúng ta. Vậy thì, đã bao giờ chúng ta thử nhìn, thử ứng xử với loài vật dưới con mắt của chính chúng, thay vì con mắt của chúng ta? Một số bạn bè tôi nói rằng họ yêu mến chú chó, chú mèo của họ. Họ dắt chó mèo đi cắt ống dẫn trứng, thắt buồng dẫn tinh. Họ lo sợ rằng nếu không làm như vậy, chó mèo của họ sẽ đi hoang, sẽ bị bắt cóc và sẽ trở thành mồi nhậu. Tôi không phê phán cách ứng xử đó bởi vì tôi biết các quán nhậu thịt chó mèo vẫn mọc ra đầy rẫy và tất cả các chú mèo nhà tôi đều đã trở thành mồi nhậu do tôi không đưa mèo đi triệt sản. Nhưng tôi cũng tự hỏi rằng liệu sự bảo vệ đó là dựa trên nhu cầu và khao khát của chính chúng ta hay là từ chính động vật (from the animal’s eyes theo Derrida)? Lại nhớ, trong phim Bicentenial Man (tạm dịch Người 200 tuổi), người máy Andrew đã ra tòa để đòi quyền con người. Tòa hỏi căn cứ vào đâu để tòa có thể công nhận quyền con người. Andrew đã lần lượt minh chứng rằng mình cũng có cảm xúc, cũng biết đau đớn, yêu thương, cũng biết ăn, ngủ, và cũng không bất tử. Cuối cùng, tòa đã buộc phải công nhận Andrew là con người, và cái giờ phút Andrew-người máy trở thành Andrew-người cũng chính là giờ phút khi mà ranh giữa người-vật-máy hoàn toàn bị xóa nhòa…
Theo KIỀU THỊ NGỌC LAN / THANH NIÊN ONLINE (2015)
Tags: Đạo đức môi trường, Bảo vệ động vật