Nghe lại những ca khúc gây xúc động về Trường Sa, Hoàng Sa

“Nơi đảo xa”, “Biển hát chiều nay”, “Gần lắm Trường Sa”… là những sáng tác hay về lòng tự hào dân tộc và tâm tình người chiến sĩ giữ trọng trách canh giữ bình yên cho biển đảo.

Ảnh: Nguyễn Mỹ Trà.

Nơi đảo xa – Thế Song

Nơi đảo xa là sáng tác của nhạc sĩ Thế Song, được ông sáng tác sau một chuyến đi thực tế ở miền biên giới vùng Đông Bắc vào tháng 4/1979. Ca khúc được viết thay cho tiếng lòng của những chiến sĩ giữ trọng trách canh giữ bình yên cho biển đảo, nhớ về người con gái nơi đất liền.

Nhạc sĩ kể lại, khi dừng chân tại một trạm sửa chữa tàu biển của Hải quân ở Hạ Long, ông đã có cơ hội được nghe tâm tư của những chiến sĩ trẻ vừa trở về từ hải đảo. Chính dịp này đã mang đến cho ông niềm cảm xúc dạt dào về những chàng thanh niên trẻ gạt bỏ tình riêng để cùng nhau lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của đất nước.

Nơi đảo xa gắn liền tên tuổi với nghệ sĩ Tiến Thành, và gần đây là Trọng Tấn. Ca từ giản dị, nhưng đằng sau đó là cả một tình cảm da diết, mãnh liệt: “Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa/Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà/Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa/Ngàn bão tố phong ba, ta vượt qua, gần quá/Lướt sóng con tầu mang tín hiệu trong đất liền/Mắt em nhìn theo con tầu đi xa mãi”.

Bốn câu cuối của ca khúc “Đây súng khoác trên vai, trăng đầu núi soi hình anh đang đứng đó/Nhắn về đất liền cánh buồm chở đầy tin yêu/Sóng ru mối tình đời thủy thủ càng thêm yêu/Đẩy con tầu ra khơi, đẩy con tầu ra khơi” có lẽ cũng chính là lời bộc bạch tâm sự chân thành nhất của các chiến sĩ, rằng gia đình, người thân và sự bình yên của cả đất nước chính là nguồn động viên lớn nhất để các anh thêm chắc tay súng, vững tay lái trong những ngày làm nhiệm vụ cao cả này.

Biển hát chiều nay – Hồng Đăng

Biển hát chiều nay – sáng tác của nhạc sĩ Hồng Đăng được xem là một trong những bài hát hay nhất về đề tài biển đảo. Ca khúc được ông sáng tác trong một chuyến đi thực tế dài ngày trên biển vào năm 1980, sau đó trở nên phổ biến. Hầu như những bộ phim có cảnh biển ra đời trong thời điểm này đều có lồng đoạn nhạc của Biển hát chiều nay.

Nhắm mắt rồi chậm rãi rắng nghe Biển hát chiều nay, thật kỳ lạ khi hình ảnh biển đảo đẹp đẽ, bình yên, chan hòa lại dần hiện ra trước mắt với “Chân trời rất xanh gọi nắng xôn xao/Con thuyền rất vui, và gió hát ngọt ngào/Môi cười rất xinh lung linh màu áo/Mây trắng gợn lên những cánh chim hải âu”.

Vừa dứt những ca từ đượm chất thơ, tác giả không quên dành lời nhắn nhủ da diết nhưng vô cùng hào sảng: “Ơi biến Việt Nam, ơi sóng Việt Nam!/Qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng/Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương/Biển lại hát tình ca biển kể chuyện quê hương”.

Quả thật, Biển hát chiều nay chính là lời nhắn gửi chân thành đến những người Việt Nam được hưởng trọn bình yên và độc lập nhờ vào hy sinh của thế hệ cha ông. Giờ đây, những ngày tháng vất vả đã đi qua, những đau thương cũng được chôn sâu dưới đáy biển sâu thẳm, biển đảo Việt Nam lại reo vang những bản tình ca, lại tự hào kể chuyện quê hương.

Bâng khuâng Trường Sa – Lê Đức Hùng (phổ thơ Nguyễn Thế Kỷ)

Bâng khuâng Trường Sa là một trong những sáng tác khá mới về đề tài biển đảo, được nhạc sĩ Lê Đức Hùng phổ nhạc từ bài thơ Thao thức Trường Sa của nhà thơ, tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ – Phó ban tuyên giáo TW – viết sau chuyến thăm Trường Sa tháng 4/2012.

Ngay từ những câu hát đầu tiên “Trường Sa ơi! Mai tàu rời bến/ Ta lại về phố thị thân thương”, tác giả đã có dịp bày tỏ nỗi lòng lưu luyến khi phải tạm biệt vùng đảo gắn liền với những kỳ tích của cha ông. Song song đó, thông qua từng lời hát, giai điệu tự sự, lắng đọng, người nghe còn đâu đó cảm nhận được niềm cảm thông, biết ơn từ những người trẻ dành cho lính đảo đang ngày đêm canh giữ cho đất liền.

Không chỉ vẽ nên một Trường Sa thật gần gũi thông qua hình ảnh người lính trẻ, những đảo chìm đảo nổi như Sinh Tồn, Song Tử, An Bang, Tiên nữ…, Bâng khuâng Trường Sa còn vun đắp được lòng tự hào dân tộc của lớp trẻ cũng như tinh thần bảo vệ những gì thuộc về đất nước Việt Nam, chung tay tạo nên lớp bảo vệ vững chắc cho tài sản quốc gia nơi đầu sóng.

Ngay từ khi vừa ra đời, Bâng khuâng Trường Sa đã nhanh chóng nhận được nhiều sự đồng cảm và yêu mến của khán giả. Gần đây nhất, ca khúc đã được thu âm với sự tham của nhiều ca sĩ trẻ như Đông Nhi, Ông Cao Thắng, Bùi Bích Phương, Noo Phước Thịnh, 365, Quốc Thiên… với cách phối khí rất trẻ trung,

Gần lắm Trường Sa – Hình Phước Long

Năm 1980 trong một dịp đến Trường Sa, nhạc sĩ Hình Phước Long được nghe những người lính vừa từ đảo về kể chuyện cuộc sống nơi đảo xa cũng như ấn tượng về những người lính xạm đen vì nắng gió, ông ghi vào sổ lưu niệm của Lữ đoàn 146 – đơn vị bảo vệ quần đảo Trường Sa rằng sẽ viết một bài hát về Trường Sa.

Đến năm 1982, trong một chiều đạp xe trên đường Trần Phú, Nha Trang, ông bất chợt nhìn thấy hình ảnh người con gái gái mặc áo dài đang đứng trông ra biển. Lập tức trong long ông nảy ra câu hỏi nếu có người yêu đang ở Trường Sa, cô gái có nghe được tâm sự của người lính gửi về qua làn sóng biếc? Từ đó, cảm xúc trong 2 năm mới thật sự thăng hoa để rồi trong vòng 1 tiếng đồng hồ, ông đã hoàn tất nên ca khúc Gần lắm Trường Sa.

Nhạc sĩ chia sẻ, khi viết Gần lắm Trường Sa, ông chợt nhớ về câu ca dao mà mẹ ông vẫn thường hay hát ru: “Khi xa sát vách cũng xa, khi gần muôn dặm đường xa cũng gần”. Và tình cảm của người lính Trường Sa dành cho người con gái nơi đất liền có lẽ cũng “dù xa mà lại rất gần”.

Trường Sa dù cô đơn, lạnh lẽo và khắc nghiệt khi “Chỉ có loài chim biển, sóng vỗ điệp trùng quanh ghềnh trúc san hô” hay “Long lanh giữa sóng cuồng bão dập”, nhưng trong lòng người lính biển vẫn mang một niềm tin mãnh liệt rằng: “Không xa đâu Trường Sa ơi, không xa đâu Trường Sa ơi/Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh, vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em”.

Không xa đâu Trường Sa ơi, không xa đâu ơi Trường Sa ơi!” – Lời hát nhẹ nhàng như gió thoảng, rồi lại da diết như sóng biển xa. Vượt gió, vượt sóng, Trường Sa tưởng rằng thật xa, nhưng lại rất gần.

Tổ quốc gọi tên mình – Đinh Trung Cẩn (phổ thơ Nguyễn Phan Quế Mai)

Tổ quốc gọi tên mình do nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn phổ thơ Nguyễn Phan Quế Mai vào năm 2011 – thời điểm tình hình biển đảo của Tổ Quốc đang nóng bỏng. Toàn bộ sáng tác từ giai điệu đến ca từ vừa tha thiết và khắc khoải, nhưng không kém mạnh mẽ và hào hùng thay cho lời kêu gọi toàn bộ dân tộc Việt Nam cùng chung tay đồng lòng hướng về nơi đảo xa.

Từ câu hát đầu tiên “Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình”, người nghe không giấu được niềm xúc động dâng trào. Có lẽ cũng vì lý do này mà “Tổ Quốc” là cụm từ được tác giả nhắc lại nhiều lần nhất trong sáng tác này, mang đến cảm giác hào hùng mà quá đỗi thân thương đến lạ kỳ.

Với Tổ quốc gọi tên mình, hình ảnh Trường Sa, Hoàng Sa cũng dần nhiện lên giữa khung cảnh đầy gian nan hiểm trở cùng “Sóng cuồng cuộng lên dáng hình đất nước” hay “Nơi bão tố dập dồn, chăng lưới, bủa vây”.

Còn nhớ chính nơi này năm xưa, không ít người lính biển Việt Nam đã phải ngã xuống để giữ vững trong tay những gì vốn thuộc về mình. Câu hát “Ngọn đuốc hòa bình, bao người đã ngã/Máu của người nhuộm mặn sóng biển Đông” cũng đã đủ để bày tỏ những mất mát lớn lao năm xưa để đổi lại được nền hòa bình, độc lập trong hiện tại.

Tác giả không khỏi tự hào khi nhắn gửi thông điệp: tinh thần dân tộc luôn là thứ của cải quý giá của người Việt Nam từ xưa đến nay, bởi thế trước thế lực của kẻ thù dù yếu hay mạnh, dù đông hay vắng thì ngọn đuốc hòa bình trên tay chúng ta vẫn cháy sáng rực lửa.

Biết bao triệu mỗi người thao thức tiếng Việt Nam/Biết bao triệu người lấy thân mình che chở” tất cả cũng vì hai chữ Tổ quốc thiêng liêng.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN 

Tags: , , ,