⠀
Cạnh tranh giữa con người với AI không còn là chuyện khoa học viễn tưởng
Mọi công việc không yêu cầu tư duy ở tầm cao và có tính lặp đi lặp lại sớm muộn cũng sẽ được đảm nhiệm bởi máy móc và trí tuệ nhân tạo (AI). Vậy cả những người đang đi làm lẫn học sinh – sinh viên nên chuẩn bị gì để thích ứng với thời đại mới này?
Tác giả: Ngô Di Lân, Tiến sĩ ngành Quan hệ Quốc tế.
Lần đầu bước chân vào nhà hàng Spyce ở thành phố Boston vào cuối năm 2018, tôi đã cảm thấy như đang nhìn thấy tương lai.
Không ai đón tôi ở cửa, cũng không ai hướng dẫn tôi chọn món, và ấn tượng nhất là không có đầu bếp nào cả. Ở Spyce, gần như tất cả các khâu đều đã được tự động hóa.
Thực khách sẽ chọn món và tính tiền trước những màn hình cảm ứng to hơn một chiếc iPad. Sau khi hệ thống nhận được đơn, nó sẽ tính toán khối lượng của từng nguyên liệu cho món ăn bạn đã chọn rồi dùng cánh tay robot để phân bổ nguyên liệu vào những chiếc “nồi” hình trụ đang vừa liên tục xoay, vừa làm chín đồ ăn ở một nhiệt độ đủ cao. Chỉ trong vòng ba phút, đồ ăn được tự động chuyển sang những chiếc bát giấy, để rồi hai nhân viên ít ỏi trong quán hoàn thiện nốt khâu bày biện và rưới nước sốt trước khi phục vụ khách hàng.
Giờ nghĩ lại, tôi cho rằng Spyce giống như một hồi chuông cảnh báo. Hàng chục nhân viên chạy như con thoi đã được thay thế bằng robot. Mọi công việc không yêu cầu tư duy ở tầm cao và có tính lặp đi lặp lại sớm muộn cũng sẽ được đảm nhiệm bởi máy móc và trí tuệ nhân tạo (AI). Vậy cả những người đang đi làm lẫn học sinh – sinh viên nên chuẩn bị gì để thích ứng với thời đại mới này?
Tháng 2 vừa qua, các nghị sỹ Mỹ thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đề xuất một đạo luật mới có tên gọi Data Science and Literacy Act nhằm nâng cao vai trò của khoa học dữ liệu trong nền giáo dục Mỹ, ở cả bậc phổ thông lẫn đại học. Hơn ai hết, các nhà lãnh đạo Mỹ hiểu rằng để duy trì được lợi thế cạnh tranh đáng kể và bền vững trong kỷ nguyên AI, lực lượng lao động tương lai phải hiểu được tầm quan trọng của dữ liệu, cũng như có những kỹ năng tổng hợp, phân loại và phân tích dữ liệu cơ bản. Một người không hiểu biết về dữ liệu sẽ không thể sáng chế hay vận hành được các hệ thống AI một cách tối ưu bởi dữ liệu chính là một trong ba trụ cột quan trọng nhất của AI, bên cạnh thuật toán và chip xử lý. Nói cách khác, để duy trì được vai trò của mình trong thời đại này, trước hết cả chúng ta sẽ phải “xóa mù dữ liệu”.
Trong thời đại của AI, tư duy phản biện sắc bén không còn là một điểm cộng nữa mà sẽ trở thành một trong những kỹ năng thiết yếu. Sự bùng nổ của hàng loạt phần mềm AI có khả năng chỉnh sửa hình ảnh (như AI Photoshop), mô phỏng giọng nói (như Eleven Labs) và soạn thảo văn bản (như ChatGPT) đang góp phần xóa nhòa lằn ranh giữa hư và thực, khiến chúng ta khó lòng phân biệt đâu là thật, đâu là giả. Nếu như trước đây kẻ xấu phải mất nhiều giờ, thậm chí là nhiều ngày để triển khai các chiêu thức lừa đảo thì hiện nay, AI có thể hỗ trợ thực hiện điều đó chỉ trong một vài phút. Do đó, để bảo vệ được bản thân và những người xung quanh trước tin giả, tin độc hại và những trò lừa đảo qua mạng, tất cả sẽ phải đầu tư vào việc học cách chọn lọc và kiểm định nguồn thông tin, cũng như đưa ra lập luận để phản biện những thông tin và quan điểm sai lệch.
Cuối cùng, tôi tin rằng kể cả khi các phần mềm như Google Translate đã giải tương đối tốt bài toán dịch thuật, tiếng Anh vẫn sẽ là công cụ ngôn ngữ quan trọng bậc nhất. Tôi không muốn “thần thánh hóa” tiếng Anh bởi nó vốn đã là ngoại ngữ được rất nhiều phụ huynh và học sinh ở Việt Nam quan tâm, đặc biệt khi mà các chứng chỉ như IELTS hay TOEFL ngày càng có sức nặng đáng kể trong cả quá trình tuyển sinh lẫn tuyển dụng. Tuy nhiên, trong bối cảnh đa số phần mềm AI đã, đang và sẽ được phát triển ở các quốc gia nói tiếng Anh, và người dùng sẽ phải tương tác với AI thông qua ngôn ngữ tự nhiên, sử dụng được tiếng Anh thành thạo sẽ là chìa khóa để khai thác những công cụ này một cách tối ưu. Nhiều người dùng ChatGPT đã nhanh chóng nhận ra, do phần mềm này được huấn luyện chủ yếu nhờ bộ dữ liệu bằng tiếng Anh nên với cùng một câu hỏi, ChatGPT sẽ trả lời bằng tiếng Anh tốt hơn hẳn tiếng Việt hay các ngôn ngữ khác.
Dù vậy, cần nhấn mạnh rằng “học giỏi tiếng Anh” ở đây không phải là thuộc quy tắc chia động từ hay phát âm giống người bản xứ. Tiếng Anh sẽ chỉ mang lại giá trị thực thụ trong thời đại AI nếu bạn có thể truyền tải được suy nghĩ của mình một cách sắc nét và chi tiết sử dụng ngôn từ linh hoạt và phong phú, để các phần mềm AI hiểu được chính xác yêu cầu được đưa ra.
Bao nhiêu người sẽ mất việc làm vào tay AI trong tương lai? Chưa ai dám tự tin trả lời vào lúc này. Nhưng có một điều là chắc chắn: AI sẽ thay đổi cách làm việc và để giữ được việc làm, chúng ta phải thay đổi chính mình.
Theo VNEXPRESS
Tags: Công nghệ, Lao động - việc làm, Trí tuệ nhân tạo