Đàn sếu, những người lính Xô-viết thân yêu không trở về sau trận đánh…

Tôi nghĩ về mẹ, về người cha của tôi đã chết trong chiến tranh, về mấy người anh của tôi đã hy sinh ngoài mặt trận. Và hình ảnh cô bé Hirosima với những con hạc giấy cứ lẩn khuất trong đầu…

Bài hát “Đàn sếu” (Журавли), nhạc của Yan Frenkel, lời thơ Rasul Gamzatov là một trong những bài hát hay nhất trong thế kỉ 20.

Sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Dagestan Rasul Gamzatov nổi tiếng tại nhiều nước trên thế giới, tác phẩm của ông được in hàng triệu bản và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Hàng chục bài thơ của ông được phổ nhạc.

Rasul Gamzatov không thể bàng quan trước nỗi đau mà chiến tranh thế giới thứ hai gây ra cho hàng triệu con người. Bài thơ nổi tiếng nhất của ông về chiến tranh là “Đàn sếu”. Lịch sử tác phẩm này như sau. Trong một lần trả lời phỏng vấn, nhà thơ kể rằng: “Tôi đến Nhật Bản và tham quan tượng đài những con hạc trắng ở Hirosima. Dân chúng Nhật Bản tin rằng nếu người ốm xếp được 1000 con hạc trắng thì sẽ khỏi bệnh. Người ta kể với tôi rằng có một bé gái nạn nhân bom hạt nhân do Mỹ thả xuống Hirosima đã chết khi chưa xếp đủ 1000 con hạc. Câu chuyện khiến tôi vô cùng xúc động. Đúng lúc đó, một nhân viên đại sứ quán chuyển tới bức điện báo tin mẹ tôi qua đời. Trên đường bay về Moskva, tôi nghĩ về mẹ, về người cha của tôi đã chết trong chiến tranh, về mấy người anh của tôi đã hy sinh ngoài mặt trận. Và hình ảnh cô bé Hirosima với những con hạc giấy cứ lẩn khuất trong đầu. ‘Đàn sếu’ đã ra đời như vậy“.

Nghe “Đàn sếu” qua giọng ca của nghệ sĩ Mark Bernes:

Bài thơ này đã được nhà thơ Thụy Anh dịch ra tiếng Việt. Hai khổ đầu của bài thơ như sau:

“Những người lính không về sau trận đánh
Chiến trường xưa đẫm máu bao ngày
Tưởng như họ không nằm trong đất lạnh
Mà hóa thành muôn vạn sếu trắng bay…
Đàn sếu trắng vẫn từ thuở ấy
Bay mãi đến bây giờ, cất tiếng gọi ta
Bởi thế chăng nên ta thường buồn bã
Ngừng chuyện giữa chừng đưa mắt ngắm trời xa?”

Những con sếu đó không hề phân biệt dân tộc, chúng tượng trưng cho tất cả những người đã ngã xuống trong chiến tranh. Không phải ngẫu nhiên mà trên lãnh thổ đất nước Xô-viết có 24 tượng đài Sếu trắng được dựng ở các địa phương khác nhau. Điều đó nói lên rằng tất cả chúng ta gắn kết với nhau bằng kỉ niệm chung, lịch sử chung và tình ruột thịt thống nhất. Tại sao chúng ta lại có thể gây chiến để chống lại nhau?” – Rasul Gamzatov đã nói như vậy.

Một lần, diễn viên kiêm ca sĩ Mark Bernes thấy bài thơ “Đàn sếu” trong tạp chí. Ông đưa bài thơ cho này cho Yan Frenkel và đề nghị phổ nhạc. Bài hát “Đàn sếu” là tác phẩm cuối cùng của Yan Frenkel, nhạc sĩ nổi tiếng đã sáng tác bài này khi ông đã ốm nặng. Chẳng bao lâu sau, bài hát về những con sếu lan truyền khắp thế giới. Hàng năm, vào Ngày Chiến thắng, bài hát đó lại vang lên, như lời nguyện cầu cho những người ra trận mãi mãi không về…

Đàn sếu

Những người lính không về sau trận đánh
Chiến trường xưa đẫm máu bao ngày
Tưởng như họ không nằm trong đất lạnh
Mà hóa thành muôn vạn sếu trắng bay

Đàn sếu trắng vẫn từ thuở ấy
Bay mãi đến bây giờ, cất tiếng gọi ta
Bởi thế chăng nên ta thường buồn bã
Ngừng chuyện giữa chừng đưa mắt ngắm trời xa?

Hôm nay đây khi bóng chiều chạng vạng
Tôi thấy sếu bay trong lớp sương mù
Thành đội hình âm thầm như năm cũ
Những con người dàn trận bước nhẹ chân

Sếu cứ bay đường xa lắc chẳng phân vân
Và những cái tên được điểm lên khắc khoải
Bởi thế chăng nên từ thuở xưa hoang dại
Tiếng Ava ta đã giống tiếng sếu trời?

Mũi tiến công xưa đã mỏi mệt rồi
Bay .. bay mãi trong ngày tàn sương muộn
Và giữa đội hình kia nhỏ nhoi khoảng trống
Chỗ trống này có lẽ để dành tôi?

Rồi sẽ đến ngày cùng đàn sếu tôi trôi
Trong bóng khói sương. Từ dưới làn mây tối
Bằng tiếng chim tôi sẽ cao tiếng gọi
Nhắn những người tôi bỏ lại trần gian…

(Người dịch: Thuỵ Anh)

Theo VOR

Tags: , , , , , ,