BRICS mở rộng và sự thách thức bá quyền phương Tây

Ả Rập Saudi đang đàm phán về việc gia nhập Ngân hàng phát triển Mới (NDB), một bước đệm để quốc gia này chính thức gia nhập khối các nền kinh tế mới nổi lớn (BRICS), bao gồm: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi; và nếu điều này trở thành hiện thực sẽ củng cố một xu hướng địa chính trị mới, đồng thời nhắc nhở Hoa Kỳ về ảnh hưởng đang giảm dần của họ.

BRICS mở rộng và sự thách thức bá quyền phương Tây

Củng cố sức mạnh nam bán cầu

Ả Rập Saudi đang đàm phán để gia nhập NDB, còn gọi là ngân hàng BRICS, với tư cách là thành viên thứ 9. NDB được các quốc gia BRICS thành lập trên cơ sở thỏa thuận liên chính phủ được ký kết tại hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 6 ở Fortaleza vào tháng 7/2014. Mục tiêu của ngân hàng là tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng, dự án phát triển bền vững ở các quốc gia thành viên BRICS và các nước đang phát triển. Năm 2021, NDB đã kết nạp Bangladesh, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất và Uruguay làm thành viên mới. Tất cả các nước trên, ngoại trừ Uruguay, đã chính thức trở thành thành viên của NDB sau khi gửi đơn gia nhập của họ.

Việc mở rộng tư cách thành viên cho Riyadh sẽ báo hiệu sự quan tâm của NDB trong việc thách thức vai trò vốn từ trước đến nay là độc quyền của phương Tây đối với các tổ chức tài chính toàn cầu, đồng thời đưa BRICS trở thành đối trọng với câu lạc bộ các nước giàu chẳng hạn như G7, trở thành một cấu trúc quyền lực mới, đặc biệt là ở Nam bán cầu.

Sức mạnh tài chính của Ả Rập Saudi sẽ mang lại cho ngân hàng của BRICS (hay BRICSS) vai trò nổi bật hơn trong tài trợ đa phương, phù hợp với kế hoạch của nhóm nhằm tạo ra các cấu trúc tài chính thay thế không bị chi phối bởi Washington.

Các nhà phê bình thường chỉ ra rằng hai cấu trúc tài chính lớn nhất hiện nay là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) cho đến nay vẫn thiếu tính đại diện cho các nước Nam bán cầu trong quá trình ra quyết định; đồng thời gần như bị chi phối bởi các mục tiêu chính sách đối ngoại của phương Tây. Trong bối cảnh các tổ chức tài chính toàn cầu này giảm đầu tư vào Nga và Trung Quốc, NDB có thể đưa ra một giải pháp thay thế.

Trong bối cảnh đó, việc Ả Rập Saudi gia nhập BRICS sẽ gửi đi một thông điệp rằng các thành viên hiện tại và tương lai của họ có thể sẽ tìm kiếm các cấu trúc thay thế về quản trị và tài chính toàn cầu; phương Tây dường như đã lưu tâm đến sức mạnh ngày càng đáng kể của các quốc gia nam bán cầu; bằng chứng là Nhật Bản trong vai trò Chủ tịch G7 năm nay đã mời Ấn Độ, Brazil, Liên minh châu Phi, Việt Nam, Indonesia và Hàn Quốc tới dự Hội nghị Thượng đỉnh diễn ra tháng 5 vừa qua.

Tính trung lập là chất keo gắn kết

Giống như các thành viên của BRICS hiện tại, Ả Rập Saudi trung lập trong cuộc xung đột Nga – Ukraine. Một yếu tố đằng sau thái độ này là các quốc gia BRICS phần lớn đồng thuận với một nguyên tắc được hình thành sau thế chiến thứ Hai về sự tôn nghiêm của biên giới và chủ quyền quốc gia.

Các quốc gia thành viên BRICS cũng khác biệt rõ rệt so với các đối tác phương Tây G7 khi họ đề cao nguyên tắc không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của nhau, vì tất cả các nước thành viên BRICS đều hoạt động dưới các loại chế độ rất khác nhau và không bình luận về chính trị trong nước của nhau. Về mặt chính trị, có thể nói đây là chất keo giữ BRICS gắn kết được với nhau.

Ả Rập Saudi gia nhập BRICS sẽ củng cố xu hướng địa chính trị này đồng thời nhắc nhở Washington về ảnh hưởng đang giảm dần của họ. Bất chấp chuyến đi của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Ả Rập Saudi vào năm ngoái để thuyết phục vương quốc này tăng sản lượng dầu để bù đắp giá năng lượng toàn cầu tăng cao, Ả Rập Saudi đã làm điều ngược lại.

Quyết định đó được Riyadh biện minh bằng những mục tiêu kinh tế, nhưng chắc chắn đã mang lại lợi ích cho Tổng thống Nga Vladimir Putin; đồng thời được coi là một cách để ngăn Riyadh không bị đặt trong vòng ảnh hưởng của các chính sách mà Mỹ áp dụng với Nga và Trung Quốc.

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm nay, Bộ trưởng Tài chính Ả Rập Saudi Mohammed Al-Jadaan cho biết, các khoản tài trợ ở nước ngoài của Ả Rập Saudi giờ đây sẽ đi kèm với các ràng buộc: nó sẽ gắn liền với các yêu cầu về cải cách kinh tế ở các nước tiếp nhận. Do đó, tư cách thành viên BRICS của Ả Rập Saudi sẽ mang lại cho vương quốc này một chỗ ngồi trên bàn khi nhóm này tìm cách định hình lại cán cân quyền lực tài chính toàn cầu.

Ở trong nước, vào thời điểm vương quốc đang có kế hoạch đa dạng hóa nền kinh tế, mở rộng thuế và giảm khu vực công hào phóng, tư cách thành viên BRICS sẽ cung cấp một nền tảng để mang lại một cách tiếp cận mới đối với nguồn tài trợ bên ngoài có trách nhiệm và thận trọng.

Trung Quốc có thể đã và sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiến trình gia nhập BRICS của Ả Rập Saudi. Vào tháng 3 vừa qua, Ả Rập Saudi đã tham gia Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) với tư cách là đối tác đối thoại và đang tích cực đàm phán với Trung Quốc để thực hiện các giao dịch liên quan đến dầu mỏ bằng đồng Nhân dân tệ.

Các quốc gia BRICS cũng đang muốn thúc đẩy các sáng kiến phi đô la hóa như một hình thức bảo hiểm rủi ro trong bối cảnh Mỹ vũ khí hóa hệ thống tài chính thống trị toàn cầu bằng đồng đô la.

Sau khi nhậm chức chủ tịch NDB vào tháng 3, Dilma Rousseff, cựu Tổng thống Brazil đã nhấn mạnh: chiến lược tương lai của ngân hàng là tài trợ cho các dự án của nhóm bằng đồng nội tệ, để nuôi dưỡng thị trường trong nước và bảo vệ người vay khỏi những biến động tỷ giá hối đoái khiến tiền của họ dễ bốc hơi.

Rào cản trong tiến trình mở rộng

Trong khi nhiều quốc gia bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS, quá trình mở rộng tổ chức sẽ gặp nhiều thách thức bởi một số vấn đề nội bộ.

Thứ nhất, NDB còn ít nhất một thập kỷ nữa mới vượt qua các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga; để xoa dịu lo ngại của các nhà đầu tư, NDB đã đình chỉ các hạng mục tài chính liên quan đến Nga vào tháng 3/2022 và cũng đã ngừng tài trợ cho các dự án mới ở nước này.

Thứ hai, luôn tồn tại sự cạnh tranh giữa các nước BRICS (chẳng hạn như Trung Quốc và Ấn Độ); nhưng xung đột và căng thẳng biên giới giữa hai nước có thể cản trở nhóm gắn kết hơn nữa trong tương lai.

Thứ ba, ngoại trừ Ấn Độ, không một quốc gia BRICS nào có được triển vọng kinh tế tươi sáng như khi nhóm mới thành lập vào năm 2009.

Thứ tư, NDB có tương đối ít tiềm lực tài chính để thể hiện về mặt đầu tư. Kể từ năm 2015, ngân hàng đã tài trợ cho khoảng 96 dự án với tổng trị giá 33 tỷ USD, so với mức giải ngân gần 67 tỷ USD của WB cho năm tài chính kết thúc vào tháng 6/2022.

Thứ năm, các nước thành viên có khoảng cách quá xa, có hệ thống chính trị khác nhau, không bổ sung đầy đủ về thương mại, không hoàn toàn liên kết với nhau về vị thế địa chính trị.

Thứ sáu, ngay cả trong vấn đề mở rộng, vẫn có bất đồng về tiêu chí giữa các quốc gia thành viên. Nếu không giải quyết được những vấn đề này, một BRICS (hoặc bất kỳ một tên mới nào khác) đang mở rộng có thể sụp đổ dưới sức nặng của những mâu thuẫn của chính họ.

Tuy nhiên, ngay cả khi thế giới theo dõi những diễn biến này với sự quan tâm hay lo lắng – thì phương Tây nên hiểu khả năng mở rộng BRICS như một thông điệp rằng họ không thể tiếp tục ủng hộ một trật tự địa chính trị quốc tế hoặc hệ thống tài chính toàn cầu trong khi phương Tây vẫn tìm cách duy trì sự độc quyền trong các tổ chức này.

Theo ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN

Tags: , , ,