⠀
Châu Phi trở thành tâm điểm trong chiến lược toàn cầu của Nga
Bất chấp những thách thức, sự hiện diện của Nga ở châu Phi đang gia tăng do tâm lý chống phương Tây ngày càng lan rộng và thúc đẩy những thay đổi địa chính trị.
Theo nhận định của Đài phát thanh Tự do châu Âu (RFE/RL), Nga đã sử dụng tập đoàn quân sự tư nhân Wagner và các nỗ lực ngoại giao để mở rộng ảnh hưởng ở châu Phi, đặc biệt là ở các quốc gia như Cộng hòa Trung Phi, Sudan và các nước vùng Sahel. Cái chết của người sáng lập và đứng đầu Wagner, ông Yevgeny Prigozhin, đã đặt ra câu hỏi về tương lai của các hoạt động kinh doanh và lính đánh thuê của Nga ở châu Phi.
Bất chấp những thách thức, sự hiện diện của Nga ở châu Phi đang gia tăng do tâm lý chống phương Tây ngày càng lan rộng và những thay đổi địa chính trị, trong đó Moskva đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng toàn cầu và đảm bảo các căn cứ quân sự cũng như khả năng tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Kể từ khi phương Tây bắt đầu cô lập Nga sau khi Moskva sáp nhập Crimea vào năm 2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã củng cố mối quan hệ vốn đã có từ thời Xô Viết với các quốc gia Nam toàn cầu, đặc biệt là ở châu Phi, sử dụng công ty bán quân sự Wagner làm một trong những công cụ gây ảnh hưởng quan trọng.
Sau cái chết của ông Prigozhin, các quan chức tình báo và quốc phòng Nga đã đến châu Phi trong những tháng gần đây để trấn an những đối tác ở khu vực. Cuộc điều tra của RFE/RL phát hiện ra rằng một cựu đặc phái viên của Điện Kremlin tại EU đã được cử đến Cộng hòa Trung Phi (CAR) để giám sát sự phối hợp giữa nhóm lính đánh thuê Wagner và lực lượng an ninh địa phương.
Trong khi đó, tờ Wall Street Journal của Mỹ đưa tin: Tình báo phương Tây cho biết Jan Marsalek, cựu Giám đốc điều hành của công ty xử lý thanh toán Wirecard (Đức), đang giúp Nga “tái tổ chức lực lượng Wagner ở châu Phi”.
Theo các phương tiện truyền thông, quân đội Nga đang thành lập “Quân đoàn châu Phi” để thay thế Wagner và đã đăng quảng cáo tuyển dụng lực lượng, nhưng Bộ Quốc phòng Nga chưa xác nhận kế hoạch đó và không rõ tiến độ của sáng kiến này đến đâu.
Ở cấp độ công khai hơn, Tổng thống Putin đã gặp người đứng đầu 17 quốc gia châu Phi tại hội nghị thượng đỉnh ở St. Petersburg vào tháng 7 năm ngoái. Sự bất ổn ngày càng tăng và tình cảm chống phương Tây, đặc biệt là ở khu vực Sahel, đã giúp Moskva có được ảnh hưởng lớn hơn trên lục địa này, ngay cả khi sự chú ý và nguồn lực của Nga bị tiêu hao bởi cuộc xung đột ở Ukraina.
Joseph Siegle, Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược châu Phi có trụ sở tại Washington, cho biết Nga đã củng cố vị thế của mình tại CAR, Sudan và các quốc gia thuộc Sahel, nơi một loạt cuộc đảo chính đã khiến chính quyền quân sự rơi vào tình trạng khó khăn.
Các quan chức quốc phòng Nga gần đây đã gặp các nhà lãnh đạo chính quyền ở Niger để thảo luận về hợp tác an ninh sau khi chính phủ ra lệnh cho quân đội Pháp rời đi, trở thành quốc gia Sahel thứ ba làm như vậy.
Mali và Burkina Faso trước đó đã “trục xuất” lực lượng Pháp trong bối cảnh tâm lý chống thực dân ngày càng gia tăng và thất vọng vì thiếu tiến bộ trong việc chống lại các nhóm thánh chiến đang khủng bố phía Tây Sahel.
Ảnh hưởng toàn cầu
Các chuyên gia cho rằng sự quan tâm ngày càng tăng của Nga ở châu Phi được thúc đẩy bởi mong muốn mở rộng ảnh hưởng toàn cầu trong bối cảnh mối quan hệ với phương Tây bị rạn nứt do cuộc xung đột ở Ukraina.
Moskva cũng đang tìm cách mở rộng việc bán vũ khí, xây dựng và vận hành các nhà máy điện hạt nhân, đồng thời giành được quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên trên khắp lục địa. Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho châu Phi, chiếm khoảng 40% doanh số bán hàng năm cho lục địa này, điều này mang lại cho Moskva một số đòn bẩy chính trị.
Vũ khí của Nga rất rẻ và Moskva không ràng buộc việc bán vũ khí với vấn đề nhân quyền của một quốc gia, nên được nhiều nước đón nhận. Trước đây, Liên Xô đã ủng hộ các phong trào giành độc lập của châu Phi trong Chiến tranh Lạnh và di sản đó vẫn là một nhân tố mạnh mẽ cho đến ngày nay.
Cameron Hudson, người từng là Giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia về các vấn đề châu Phi dưới thời Tổng thống George W. Bush và hiện là nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, đã phát biểu tại một phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ vào tháng 7 năm ngoái rằng Nga đã hoạt động hiệu quả hơn Mỹ trong việc thúc đẩy quan điểm của mình, cung cấp thông tin bằng các ngôn ngữ châu Phi – chứ không phải chỉ có tiếng Anh và tiếng Pháp – và sử dụng TikTok để tiếp cận giới trẻ của lục địa này.
Về phần mình, Bruce Jones, một nhà phân tích tại Viện Brookings ở Washington nêu quan điểm, cuộc xung đột Nga – Ukraina đã tạo ra một mối bất bình khác giữa phương Tây và Nam toàn cầu.
Phương Tây nhanh chóng huy động hàng chục tỷ USD viện trợ quân sự, tài chính và nhân đạo cho Ukraina sau cuộc xung đột ở Ukraina. Ông Jones nói, để so sánh, phản ứng của Mỹ về Chiến tranh Tigray ở Ethiopia đã khiến 500.000 người thiệt mạng, chủ yếu là dân thường, kể từ năm 2020 chỉ là “một giọt nước trong chậu” và điều đó ảnh hưởng đến quan điểm của người châu Phi.
“Các nước châu Phi thường cảm thấy tiêu chuẩn kép của chúng tôi”, Sydney Kamlager-Dove, thành viên Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ nói tại phiên điều trần ngày 30/11/2023 về Chiến tranh Tigray, lưu ý thêm người châu Phi cũng không thấy sự “nhất quán” trong phản ứng của Mỹ đối với cái chết của dân thường và vi phạm nhân quyền.
Trong bối cảnh tâm lý chống phương Tây ngày càng gia tăng và lưu ý rằng các quốc gia châu Phi nắm giữ hơn 1/4 số ghế trong Đại hội đồng Liên hợp quốc, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tăng cường đáng kể sự can dự của mình với châu Phi trong thời gian gần đây.
Vào tháng 12/2022, Mỹ đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – châu Phi lần đầu tiên sau 8 năm, với 49 nguyên thủ quốc gia và chủ tịch Liên minh châu Phi tham dự. Sau đó, Tổng thống Biden cử 17 quan chức cấp cao tới 26 quốc gia trên lục địa, trong đó có Phó Tổng thống Kamala Harris, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen.
Trong những chuyến thăm đó, Mỹ đã công bố viện trợ và đầu tư vào châu Phi lên tới hàng tỷ USD. Tuy nhiên, ông Biden vẫn chưa thực hiện lời hứa với các nhà lãnh đạo châu Phi tại hội nghị thượng đỉnh là sẽ đến thăm lục địa của họ trong năm 2023. Chuyến thăm gần đây nhất của một tổng thống Mỹ đến châu Phi diễn ra vào năm 2015.
Theo BÁO TIN TỨC / RFE/ RL
Tags: Châu Phi, Nga, Nghiên cứu quốc tế