Chung cư mini và cái bẫy cháy không lối thoát của cư dân đô thị Việt Nam

Khi các tiêu chuẩn đã rất khắt khe nhưng cháy vẫn thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại rất lớn về tính mạng và tài sản, thì vấn đề cần xem xét là phương thức quản lý lĩnh vực này.

Tác giả: Nguyễn Hoàng Nam, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần G-Home – doanh nghiệp chuyên phát triển nhà ở xã hội.

Tôi bàng hoàng khi đọc tin về vụ cháy chung cư mini ở Quận Thanh Xuân, Hà Nội. Hàng chục người chết, với rất nhiều trẻ em. Một thảm họa.

Nguyên nhân trực tiếp sẽ được nhà chức trách điều tra. Nhưng với những con số đã bước đầu xác định: 45 căn hộ và 150 người “nhồi nhét” trong ngôi nhà 10 tầng kín mít trên khu đất chỉ 200 m2 nằm trong ngõ hẹp, một người làm việc lâu năm trong ngành xây dựng như tôi có thể khẳng định: tòa nhà này không thể đáp ứng được các quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng và phòng cháy chữa cháy.

Ảnh: Báo Lao Động.

Tôi chia sẻ câu chuyện đau lòng này với người bạn Hàn Quốc – giám đốc điều hành một doanh nghiệp bất động sản, anh sửng sốt. Tháng trước, anh vừa “trầy trật” với quá trình nghiệm thu PCCC cho một dự án chung cư, dù đã tuân thủ đầy đủ hồ sơ thiết kế và thực hiện thẩm duyệt. Vì “tốc độ thay đổi các quy chuẩn PCCC ở Việt Nam còn nhanh hơn tốc độ xây dựng công trình, nên thi công theo đúng thiết kế vẫn có thể không được nghiệm thu theo quy chuẩn mới”, anh giải thích và bình luận thêm: “tiêu chuẩn PCCC của Việt Nam khắt khe hơn Hàn Quốc”. Vì thế, anh kinh ngạc khi xem các bức ảnh, video ghi lại hiện trường vụ hỏa hoạn.

Khi các tiêu chuẩn đã rất khắt khe nhưng cháy vẫn thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại rất lớn về tính mạng và tài sản, thì vấn đề cần xem xét là phương thức quản lý lĩnh vực này.

Tiêu chuẩn PCCC ở Việt Nam nhìn chung khắt khe, và đặc biệt khắt khe với loại hình căn hộ chung cư. Tôi cùng đồng nghiệp đã nhiều lần xót xa về sự đầu tư quá mức cần thiết (để phù hợp quy chuẩn) khi quan sát hệ thống PCCC với loại nhà này. Ví dụ, trong tuần trước, tôi đếm có tới 3 sprinkler (đầu phun nước chữa cháy tự động) trong không gian chỉ 20 m2 của một căn hộ nhà ở xã hội có diện tích 50m2 – một sự thừa thãi đến mức lãng phí. Trong khi đó, hai loại hình khác là nhà ống và chung cư mini (mà cũng có thể coi là một loại nhà ống) chưa được kiểm soát đầy đủ và chặt chẽ.

Hỏa hoạn ở nhà ống, theo quan sát và thống kê của tôi, xuất phát từ mấy nguyên nhân sau.

Thứ nhất, do “nguồn cháy”: chập điện và cháy xe. Loại hình nhà ống phần lớn do tư nhân tự xây nên hệ thống cấp điện được thiết kế và thi công cẩu thả rất dễ chập, cháy. Thêm vào đó, mô hình tầng trệt để xe máy, ôtô và các tầng trên để ở gây nguy cơ rất lớn. Xe bị cháy hoặc cháy lan vào xe từ tầng dưới sẽ tạo ra lượng khói lớn phủ kín lối thoát, gây ngạt cho người sinh sống ở tầng trên.

Thứ hai, do đây là loại hình sở hữu cá nhân nên cơ quan quản lý nhà nước “ngại” động tới. Chúng tôi hay nói vui với nhau rằng các chủ đầu tư doanh nghiệp “có tóc”, dễ bị túm, còn cá nhân “trọc đầu”, ít bị sờ. Tôi từng sinh sống tại cả căn hộ chung cư lẫn nhà ống và thấy rằng ở chung cư năm nào cũng “bị” kiểm tra PCCC còn nhà ống hiếm khi bị hỏi.

Thứ ba, do hệ thống báo, chữa và thoát hiểm khi cháy. Dù có ngăn chặn tốt đến đâu, chúng ta cũng không thể giảm tỷ lệ nguồn cháy về 0 được. Vấn đề là khi xảy ra cháy, phải làm sao giảm thiểu thiệt hại, nhất là thiệt hại về người. Có đến hơn 90% số nhà ống không có hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động. Khi rủi ro xảy ra, tất cả những gì người dân có thể làm là trông chờ vào đôi chân của mình, chạy nhanh để thoát hiểm. Nhưng tại mô hình nhà ống, nhất là các chung cư mini, cầu thang thoát hiểm cũng chính là nơi hút khói, còn các mặt thoát khác như ban công, lô gia đã bị hàn kín để chống trộm.

Nói cách khác, cháy là gần như không lối thoát.

Năm 2008, tôi từng xem bộ phim Slumdog Millionaire, thấy rõ mặt trái của phát triển đô thị. Hà Nội lúc đó gần như không có các khu trú ngụ tồi tàn tương tự. Nhưng rồi nội đô dần chen chúc, chật chội hơn, và nếu không chặt tay hơn trong quản lý, các khu nhà trên cao không đảm bảo điều kiện sống tối thiểu sẽ xuất hiện. Lúc đó, vấn đề sống chết trong hỏa hoạn chỉ còn trông chờ vào may rủi.

Theo VNEXPRESS

Tags: , ,