⠀
Về một liên minh Hồi giáo – Thiên Chúa giáo – Chủ nghĩa xã hội
Một liên minh Hồi giáo – Thiên Chúa giáo – Chủ nghĩa xã hội có nguồn gốc sâu xa từ trong cả ba truyền thống đạo đức và trí tuệ này.
Bài viết của Giáo sư Charles McKelvey, nhà nghiên cứu về chủ nghĩa Marx, giảng viên của bốn trường cao đẳng và đại học tại Mỹ từ năm 1972 – 2011. Từ năm 2011, ông sinh sống tại Cuba và hợp tác nghiên cứu với Đại học Havana.
Nguồn: Socialist-Christian-Islamic alliance, Charles McKelvey, Global Learning, 15/12/2015.
Biên dịch: Đoàn Hiểu Linh / Redsvn.net.
Những diễn biến ngoại giao thế giới các năm gần đây cho thấy khả năng xuất hiện một liên minh Hồi giáo – Thiên Chúa giáo – Chủ nghĩa xã hội: Vatican có những mối quan hệ ấm áp với các chính phủ tiến bộ châu Mỹ Latin, trong đó có Cuba xã hội chủ nghĩa, và các chính phủ châu Mỹ Latin đang phát triển các quan hệ với Cộng hòa Hồi giáo Iran. Ngoài ra, giáo hoàng đã có một thông điệp chung cho tất cả, kêu gọi sự hợp tác giữa các tôn giáo trên thế giới, giữa những tín đồ và những người vô thần.
Một liên minh Hồi giáo – Thiên Chúa giáo – Chủ nghĩa xã hội như thế có nguồn gốc sâu xa từ trong cả ba truyền thống đạo đức và trí tuệ này.
Trong truyền thống Do Thái-Thiên Chúa giáo, các xu hướng của những nhà tự do đã có mặt ngay từ đầu. Từ các bức điêu khắc cổ ở Israel, chúng ta biết rằng thượng đế đã được Moses kinh nghiệm như một Thượng Đế hành động để bảo vệ người bị áp bức trong lịch sử, và Thượng Đế kêu gọi dân tộc Israel phát triển một xã hội công bằng, hợp lẽ, khác với các quốc gia khác. Nhưng theo thời gian, Israel đã xây dựng một vương quốc giống các quốc gia khác. Một số nhà tiên tri như Amos đã lên án việc đi ngược lại giao ước Mosaic (một giao ước có điều kiện giữa Thiên Chúa và người Israel được ghi nhận lại trong Kinh Thánh Cựu ước: Chúa ban phước lành cho sự vâng phục hay lời nguyền rủa cho sự bất tuân của quốc gia Israel-người dịch). Còn những người khác như Isaiah lại biện hộ cho vương quốc.
Vì vậy, tính hai mặt đã nổi lên giữa một tôn giáo thích ứng với các vương quốc và đế chế, và một tôn giáo thuần khiết hơn đứng dậy vì công lý xã hội. Tính hai mặt này hiện diện dai dẳng trong Thiên Chúa giáo, khi các giáo hoàng trong thời trung cổ ở châu Âu liên kết với các vị vua, trong khi một số linh mục và nữ tu thiết lập trật tự tôn giáo để đem lại sự thanh khiết tôn giáo.
Tính hai mặt này cũng được thể hiện ở châu Mỹ Latin, khi nhà thờ liên kết với giai cấp tư sản bất động sản Mỹ Latin, trong khi thần học tự do Mỹ Latin tuyên bố về một thượng đế đứng về phía người nghèo trong cuộc chiến giữa người nghèo và người giàu (Anderson 1986; Gutierrez 1973, 1983).
Xu hướng hai mặt tương tự cũng chiếm ưu thế trong truyền thống Hồi giáo. Cộng đồng Hồi giáo ban đầu được hình thành bởi nhà tiên tri Mohammed là một cộng đồng tôn giáo-chính trị sở hữu một dự án xã hội liên quan đến việc xây dựng một cộng đồng chính trực. Nhưng những tín đồ Hồi giáo đã đánh mất sự thanh khiết này, và các đế chế của những nhà cai trị tham nhũng sống xa hoa lãng phí và đàn áp dân chúng nổi lên, do đó kích động các phong trào phục hồi sự trong sạch của Hồi giáo.
Các phong trào khôi phục này lại thường có những biểu hiện thụ động, ví dụ như, họ diễn giải các văn bản thiêng liêng theo nghĩa đen, hay bác bỏ các thắc mắc lý trí nhiều hơn những điều mặc khải (những kiến thức được mặc định là đúng vì được cho là sự tiết lộ bí mật của thần thánh với con người- Người dịch). Nhưng cũng có những lúc các phong trào làm mới Hồi giáo có biểu hiện cách mạng xã hội, như đã được phản ánh trong “chủ nghĩa xã hội Hồi giáo” và trong các liên minh Hồi giáo-phong trào cộng sản quốc tế (Ansary 2009: passim; Schulze 2000:32-35, 51).
Sự căng thẳng giữa các khuynh hướng bóc lột và giải phóng nô lệ trong Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo được thể hiện trong bối cảnh các xã hội tích hợp chính trị và tôn giáo để truyền thống tôn giáo hình thành nên các tranh cãi chính trị. Các vị vua và hoàng đế đã biện hộ, hợp pháp hóa cách hành xử của họ với sự tham chiếu đến các giá trị tôn giáo, và các nhà tiên tri phê bình họ cũng dựa trên cơ sở truyền thống tôn giáo và các văn bản thiêng liêng.
Các cuộc cách mạng dân chủ ở phương Tây đã cắt đứt sự tích hợp chính trị và tôn giáo, hình thành sự phân chia nhà nước và tôn giáo, và một sự tranh luận chính trị phi tôn giáo hiện đại. Nhưng các xã hội và tranh luận chính trị của họ phải đặt nền tảng trên một số hệ thống giá trị.
Trong thời hiện đại, chức năng này đã được đáp ứng bằng các giá trị dân chủ khẳng định rằng tất cả mọi cá nhân đều có quyền lợi. Tuy nhiên, khi tập trung vào cá nhân, lý thuyết dân chủ đã chia cắt con người với các hệ thống xã hội, và giải phóng nhà nước khỏi trách nhiệm xã hội.
Được dẫn dắt bởi một tầng lớp thương nhân nổi dậy đang tìm cách tuyên bố quyền bình đẳng pháp lý và chính trị với tầng lớp quý tộc, ban đầu các cuộc cách mạng dân chủ chỉ tuyên bố các quyền dân sự và chính trị. Nhưng các phong trào phổ biến từ bên dưới đã tìm cách thiết lập lại trách nhiệm chính trị hướng về xã hội, do đó tiến tới việc mở rộng ý nghĩa dân chủ để bao gồm cả việc bảo vệ các quyền kinh tế và xã hội.
Các phong trào của các dân tộc thuộc địa trên thế giới sau này đã mở rộng trách nhiệm xã hội ra quy mô toàn cầu, dẫn đến việc hình thành công thức cho một khái niệm dân chủ bao gồm sự tôn trọng quyền lợi quốc gia: quyền tự quyết, tự chủ, tự phát triển. Do đó, các giá trị dân chủ đã định hình tranh luận chính trị toàn cầu đương đại trở nên toàn diện hơn: Bao gồm cả trách nhiệm bảo vệ của nhà nước với các quyền kinh tế, xã hội, dân sự, chính trị của các công dân, và với việc tôn trọng quyền tự quyết, tự chủ, tự phát triển của các quốc gia.
Khi hình thành công thức hiện đại, các giá trị dân chủ khẳng định trách nhiệm của nhà nước hướng đến xã hội. Các giá trị dân chủ này đã được biên soạn thành luật trong nhiều văn bản khác nhau của Mỹ. Chúng có thể được gọi tên một cách hợp lý là “các giá trị con người phổ quát” theo mức độ mà chúng được khẳng định ở các quốc gia trên thế giới, bất kể khu vực, ngôn ngữ, văn hóa hoặc tôn giáo (xem “các giá trị con người phổ quát” – Universal human values” 16/4/2014).
Các giá trị con người phổ quát được nhân loại công bố là bản sao hiện đại trong hệ thống thế giới của các văn bản thiêng liêng và truyền thống đạo đức đã cung cấp các quy tắc đạo đức cho giới tinh hoa chính trị ở Israel cổ đại và ở các vương quốc, đế chế Hồi giáo, Thiên Chúa giáo trong kỷ nguyên tiền hiện đại. Chúng đều có chức năng giống nhau: ràng buộc cách cư xử của những người có quyền lực, kêu gọi họ hành động với công lý hướng đến mọi người, vì sự thịnh vượng của xã hội. Và chúng có nội dung tương tự nhau: hành xử chân thật và hướng đến các nhu cầu của con người, đặc biệt là người nghèo, người bị tổn thương; và hành xử với công lý, sự tôn trọng quyền của tất cả các quốc gia láng giếng.
Tuy nhiên, cũng như các vị vua và hoàng đế của thời tiền hiện đại thường bỏ qua các nghĩa vụ đạo đức trong truyền thống các tôn giáo, các tinh hoa chính trị của hệ thống thế giới hôm nay đã bỏ qua các giá trị con người phổ quát. Và cũng như các nhà tiên tri trong thời cổ đại chỉ trích việc từ bỏ nguyên tắc của những người cai trị, các nhà tiên tri không tôn giáo mới nổi lên trong thời hiện đại đã chỉ trích tinh hoa toàn cầu vì đã vi phạm vào các giá trị con người phổ quát mà loài người đã công nhận.
Dự án xã hội chủ nghĩa Thế giới Thứ ba nổi lên trong thế kỷ 20 và 21 đã nhiều lần khẳng định các giá trị con người phổ quát, cả về lý thuyết lẫn thực tiễn. Giống như các xu hướng giải phóng của truyền thống Hồi giáo-Thiên Chúa giáo-Do Thái giáo, dự án Thế giới Thứ ba kêu gọi những nhà lãnh đạo kế tiếp sống chừng mực, cai trị bằng trí tuệ, phát triển các chính sách bảo vệ người nghèo, người có nhu cầu, tìm kiếm công lý cho dân tộc mình, hợp tác với các quốc gia lân cận để xây dựng một hệ thống thế giới bền vững.
Trong lúc đó, tôn giáo vẫn không bị loại bỏ trong quá khứ. Kể cả khi tranh luận chính trị trở nên phi tôn giáo, con người vẫn tiếp tục thực hành niềm tin tôn giáo. Hôm nay, đa số con người trên hành tinh là các tín đồ của tôn giáo này hoặc tôn giáo kia. Và từ quan điểm xa xưa về các giá trị tôn giáo của mình, họ chỉ trích cách cư xử của giới tinh hoa toàn cầu, cùng tham gia với các nhà lãnh đạo xã hội chủ nghĩa Thế giới Thứ ba trong bản hợp xướng tố cáo thái độ phi đạo đức của giới tinh hoa toàn cầu.
Một ví dụ về sự lên án giới tinh hoa toàn cầu từ quan điểm tôn giáo đã được tìm thấy trong các bài diễn văn của giáo hoàng Francis. Trong những bài đăng gần đây, chúng ta thấy rằng giáo hoàng và dự án Thế giới Thứ ba đã gặp nhau trong một số vấn đề nhất định: nghĩa vụ đạo đức để giảm bớt đói nghèo và bất bình đẳng, quyền lợi của các quốc gia trên thế giới để tự quyết định và phát triển, nhu cầu cải cách dân chủ Liên Hiệp Quốc và cơ sở hạ tầng tài chính toàn cầu, trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên của con người, bác bỏ chủ nghĩa quân sự, tìm kiếm cách giải quyết hòa bình cho các khác biệt quốc gia, sự phát triển quan hệ quốc tế trên nền tảng thống nhất và đồng thuận. (xem “Giáo hoàng Francis: Một bài diễn thuyết tiến bộ” ngày 11/12/2015; “Giáo hoàng phát biểu về tự nhiên và những người không được quan tâm” 12/12/2015; “Giáo hoàng Francis: Chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta” 14/12/2015).
Như tôi đã lưu ý trong bài trước đó (“Giáo hoàng nói về tự nhiên và những người không được quan tâm” 12/12/2015), Giáo hoàng hy vọng sự phát triển của một thế giới công bằng, hợp lý hơn thông qua việc thay đổi các nhà lãnh đạo chính trị hướng tới sự trung thành với các nguyên tắc đạo đức nền tảng, trong khi các phong trào Thế giới Thứ ba và các chính phủ xem vấn đề này thuộc về chính trị, là việc yêu cầu lấy đi quyền lực của các phong trào phổ biến. Sự khác biệt này phản ánh sự thật rằng Giáo hoàng là người đứng đầu của nhà thờ, không phải là một nhà lãnh đạo chính trị hay một người đứng đầu nhà nước. Nhưng bất chấp sự khác biệt này, trong các quan điểm tôn trọng tiến trình thay đổi xã hội, quan điểm tôn giáo tiến bộ của Giáo hoàng và chủ nghĩa xã hội Thế giới Thứ ba có cùng các mục tiêu nền tảng. Các phong trào tôn giáo tiến bộ và Chủ nghĩa xã hội Thế giới Thứ ba có thể liên kết trong cuộc đấu tranh toàn cầu chống lại chủ nghĩa tư bản trong giai đoạn tân tự do hiện nay.
Thiên Chúa giáo tiến bộ, Hồi giáo tiến bộ và chủ nghĩa xã hội Thế giới Thứ ba cùng có điểm chung là bác bỏ chiến tranh kinh tế tân tự do toàn cầu chống lại người nghèo, những can thiệp quân sự bằng các quyền lực toàn cầu, chủ nghĩa đế quốc văn hóa và kinh tế, những sự lừa dối liên quan đến hệ tư tưởng, chủ nghĩa tiêu dùng bất hợp lý, và sự thờ ơ với những vết thương đè nặng lên thiên nhiên, những người không được quan tâm và cực kỳ nghèo túng của hành tinh.
Ba truyền thống đạo đức và trí tuệ cùng đứng dậy chống lại sự tàn ác của một hệ thống thế giới chủ nghĩa tư bản hoàn toàn vô đạo đức và không có khả năng phát triển. Sự hợp tác trong liên minh chính trị toàn cầu là điều không thể thiếu để đảm bảo một tương lai bền vững cho nhân loại.
>> Thần học giải phóng: Khi người Thiên Chúa giáo chấp nhận Karl Marx |
———————————————-
Tài liệu tham khảo:
– Anderson, Bernhard W. 1986. Understanding the Old Testament, Fourth Edition. Englewood Cliffs, NJ: Prentice-Hall.
– Ansary, Tamim. 2009. Destiny Disrupted: A History of the World Through Islamic Eyes. New York: Public Affairs.
– Gutierrez, Gustavo. 1973. A Theology of Liberation, English translation. Maryknoll, New York: Orbis.
– __________. 1983. The Power of the Poor in History. Maryknoll, N.Y.: Orbis Books.
Schulze, Reinhard. 2000. A Modern History of the Islamic World. New York: New York University Press.