⠀
Chủ nghĩa tư bản kỷ nguyên số hóa có còn là chủ nghĩa tư bản?
Tầng lớp cai trị thế giới số đang làm trỗi dậy một thứ chủ nghĩa tư bản mới – chủ nghĩa tư bản kỷ nguyên số.
Bài viết của Giáo sư Timo Daum, Đại học SRH Hochschule Berlin, CHLB Đức. Ông là người nghiên cứu chuyên sâu về các lĩnh vực internet, truyền thông và kinh tế kỹ thuật số. Tác phẩm mới nhất của ông là cuốn sách “Chúng ta là Tư bản. Phê bình nền kinh tế kỹ thuật số”, tiếng Đức, xuất bản năm 2017.
Nguồn: Capitalism as a service – capital is going digital. Why digitalisation is not sounding the death knell for capitalism; Timo Daum; Marx200.org; 2017.
Biên dịch: Đoàn Hiểu Linh / Redsvn.net.
Trong cuốn sách “Hậu Tư bản chủ nghĩa” ra mắt năm 2015, Paul Mason đã kết luận rằng “các công nghệ mà chúng ta sáng tạo không tương thích với chủ nghĩa tư bản”. Về cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Mason đã viết rằng mặc dù “chủ nghĩa tư bản là một hệ thống thích ứng phức tạp”, giờ đây nó đã đạt tới “các giới hạn trong khả năng thích ứng của nó”. Đó không phải là một cuộc khủng hoảng bình thường mà là cuộc khủng hoảng cuối cùng. Chúng ta sắp trải qua trật tự thế giới hậu tư bản.
Số hóa đang ép buộc chủ nghĩa tư bản tới những giới hạn của nó. Như Mason đã phát biểu: “Một nền kinh tế dựa trên thông tin, với xu hướng sản phẩm không tốn chi phí và quyền sở hữu yếu, không thể là một nền kinh tế tư bản” (Mason 2015, p. 175).
Như vậy, theo Mason thì ngày càng có thể thấy rõ là các công nghệ dựa trên thông tin không thể là cơ sở cho một loại hình chủ nghĩa tư bản mới, ổn định. Thay vào đó, kỷ nguyên số đang phân rã các cơ chế thị trường, phá hủy quyền sở hữu và mối quan hệ giữa thu nhập, công việc và lợi nhuận.
Paul Mason không đơn độc với dự báo của mình. Jeremy Rifkin cũng đã nhìn thấy kết thúc sắp xảy ra của chủ nghĩa tư bản. Internet vạn vật, nền kinh tế chia sẻ và tính sẵn có phổ biến của hàng hóa số sẽ làm cho chủ nghĩa tư bản, ít hoặc nhiều, tự động biến đổi thành cái mà ông gọi là xã hội không chi phí biên (Chi phí biên / Marginal cost là mức thay đổi trong tổng chi phí khi nhà sản xuất tăng sản lượng thêm một đơn vị – Chú thích của người dịch).
Hay Nick Srnicek và Alex Williams đã miêu tả về “cuộc sống sau chủ nghĩa tư bản”, “chủ nghĩa tân tự do không hoạt động” trong bản tuyên ngôn của họ năm 2015: “Sáng tạo tương lai: Hậu tư bản chủ nghĩa và một thế giới không có công việc”.
Chủ nghĩa tư bản và tri thức tổng hợp
Trong một ghi chú dành tặng cho nhà sáng chế, doanh nhân Charles Babbage, Marx đã viết về sự sáng tạo mà không dùng đến từ này: “Lao động phổ quát là tất cả các lao động khoa học, tất cả các khám phá và tất cả các phát minh. Thứ lao động này phụ thuộc một phần vào sự hợp tác của những người đang sống, và một phần vào việc sử dụng lao động của những người đã đi trước”.
Sự cạnh tranh đã thúc đẩy tư bản đổi mới, hợp lý hóa và thay thế lao động sống bằng máy móc, robot và lập trình. Việc ứng dụng công nghệ vào các tiến trình sản xuất giá trị thặng dư dẫn đến tầm quan trọng ngày càng tăng của “quá trình hợp tác xã hội”.
Tuy nhiên, quả ngọt của tiến trình hợp tác này lại bị chiếm đoạt làm của riêng: “Vì vậy, nói chung đó là những nhà tư bản – tiền tệ thuộc loại kém giá trị nhất và tồi tệ nhất, những người đã lấy đi lợi nhuận lớn nhất từ tất cả những sự phát triển mới của lao động phổ quát ở con người và thực hành xã hội của họ thông qua lao động kết hợp” (Tư bản tập 3, Phần 1, Chương 5)
Tất cả những tiến trình này – sự gia tăng liên tục số lượng kiến thức xã hội tổng hợp được tích lũy trong sản xuất tư bản, cũng như động lực dẫn dắt tư bản tư hữu hóa vĩnh viễn các thành phẩm của tiến trình này – đã được thể hiện xuyên suốt lịch sử của chủ nghĩa tư bản.
Nền sản xuất hàng hóa tư bản được xây dựng từ các khám phá khoa học, ứng dụng các công nghệ hiện đại nhất và dựa vào tri thức tổng hợp. Marx đã đặt ra thuật ngữ “tri thức tổng hợp” (general intellect) để chỉ những tri thức dùng để phát triển tức thời lực lượng sản xuất trong chức năng xã hội của nó.
Điều gì sẽ xảy ra khi mà việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào phương thức sản xuất tư bản cuối cùng sẽ dẫn tới việc gần như xóa bỏ lao động, biến lao động thành một yếu tố có thể bỏ qua? Đó là kịch bản hoặc sự ngoại suy trong bài viết Sự phân mảnh máy móc trong tác phẩm Grundrisse (Cơ sở của sự phê bình về kinh tế học chính trị) của Marx.
Theo đó, dưới những điều kiện mà năng suất tư bản liên tục gia tăng, ví dụ như sự kết hợp hữu cơ của nó (quan hệ giữa tư bản khả biến và tư bản bất biến) chuyển dịch theo hướng tư bản cố định nhiều nhất từng có, cuối cùng, sẽ không cần có thêm lao động sống nào, không có người công nhân nào bị bóc lột, không có giá trị thặng dư nào được sản xuất, và tư bản cũng sẽ không thể sản sinh ra lợi nhuận nữa. Tư bản sẽ mất đi nền tảng của mình, đánh mất mục tồn tại và tự tiêu vong.
Rất có thể, khi cuộc cách mạng không thành hiện thực, chúng ta sẽ chứng kiến thử nghiệm giả định này phát triển.
Hãy lấy Google làm ví dụ. Tập đoàn này không cần bất kỳ công nhân nào để phản hồi lại một tỷ truy vấn tìm kiếm mỗi ngày. Việc không cần người xử lý một tỷ truy vấn tìm kiếm trong một lượng thời gian định sẵn sẽ giúp Google hiện thực hóa công việc của họ dưới dạng sản xuất giá trị gia tăng, mà trong trường hợp này là giá trị gia tăng một kết quả tìm kiếm.
Đơn giản là khi được lập trình thì một giải thuật sẽ được áp dụng hàng tỉ lần và tự động sản sinh ra kết quả. Một chương trình chỉ phải được viết một lần, sau đó, nó sẽ được sử dụng vô số lần trong sản xuất như một đơn vị tri thức tổng hợp.
Không chỉ có những công ty như Google mà những nền tảng dịch vụ và truyền thông xã hội, các dịch vụ di động, bản đồ đường đi, tất cả đều hoạt động theo nguyên tắc này. Về cơ bản thì những nền tảng số này bao gồm một đơn vị xử lý thông tin tự động chứa các dữ liệu và giải thuật liên tục được người dùng nạp thêm dữ liệu mới.
Như Christian Fuchs đã lưu ý, “Google làm việc với kết quả công việc của tất cả người dùng internet đã sáng tạo ra nội dung internet. Bằng cách dùng dịch vụ Google, tất cả những người này đang làm việc miễn phí, tạo ra giá trị gia tăng một cách có năng suất”. Bằng cách này mà toàn bộ cộng đồng web tạo ra tri thức tổng hợp, rồi xuất bản kiến thức này lên tên miền công cộng để rồi nhận ra rằng họ phụ thuộc ngay lập tức vào các tập đoàn tư nhân đang tổ chức và điều phối cách tiếp cận các nguồn thông tin này.
Tích lũy tư bản của Google được hình thành bằng cách khiến người dùng Google làm việc theo hai cách thức: Sáng tạo toàn bộ nội dung internet (mà không có chúng thì Google không thể cung cấp bất kỳ tính năng tìm kiếm nào), sử dụng dịch vụ Google và để Google lưu trữ dữ liệu hoạt động người dùng của mình.
Khi các tri thức tổng hợp về công nghệ trở thành yếu tố sản xuất quyết định, nhà sản xuất có thể bỏ qua sự đóng góp của lao động sống. Bằng cách này mà toàn bộ nỗ lực trí tuệ của con người trở thành động cơ tức thời của lịch sử trong thời gian thực.
“Như thể Karl Marx đã viết một cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng và dự đoán chính xác nền kinh tế thông tin hiện tại của chúng ta”, lời Nick Dyer-Whiteford ca ngợi tính tiên tri trong tác phẩm về công nghệ tương lai mang tựa đề “Sự phân mảnh máy móc” của Marx.
Chủ nghĩa tư bản như một hình thức cung cấp dịch vụ
Khi các công ty và tổ chức thuê ngoài (thuê ngoài / outsourcing là hình thức chuyển một phần chức năng nhiệm vụ của nhà sản xuất ra gia công bên ngoài – Chú thích của người dịch) cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và phần mềm cho các nhà cung cấp dịch vụ bên ngoài, họ gọi phần mềm hay cơ sở hạ tầng đó là một dịch vụ. Việc bán các hàng hóa đặc thù cho các chủ sở hữu tương lai dần bị thay thế bằng một hệ thống tính phí cho việc truy cập dịch vụ hoặc cung cấp dữ liệu người dùng để truy cập dịch vụ. Càng ngày càng có nhiều vấn đề trong cuộc sống được tổ chức thành dịch vụ theo nhu cầu: Thông tin và văn hóa, vận tải, nhà ở.
Đây vẫn là chủ nghĩa tư bản?
Nếu chúng ta định nghĩa “chủ nghĩa tư bản là các nhà tư bản bóc lột các công nhân sản xuất hàng hóa trong xí nghiệp để bán trên thị trường và việc đó sẽ gia tăng giá trị trao đổi của những hàng hóa theo mức độ công việc trong chúng” thì có thể đây không phải là chủ nghĩa tư bản.
Nói cách khác, nếu tiêu chuẩn của chúng ta về chủ nghĩa tư bản là sự bóc lột sức lao động như hàng hóa theo kiểu taylor (các phương pháp quản lý khoa học giúp cải tiến năng suất lao động, đặt theo tên kỹ sư Mỹ Frederick W. Taylor (1856–1921), cha đẻ của các phương pháp này – Chú thích của người dịch), thì có thể nói rằng chủ nghĩa tư bản không còn tồn tại.
Cố gắng của Mason là nỗ lực gần nhất trong một chuỗi dài những cố gắng tiết lộ kết thúc thật sự của chủ nghĩa tư bản, bị giết chết bởi đổi mới công nghệ. Do đó mà những diễn giải có ảnh hưởng nhất về định nghĩa thật sự của hậu tư bản chủ nghĩa, bắt nguồn từ những nhà tân bảo thủ đã phát triển một tầm nhìn không tưởng về một xã hội thông tin, cho rằng xã hội này sẽ ít nhiều giải quyết các mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản một cách tự nhiên, chỉ bằng cách đưa ra các giải pháp hợp lý hơn và thân thiện với sinh thái hơn.
Ngôi làng toàn cầu của Marshal McLuhans, vũ trụ hình ảnh công nghệ của Vilém Flussers, xã hội sáng tạo hậu tư bản của Richard Florida, hay xã hội tri thức và thông tin của Daniel Bells… tất cả đều là những cách gọi khác nhau cho cùng một ý tưởng: Một xã hội đối kháng sẽ phân rã, lỗi thời và bị thay thế bởi một xã hội dân chủ, bình đẳng hơn. Tri thức được chia sẻ và thông tin miễn phí sẽ là cơ sở cho sự tăng trưởng bền vững và thịnh vượng toàn diện.
Tuy nhiên, trên thực tế thì chủ nghĩa tư bản đã biến đổi thành một dạng mới dựa trên các nền tảng số để tạo ra hàng tỉ USD từ tri thức tổng hợp. Các tập đoàn internet hùng mạnh đang áp đặt một trật tự thế giới mới với các quy tắc, luật lệ của riêng chúng và được hậu thuẫn bởi một cơ sở tư bản vô tận.
Rõ ràng là tầng lớp cai trị thế giới số, như cách gọi “Nhóm độc tài số Thung lũng Silicon” của Nenad Romic cách đây vài năm, đang làm trỗi dậy một thứ chủ nghĩa tư bản mới – chủ nghĩa tư bản kỷ nguyên số.
Xã hội cộng sản không tưởng được miêu tả trong Grundrisse của Marx, chiến thắng toàn cầu của tri thức tổng hợp, đang trở thành thực tế, mặc dù chỉ diễn ra chủ yếu trong thể chế tư bản.
Chủ nghĩa tư bản chưa hề biến mất, thay vào đó, nó đang mạnh dần lền, như lời nhận xét đầy xót xa của Jason Williamson, ca sĩ đến từ ban nhạc Sleaford Mods.
Tags: Tư bản, Thế giới số, Karl Marx, Công nghệ