Vua Lê Thái Tổ có phải là người Mường?

Đồng bào vùng Lam Sơn ngày nay vẫn thường gọi Lê Lợi là đạo Cham và Nguyễn Thận ở Mục Sơn là đạo Mục. Căn cứ vào những tài liệu đã có và thành phần cư dân ở vùng Lam Sơn hiện nay phần lớn là người Mường, có người cho rằng Lê Lợi là một tù trưởng người Mường.

Tượng đài vua Lê Thái Tổ ở Hà Nội.

Trích đăng bài viết của nhà nghiên cứu Phạm Tấn – Ban Quản lý Di tích danh thắng Thanh Hóa.

Cho đến nay, về vấn đề nguồn gốc Lê Lợi cũng đang còn có những ý kiến khác nhau trong giới Sử học. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự ghi chép của sử sách và gia phả cũ cùng truyền thuyết địa phương lại có những từ ngữ khác nhau, cho nên có người thì suy luận thế này, có người lại suy luận thế khác.

Ngay từ năm 1977, trong lần tái bản thứ ba, sách “Khởi nghĩa Lam Sơn” của giáo sư Phan Huy Lê – Phan Đại Doãn đã có sự tổng hợp các loại ý kiến về nguồn gốc dân tộc của Lê Lợi (ở phần chú thích như: “Lam Sơn thực lục và Hoàng Lê ngọc phả chép rằng Lê Lợi làm phụ đạo Khả Lam (tức Lam Sơn).

Đồng bào vùng Lam Sơn ngày nay vẫn thường gọi Lê Lợi là đạo Cham và Nguyễn Thận ở Mục Sơn là đạo Mục. Căn cứ vào những tài liệu đó và căn cứ vào thành phần cư dân ở vùng Lam Sơn hiện nay phần lớn là người Mường, có người cho rằng Lê Lợi là một tù trưởng người Mường. Đó là một vấn đề cần nghiên cứu và xác minh thêm vì những căn cứ trên đây chưa đầy đủ và vững chắc.

Việc Lê Lợi làm phụ đảo Khả Lam được ghi chép trong “Lam Sơn thực lục” do Hồ Sĩ Dương biên soạn lại đời Vĩnh Trị (1676 – 1679), “Hoàng Lê ngọc phả” biên soạn đời Cảnh Hưng (1740 – 1786) và một số tài liệu khác như “Lam Sơn thực lục tục biên”, “Lê gia phả ký”…

Trong lúc đó, bia Vĩnh Lăng, chính sử như “Toàn thư” “Cương mục”, không chép việc Lê Lợi làm phụ đạo Khả Lam. Những tài liệu này chép rằng Lê Hối (ông tổ ba đời của Lê Lợi – Phạm Tấn) “đời đời làm quân trưởng một phương”. Theo “Lam Sơn thực lục” thì Lê Hối làm “sư công” (Mạc Bảo Thần dịch là “nghề ông thầy”.

“Hoàng Lê ngọc phả” cũng chép Lê Hối làm nghề “sư công” và nói rõ lai lịch của ông “hồ khẩu tứ phương, thiện ư giáo hối đa thành đạt giả, chúng nhân chi danh Viết Hối” (nghĩa là: kiếm ăn bốn phương, giỏi việc dạy bảo, nhiều người thành đạt, nhân đó người ta gọi là Hối). Như vậy, phải chăng Lê Hối vốn là người nơi khác, đi dạy học các nơi, rồi di cư đến Như Áng và sau dời đến chân núi Lam Sơn?” (S.đ.d, NXB KHXH – 1977, tr.121 – 122).

Đến năm 1998, ở sách “Việt – Nam cái nhìn địa văn hóa” (NXB VHDT và tạp chí VHNT – Hà Nội – 1998), tác giả – cố giáo sư Trần Quốc Vượng, trong bài “Xứ Thanh, vài nét về lịch sử – văn hóa” đã có viết một cách khẳng định về nguồn gốc Lê Lợi: “Ở đầu thế kỷ XV, khi toàn bộ miền Bắc Đại Việt đã bị giặc Minh chiếm đóng (1407 – 1427) thì một người con của dân tộc Mường xứ Thanh (nếu ông bố không phải là người Mường thì bà mẹ là người Mường gốc, theo văn bia của trạng nguyên Lương Thế Vinh thế kỷ XV, do ông Lê Xuân Kỳ – Phó Chủ tịch huyện Thọ Xuân công bố trên báo Nhân dân Chủ nhật, tháng 6/1993, thì Lê Lợi nếu không phải 100% người Mường thì cũng 60% người Mường vì mẹ ông là người Mường gốc Thủy Chú – Chủ Sơn, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) và ông có rất nhiều “đồng chí” ban đầu của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là người Mường như Lê Lai… Phạm Cuống…”. (S.đ.d, tr.279).

Như vậy, về nguồn gốc dân tộc của Lê Lợi cho đến nay vẫn còn tồn tại ba ý kiến khác nhau, đó là: Lê Lợi là người dân tộc Mường (đã từng làm tù trưởng Mường); Lê Lợi là người nửa Việt, nửa Mường (cha Việt, mẹ Mường, đẻ ra ở vùng Mường gốc); Lê Lợi là người Việt, có nguồn gốc từ nơi khác đến.

Trong ba loại ý kiến này, chúng tôi nghiêng về quan điểm nhận định, suy diễn của hai giáo sư Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn cho rằng ông tổ ba đời của Lê Lợi là “Lê Hối vốn là người nơi khác, đi dạy học các nơi, rồi di cư đến Như Áng và sau dời đến chân núi Lam Sơn”.

Và rất tình cờ, may mắn, trước đây, trong dịp mở lớp sưu tầm lịch sử ở huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa), tôi và nhà nghiên cứu Hán Nôm là ông Trịnh Ngữ (lúc đó là Trưởng phòng Bảo tàng – Lịch sử, Sở Văn hóa Thông tin Thanh Hóa) được ông Nguyễn Đăng Quýnh (nguyên là Giám đốc Mỹ thuật Thanh Hóa, là con cháu dòng họ Lê ở xã Thọ Ngọc, huyện Triệu Sơn, đổi ra họ Nguyễn Đăng vì lý do chạy Mạc, ở thế kỷ XVI) cho xem cuốn gia phả họ Lê (tức Nguyễn Đăng) bằng chữ Hán.

Qua phần dịch của ông Trịnh Ngữ, được biết rõ lai lịch nguồn gốc của Lê Lợi một cách cụ thể hơn so với những sử sách, gia phả khác mà chúng ta đã biết. Trong khi các sách “Toàn thư”, “Lam Sơn thực lục” (kể cả bản nhà Lê Sát, do Ty Văn hóa Thanh Hóa xuất bản năm 1976) và gia phả họ Lê (Kiều Đại, thành phố Thanh Hóa), v.v… chỉ nêu thế chứ tổ tiên của Lê Lợi từ Lê Hối – Lê Đinh – Lê Khoáng rồi đến Lê Lợi, thì ở bản gia phả họ Lê (Thọ Ngọc) lại nêu được thêm một vị cao tổ của Lê Lợi, đó là ông Lê Mỗi.

Gia phả nêu rõ: Lê Mỗi là người trang Bái Đô (nay thuộc xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân) sinh được 5 người con. Ông Lê Hối là con trai thứ hai của ông Lê Mỗi. Vốn dĩ ông (tức Lê Hối) cũng là người có học thức sâu rộng và rất am hiểu về thuyết phong thủy. Ông thường đi xem đất ở các vùng ở hai ven bờ sông Lương (tức sông Chu).

Một hôm đến vùng Vành Giá (tức vùng đất làng Như Áng) thấy đây là vùng đất tốt bèn cho dời nhà (từ trang Bái Đô) để đến ở rồi làm nghề sử công (dạy học). Tính ông thường thích đi săn bắn thú rừng. Có lần vượt qua dãy núi Cham (tức Lam Sơn, hay còn gọi là núi Dầu – P.V.T), đến gần chỗ sông Lương, thấy đây là vùng đất tương đối bằng phẳng, rộng rãi và thoáng đãng, có địa thế núi, sông thuận lợi cho việc canh tác và cư trú nên lại quyết định dời nhà đến đây ở và trong vòng 3 năm thì thành sản nghiệp, v.v…

Qua sự ghi chép của bản gia phả họ Lê (Thọ Ngọc), chúng ta lại biết rõ hơn là tổ tiên của Lê Lợi là ông Lê Mỗi (bố của Lê Hối, tằng tổ của Lê Lợi) là người ở trang Bái Đô – một vùng đất qua tìm hiểu của chúng tôi thì chưa bao giờ có người Mường ở.

Điều đó có thể cho phép chúng ta kết luận nguồn gốc của Lê Lợi chính là nguồn gốc Việt (Kinh) mà từ đời ông Cao tổ (Lê Mỗi) – tằng tổ (Lê Hối) – hiển tổ (Lê Định) – hiển khảo (Lê Khoáng) rồi đến Lê Lợi, cộng lại là 5 đời (với trên dưới một thế kỷ) đều là những đại diện người Việt (ở thế kỷ XIII – XIV) đã có công khai phá vùng đất hoang rậm ở vùng núi Cham (tức Lam) ven sông Lương để tạo ra đây thành một trang – ấp Lam Sơn với cơ nghiệp ngày một bề thế, để rồi trở thành hương Lam Sơn, sách Lam Sơn và lộ Khả Lam nổi tiếng trong lịch sử dân tộc.

Còn về tấm bia hộp phát hiện ở làng Mường Thủy Chú (hay còn gọi là làng Chủ Sơn, xã Xuân Thắng, huyện Thọ Xuân) hiện tại đã được đưa về nhà thờ họ Trịnh ở xã Đông Minh, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa thì mặt trên có hàng chữ: “Đại Việt Thái bảo Bình lạc hầu mộ chí”. Mặt dưới nói về Thái bảo lạc hầu Trịnh Duy Hiếu người sách Thủy Chú, huyện Lôi Dương.

Cả bốn đời nhà quan Thái bảo đều phụng sự dưới triều Hậu Lê. Cụ tổ là Trịnh Như Lưỡng được tặng Phò mã đô úy. Cụ bà là Lê Thị Quốc, trưởng công chúa, em ruột của Thái tổ Cao hoàng đế (Lê Lợi).

Ông nội Trịnh Khắc Phục là Vũ công thần thượng trụ quốc Ngọc Sơn hầu đã theo Lê Thái Tổ lập được công to, v.v… rồi có bài minh: vinh vinh thổ tú, hổn hổn sơn tuyền, tứ linh xã hộp, tam thập tứ niên. Ở dưới có ghi do Lương Thế vinh soạn. Với nội dung trên, tấm bia không hề có thông tin nào để khẳng định họ ngoại của Lê Lợi là gốc Mường cả.

“Đại Việt thông sử” của Lê Quý Đôn đã ghi chép rõ ràng về mẹ của vua Thái Tổ (Lê Lợi) như sau: “Thánh Từ Ý văn hoàng thái hậu họ Trịnh, tên húy là Ngọc Thương, người xã Thủy Chú, huyện Lôi Dương, tổ tiên húy là Thậm, vốn là người sách Mộc Trưng phủ Thanh Hóa (chưa xác định được ở đâu cụ thể – Phạm Tấn).

Cụ (Thậm) đi bắn chim qua đất Thủy Chú, mến cảnh nơi này rừng cây xanh tốt, ruộng đất màu mỡ, nên dời đến ở đây. Ông nội tên là Tám, làm quan đời Trần, khi đi đánh Chiêm Thành, có công bắt được con voi trắng, được trao chức Đại toát hữu.

Con trai tên là Sai, là cha sinh ra hoàng hậu, Sai nối chức cha làm Đại toát hữu, sinh được một trai, một gái. Con trai tên là Thốn…, con gái tức là cụ bà (Ngọc Thương). Khi cụ về với cụ ông, ở làng Lam Sơn, thì các tù trưởng người Man là Cầm Lô, Cầm Lạn (người Thái – Phạm Tấn) cướp của dân địa phương.

Cụ tuyên tổ (tức Lê Khoáng- P.V.T) cùng với cụ bà (Thương) dời đến ở Thủy Chú, sinh ra Chiêu Hiếu Đại vương Học và vua Thái Tổ, lại sinh ra ba gái là quốc thái trưởng công chúa Ngọc Tá, quốc trưởng công chúa Ngọc Vinh, quốc trưởng công chúa Ngọc Tiên…”. (Lê Quý Đôn toàn tập, tập III, ĐVTS, NXB KHXH, Hà Nội, 1978, tr.117- 118).

Như trên, rõ ràng bà Trịnh Thị Ngọc Thương – mẹ của Lê Lợi cũng có nguồn gốc là người Việt từ nơi khác đến Thủy Chú và tổ tiên bà cũng là người khẩn hoang vùng Thủy Chú để lập trang Thủy Chú, rồi sau đó trở thành hương, sách, xã Thủy Chú sau đó.

Tuy Thủy Chú (bây giờ gọi là làng Chủ Sơn, xã Xuân Thắng) là làng Mường, nhưng qua tài liệu của học giả người Pháp CH.Robequain viết trong cuốn “Thanh Hóa” trước đây, đồng thời với sự tìm hiểu của chúng tôi thì làng Mường Chủ Sơn ở Xuân Thắng cũng chỉ mới cư trú ở đây từ thế kỷ XIX (và nguồn gốc đều từ Hòa Bình hoặc huyện Ngọc Lặc và Như Xuân của Thanh Hóa đến). Vì vậy tất cả bà con Mường ở đây không hề có liên quan và biết gì về họ Trịnh ở Thủy Chú thời Trần – Lê. Lý do có thể vì chạy loạn nhà Mạc (thế kỷ XVI) mà Thủy Chú có thời kỳ là làng Phiêu tán.

Họ Trịnh Thủy Chú hiện nay có nhà thờ họ ở xã Đông Minh, huyện Đông Sơn – một di tích đã được xếp hạng. Nơi đây chính là vùng đất phong của Trịnh Khắc Phục và các con cháu. Với sự thật lịch sử như đã nêu, việc nói mẹ Lê Lợi là người Mường gốc là hoàn toàn không có căn cứ để xác định.

Chúng tôi cũng rất tán đồng với quan điểm của giáo sư Phan Huy Lê và giáo sư Phan Đại Doãn cho rằng một số người nói Lê Lợi là tù trưởng của người Mường là thiếu thuyết phục vì những căn cứ mà họ suy diễn là “chưa đầy đủ và vững chắc để xác định thành phần dân tộc của Lê Lợi”. Việc Lê Lợi làm phụ đạo Khả Lam (Lam Sơn) như Lam Sơn thực lục và Hoàng Lê ngọc phả chép cũng đang có nhiều cách kiến giải khác nhau.

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn khi khảo cứu bài “văn kết thệ của nhóm Khả Lam” (tức văn thề Lũng Nhai – P.V.T) trong tập sách chữ Hán ở đền vua Lê thôn Kiều Đại (nay gọi là Thái miếu Bố Vệ ở thành phố Thanh Hóa) cũng rất chú ý đến cách xưng hô trong văn thệ: “… phụ đạo lộ Khả Lam, tôi (là) Lê Lợi (cùng) Lê Lai…., Trương Chiến…” và giải thích: “phụ đạo: chức coi một lĩnh vực ở vùng núi truyền đời, tuy phụ thuộc chính phủ trung ương nhưng kỳ thật gần độc lập” (La Sơn Yên Hồ, Hoàng Xuân Hãn, tập II, NXB Giáo dục, 1998, tr.618).

Với cách giải thích này, chúng tôi thấy có lý và phù hợp với sự ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư, bia Vĩnh Lẵng, Cương Mục, v.v… rằng Lê Hối “đời đời làm quân trưởng một phương” (rồi có bản dịch lại ghi “đời đời cầm đầu một phương”, hoặc “từ đấy là chủ một miền, v.v…).

Như vậy, từ đó chúng ta có thể suy ra cái chức “phụ đạo lộ Khả Lam” mà từ Lê Hối đến Lê Lợi (gồm bốn đời) đã thay nhau làm nhờ thế lực tự xây dựng mà có chứ không phải do nhà nước (hay triều đình phong). Chức đó có ý nghĩa như một thủ lĩnh vùng (rộng, hẹp khác nhau) mà tất cả mọi người dân trong vùng đều thừa nhận và suy tôn một cách tự nhiên.

Ở thế kỷ X, người có thế lực nhất ở trong vùng cư trú vẫn được gọi là bậc hào trưởng (như Lê Lương ở giáo Bối Lý, Dương Đình Nghệ ở Dương Xá, tục gọi là Dàng v.v…). Và cách gọi này thường được dùng cho các thủ lĩnh vùng ở miền đồng bằng.

Còn ở miền núi, các thủ lĩnh vùng (có thể là vùng người Việt khẩn hoang thành trang, ấp rồi thành hương, sách lộ, có thể là vùng dân tộc Mường, hoặc Thái, hay lẫn lộn cả Mường – Việt, v.v…) lại gọi là “đạo như đạo Cham (Lê Lợi), đạo Mục (Lê Văn An), đạo Tép (Lê Lai), v.v…

Một minh chứng cụ thể nữa là vào thế kỷ XIV, dòng họ Nguyễn (của Lê Văn An – khai quốc công thần triều Lê) vốn dòng hào kiệt, thường hay di dời nơi ở. Ban đầu ở Gia Định, sau đến Nghệ An, Sơn Nam rồi đến sách Mục Sơn để bắt đầu khởi dựng cơ nghiệp từ đấy. Và tại đây, người Việt gốc Nguyễn (Lê Văn An) cũng trở thành một thủ lĩnh vùng mà dân gian gọi là đạo Mục.

Như vậy, một lần nữa chúng ta có thể khẳng định cái chức “phụ đạo” (hay gọi tắt như dân gian là đạo A, đạo B nào đó) thực chất là chức danh của các thủ lĩnh vùng ở khu vực rừng núi và bán sơn địa – nơi đó cả người Việt đến khai thác, lập nghiệp ở thành vùng riêng hoặc sống xen kẽ với người dân tộc.

Cho nên, với những chứng cứ đã nêu (mà quý nhất là thông tin từ bản gia phả họ Lê ở Thọ Ngọc) chúng ta càng yên tâm để kết luận nguồn gốc dân tộc của Lê Lợi là nguồn gốc Việt (Kinh) từ trang Bái Đô đến.

Theo TIỀN PHONG

Tags: , , , ,