⠀
10 bài học từ sự trỗi dậy thành siêu cường công nghệ của Israel
Là một quốc gia nhỏ nằm bên bờ Địa Trung Hải, Israel khiến cả thế giới phải thán phục về trình độ khoa học công nghệ vượt trội, sánh ngang với các siêu cường phương Tây.
Câu chuyện về những đột phá công nghệ hay phát minh mới từ Israel đã không còn là điều hiếm gặp. Nổi lên từ sau Thế chiến II, quốc gia này đang trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) công nghệ lớn nhất thế giới.
Là một quốc gia non trẻ với nhiều thiệt thòi, những người lưu vong trở về Israel đã phải gây dựng lại quốc gia của mình gần như từ hai bàn tay trắng. Tuy nhiên, họ có trong tay một thứ mà nhiều quốc gia khác phải mong muốn: những bộ óc siêu việt. Đầu tư vào con người là điều mà chính phủ quốc gia này luôn quan tâm để từ đó thúc đẩy phát triển nền công nghệ quốc gia. Không chỉ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Isarael còn đi tiên phong trong cải cách công nghệ liên quan tới nông nghiệp, giáo dục, an ninh quốc phòng và nhiều ngành nghề khác. Chỉ cần kể tới những phát minh ra đời từ Israel thôi cũng khiến không ít người kinh ngạc mà tự hỏi: quốc gia nhỏ bé này đã đi lên ra sao?
Vậy nguyên nhân nào đứng đằng sau những thành tựu công nghệ ấn tượng này?
1. Israel là một quốc gia đa văn hóa
Trên thực tế, dù những người Israel đều mang dòng máu Do Thái, họ là những người lưu lạc từ nhiều nước trên thế giới quyết tâm trở về “phục quốc” từ sau năm 1948. Do đó, trở về vùng đất tổ tiên, họ mang theo những tư tưởng, suy nghĩ, quan điểm khác nhau từ nhiều nền văn hóa. Sự đa dạng trong văn hóa và con người nhưng tựu chung ở mong muốn xây dựng đất nước đã giúp Israel phát triển nhanh chóng. Những kiến thức, ý tưởng khác nhau đã giúp nền công nghệ nước này có những bước đi đa chiều.
2. Khó khăn là tiền đề cho sự phát triển
Có thể nói, một trong những nguyên nhân chính cho sự phát triển công nghệ trình độ cao tại Israel bắt nguồn từ chính những khó khăn mà người dân quốc gia này gặp phải trong quá trình phát triển đất nước. Việc Liên Hợp Quốc trao lại vùng đất vốn được coi là của người Do Thái cho những người Do Thái lưu vong không đồng nghĩa với việc họ có thể an cư lập nghiệp trên mảnh đất này. Nhận về mảnh đất tổ tiên, người Do Thái phải tranh đấu với sự nhăm nhe của các quốc gia láng giếng như A Rập, Li Băng, Syria. Đây là động lực cho một nền kỹ thuật quân sự phát triển mạnh, đủ để chống lại sự thù địch của những quốc gia vùng vịnh.
Bên cạnh đó, như nhiều quốc gia Trung Đông khác, đất đai của Israel vốn khô cằn với khả năng canh tác thấp. Người Israel ngay từ ngày đầu trở về đã tham vọng biến những vùng hoang mạc khô cằn thành những ốc đảo để có thể canh tác nông nghiệp, không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn có thể xuất khẩu. Câu chuyện về một ha đất cho tới 300 tấn cà chua, hay bò của Israel có thể cho sản lượng 12 tấn/năm, hơn bò Hà Lan tới 3 tấn, không phải là những chuyện hiếm gặp. Những công nghệ biến nước lợ thành nước ngọt, tưới nhỏ giọt, nhà kính, trồng xen canh thủy canh…đã thực sự biến đất nước này thành quốc gia nông nghiệp kĩ thuật cao hàng đầu thế giới.
Chính từ những khó khăn, người Israel đã biết cách vươn lên để làm chủ cuộc sống. Động lực, ước mơ và khối óc của người Do Thái đã giúp họ cho ra đời những sản phẩm công nghệ ấn tượng.
3. Nền giáo dục tiên tiến
Giáo dục là vấn đề được nhà nước Israel hết sức coi trọng, ngay từ nửa sau của thế kỷ 20. Từ bậc tiểu học cho tới giáo dục đại học, dù là trường tư hay khối công lập, chất lượng giáo dục luôn được đảm bảo. Đặc biệt, nhà trường luôn đề cao khả năng sáng tạo và nuôi dưỡng những đam mê của học sinh. Các môn học về khoa học và công nghệ đã được đưa vào giảng dạy trong nhà trường ngay từ những năm đầu của sự nghiệp giáo dục.
Hơn nữa, không chỉ dừng lại ở mức độ lý thuyết, các trường học tại Israel luôn khuyến khích học sinh tham gia vào các cuộc thi sáng tạo, những bài tập thực tế. Nếu bạn hỏi một học sinh Israel về những môn khoa học trong nhà trường, bạn sẽ phải ngạc nhiên vì trình độ của những người trẻ cũng như sự hứng thú, ham học hỏi của chúng với những tri thức khoa học.
4. Đầu tư vào đổi mới
5% GDP của Israel được đầu tư vào khối tư nhân qua các quỹ nghiên cứu khoa học trực thuộc bộ kinh tế. Chưa có quốc gia nào trên thế giới “dám” đầu tư mạnh tay với con số như vậy. Những nhà đầu tư Israel rất quan tâm tới các quỹ và các khoản đầu tư với mục tiêu tăng cường các sản phẩm trí tuệ trong nước và định hướng phát triển thành công các công ty công nghệ.
Tuy nhiên, nó không dừng lại ở đó.
Hầu hết các công ty toàn cầu có trung tâm R&D tại Israel: Apple, Google, Intel, Microsoft. Qualcomm, Samsung, Facebook… Đây là một chiếc lược có lợi cho cả Israel và các công ty đa quốc gia.
Bên cạnh đó, khoảng 80% các khoản đầu tư cá nhân vào khối khởi nghiệp tại Israel đến từ nước ngoài.
5. Trí thông minh siêu việt và cơ sở dữ liệu công nghệ
The mossad, Military Intel, Cyber warefare units và nhiều các trung tâm khác là nơi thu hút những nguồn nhân tài cho Israel. Những công dân Israel trẻ tuổi sẽ trải qua những khóa học và tham gia vào các hoạt động nghiên cứu khoa học.
Sau những khóa học, họ sẽ rời khỏi đây và tự tay mình tạo nên những công nghệ mới .
6. Nghĩa vụ quân sự
Tất cả những người Israel trẻ tuổi phải có trách nhiệm xây dựng đất nước phát triển. Thông qua những khóa quân sự bắt buộc, tinh thần thép và những phẩm chất của người lãnh đạo được hun đúc, giúp cho người trẻ Israel dám dấn thân vào con đường khởi nghiệp với phong thái vững vàng hơn.
7. Suy nghĩ vượt ngoài ranh giới quốc gia
Từ những ngày đầu khởi nghiệp, những doanh nhân trẻ Israel luôn trăn trở về việc làm sao để bước ra toàn thế giới, chứ không chỉ bó gọn trong ranh giới quốc gia. Do đó, phát triển công nghệ sử dụng trong nước thôi chưa đủ, các doanh nghiệp Israel luôn muốn cải tiến không ngừng để vươn xa ra toàn thế giới với các sản phẩm công nghệ cao của mình.
Chính điều này đã khiến họ luôn cố gắng tìm ra những giải pháp mới cho mọi vấn đề.
8. “Chutzpa”
Chutzpa trong tiếng Hebrew có nghĩa là “thái độ”. Người dân Israel luôn giữ cho mình tinh thần dám nghĩ dám làm với khẩu hiệu “Chúng ta có thể làm được”. Điều này đã giúp họ vượt qua mọi rào cản và khó khăn.
Không chỉ từ những giá trị vật chất, kiến thức sâu sắc hay bộ óc thiên tài, tinh thần và phẩm chất của người Do Thái hun đúc qua nhiều thế hệ cũng là nguyên nhân dẫn tới sự thành công trên mặt trận công nghệ của quốc gia này.
9. Hiệu quả công việc cao
Đây là một nét đặc trưng trong tính cách người Do Thái: làm việc cần mẫn và hiệu quả. Khi một công ty Mỹ hay châu Âu đang dần hoàn thiện cấu trúc công ty, lên ý tưởng sản phẩm và có kế hoạch công việc, công ty khởi nghiệp Israel đã bắt đầu có những sản phẩm sẵn sàng đưa vào thử nghiệm và lắp đặt.
10. Tinh thần chấp nhận thất bại
Những nhà đầu tư Israel có tinh thần “khoan dung” hơn bất cứ đồng sự nào từ các quốc gia khác. Họ coi việc thất bại là một chuyện có thể xảy ra của các công ty khởi nghiệp. Thất bại đồng nghĩa bạn đã học được điều gì đó. Và từ những thất bại trước, đó sẽ là bước đệm cho bạn thành công hơn cho những ý tưởng mới sau này.
Theo TRÍ THỨC TRẺ
Tags: Chiến lược phát triển, Israel, Công nghệ, Kinh doanh - Sản xuất