10 thách thức môi trường của toàn nhân loại

Thay đổi khí hậu và sự gia tăng tiêu dùng nhanh chóng đang đặt một áp lực lớn lên Trái Đất. Nếu loài người không tìm được lối thoát thì hành tinh này sẽ thực sự rơi vào khủng hoảng.

1. Tuyệt chủng

Gấu trúc đã trở thành biểu tượng của sự thay đổi khí hậu mà Trái Đất phải đối mặt, hiện trên thế giới chỉ còn khoảng 1.600 chú gấu panda “dễ thương”. Đây là hậu quả của sự xâm lược tới môi trường sống của chúng do loài người thực hiện. Năm 2008, 16.928 loài có nguy cơ tuyệt chủng đã được liệt vào sách Đỏ của Ủy ban Bảo tồn Thế giới, tăng 11.046 loài so với năm 2000.

2. Sự nóng lên của trái đất

Tháng 8/2003, 14.802 người dân Pháp đã chết do nắng nóng, trong khi số người chết ở toàn bộ châu Âu là 52.000 người. Các thập kỷ ghi dấu sự gia tăng nhiệt độ của trái đất. Thống kê của các nhà khoa học cho thấy, thập kỷ 1998 đến 2007 là nóng nhất. Báo cáo của Ban Hội thẩm Liên Chính phủ về Thay đổi Khí hậu (IPCC) kết luận, loài người góp 90% nguyên nhân khiến nhiệt độ trung bình của trái đất tăng cao.

3. Băng tan

Sự tồn vong của các dòng sông băng trên dãy Himalayas phụ thuộc vào 40% dân số thế giới. IPCC dự đoán 80% các dòng sông băng ở Himalaya sẽ biến mất trong 30 năm tới. Trong khi đó, năm 2007, số lượng băng tan chảy đủ để tàu thuyền lần đầu tiên có thể đi lại qua khu vực Bắc Cực thuộc Canada.

4. Ô nhiễm nguồn nước

Thiếu các nguồn nước sạch và vệ sinh là mối đe dọa chính đến sức khỏe con người. Mỗi ngày trên thế giới có 5.000 trẻ em chết do bệnh tiêu chảy, nguyên nhân bắt nguồn từ hệ thống vệ sinh kém chất lượng. Một trong những dòng sông ô nhiễm nhất thế giới là Citarum, ở Indonesia, bị ô nhiễm do hóa chất từ các nhà máy và chất thải của con người. Một lớp rác phủ kín bề mặt sông đã không dành một kẽ hở nào cho nước.

5. Ô nhiễm không khí

Ô nhiễm không khí khiến phổi con người dễ bị tổn thương. Một xếp hạng mới đây liệt Bắc Kinh ở vị trí thứ hai, sau New Delhi về mức độ ô nhiễm không khí. Năm 2008, không khí ở thủ đô Trung Quốc rất tệ hại, khiến ban tổ chức Olympic rất lo lắng về sức khỏe của các vận động viên. Thành phố phải ban hành những điều luật giao thông nghiêm ngặt và di chuyển các nhà máy khỏi trung tâm thành phố. Nửa cuối năm 2008, các nhà khoa học phát hiện mức độ không khí toàn cầu được coi là sạch nhất nhất kể từ năm 2000, nguyên nhân được lý giải là do nền kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, khiến nhu cầu về năng lượng khí đốt giảm đáng kể.

6. Khô hạn

Khô hạn là một trong những kiểu thảm họa cổ xưa nhất. Australia đã phải hứng chịu nhiều đợt hạn hán nghiêm trọng trong năm 2006, 2007 và 2009. Liên Hiệp Quốc dự đoán những mảnh đất màu mỡ mà Ukraina bị mất hàng năm là do hạn hán, phá rừng và thời tiết bất thường.

7. Lốc xoáy

Kết quả tàn phá của những cơn bão và lốc xoáy gần đây là những bằng chứng không thể chối cãi của nhận định, trong 50 năm trở lại đây những cơn bão ngày càng mãnh liệt hơn. Tuy nhiên, tin tốt là, các nhà khoa học chưa khẳng định, sự ấm nóng toàn cầu tác động đến cơn bão. Nhưng đó không phải là lời an ủi dành cho hàng nghìn nạn nhân của bão và lụt lội hàng năm.

8. Đô thị hóa

Trung Quốc là quốc gia có tốc độ đô thị hóa lớn nhất thế giới. Điển hình là thành phố Thâm Quyến đã chuyển mình mạnh mẽ từ một làng chài lưới “ngủ quên”. Tuy nhiên, những vấn đề về môi trường ở Thâm Quyến cũng giống như nhiều thành phố có tốc độ tăng trưởng nhanh khác ,đang khiến nhiều người lo ngại. Thế hệ “tiêu dùng” của thế giới giờ đã lên tới con số 1,7 tỷ, bao gồm 240 triệu người ở Trung Quốc và 120 triệu người Ấn Độ. Điều này dẫn đến các vấn đề từ ô nhiễm không khí, thiếu lương thực, tới nguồn nước nhiễm bẩn. Nhà địa lý học, Jared Diamond nhận định việc đánh bắt cá, săn bắn trái phép và gia tăng dân số đã dẫn tới sự sụp đổ của hệ thống xã hội.

9. Rác thải

Số lượng rác thải của một quốc gia đang có xu hướng gia tăng cùng tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các quốc gia giàu có hơn sẽ luôn giải quyết tốt vấn đề rác thải của mình. Ví dụ, người dân Ấn Độ không ném rác thải đi mà bán chúng cho những người chuyên thu mua. Cho đến nay, rất nhiều sản phẩm hiện đại vẫn không được tái sử dụng và điều này dẫn đến tình trạng gia tăng số lượng các bãi rác khổng lồ. Một số trong đó được kiểm soát bằng các luật lệ và tiêu chuẩn nghiêm ngặt, thế nhưng hầu hết chúng bị lãng quên.

10. Tốc độ phát triển chậm chạp của năng lượng thay thế

Các nông trại chạy bằng năng lượng gió ở Đan Mạch đã đóng góp một phần cho nguồn năng lượng của các nước châu Âu. Đan Mạch từng phải hứng chịu tổn thất về kinh tế bởi lệnh cấm vận dầu mỏ năm 1973. Các dạng năng lượng thay thế trên thế giới có thể dựa trên năng lượng mặt trời, khí hydro và năng lượng địa nhiệt. Tuy phải mất nhiều thời gian để các ngành công nghiệp này “trưởng thành”, nhưng nếu đáp ứng được nhu cầu năng lượng ngày càng tăng và hạn chế sự ấm nóng toàn cầu, thì thế giới hy vọng chứng kiến nhiều thay đổi tích cực.

Theo ĐẤT VIỆT ONLINE


Tags: , , , , ,