⠀
Bạo loạn ở nước Pháp: Một quả báo cho chủ nghĩa thực dân?
Pháp từng là một trong những cường quốc thực dân lớn nhất châu Âu. Từ thế kỷ 16 cho đến những năm 1970, các nhà lãnh đạo của nước này tin rằng họ có một “sứ mệnh văn minh” phải thực hiện, dẫn tới việc đô hộ và thống trị nhiều vùng thuộc địa trên khắp thế giới.
Hàng chục nghìn người Pháp đã xuống đường để bày tỏ sự tức giận trước cái chết của Nahel, 17 tuổi, một thiếu niên gốc Algeria. Thiếu niên này đã bị cảnh sát bắn tử vong tại một điểm dừng giao thông vào thứ Ba tuần trước.
Các cuộc đụng độ giữa những người biểu tình, chủ yếu là thanh niên, và cảnh sát đã đặt ra câu hỏi về mức độ bạo lực, cũng như mối liên hệ với nạn phân biệt chủng tộc và quá khứ thực dân của nước Pháp.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi việc sát hại Nahel là “không thể bào chữa”. Crystal Fleming, giáo sư xã hội học tại Đại học Stony Brook ở New York, gọi đây là sự phân biệt chủng tộc.
Bà nói thêm rằng các cuộc biểu tình và bạo loạn là “phản ứng của người dân đối với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc của Pháp liên quan đến chủ nghĩa thực dân”.
Pháp vẫn bị ám ảnh bởi quá khứ thuộc địa
Pháp từng là một trong những cường quốc thực dân lớn nhất châu Âu. Từ thế kỷ 16 cho đến những năm 1970, các nhà lãnh đạo của nước này tin rằng họ có một “sứ mệnh văn minh” phải thực hiện, dẫn tới việc đô hộ và thống trị nhiều vùng thuộc địa trên khắp thế giới.
Trong khi cuộc cách mạng Pháp năm 1789 hứa hẹn “tự do, bình đẳng và tình huynh đệ” cho tất cả đàn ông Pháp (không bao gồm phụ nữ) trên lục địa Pháp, các quyền này không được áp dụng cho các thuộc địa.
Đặc biệt, vai trò của Pháp ở Algeria vẫn là một chủ đề rất nhạy cảm. Quốc gia Bắc Phi này lần đầu tiên bị thuộc địa hóa vào năm 1830 và sau đó được sáp nhập vào lãnh thổ quốc gia Pháp. Khi Algeria tuyên bố độc lập, một cuộc chiến tàn khốc đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người, chủ yếu là người Algeria, và cuối cùng đã dẫn đến sự chấm dứt chế độ cai trị của Pháp vào năm 1962.
Đồng thời, Pháp cũng buộc phải từ bỏ quyền kiểm soát các thuộc địa khác của mình, chủ yếu là do sự thành công của các phong trào độc lập. Tuy nhiên, ngày nay, một số lãnh thổ hải ngoại vẫn còn phụ thuộc vào Pháp. Đất nước này đã duy trì sức ảnh hưởng kinh tế, chính trị và quân sự ở các thuộc địa cũ của mình, chủ yếu ở lục địa châu Phi, bằng cách hỗ trợ các chính trị gia.
Tổng thống Pháp đương nhiệm Emmanuel Macron đã thừa nhận quá khứ thuộc địa của đất nước mình là một “tội ác lịch sử”. Ông thề sẽ trả lại các hiện vật bị đánh cắp và thành lập các ủy ban điều tra vai trò của Pháp ở Algeria và trong cuộc diệt chủng ở Rwanda.
Nhưng các nhà phê bình cho rằng điều đó không đi đủ xa. Nhiều người nói rằng Pháp nên chịu trách nhiệm đầy đủ về quá khứ, chẳng hạn như thừa nhận những tội ác đã gây ra trong thời kỳ thuộc địa.
Tuy nhiên, ông Macron đã tuyên bố rằng ông không có ý định “xin sự tha thứ” về vai trò của đất nước mình ở Algeria “vì điều đó sẽ phá vỡ mọi ràng buộc”.
Nhiều người nói rằng chủ nghĩa thực dân có những mặt tích cực. Năm 2017, chính trị gia cực hữu Marine Le Pen cho biết quá trình thuộc địa hóa của Pháp “đã mang lại rất nhiều điều tốt” cho các thuộc địa cũ. Bà là ứng cử viên cạnh tranh chính thức với ông Macron trong cuộc đua vào điện Elysee năm 2017 và 2022.
Nạn phân biệt chủng tộc
Pháp cũng không công bố bất kỳ cuộc điều tra dữ liệu dân số nào liên quan tới các chủng tộc đang sinh sống tại đất nước.
Ông Rokhaya Diallo, một trong những nhà hoạt động bình đẳng chủng tộc nổi tiếng nhất của Pháp, cho biết: “Có một nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống trong giới cảnh sát Pháp. Chính phủ Pháp đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc này”.
Theo một nghiên cứu của thanh tra nhân quyền của đất nước, những thanh niên người da đen hoặc người Ả Rập có khả năng bị cảnh sát Pháp chặn lại cao gấp 20 lần so với người da trắng. Đa phần những thanh niên đó có nguồn gốc từ các thuộc địa cũ của Pháp và sống ở các vùng ngoại ô của các thành phố lớn như Paris, Marseille hoặc Lyon.
Những vùng ngoại ô này được tạo ra vào giữa thế kỷ 19, khi Napoléon III đã ủy quyền cho nhà quy hoạch thành phố Georges-Eugene Haussmann để tạo ra một Paris mới với những con đường rộng hơn và hệ thống thoát nước thải tốt hơn.
Những người dân nghèo đã bị đẩy ra vùng ngoại ô. Sau Thế chiến II, các tòa nhà cao tầng đã được xây dựng để đáp ứng với tăng trưởng kinh tế và thu hút người dân về các vùng này.
Trong lịch sử, những vùng ngoại ô này đã bị chính phủ Pháp bỏ bê. Cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy, khi còn làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đã đề xuất vào năm 2005 việc làm sạch vùng ngoại ô bằng máy phun rửa áp lực cao.
Kể từ đó, các chương trình đã được thiết lập, các cuộc nói chuyện đã được tổ chức, nhưng không có nhiều thay đổi.
Theo CÔNG LUẬN / DW
Tags: Pháp, Chủ nghĩa thực dân, Phân biệt đối xử