⠀
Những nguyên nhân khiến không quân Mỹ thảm bại trước không quân Việt Nam
Trong chiến tranh Việt Nam, lực lượng không quân hùng mạnh nhất thế giới của Mỹ với hàng ngàn máy bay và hàng trăm phi công dày dạn kinh nghiệm trận mạc đã phải chịu những tốt thất nặng nề chưa từng có kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2.
Nếu so sánh tương quan lực lượng giữa Không quân Nhân dân Việt Nam và Không quân Mỹ là quá khập khiễng cả về trang bị, số lượng, kinh nghiệm trận mạc. Tuy nhiên, điều đáng nói là lực lượng không quân non trẻ với những phi công chỉ có vài trăm giờ bay ít ỏi lại giành được những chiến công hiển hách trước Không quân Mỹ.
Có đến 16 phi công Việt Nam được công nhận danh hiệu Át (các phi công có số lần bắn rơi máy bay đối phương từ con số 5 trở lên), trong đó có 13 phi công lái MiG-21 và 3 phi công lái MiG-17. Trái lại, lượng phi công Mỹ đạt danh hiệu Át chỉ có 5 người. Vậy đâu là nguyên nhân?
Dưới đây là những câu trả lời, do chính người Mỹ rút ra bài học từ cuộc đối đầu với Không quân Nhân dân Việt Nam:
Sai lầm trong thiết kế máy bay
Từ khi Mỹ bắt đầu chương trình phát triển tên lửa không đối không tầm trung AIM-7 Sparrow và tên lửa không đối không tầm ngắn đầu tự dẫn hồng ngoại AIM-9 Sidewinder vào đầu những năm 1960, các nhà thiết kế Mỹ đã vội vàng cho rằng, các cuộc không chiến tầm gần (dogfight) sẽ lùi vào dĩ vãng.
Ở đó, tên lửa tầm xa chính là vũ khí sẽ kết liễu đối phương mà không cần đến các cuộc không chiến ở cự ly gần. Các máy bay chiến đấu được thiết kế giai đoạn đầu những năm 1960 như F-4 Phantom, F-105 Thunderchief không hề được trang bị pháo.
Tuy nhiên, đây chính là sai lầm chết người mà Mỹ phải trả giá đắt tại chiến trường Việt Nam. Những chiếc máy bay cường kích F-105, dù có tốc độ siêu âm nhưng vẫn trở thành miếng mồi ngon cho các tiêm kích nhanh nhẹn của Không quân Việt Nam như MiG-17 và MiG-21.
Bên cạnh đó, các tên lửa lại cho thấy kết quả không như mong muốn và tưởng tượng của các nhà thiết kế. Những chiếc F-4 Phantom không được được trang bị pháo tỏ ra thất thế trước cuộc chạm trán với MiG-17 và MiG-21 trong phạm vi hẹp.
Sự xuất hiện của tên lửa không thể hoàn toàn thay thế vai trò của pháo trong các cuộc không chiến cự ly gần. Trong các chiến dịch leo thang đánh phá miền Bắc Việt Nam từ năm 1965-1969, Không quân Mỹ phải chịu những tổn thất nặng nề. Có đến 11 phi công Việt Nam đạt danh hiệu Át trong giai đoạn này.
Sau thất bại này Mỹ buộc phải thiết kế lại các tiêm kích và trang bị pháo trở lại cho các máy bay. Từ đó cho đến nay, dù đã có loại tên lửa đối không ngoài tầm nhìn, bất kỳ loại tiêm kích nào của Mỹ kể cả tiêm kích tàng hình thế hệ 5 vẫn phải trang bị pháo.
Sai lầm trong huấn luyện
Sự ra đời của tên lửa cùng các phương tiện hỗ trợ chiến tranh khác như, gây nhiễu điện tử, radar và các thiết bị truyền thông khác khiến Không quân Mỹ đề cao quá mức vai trò của máy móc mà coi nhẹ yếu tố con người.
Người Mỹ đã quên mất một điều rằng, sự khéo léo của phi công trong buồng lái quan trọng không kém những vũ khí mà anh ta sử dụng.
Trong khi đó, từ học thuyết quân sự tới thực tế chiến đấu, Quân đội Nhân dân Việt Nam nói chung và lực lượng không quân nói riêng lúc nào cũng đề cao vai trò quyết định của người lính. Việt Nam tập trung rất cao vào công tác huấn luyện những phi công của mình với khả năng xoay xở và xử lý tình huống linh hoạt trong các cuộc không chiến.
Đây chính là một trong những nguyên nhân chính khiến phi công Việt Nam đạt được nhiều danh hiệu Át hơn Không quân Mỹ.
Khả năng không chiến của các phi công Mỹ tại chiến trường Việt Nam chỉ được cải thiện sau năm 1972 khi họ thực hiện chương trình huấn luyện chiến đấu khác biệt Top Gun.
Chiến thắng về chiến thuật
Sở dĩ các phi công Việt Nam đạt được nhiều danh hiệu Át hơn phi công Mỹ là vì Không quân Việt Nam đã sử dụng một chiến thuật hợp lý.
Các tiêm kích đánh chặn MiG-17, MiG-21 được bố trí tại các sân bay dã chiến và cất cánh đánh chặn các tiêm kích F-4, cường kích F-105 một cách bất ngờ từ phía sau.
Với sự nhanh nhẹn của mình các máy bay MiG-21, MiG-17 nhanh chóng tiến hành đột kích, làm phá vỡ đội hình, buộc các máy bay này phải thả bom trước khi vào vị trí mục tiêu.
Sau khi tấn công tiêu diệt một vài chiếc trong đội hình bay của Không quân Mỹ, các máy bay MiG-17, MiG-21 nhanh chóng rút lui. Chiến thuật “bắn-chuồn” theo kiểu chiến tranh du kích của Không quân Việt Nam phát huy tác dụng rất cao.
Những chiếc Mig-21 đã được sử dụng với một chiến thuật rất hợp lý điều này đã góp phần tạo nên chiến thắng vẻ vang của Không quân Nhân dân Việt Nam.
Ngoài ra, sự thành công của chiến thuật phục kích của Không quân Việt Nam có được là nhờ khai thác tối đa điểm yếu của đối phương.
Trong những năm 1966-1967, phi đội F-105 cất cánh làm nhiệm vụ đánh phá Hà Nội, Hải Phòng luôn bay theo một đường bay cố định, vào một giờ cố định và sử dụng một mật mã gọi nhau trên radio cố định.
Chỉ trong tháng 12/1966 các tiêm kích MiG-21 của Trung đoàn 921, đoàn bay Sao Đỏ đã bắn hạ 14 chiếc F-105 mà không chịu bất kỳ tổn thất nào.
Ngoài ra, Không quân Mỹ đã không thành công trong việc tiêu diệt các đài radar cảnh giới và chỉ huy mặt đất của Việt Nam.
Trong khi các tiêm kích Việt Nam hoạt động dưới sự hỗ trợ đắc lực từ đài chỉ huy mặt đất, các phi công Việt Nam biết rõ thời điểm, địa điểm để tập kích các máy bay của Mỹ trong khi phía Mỹ không có được điều tương tự.
Sự khác biệt về số lượng
Điều này thoạt nghe có vẻ vô lý, nhưng chính sự khác biệt về số lượng đã tạo nhiều cơ hội cho các phi công Việt Nam trong việc tiêu diệt các máy bay Mỹ.
Trong năm 1965, Không quân Việt Nam chỉ có 36 MiG-17 và số lượng tương ứng phi công có thể hoạt động chiến đấu.
Đến năm 1968 số lượng máy bay MiG trong biên chế Không quân Việt Nam khoảng 180 chiếc và có khoảng 72 phi công giỏi. Như vậy, 72 phi công Việt Nam phải đối chọi với khoảng 200 chiếc F-4 của phi đội tiêm kích TFW-8, TFW-35 và TFW-366, cùng với khoảng 140 chiếc F-105 của phi đội TFW-355 và TFW-388.Ngoài ra, còn khoảng hơn 100 máy bay của Hải quân Mỹ như F-8, A-4, F-4, EB-66 thay phiên nhau hoạt động từ các tàu sân bay Mỹ trên vịnh Bắc Bộ.
Như vậy, các phi công Việt Nam sẽ phải hoạt động nhiều hơn so với đối thủ và kinh nghiệm trong các cuộc chạm trán với các máy bay Mỹ cũng vì thế mà trở nên phong phú hơn.
Mỗi lần xuất kích các phi công Việt Nam có quá nhiều mục tiêu để lựa chọn, trong khi đó đối với các phi công Mỹ, mục tiêu máy bay Việt Nam đối với họ là quá nghèo nàn. Phi công Mỹ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm mục tiêu của mình, các máy bay MiG-17, MiG-21 thì luôn bất ngờ xuất hiện và cũng bất ngờ biến mất.
Bên cạnh đó, các phi công Mỹ còn phải lo đối phó với hỏa lực phòng không mắt đất nên không dễ dàng và rảnh tay để truy tìm đối thủ.
Yếu tố tinh thần chiến đấu
Rõ ràng, các phi công Việt Nam cất cánh, chiến đấu với một tinh thần và lòng dũng cảm khác thường so với phi công Mỹ.
Các phi công Việt Nam chiến đấu ngay trên bầu trời quê hương mình. Họ chiến đấu để bảo vệ sự bình yên cho bầu trời Tổ quốc trước các cuộc leo thang đánh phá của Không quân Mỹ.
Họ sẵn sàng hy sinh để bảo vệ bầu trời, cất cánh, chiến đấu đến cùng. Tinh thần này cao đến mức, các phi công sẵn sàng trở thành quả đạn thứ ba, lao thẳng máy bay vào kẻ thù để tiêu diệt chúng. (Tinh thần này đã được lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Quân chủng Phòng không Không quân ghi nhận. Tuy nhiên, theo quan điểm của phía Việt Nam, tính mạng mỗi con người nói chung và mỗi phi công nói riêng là phải hết sức giữ gìn. Do đó, đã có lệnh của lãnh đạo không cho phép phi công Việt Nam thực hiện lối đánh cảm tử – LTS).
Trong khi đó, phần lớn các phi công Mỹ đến Việt Nam hoạt động bay chiến đấu theo nghĩa vụ. Họ phải hoàn thành cột mốc 100 giờ bay trước khi được thay thế bằng một phi công khác. Rất ít người trong số họ quay lại chiến trường Việt Nam trong nhiệm vụ thứ 2.
Nỗi ám ảnh các phi công xuất sắc của Không quân Việt Nam khiến các phi công Mỹ đồn tai nhau về một phi công Át có tên là Đại tá Toon, thực ra thì Đại tá Toon chỉ là một nhân vật tưởng tượng của các phi công Mỹ là sự tổng hợp cho các phi công xuất sắc của Việt Nam.
Những lý do trên đây lý giải cho việc tại sao một lực lượng không quân non trẻ, thiếu kinh nghiệm trận mạc như Không quân Việt Nam lại có thể dành được chiến thắng vẻ vang trước lực lượng không quân hùng mạnh nhất thế giới.
Theo ĐẤT VIỆT ONLINE
Tags: Chiến tranh Việt Nam, Kháng chiến chống Mỹ, Quân đội Nhân dân Việt Nam, Vũ khí