Một số loại hình nghệ thuật tiêu biểu ở Trung Đông hiện nay

Như chúng ta đã biết, trong tôn giáo không chỉ có các tín ngưỡng, các hệ thống giá trị, hệ thống các biểu trưng, các truyền thống và lối sống của một cộng đồng hay của xã hội mà còn có cả các biểu hiện nghệ thuật hay quy định pháp lý gắn liền với nó. Đề cập đến văn hóa của người Hồi giáo ở Trung Đông hiện nay, người ta không thể bỏ qua một vấn đề rất quan trọng, đó là một số loại hình nghệ thuật công chúng có vị trí và vai trò đặc biệt trong xã hội Trung Đông hiện đại.

Tác giả: Th.S Nguyễn Thu Hằng, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, tháng 7/2013.

Bài viết này sẽ đề cập đến 5 hình thái nghệ thuật, cụ thể là múa, hội họa, âm nhạc, điện ảnh và văn học trong văn hóa Hồi giáo đương đại.

Nghệ thuật múa

Trong thế giới Arab, nhảy múa được xem là một trong những nghi lễ truyền thống thiêng liêng. Bất kỳ nước nào ở khu vực này cũng có những vũ điệu và phong cách múa dân gian khác nhau, rất đa dạng về thể loại. Theo thời gian, ở một số vùng, vì những lý do khác nhau mà những vũ điệu tập thể đã bị mai một dần. Ai Cập được coi là quốc gia có nhiều nỗ lực nhất trong việc bảo tồn các vũ điệu Arab, đồng thời cũng không ngăn cấm sự pha trộn vào nghệ thuật múa dân gian khá nhiều tiết tấu phương Tây như một xu hướng phát triển loại hình nghệ thuật này.

Đặc trưng của nghệ thuật múa Arab chính là điệu múa bụng (Raqs el sharqi– belly dance) hay còn gọi là “múa bụng Trung Đông”. Đây là điệu múa truyền thống, nổi tiếng của thế giới Arab. Nhiều giả thuyết cho rằng điệu múa bụng bắt nguồn từ các ngôi đền của Ai Cập cổ đại cách đây hơn 4.000 năm để phục vụ cho các cuộc tế thần. Có rất nhiều kiểu múa bụng như kiểu « sharqi » quý tộc, « baladi » dân dã hơn, « saidi » có nguồn gốc là điệu nhảy dành cho các chiến binh nam giới nhưng sau đó được cải biên lại cho phụ nữ. Theo dòng thời gian, điệu múa bụng du nhập sang nhiều quốc gia Trung Đông và Bắc Phi và trở thành đặc thù địa phương của từng nước với các cải biên phù hợp truyền thống văn hóa bản địa. Múa bụng nay đã phổ biến trên khắp 22 nước Arab và thậm trí còn lan truyền tới các quốc gia châu Âu, châu Á… Múa bụng từ lâu đã trở thành “niềm tự hào” của nghệ thuật múa Arab, đặc biệt là ở Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ, những nơi được xem như ‘cái nôi’ và “lò luyện” vũ nữ múa bụng chuyên nghiệp từ xưa tới nay. Múa bụng xưa kia từng được coi là một bộ môn nghệ thuật “nửa quý phái nửa tà đạo” vì chuyên phục vụ cho các bữa tiệc linh đình của tướng lĩnh, vua chúa. Dần dần, điệu múa này trở nên phổ biến trong các lễ hội, tiệc cưới hay dịp ăn mừng của nhiều nước với ý nghĩa là điệu nhảy mang lại may mắn. Múa bụng là loại hình nghệ thuật phóng khoáng với sự phô diễn của ngôn ngữ cơ thể, trang phục khá cởi mở so với kiểu cách ăn mặc khép kín của người phụ nữ Hồi giáo Trung Đông nói chung. Sự chuyển động cơ bụng một cách nhuần nhuyễn và sáng tạo, động tác lắc hông đều đặn nhịp nhàng với giai điệu của trống solo hoặc tiết tấu Trung Đông, chính là một trong những nét quyến rũ rất đặc trưng của múa bụng, là sự kết hợp tuyệt vời giữa yếu tố tôn giáo (tín ngưỡng phồn thực) và cái đẹp khêu gợi của cơ thể người phụ nữ. Múa bụng tồn tại trong sinh hoạt của người nguyên thủy như một hình thức lễ nghi tôn giáo độc đáo. Ngoài trang phục đẹp mắt và gợi cảm, vũ nữ múa bụng thường sử dụng các yếu tố mang tính chất “phụ gia” như rắn, kiếm, mạng che mặt, nến, vì theo quan niệm dân gian, chúng có ma lực để bảo vệ con người nguyên thủy. Một yếu tố rất quan trọng khác trong các vũ điệu là âm nhạc. Mặc dù có nhiều biến đổi về dụng cụ và nhịp điệu qua các cuộc “di cư văn hoá” song không bao giờ thiếu bộ gõ.

Ngày nay, múa bụng hiện diện rõ nét trong cuộc sống sinh hoạt ở nhiều nước Arab Trung Đông. Trong những đám cưới truyền thống không bao giờ thiếu tiết mục biểu diễn múa bụng. Trẻ em được làm quen với các vũ điệu từ nhỏ, cho nên mới sinh ra câu nói đùa rằng “các bé gái biết quấn dải khăn quanh bụng để múa trước khi biết mặc váy”. Các chương trình múa bụng xuất hiện với tần suất cao trên các kênh truyền hình cũng như trong các hoạt động giao lưu văn hoá, từ chuyến dã ngoại đến các buổi lễ kỷ niệm trọng thể ở các nước dân chủ thế tục như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và cả Morocco, Tunisia, Algeria… Những màn trình diễn múa bụng “đẳng cấp cao” luôn là “độc chiêu” thu hút khách du lịch của các ông chủ phòng trà, quán bar tại Ai Cập. Ở đây còn mở các lớp dạy múa bụng cho thanh thiếu niên trẻ. Năm 2009, thành phố Cairo đã đăng cai tổ chức Festival Múa bụng. Đây là một trong những liên hoan múa bụng lớn nhất thế giới, thu hút hàng trăm vũ công đến từ hàng chục quốc gia tham dự. Những người tổ chức Festival cho rằng Cairo chính là cái nôi của vũ điệu truyền thống, nên cần phải gìn giữ và phát triển.

Với các quốc gia áp dụng và thực thi một cách hà khắc luật Sharia, nghệ thuật múa bụng bị nghiêm cấm. Các hình thức nhảy múa khác cũng rất tôn nghiêm, chủ yếu dựa vào những câu thơ thánh ca mang tính chất nghi lễ nghiêm khắc. Phổ biến nhất tại các quốc gia này là điệu múa dân tộc Ardha truyền thống của Arab Saudi và Kuwait. Điệu múa Ardha dựa trên các truyền thống Bedouin cổ xưa, gồm nhịp điệu trống, thơ thánh ca và những điệu nhảy của các chiến binh. Âm nhạc dân gian Al-sihba, từ Hijaz, có nguồn gốc ở Arab Andalusia. Tại Mecca, Medina và Jeda, nhảy múa và ca hát dân gian kết hợp chặt chẽ với âm thanh của al-mizmar nhạc cụ gỗ kiểu oboe được coi là hình thức múa hát chủ đạo. Trống cũng là một nhạc cụ quan trọng theo truyền thống và phong tục địa phương, không thể thiếu trong bất cứ vũ điệu Arab nào.

Hội họa

Truyền thống cấm thờ ngẫu tượng in dấu đậm nét trong nền hội họa ở các quốc gia Hồi giáo như Arab Saudi hay Kuwait. Ngoài nghệ thuật viết thư pháp Arab và trang trí arabesque thì mọi hình thức vẽ tranh khác đều bị nghiêm cấm, đặc biệt là tranh hình người và động vật. Ở một số nước Hồi giáo khác như Iran và UAE, nơi luật Sharia được nới lỏng hơn thì cũng chỉ được phép vẽ tranh phong cảnh, chủ yếu là tranh sơn dầu, lấy cảm hứng hình thái, màu sắc từ nghệ thuật trang trí của người Arab xưa với gam màu chủ đạo là vàng và xanh da trời. Đây là một loại hình nghệ thuật rất mới của thế giới Hồi giáo. Những bức tranh theo lối mới này cho thấy một hình ảnh về tia sáng xuyên qua bóng tối, mang hơi thở của niềm lạc quan, hy vọng của con người Hồi giáo hòa quyện vào thiên nhiên. Nghệ thuật hội họa của các quốc gia này hầu như không chứa nội dung miêu tả về con người, đặc biệt không có hình ảnh quyến rũ của phụ nữ, điều mà luật Hồi giáo nghiêm cấm.

Hội họa ở các nước ít nhiều ảnh hưởng văn hóa phương Tây như Israel, Morocco, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Tunisia tương đối phóng khoáng và đa dạng, gồm: tranh sơn dầu, tranh màu nước, chân dung, tranh phong cảnh, tranh phẩm màu, tranh ghép từ hổ phách, tranh minh họa. Xu hướng hội họa hiện đại này cũng miêu tả chân thực về con người, cuộc sống, phong cảnh….Hình ảnh người phụ nữ cũng được thể hiện gợi cảm và cuốn hút tuy vẫn giữ truyền thống kín đáo. Thổ Nhĩ Kỳ là nước tiên tiến nhất trong vấn đề hiện đại hóa nghệ thuật Hồi giáo. Những bức tranh sơn dầu vẽ người phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ là một điển hình với những hình ảnh táo bạo, khoác trên mình những món đồ trang sức và váy áo hiện đại, phản ánh chân thực cuộc sống đời thường tại quốc gia này. Trong số các họa sĩ đương đại Trung Đông thuộc trường phái này, không ít tác giả phê phán chủ nghĩa phương Đông trong hội họa. Họ cho rằng, dù không thể phủ nhận những ảnh hưởng từ phương Tây qua con đường thuộc địa hóa trước đây (các trường dạy hội họa phương Tây tại đó) song nền hội họa Trung Đông đương đại đang tiến lên mà không cần những yếu tố từ phương Tây, chính họ đã có một nền nghệ thuật độc đáo của riêng mình, có cách khởi sắc của riêng mình rằng “không ai cần sự diễu hành nghệ thuật theo kiểu phương Tây trên đường phố Trung Đông”1.

Trong những năm gần đây, nhiều triển lãm tranh quốc tế của các họa sĩ ở Trung Đông hoặc gốc Trung Đông định cư ở nước ngoài liên tục được tổ chức tại những trung tâm hội họa lớn như London, New York, Paris… Nghệ thuật đương đại ở Trung Đông đã lần đầu tiên có mặt trong serie “Thế giới nghệ thuật”, liên tục ra mắt để tìm kiếm và giới thiệu những tác phẩm nghệ thuật đương đại hấp dẫn nhất đang có mặt trên khắp thế giới. Những tác phẩm của các nghệ sĩ Trung Đông đương đại đem đến cho giới yêu hội họa những cảm nhận mới mẻ về một khu vực mà bất ổn chính trị đã làm lu mờ hầu hết những đổi mới về văn hóa và nghệ thuật. Những đại diện tên tuổi nhất của khu vực này như Khosrow Hassan Zadeh, Shrin Neshat, Mona Hatoum, Farhad Moshiri, Shadi Ghadirian, Ghazel, Mitra Tarizian, Reza Aramesh và Yehudit Sasportas có những đóng góp rất lớn cho nền hội họa Trung Đông đương đại. Trang chuyên đề được phụ trách bởi những nghệ sĩ nổi tiếng nhất hiện nay ở Trung Đông là một bức tranh thực tế, đập vỡ mọi khuôn mẫu cũ kỹ lạc hậu vì một nền nghệ thuật sâu sắc bởi truyền thống nhưng không kém phần hiện đại, hài hước, thú vị và đầy cảm hứng.

Nghệ thuật điện ảnh

Theo nhà phê bình phim Mariam Rosen thì công nghiệp điện ảnh Arab (gồm cả sản xuất và trình chiếu) là một cuộc đấu tranh lâu dài cho đến nay trong vấn đề kiểm soát hình ảnh và xác định bản sắc in đậm dấu ấn của sự giao thoa giữa văn hóa châu Âu, châu Phi, Đại Tây Dương với vùng Vịnh, giữa thành phố và nông thôn, sa mạc và ốc đảo, giữa quá khứ thuộc địa và thực trạng độc lập hiện nay của nó.2

Tại những nước thực thi nghiêm khắc luật Hồi giáo Sharia, người dân không được khuyến khích tới rạp chiếu phim. Điển hình là trường hợp Arab Saudi, không có rạp chiếu phim, nghệ thuật điện ảnh phục vụ người dân trong nước không được định hướng phát triển. Họ chỉ tiếp xúc với điện ảnh qua vệ tinh, DVD và video nhưng cũng rất hạn chế. Nền công nghiệp điện ảnh của Saudi Arabia tương đối khiêm tốn với vài ba bộ phim nhỏ và phóng sự tài liệu mỗi năm. Các nhà đầu tư giàu có của đất nước Hồi giáo này thường sử dụng khối tài sản kếch sù từ dầu lửa để đầu tư vào công nghiệp điện ảnh các nước láng giềng, đặc biệt là Ai Cập, một đất nước thế tục tự do và hiện đại. Hiện nay, các ông chủ Saudi Arabia đang mua đứt các hợp đồng biểu diễn của các ca sĩ diễn viên, thay đổi hoàn toàn ngành công nghiệp phim ảnh và truyền hình, thiết lập những đế chế truyền thông theo các giá trị Arab, giảm bớt tính phóng khoáng và thế tục của nghệ thuật Ai Cập, các cảnh ôm hôn hoặc uống rượu trên phim đều bị cắt bỏ. Ngay cả hình ảnh một chiếc giường để trống cũng bị cấm, bởi nó có thể hàm ý là ai đó có thể làm gì trên chiếc giường đó. Các kênh truyền hình do người Saudi Arabia sở hữu đã mua đứt nhiều thư viện phim và tài liệu của Ai Cập. Vì vậy, phim ảnh tại Ai Cập vốn có một sức sống mãnh liệt, phóng khoáng và cởi mở ngày càng trở nên bảo thủ hơn bởi lâm vào tình trạng khó khăn tài chính và đang được đầu tư và bảo trợ bởi một quan điểm điện ảnh bảo thủ nhất của các nước Hồi giáo khác. Hiện có đến 80% ngành công nghiệp phim ảnh của Ai Cập là do Saudi Arabia tài trợ.

Từ cuối thế kỷ XIX, Ai Cập đã có một nền công nghiệp truyền thông và nghệ thuật phát triển vào bậc nhất Trung Đông – Bắc Phi và trên thực tế Cairo từ lâu đã được gọi là “Hollywood của phương Đông”. Đây cũng là nước Arab duy nhất có nhà hát opera. Dưới sự bảo trợ của các nhà đầu tư Saudi Arabia, hiện nay Ai Cập có hơn 30 kênh truyền hình vệ tinh và 100 phim truyện sản xuất hàng năm. Để phát triển mạnh mẽ hơn nữa ngành truyền thông và điện ảnh, Ai Cập đã xây dựng một trung tâm điện ảnh lớn tại Cairo.

Nền điện ảnh Iran còn được gọi là nền điện ảnh Ba Tư thể hiện những thăng trầm như chính số phận của đất nước đã sinh ra nó. Sớm tiếp xúc với văn minh phương Tây, điện ảnh Iran ngay từ đầu thế kỷ XX đã phản ánh các chủ đề hết sức đa dạng, từ tình yêu đôi lứa, tâm lý hài đến hành động kinh dị. Những năm 1960 là một thập kỷ đáng nhớ đối với điện ảnh Iran, với 25 bộ phim thương mại sản xuất hàng năm, tăng lên con số 65 bộ phim/năm vào cuối thập kỷ 1960. Những bộ phim nổi tiếng trong thời kỳ này như Cô dâu của biển (1965), Viên gạch và chiếc gương (1967), Ngôi nhà của Chúa (1966), Chồng của Ahoo Khanom (1968)… đã gây được tiếng vang lớn cho Iran. Năm 1973, một liên hoan phim quốc tế đã được tổ chức ở Iran có tên Liên hoan phim quốc tế Tehran.

Phim ảnh Iran liên tiếp đoạt những giải thưởng uy tín nhất ở những liên hoan phim danh tiếng như Cannes, Berlin, Venise… Văn hóa Ba Tư và văn hóa Hồi giáo Arab đã đến được với công chúng trên toàn thế giới qua những bộ phim giàu truyền thống nhưng cũng rất cởi mở trong phong cách dựng phim, truyền tải những hình ảnh trung thực về vùng đất Trung Đông đầy huyền bí và một cuộc sống đậm chất văn hóa Hồi giáo của người dân Iran nói riêng. Nhưng sau đó, cuộc cách mạng do Khomeni lãnh đạo thành công năm 1979 đã đưa đất nước Iran quay về với truyền thống hoàn toàn Hồi giáo, với kinh Qu’ran và luật Sharia cực kỳ hà khắc. Điện ảnh Iran bị kiểm duyệt gắt gao theo những quy định phù hợp với văn hóa Hồi giáo truyền thống. Trên phim tuyệt đối không được phép có bất kỳ một cảnh ôm hôn, ăn mặc hở hang hoặc uống rượu nào.Tuy vậy, nhiều bộ phim Iran bị cấm chiếu trong nước vẫn được tham dự những liên hoan phim quốc tế. Đó là những bộ phim phản ánh thực tế xã hội nơi họ đang sống. Những bộ phim này đã đạt được rất nhiều giải thưởng liên hoan phim quốc tế.

Tuy nhiên, một nền điện ảnh lớn ẩn mình sau cách mạng vẫn âm thầm phục hồi ở Iran trong những thập niên gần đây. Nội dung phim tập trung vào hai thể loại: 1- Chiến thắng của cuộc cách mạng Iran năm 1979, chiến tranh Iran – Iraq mang nhiều tính tôn giáo và quốc gia dân tộc; 2- Phim thương mại hài làm vừa lòng đám đông công chúng với diễn viên nổi tiếng, âm nhạc hay theo kiểu Bollywood. Sản xuất và trình chiếu những bộ phim như vậy, những người làm phim đã thoát ly được những thuộc tính phương Tây cũng như những gì được coi là “không Iran” trong nền văn hóa Hồi giáo rất riêng của mình. Trong thời gian gần đây, nền điện ảnh Iran cũng có những chuyển mình rõ rệt. Bộ phim “ A Separation” đoạt giải Oscar năm 2011 đã trình chiếu trong tuần Liên hoan phim quốc tế tại Việt Nam năm 2011 cho thấy một hiện trạng Iran ngột ngạt trong giằng xé giữa truyền thống và hiện đại, giữa hai luồng tư tưởng Đông – Tây không thể bị hoàn toàn triệt tiêu bởi cách mạng 1979 của Khomeini.

Sau nhiều thập kỷ nằm dưới sự cai trị của thực dân Pháp, Tunisia và Morocco đã giành được độc lập vào năm 1956, sau đó là Algeria vào năm 1962. Một sự khởi đầu thực sự cho công nghiệp điện ảnh với ảnh hưởng nhất định của phương Tây nhưng hướng đến sự giải phóng chính trị cho thế giới thứ ba, góp phần thay đổi bộ mặt của nhân loại và cho ra đời những hình ảnh về con người mới ở Trung Đông (Ferid Boughedir). Trong số những bộ phim do Algeria sản xuất, đã có những bộ phim lọt vào danh sách đề cử Oscar như Bên ngoài Luật (do Algeria/Pháp/Bỉ phối hợp sản xuất năm 2010) của đạo diễn Rachid Bouchareb.

Ở một diện mạo ổn định và cởi mở nhất trong ngành công nghiệp điện ảnh là quốc gia thế tục Thổ Nhĩ Kỳ. Trong suốt quá trình phát triển của mình, Thổ Nhĩ Kỳ đã cho thấy một Trung Đông hướng ngoại và hội nhập hơn với thế giới. Thổ Nhĩ Kỳ đã từng giành giải Gấu Vàng cho bộ phim tâm lý xã hội đặc sắc “Bal” (tựa đề tiếng Anh là “Honey”) của đạo diễn Thổ Nhĩ Kỳ Semih Kaplanoglu trong Liên hoan phim Berlin- Đức lần thứ 60 từ ngày 18-21/2/2010.

Bên cạnh đó, để giới thiệu truyền thống văn hóa Arab, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có những định hướng sản xuất và trình chiếu những bộ phim có nội dung đề cập đến những phong tục tập quán lâu đời của người Thổ, nhưng được dàn dựng với một tinh thần trung thực và cởi mở về cuộc sống hiện đại, ví dụ như như tục tắm chung Hamam, một kiểu nhà tắm hơi kiểu Thổ, đã thành thói quen không thể thiếu trong lối sống của người dân và là điểm thu hút khách du lịch tới Thổ Nhĩ Kỳ. Nói điều này để thấy, văn hóa Hồi giáo đã mang một diện mạo khác hẳn tại quốc gia thế tục Trung Đông này, nó trở nên cởi mở ngay cả trong một lĩnh vực vốn được coi là đặc biệt nhạy cảm như điện ảnh, một điều mà hầu hết các nước Hồi giáo Arab khác không thể chấp nhận.

Tính khu vực trong điện ảnh Trung Đông đương đại cũng được các nhà làm phim chú trọng như một nỗ lực thống nhất về văn hóa cho khối Arab. Những hoạt động chung nhằm quảng bá văn hóa trình chiếu của Trung Đông được tiến hành khá thường xuyên trên qui mô lớn. Iran (dòng phim thương mại) và Ai Cập, là những nước đầu tư lớn nhất cho lĩnh vực này. Bên cạnh đó có Lebanon, Tunisia và Thổ Nhĩ Kỳ, tuy các trường phái phát triển điện ảnh có khác nhau.

Gần đây nhất, từ ngày 4 tháng 3 đến ngày 6 tháng 3 năm 2011, một liên hoan phim lớn dành cho việc trình chiếu và giới thiệu công nghiệp điện ảnh Trung Đông đương đại đã diễn ra tại USC Califfornia (Mỹ) với sự tài trợ của Liên đoàn làm phim Arab. Điều đáng chú ý là, những nước có truyền thống Hồi giáo tương đối khắt khe trong điện ảnh đã chiếm vị trí nổi bật trong liên hoan phim có tầm cỡ này đối với khu vực Trung Đông. Ba ngày liên hoan phim được dành trọn vẹn để trình bày và khám phá bức tranh toàn cảnh của những nền công nghiệp điện ảnh ra đời và đang nổi tại Trung Đông, như Algeria, Ai Cập, Lebanon, Palestine, Jordan, Iraq và Iran. Chủ đề chính mà Liên hoan phim này hướng đến là tìm sự thống nhất cho ngành công nghiệp điện ảnh Trung Đông, những qui định áp dụng cho các nhà làm phim khi đề cập đến những vấn đề như chính trị và các vấn đề dân sự khác. Tại Liên hoan phim này, các nhà làm phim và các học giả nghiên cứu điện ảnh Trung Đông cũng đã thảo luận về khả năng khu vực này sẽ sử dụng điện ảnh như một phương tiện để góp phần vận động thay đổi xã hội, chiến lược để những bộ phim ra đời phản ánh kịp thời, đáp ứng được sự phát triển nền văn hóa của mỗi nước.3

Văn học

Từ thời cổ đại, người Arab đã vốn là một dân tộc yêu thơ ca và văn chương. Ngôn ngữ Arab, tự thân nó, là ngôn ngữ của thơ ca với những sắc thái mượt mà, ý nhị và tinh tế. Văn chương Arab, vì vậy, cũng là một thể loại văn chương du dương, giàu hình ảnh, sâu sắc về ý tứ.

Tác phẩm văn học đồ sộ nhất và được tất cả các tín đồ Hồi giáo biết đến đó chính là Kinh Qu’ran. Nó không chỉ là qui định, là giáo luật mà còn là sự ảnh hưởng toàn diện đến ngôn ngữ, văn học và nền văn hóa Hồi giáo nói chung. Có những tác phẩm văn chương Arab đã trở thành di sản văn hóa của toàn nhân loại. Trong tập sách “Đồng cỏ vàng” của Al Masudi (mất năm 597) có nhắc tới một cuốn sách Ba Tư nhan đề “Hazar Afsama” (Ngàn truyện) và bản dịch ra tiếng Arab là “Alf Laylah wa Laylah”. Theo lời mô tả của Al Masudi thì bộ “Hazar Afsama” ấy chính là bố cục của “Nghìn lẻ một đêm”, một trong những tác phẩm được đọc nhiều nhất ở mọi thời đại. Cuốn sách này cũng là cảm hứng cho nhiều nhà văn ở châu Âu để từ đó một thể loại tiểu thuyết phiêu lưu mạo hiểm ở thời hiện đại đã ra đời: “Những chuyến phiêu lưu của Gulliver” của nhà văn Irland Jonathan Swift (1726), “Zadiq” của Voltaire (1694-1778), “Rasselas” của Samuel Johnson (1709-1784)… Nhà thơ William Wordsworth (1770-1850) của Anh và nhà thơ Argentina Jorge Luis Borges (1899-1986) … Tính chất mạnh mẽ luôn tồn tại trong văn chương và thơ ca của người Arab, nhưng khác với đời sống bị bó hẹp bởi Kinh Qu’ran, từ đời này sang đời khác, văn chương Hồi giáo là âm thanh bằng lời của những giai điệu tình yêu và những bản anh hùng ca về chiến tranh giữa các bộ tộc. Trái với sự bất công bằng trong xã hội mà người phụ nữ phải gánh chịu thì trong thơ ca, hình ảnh của họ đẹp lung linh từ mái tóc thơm, đôi môi đỏ như trái chín, đôi bàn tay trắng như ngọc…Thiên đường trong thơ ca luôn gắn liền với hình ảnh quyến rũ của người phụ nữ như một phần thưởng xứng đáng cho sự hy sinh cao cả vì dân tộc của những đấng anh hùng. Nét văn chương độc đáo được khoác lên mình tấm áo của Thời đại ngày nay, đã mất đi nhiều sự huyền bí phiêu linh của nó. Một nét đặc biệt khác trong văn chương của người Hồi giáo là ít nói về tôn giáo, trừ trường phái Sufism như một đại diện của thi ca dâng Chúa. Trong nền văn học cổ đại, thậm chí có những nhà thơ nổi tiếng như Omar Khayyam (1048- 1123), tác giả tập thơ tứ tuyệt “Rubayat” nổi tiếng toàn thế giới bởi tư tưởng tự do cá nhân và không suy tôn tôn giáo.

Như vậy, nhìn về lịch sử văn học Hồi giáo cổ trung đại để thấy rằng tuy bán đảo Arab và sau này là toàn bộ Trung Đông là nơi tinh thần Hồi giáo bao phủ tất cả mọi lĩnh vực của đời sống nhưng vẫn có các nhà thơ và sau này là các nhà văn thuộc nhiều khuynh hướng muốn thoát ra khỏi sự ràng buộc của tôn giáo.

Cũng từ góc nhìn tôn giáo, chúng ta thấy rằng, Hồi giáo trung thế kỷ (VII- XI) còn tương đối đối khoan dung chứ chưa rơi vào tình trạng quá khắt khe độc đoán và phân hóa như sau này, đặc biệt là thời kỳ cận hiện đại khi thần học dần chiếm ưu thế trong thơ ca, triết học đích thực bị tiêu diệt, thơ ca và văn học trở nên khuôn sáo, thiếu thành thực, bóng bẩy nhưng nhạt nhẽo và mang thiên hướng chính trị Hồi giáo ngày một rõ rệt hơn. Trong khuynh hướng ấy, nền văn học Trung Đông đương đại, về cơ bản hướng đến những vấn đề nổi cộm trong xã hội như sau:

– Những ảnh hưởng của phương Tây và kinh nghiệm của thời kỳ thuộc địa.
– Vị trí của cá nhân trong xã hội Hồi giáo.
– Bình đẳng giới và các mối quan hệ xã hội.
– Vấn đề chiến tranh và hòa bình.

Cũng như tất cả những lĩnh vực nghệ thuật khác, văn chương hiện đại tại các nước Trung Đông cũng bị chi phối rất mạnh của Hồi giáo, đặc biệt là Hồi giáo theo mô hình Saudi Arabia và Iran với những qui định ngặt nghèo về kiểm duyệt nội dung, hình ảnh.

Theo trường phái phóng khoáng, văn chương Thổ Nhĩ Kỳ nổi lên như một ví dụ điển hình của một số nước thuộc trường phái này như Tunisia, Morocco, Lebanon…. Hai dòng văn học chủ đạo của Thổ Nhĩ Kỳ là văn học dân gian truyền khẩu và văn viết, trong đó văn học dân gian chiếm ưu thế và chịu rất ít ảnh hưởng từ văn học Ba Tư và Arab. Ngày 12 tháng 10 năm 2006, giải thưởng Nobel văn học đã được trao cho nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Orhan Pamuk, bởi vì tác giả đã thành công xuất sắc trong việc miêu tả những tác động tương hỗ vô cùng phức tạp giữa những giá trị cổ truyền của đạo Hồi và hệ giá trị hiện đại của thế giới phương Tây. Các công trình văn học của Pamuk hầu hết đều thuộc về loại văn chương thời hiện đại, chủ yếu đề cập đến sự lẫn lộn giữa các giá trị Đông – Tây hay sự biến mất hoàn toàn bản sắc Hồi giáo trong chuỗi xung đột giá trị châu Âu và Trung Đông Hồi giáo luôn tồn tại trong xã hội Trung Đông (Thổ Nhĩ Kỳ nói riêng). Những tác phẩm của ông đại diện của một trường phái văn chương Trung Đông hướng đến thực tế của những mâu thuẫn căng thẳng sâu xa giữa phương Đông và phương Tây, giữa tập quán và thế tục. Cốt truyện sâu sắc, nhân vật bị giằng xé khiến cho người đọc luôn bị ám ảnh, làm nảy sinh nhiều tranh luận không kém gì hội họa và điện ảnh Trung Đông đương đại. Giải Nobel văn học năm 2006 là một phần thưởng xứng đáng dành cho một nhà văn Trung Đông đã thực sự thành công trong việc tìm ra những cốt lõi của xung đột cũng như ràng buộc lẫn nhau giữa các nền văn hóa.

Âm nhạc

Hồi giáo đã có ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa âm nhạc của Trung Đông. Tôn giáo là nền tảng quan trọng của nhiều phong cách âm nhạc và múa truyền thống khác nhau, từ cổ điển đến hiện đại. Cũng như trong các nền văn hóa khác, múa và âm nhạc không thể tách rời nhau trong văn hóa Arab Hồi giáo ở Trung Đông. Tuy nhiên, lịch sử phát triển âm nhạc Trung Đông không đơn giản. Từ khi Hồi giáo ra đời trên bán đảo Arab, trong các diễn ngôn của mình, Mohammed coi lời ca, điệu vũ của người phụ nữ cũng như âm thanh của các loại nhạc cụ là sự suy đồi, là tiếng dụ dỗ của quỷ sứ đày con người xuống địa ngục. Dưới ảnh hưởng của Hồi giáo, âm nhạc Arab đã từng bị coi như những tệ nạn giống như mại dâm và uống rượu và bị cấm tuyệt đối. Thứ âm nhạc duy nhất vọng đến tai mỗi tín đồ Hồi giáo chính là giai điệu du dương của Kinh Qu’ran, được một giáo sĩ Hồi giáo cất lên từ những tháp cao của Thánh đường Hồi giáo. Người ta cũng cho rằng, chỉ bắt đầu từ thế kỷ XIX, hình thức trình diễn Kinh Qu’ran do các cá nhân thực hiện mới xuất hiện trong khi vẫn tuân thủ mọi qui định khắt khe của luật Hồi giáo. Xuất phát từ truyền thống tôn giáo ấy, âm nhạc trong văn hóa Hồi giáo không được khuyến khích phát triển, thân phận của nghệ sĩ vô cùng thấp kém, đặc biệt là nghệ sĩ nữ. Bắt đầu từ thời kỳ ảnh hưởng của văn hóa Ba Tư và Hy Lạp (trung thế kỷ) thì tình trạng của âm nhạc Arab và thân phận của những ca sĩ mới ít nhiều được cải thiện.

Hiện nay, tại các quốc gia Hồi giáo là quốc giáo (như Saudi Arabia), tương tự như tình trạng của điện ảnh, các rạp hát công cộng cũng bị cấm hoạt động trong các không gian mang tính chất chính thống, bởi theo luật Sharia thì đó là những lạc thú không tương thích với truyền thống Hồi giáo. Tuy nhiên, ở những khu vực do tư nhân quản lý thì tình hình có phần nới lỏng. Tuy nhiên, kể cả ở những nơi đó thì loại hình âm nhạc được phép lưu hành cũng chỉ là nhạc dân tộc, nghệ thuật và các sản phẩm sân khấu dân gian hơn là những thể loại âm nhạc hiện đại và các hình ảnh động. Thậm chí, tại Saudi Arabia đã thành lập một cơ quan có tên gọi “Cơ quan tăng cường đức hạnh và ngăn chặn sự đồi bại”, gồm 3.500 sĩ quan và được hỗ trợ bởi hàng ngàn người tình nguyện với nhiệm vụ bắt buộc mọi người tôn trọng học thuyết tôn giáo theo Qu’ran, thực hiện luật Sharia theo qui định của chính phủ và loại bỏ các hành động “không phải Hồi giáo”. Cơ quan này được quyền bắt giữ tất cả đàn ông và phụ nữ không có họ hàng với nhau nhưng lại dám trao đổi xã giao, cấm người dân mua bán các sản phẩm truyền thông đại chúng như trò chơi và đồ chơi, các đĩa nhạc phương Tây, và các show truyền hình giải trí từ nước ngoài du nhập vào.

Tại Iran, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad ra lệnh cấm tất cả các thể loại âm nhạc phương Tây trên các đài phát thanh và truyền hình nhà nước, coi âm nhạc như một thứ “chống lại đạo Hồi”. Những người Iran có tư tưởng hướng ngoại và hội nhập vẫn còn đang sinh sống trên đất Iran đều buộc phải thay đổi thái độ của mình đối với nền âm nhạc Hồi giáo đã có thời kỳ phát triển rực rỡ tại đây sau thập niên 1950 khi những yếu tố tự do dân chủ kiểu phương Tây lần đầu tiên đặt chân vào nền nghệ thuật Iran.

Để kết thúc những nét chấm phá đầu tiên về hiện trạng của những loại hình nghệ thuật trong văn hóa Hồi giáo đương đại, chúng tôi nhắc đến vai trò quan trọng của giới nghệ thuật Trung Đông ở phương Tây, trong đó phần nhiều là các nghệ sĩ gốc Trung Đông. Họ đã có những đóng góp rất lớn trong việc truyền bá những giá trị văn hóa Hồi giáo, giới thiệu đến công chúng trên toàn thế giới những tác phẩm nghệ thuật, văn chương thuộc mọi trường phái để cộng đồng yêu nghệ thuật biết rõ hơn về một nền văn hóa vĩ đại, về những con người đã làm nên nền văn hóa ấy.

Như vậy, dưới cái nhìn văn hóa, Hồi giáo thực chất đã “không chỉ còn đơn giản là một tôn giáo và thậm chí cũng không còn là một cộng đồng như chúng ta vẫn nhìn nhận về nó, mà còn là nơi nương tựa của một nền văn minh mà nó đã thổi vào đó luồng khí, hoặc ít ra nó đã tạo điều kiện cho những cách thể hiện biểu tưng và lối sống tôn giáo, tri thức và nghệ thuật khác nhau”4.

————————

Chú thích:

1. Ali Khadra. http://www.theartnewspaper.com
2. http://www.al-bab.com/arab/cinema/cinema.htm
3. cinema.usc.edu/events/event.cfm?id=11541
4. Dominique Sourdel, Hồi giáo, Sđd, tr. 133

Theo IAMES.GOV.VN

Tags: , , , , , ,