Chủ nghĩa dân tộc hoài niệm và sự tác động đến một số nền chính trị

“Chủ nghĩa dân tộc hoài niệm” chỉ đem lại những kết quả tích cực khi nó không sa đà vào tôn vinh quá khứ mà bỏ qua thực tại, không lấn át hay triệt tiêu chủ nghĩa toàn cầu, không bị lợi dụng để phục vụ cho tham vọng bá quyền và bành trướng lãnh thổ của bất cứ quốc gia,dân tộc nào.

Chủ nghĩa dân tộc hoài niệm và tác động đến một số nền chính trị trên thế giới

1. Chủ nghĩa dân tộc hoài niệm – một trào lưu chính trị mới?

Khi trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 11/2012, Chủ tịch Tập Cận Bình đã lần đầu tiên nhắc đến khái niệm “Giấc mộng Trung Hoa” khi tham quan triển lãm “đường tới phục hưng” tại Bảo tàng quốc gia Trung Quốc. Vào năm 2013 ông một lần nữa nhấn mạnh rằng “Sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa là giấc mơ lớn nhất của nhân dân Trung Quốc”[1]. Để hiện thực hóa giấc mơ này này, Trung Quốc tiến hành điều chỉnh chiến lược, cải cách toàn diện chính sách đối nội và đối ngoại. Cùng thời gian đó, Tổng thống Vladimir Putin bắt tay vào công cuộc chấn hưng “nước Nga vĩ đại” còn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tìm kiếm nguồn cảm hứng lãnh đạo quốc gia từ ánh hào quang của đế chế Ottoman.

Vào năm 2014, nhà dân tộc chủ nghĩa Hindu giáo Narendra Modi thuộc đảng  BJP đắc cử vào vị trí thủ tướng Ấn Độ, chủ nghĩa dân tộc Hindu thực sự được hồi sinh. Chiến dịch cánh tả của BJP đã làm dấy lên nỗi sợ hãi về sự xói mòn văn hoá bằng cách cáo buộc Đảng Quốc đại –  đảng cầm quyền trước đây, báng bổ Hindu giáo khi hỗ trợ xuất khẩu thịt bò và giết mổ gia súc[2]. Narendra Modi trở thành biểu tượng của phong trào dân tộc Hindu giáo khi khơi gợi niềm tự hào về những giá trị của Hindu giáo và kêu gọi hiện đại hóa Ấn Độ.

Năm 2016, sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit tại Anh, một cuộc khảo sát cho thấy  69% số người trên 65 tuổi ủng hộ Brexit, trong khi tỷ lệ này ở người trẻ dưới 26 chỉ là 21%[3]. Khi nêu lên khẩu hiệu “lấy lại quyền kiểm soát”, phong trào Brexit đã thành công khi khai thác tâm lý hoài niệm quá khứ  cũng như những thất vọng về cuộc sống hiện tại của những người lớn tuổi.

Cũng trong năm này, ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump với khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” (Make America Great Again) và đem “những ngày tháng tốt đẹp đã qua” (the good old days) quay về đã giành chiến thắng trước ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton để trở thành tổng thống Hoa Kỳ.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dẫn đầu một chiến dịch phục hưng dân tộc. Ông đã nói về cuộc “Cách tân Minh trị” vào thế kỷ 19 đưa Nhật Bản trở thành cường quốc hàng đầu ở châu Á và coi đây là nguồn cảm hứng bất tận cho chiến dịch của mình. Tại Hungary, thủ tướng Viktor Orban là một người theo chủ nghĩa dân tộc với niềm nuối tiếc những vùng đất mà Hungary  đánh mất sau chiến tranh thế giới thứ nhất.

Tất cả những hiện tượng này được tờ Financial Times định nghĩa là sự nổi lên của “Chủ nghĩa dân tộc hoài niệm” (nostalgic nationalism)[4]. Tạp chí Jacobin (Mỹ) trong một bài viết có tiêu đề “Chính trị của sự hoài niệm”[5] cũng gọi hiện tượng này là chủ nghĩa dân tộc hoài niệm. Tuy chưa có một định nghĩa đầy đủ, nhưng từ những hiện tượng nêu trên, có thể thấy “Chủ nghĩa dân tộc hoài niệm” là một hình thức của chủ nghĩa dân tộc trong đó những người đề xướng chủ trương khôi phục lại quá khứ hào hùng mà họ cho là tốt đẹp hơn cuộc sống hiện tại của một quốc gia hay một dân tộc. Sự nổi lên của chủ nghĩa dân tộc có thể gây ra những tác động rất lớn đến xu hướng và chiến lược phát triển của các quốc gia và khu vực trong thời gian tới.

2. Nguyên nhân hình thành

Có lẽ, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007 – 2008 cùng những hậu quả dài lâu và nặng nề mà nó để lại là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự trỗi dậy của “chủ nghĩa dân tộc hoài niệm”. Lạm phát, tăng trưởng chậm và suy thoái kinh tế diễn ra ở hàng loạt các quốc gia trên thế giới, nhiều quốc gia đến nay mới đang trong quá trình phục hồi – những điều này làm cho niềm nuối tiếc về thời kỳ “hoàng kim” trước đây trở nên mạnh mẽ. Tất cả các quốc gia đều chung khát vọng khôi phục lại tốc độ phát triển kinh tế trước đây, và dĩ nhiên, với các chính trị gia, tâm lý nuối tiếc này là một điểm quan trọng cần tận dụng để kêu gọi sự ủng hộ của các cử tri. Từ một vài trường hợp điển hình, càng ngày, “chủ nghĩa dân tộc hoài niệm” càng trở thành một chiến lược hiệu quả được các chính khách và các đảng phái tận dụng triệt để.

Toàn cầu hóa cũng là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc hoài niệm. Không chỉ làm cho khủng hoảng kinh tế từ các nước phương Tây lan rộng ra toàn cầu, toàn cầu hóa còn xóa nhòa ranh giới giữa các quốc gia, trong khi đem lại việc làm cho một bộ phận dân cư ở các nước đang phát triển, toàn cầu hóa cũng lấy đi việc làm của rất nhiều người, làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội và làm cho các tệ nạn như: rửa tiền, buôn bán ma túy, buôn người… lan rộng trên phạm vi toàn cầu. Thêm vào đó, sự phát triển của chủ nghĩa khủng bố gây nên tình trạng bất ổn an ninh trầm trọng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Sự mâu thuẫn về văn hóa và tâm lý hoang mang trước “thời mở cửa” cũng gây nên nhiều xáo trộn trong đời sống người dân nhiều nước. Những điều này không chỉ gây nên tâm lý tiếc nuối về quãng thời gian yên ổn trước đó mà còn khiến cho rất nhiều người đặt câu hỏi về đường lối phát triển đất nước và năng lực lãnh đạo của chính quyền hiện tại, khiến cho nhu cầu khôi phục các giá trị truyền thống trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Song song với quá trình toàn cầu hóa, thời gian qua thế giới còn chứng kiến quá trình chuyển giao quyền lực giữa phương Tây và phương Đông. Mỹ vẫn là cường quốc số một thế giới nhưng vai trò của nước này tại châu Á Thái Bình Dương có sự suy giảm, trong khi sự các cường quốc mới nổi ở phương Đông như Trung Quốc, Ấn Độ lại trỗi dậy mạnh mẽ, các khu vực Đông Á, Nam Á, Trung Á và Tây Á đều thể hiện vị thế ngày một quan trọng hơn trên bản đồ địa chiến lược toàn cầu. Sự chuyển giao quyền lực này, một mặt, khơi dậy niềm tự hào ở các nước châu Á trước đây vốn thua thiệt hoàn toàn so với các nước phương Tây. Ở Ấn Độ, Trung Quốc, nó gợi nhắc thời hoàng kim khi mà nền văn minh Ấn Độ, Trung Quốc phát triển rực rỡ với những thành tựu cả về kinh tế, khoa học kỹ thuật và văn hóa. Sự thay đổi quyền lực toàn cầu đã làm nảy sinh tham vọng khôi phục lại tầm vóc vĩ đại của các cường quốc văn hóa vốn bị lu mờ trong thời kỳ lên ngôi của nền văn minh Tây phương. Mặt khác, sự chuyển giao quyền lực cũng gây nên tâm lý bất mãn ở các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, thôi thúc họ có những hành động để tái lập “trật tự thế giới”.

Ngoài ra, cũng không thể không nhắc đến sự tồn tại bền bỉ và xuyên suốt của chủ nghĩa dân tộc – yếu tố đóng vai trò điều kiện nền tảng. Khi chủ nghĩa toàn cầu bắt đầu lộ ra những tác động tiêu cực đến các khu vực và quốc gia trên thế giới, chủ nghĩa dân tộc có điều kiện để trỗi dậy mạnh mẽ hơn và “chủ nghĩa dân tộc hoài niệm” là một hình thức độc đáo của nó.

3. Xu hướng phát triển

Tuy phát triển ở Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ…, vẫn phải nhìn nhận rằng “Chủ nghĩa dân tộc hoài niệm” chưa thực sự lớn mạnh ở một số nền dân chủ phương Tây. Canada, Australia và hầu hết các nước EU vẫn chưa chịu ảnh hưởng của xu thế này. Đảng Mặt trận Quốc gia của Marine Le Pen – một đảng chính trị hoài cổ đã thất bại trong cuộc chạy đua vào vị trí tổng thống Pháp. Đối với Đức, tờ Financial Times đã bình luận rằng: Thật khó có thể tưởng tượng được bất kỳ đảng chính trị nào có thể thành công với khẩu hiệu “Làm cho nước Đức vĩ đại trở lại”[6]. Ở nhiều quốc gia nơi “chủ nghĩa dân tộc hoài niệm” đang phát triển, trào lưu này vẫn vấp phải sự phản đối, tiêu biểu là các cuộc biểu tình phản đối chính sách siết chặt nhập cư của tổng thống Donald Trump – chính sách được vị thủ tướng này hứa hẹn ngay từ khi tranh cử để dọn đường cho công cuộc chấn hưng đất nước. Tham vọng khôi phục lại vị thế cường quốc của Trung Quốc, Ấn Độ, Nga vẫn đang trong quá trình hiện thực hóa, vì vậy còn quá sớm để đánh giá những thành công và hạn chế của trào lưu này. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, khi những hậu quả của toàn cầu hóa, khủng hoảng kinh tế và chủ nghĩa khủng bố chưa được khắc phục triệt để, “chủ nghĩa dân tộc hoài niệm” vẫn tiếp tục phát triển và gây ra những tác động ngày một lớn hơn đến bức tranh chính trị toàn cầu.

Mặt khác, ở một số nền dân chủ trên thế giới, “chủ nghĩa dân tộc hoài niệm” sẽ phát triển song hành cùng “chủ nghĩa dân túy”. Không phải ngẫu nhiên mà Modi, Erdogan, Trump, Le Pen vừa là những nhà dân túy, vừa là những người cổ xúy cho sự phát triển của “chủ nghĩa dân tộc hoài niệm” trên đất nước của họ. Điểm chung của hai trào lưu này là sự chỉ trích tầng lớp tinh hoa và hứa hẹn đem lại “những điều tốt đẹp đã qua”, như cơ hội việc làm và cuộc sống ổn định cho đa phần những người dân còn lại – những người trực tiếp hứng chịu hậu quả của khủng hoảng kinh tế, nạn thất nghiệp và bất bình đẳng thu nhập trong xã hội. Vì thế, sự phát triển của hai trào lưu này có sự cộng sinh và ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Cả hai trào lưu sẽ đều là những công cụ hiệu quả để thu hút cử tri của các chính khách và các đảng chính trị.

4. Một số tác động chính

Chủ nghĩa dân tộc hoài niệm là động lực để các chính phủ tập trung vào cải cách chiến lược phát triển đất nước, khôi phục tốc độ tăng trưởng kinh tế, ổn định trật tự xã hội…Để hiện thực hóa tham vọng này, chính phủ các nước đều phải tìm ra những giá trị cốt lõi, những yếu tố cơ bản làm nên sự phát triển của dân tộc, từ đó đưa ra các chiến lược phù hợp. Nếu như công cuộc chấn hưng đất nước của Trung Quốc tập trung vào công cuộc hiện đại hóa đất nước, hướng đến xã hội khá giả toàn diện, bài trừ nạn tham nhũng, phát huy quyền lực mềm… thì “chủ nghĩa dân tộc hoài niệm” ở Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ – bên cạnh mục tiêu hiện đại hóa – còn mang đậm màu sắc tôn giáo với tham vọng khôi phục các giá trị nguyên bản của Hindu giáo và Hồi giáo. Vì thế, “chủ nghĩa dân tộc hoài niệm” đem lại niềm hy vọng về sự trở lại của các giá trị truyền thống, không chỉ trong lĩnh vực văn hóa mà còn cả lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội…  Hơn  nữa, trong bối cảnh một số khu vực đối mặt với bất ổn an ninh trầm trọng do sự bành trướng của chủ nghĩa khủng bố, “chủ nghĩa dân tộc hoài niệm” là ngọn cờ kêu gọi lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và niềm tự hào dân tộc. “Chủ nghĩa dân tộc hoài niệm” cũng là sự cảnh tỉnh đối với một số đảng cầm quyền để họ thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong chiến lược phát triển đất nước, từ đó đưa ra các chiến lược đúng đắn để lấy lại lòng tin của các cử tri.

Tuy nhiên, “chủ nghĩa dân tộc hoài niệm” cũng dễ sa đà vào việc rập khuôn những bài học kinh nghiệm của quá khứ mà quên mất rằng nhiều phương pháp cũ đã trở nên lỗi thời, và mỗi giai đoạn lịch sử đòi hỏi một chính sách phát triển khác nhau. Ở các nước phương Tây, “chủ nghĩa dân tộc hoài niệm” một cách cực đoan sẽ dẫn đến sự bài trừ người nhập cư, người nước ngoài hay cộng đồng LGBT – những người “không thuộc về” quá khứ. Ở Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, sự phục hồi các giá trị truyền thống của tôn giáo có thể là nguyên nhân làm trầm trọng thêm mâu thuẫn tôn giáo và sắc tộc. Nhưng nguy hiểm hơn cả là khi “chủ nghĩa dân tộc hoài niệm” chỉ là những chiêu bài chính trị bị lợi dụng để phục vụ cho những tham vọng khác. Để hiện thực hóa “giấc mộng Trung Hoa”, chính phủ Trung Quốc đề xuất triển khai sáng kiến “Vành đai và Con đường” – sáng kiến này được mô tả như sự tái hiện của “con đường tơ lụa huyền thoại” nối liền văn minh Trung Hoa với các châu lục khác, nhưng đồng thời cũng khiến nhiều người đặt ra nhiều câu hỏi về chủ nghĩa bá quyền của Trung Quốc. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, đằng sau các động thái nhằm khôi phục vị thế của Hồi giáo là các cuộc bắt bớ, xét xử nhằm “thanh lọc” quân đội, kiểm soát hệ thống giáo dục, gây nên tình trạng bất mãn và là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến vụ đảo chính quân sự năm 2016. Hơn nữa, sự “va chạm” giữa chủ nghĩa dân tộc của các quốc gia từ phương Đông đến phương Tây, như sự cạnh tranh ảnh hưởng Trung Quốc và Mỹ tại Biển Đông, sự bất đồng và va chạm giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực biên giới có thể là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ xung đột về an ninh.

Tóm lại, “chủ nghĩa dân tộc hoài niệm” chỉ đem lại những kết quả tích cực khi nó không sa đà vào tôn vinh quá khứ mà bỏ qua thực tại , không lấn át hay triệt tiêu chủ nghĩa toàn cầu, không bị lợi dụng để phục vụ cho tham vọng bá quyền và bành trướng lãnh thổ của bất cứ quốc gia,dân tộc nào.

———————————–

Chú thích:

[1] Kevin Pollpeter, Eric Anderson, Jordan Wilson, Fan Yang (2015), China Dream, Space Dream. China’s Progress in Space Technologies and Implications for the United States,  A report prepared for the. U.S.-China Economic
[2] Tej Parikh (2017), Why India’s Hindu Nationalists Love Donald Trump http://thediplomat.com/2017/02/why-indias-hindu-nationalists-love-donald-trump/
[3] Mai Mai (2016), Sức mạnh của chủ nghĩa dân túy http://baoquocte.vn/suc-manh-cua-chu-nghia-dan-tuy-39796.html
[4]Gideon RachMan (2017), Trump, Putin, Xi and the rise of nostalgic nationalism https://www.ft.com/content/198efe76-ce8b-11e6-b8ce-b9c03770f8b1?mhq5j=e4
[5] Samuel Earle (2017), The Politics of Nostalgia https://www.jacobinmag.com/2017/01/donald-trump-inauguration-nationalism
[6] Gideon RachMan (2017), Trump, Putin, Xi and the rise of nostalgic nationalism https://www.ft.com/content/198efe76-ce8b-11e6-b8ce-b9c03770f8b1?mhq5j=e4

Theo VASS.GOV.VN

Tags: ,