‘Bí mật đen tối’ về hoạt động do thám lẫn nhau giữa các nước đồng minh

Các quốc gia “thân thiện” vẫn theo dõi lẫn nhau vì trên thực tế, một đồng minh hôm nay có thể không còn là bạn vào ngày mai.

‘Bí mật đen tối’ về hoạt động do thám lẫn nhau giữa các nước đồng minh

Bê bối rò rỉ tài liệu mật của Lầu Năm Góc trong những tuần gần đây đã cho thấy góc nhìn hiếm hoi về cách Mỹ do thám đối thủ và đồng minh, bao gồm cả các đồng minh chủ chốt như Hàn Quốc, Israel và Ukraina.

Điều này khiến các quốc gia rơi vào tình thế khó xử trong quan hệ với Washington và được coi là bê bối đáng xấu hổ với lực lượng tình báo Mỹ.

Tuy nhiên, giáo sư David Barrett, khoa Khoa học Chính trị của Đại học Villanova, nhận định hoạt động do thám đồng minh “là bí mật bất thành văn mà hầu như tất cả nhà lãnh đạo đều hiểu”.

“Họ đều biết rằng các quốc gia không chỉ do thám đối thủ và kẻ thù, mà thường do thám cả đồng minh. Điều này hiếm khi được tiết lộ. Lãnh đạo các nước cũng hiếm khi đề cập một cách công khai”, giáo sư Barrett chia sẻ với Zing.

“Thật khó xử cho mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước khi điều này bị phơi bày”, ông nói thêm.

Giới phân tích nhận định vụ rò rỉ tài liệu mật của Lầu Năm Góc không chỉ ảnh hưởng đến danh tiếng của Mỹ, mà còn đến quan hệ giữa nước này với các đồng minh.

“Bí mật bất thành văn”

Theo giáo sư Barrett, Mỹ không phải quốc gia duy nhất do thám các đồng minh. “Chẳng hạn, vào giữa những năm 1960, tình báo Pháp đã theo dõi một số năng lực kỹ thuật của Mỹ. Lịch sử cũng cho thấy rõ ràng Israel, một đồng minh quan trọng của Washington, đã liên tục do thám nước này”, ông dẫn chứng.

Cây bút Elisabeth Braw của tờ Politico cũng cho rằng việc theo dõi đồng minh vốn đã xuất hiện từ lâu vì đó là hành động cần thiết.

“Các quốc gia có lợi ích chính đáng trong việc tự cập nhật thông tin về những diễn biến đang và sắp diễn ra trên khắp thế giới, kể cả ở các quốc gia thân thiện, vì họ có thể có những ưu tiên khác nhau. Trong một số trường hợp, các quốc gia cũng có thể không sẵn lòng chia sẻ thông tin với ngay cả đồng minh thân cận nhất”, bà viết.

Bà Braw cho rằng các nước không thể biết liệu đánh giá của đồng minh có đáng tin cậy hay không, cho đến khi chính họ tự thực hiện đánh giá. Quan điểm này tương tự tuyên bố của cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan khi đề cập đến giải trừ vũ khí hạt nhân: Tin tưởng nhưng cần xác minh.

Một số chuyên gia cũng nhận định các quốc gia thân thiện vẫn theo dõi lẫn nhau vì trên thực tế, một đồng minh hôm nay có thể không còn là bạn vào ngày mai.

“Ngay cả giữa các (nước đồng minh), rất nhiều hoạt động tình báo đang diễn ra. Trong đó, một số hoạt động nhắm vào các mối đe dọa với an ninh quốc gia”, ông Charles Kupchan, giáo sư về các vấn đề quốc tế tại Đại học Georgetown và là thành viên cấp cao của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nói với CNN.

“Ngày càng nhiều hoạt động thu thập thông tin tình báo thường nhật được coi là bình thường, tập trung vào thông tin liên quan đến việc quản lý nhà nước, chẳng hạn ai có khả năng trở thành bộ trưởng ngoại giao tiếp theo, hay quan điểm của Đức trong các cuộc đàm phán với Iran là gì?”, ông Kupchan ví dụ.

Vị giáo sư cho biết việc các nước theo dõi lẫn nhau là “kiến thức phổ biến” giữa các học giả và “đã diễn ra trong nhiều thế kỷ”.

Các đại sứ quán cũng có thể góp phần vào hoạt động này. Theo ông Peter Earnest – người từng làm việc cho CIA trong 36 năm, trong đó có khoảng 25 năm tham gia cơ quan bí mật – các quốc gia cho phép các phái bộ trao đổi thông tin chính thức, nhưng họ cũng có thể thu thập thông tin tình báo một cách bí mật.

Trong khi đó, vụ rò rỉ tài liệu mật gần đây không phải lần đầu tiên Mỹ liên quan tới bê bối do thám đồng minh. Vào năm 2013, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) từng bị cáo buộc ghi âm 70 triệu cuộc gọi ở Pháp trong 30 ngày tính đến 8/1/2013. Vụ việc kéo theo hàng loạt chỉ trích từ các chính trị gia Pháp, trong đó có cựu Thủ tướng Jean-Marc Ayrault.

Tuy nhiên, cựu Giám đốc Cơ quan chống gián điệp và khủng bố Pháp (DCRI) Bernard Squarcini cho biết Paris cũng do thám Washington.

Ông Squarcini chia sẻ với tờ Le Figaro rằng bản thân “kinh ngạc” khi Thủ tướng Ayrault nói “vô cùng sốc” trước cáo buộc này.

“Tôi ngạc nhiên trước sự ngây thơ đến bối rối như vậy”, ông Squarcini nói trong cuộc phỏng vấn. “(Nó khiến chúng ta) gần như nghĩ rằng các chính trị gia không buồn đọc báo cáo mà họ nhận được từ cơ quan tình báo”.

Mỹ sẽ trấn an đồng minh như thế nào?

Giáo sư Barrett cho rằng thật khó xử khi các nhà lãnh đạo quốc gia gặp mặt sau những tiết lộ này, nhưng nó hiếm khi dẫn đến sự rạn nứt đáng kể trong quan hệ đồng minh. Song vị chuyên gia đánh giá danh tiếng của Mỹ trong mắt người dân các nước có thể bị ảnh hưởng.

Theo ông Barrett, hầu hết người dân ở tất cả quốc gia thực sự không biết về cách thức các cơ quan tình báo hoạt động ở trong nước hoặc tương tác với các cơ quan khác xuyên biên giới. Do vậy, nhìn chung, công chúng có hiểu biết hạn chế về khả năng sự việc như thế này có thể xảy ra.

Theo Vice, vụ rò rỉ thông tin của Lầu Năm Góc đã vấp phải làn sóng chỉ trích ở Hàn Quốc – một trong những quốc gia đồng minh mà Mỹ bị cáo buộc nghe lén.

“Từ những gì tôi đã thấy về các mô tả của những tài liệu này, Mỹ dường như có cái nhìn tinh tường và rất thực tế về khả năng của các đồng minh”, vị chuyên gia nói thêm.

Bên cạnh đó, giới phân tích lo ngại rằng vụ rò rỉ tài liệu mật sẽ không chỉ ảnh hưởng đến danh tiếng của Mỹ, mà còn tác động đến mối quan hệ của nước này với các đồng minh. Tuy vậy, giáo sư Barrett bày tỏ nghi ngờ về việc các nhà lãnh đạo Mỹ sẽ trấn an đồng minh về sự cố này như thế nào.

“Tôi nghĩ rằng họ sẽ rất hạn chế thảo luận về (vụ rò rỉ). Tôi chắc chắn rằng họ thà chuyển sang các chủ đề khác”, ông chia sẻ.

Dẫu vậy, South China Morning Post dẫn lời giới phân tích nhận định chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol vào cuối tháng này – vốn là sự kiện rất được mong đợi – có thể bị phủ bóng bởi vụ rò rỉ tài liệu mật gần đây.

Trong nỗ lực hàn gắn quan hệ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Hàn Quốc hôm 11/4. Cả hai quan chức đều khẳng định một phần đáng kể trong các tài liệu xuất hiện trên mạng là bịa đặt.

Phía Hàn Quốc cũng hạ thấp mọi khả năng xảy ra rạn nứt với Mỹ sau vụ rò rỉ, đồng thời nhắc lại rằng liên minh giữa hai nước vẫn mạnh mẽ.

Ông Austin và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã gặp các quan chức Ukraina cùng ngày 11/4. Ông Blinken cho biết đã nói chuyện với các đồng minh của Mỹ để “trấn an họ về cam kết của chính chúng tôi trong việc bảo vệ thông tin tình báo”.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: , ,