⠀
Cuộc cách mạng AI và sự cáo chung của nền giáo dục học vẹt
Chắc chắn, giáo dục theo lối nhồi nhét kiến thức và ghi nhớ sẽ còn rất ít giá trị. Việc ôn luyện các loại “văn mẫu – toán dạng” để thi lấy điểm cao sẽ không giúp ích gì nhiều người học khi ai cũng có một cỗ máy biết tuốt bên cạnh.
Tác giả: Giáp Văn Dương, Tiến sĩ ngành công nghệ, hiện hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo ở Việt Nam.
Tôi dành cả buổi để tương tác với ChatGPT và sững sờ nhận ra nó có thể sẽ trở thành cỗ máy biết tuốt.
Tôi yêu cầu ChatGPT trả lời các câu hỏi, cả nghiêm túc lẫn bông đùa, và tương tác qua lại để kiểm tra khả năng học của nó. Những câu hỏi nghiêm túc và rõ ràng thì ChatGPT trả lời rất tốt. Còn các câu bông đùa hoặc có ẩn ý thì chatbot này không hiểu và trả lời… lung tung.
Với nhiều vấn đề chuyên môn, nếu nhận được câu hỏi thích hợp, ChatGPT cung cấp các câu trả lời đạt trình độ chuyên gia.
Các con tôi cũng hứng thú đưa ra thử thách. Bé lớp 3 yêu cầu ChatGPT viết một bài văn về người thân trong gia đình, còn bạn lớp 8 yêu cầu viết nghị luận xã hội về ý nghĩa của sự tự tin. Kết quả, các bài văn tốt ngoài mong đợi. Đặc biệt, bài viết bằng tiếng Anh vượt xa khả năng viết của một học sinh lớp 8 như con tôi.
Điều này dẫn tôi đến một suy nghĩ: Nếu mở rộng số lượng người dùng và cải thiện tính năng tự học theo thời gian, ChatGPT sẽ trở thành một cỗ máy biết tuốt, nhưng chưa biết bông đùa. Chỉ vậy thôi cũng đủ làm chúng ta giật mình.
Tôi tự hỏi mình có nên cho phép con sử dụng chatbot để làm bài tập?
Rõ ràng, sự ra đời của ChatGPT và các sản phẩm trí tuệ nhân tạo ngày càng thông minh là một thực tế không thể phủ nhận. Tránh tiếp xúc hay ngăn cấm sử dụng là điều bất khả thi. Vì thế, tôi sẽ cho phép con mình dùng khi thấy cần thiết.
Một ngày nào đó gần thôi, ChatGPT hay các phần mềm AI tương tự, sẽ trở nên phổ biến và thiết yếu như Google hiện nay.
Trước viễn cảnh đó, tôi tự hỏi: giáo dục cần phải làm gì để thích ứng?
Chắc chắn, giáo dục theo lối nhồi nhét kiến thức và ghi nhớ sẽ còn rất ít giá trị. Việc ôn luyện các loại “văn mẫu – toán dạng” để thi lấy điểm cao sẽ không giúp ích gì nhiều người học khi ai cũng có một cỗ máy biết tuốt bên cạnh.
Thay vì tập trung vào ghi nhớ thông tin và kiến thức, điều quan trọng hơn là dạy học sinh biết cách đưa ra các câu hỏi.
Đây là những thách thức hoàn toàn mới đối với giáo dục. Điều đó có nghĩa, chương trình giáo dục phổ thông 2018, đang được hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng, đã đối mặt với nguy cơ lạc hậu.
Tuy vậy, không thể bỏ chương trình giáo dục hiện thời để làm một chương trình mới, chúng ta chỉ cần điều chỉnh để thích ứng. Vấn đề là điều chỉnh theo hướng nào?
Đầu tiên, cũng là lựa chọn tối ưu và dễ nhất, là thay đổi cách thức kiểm tra, đánh giá, thi cử để cho dạy và học không còn chạy theo thành tích điểm số nữa. Giáo dục Việt Nam có truyền thống thi sao thì dạy và học như vậy. Do đó, thay đổi cách thi và tiêu chuẩn đánh giá sẽ thay đổi cách dạy và cách học.
Thứ hai là thực hiện linh hoạt và mở trong chương trình giáo dục quốc gia, cho phép các trường giảm tải một số nội dung ôm đồm và được phép triển khai các chương trình giáo dục riêng, đáp ứng nhu cầu mới của người học và thích ứng với sự phát triển mới của công nghệ.
Thứ ba là khuyến khích triển khai các chương trình giáo dục mang tính khai phóng xuống bậc phổ thông, giúp khai mở nhân tính và giải phóng tiềm năng của người học. Các chương trình này sẽ hướng vào việc làm chủ cảm xúc và thế giới nội tâm, nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân tính, phát triển cá tính, bảo vệ lương tâm và phẩm giá con người…
Nếu trí tuệ tự nhiên của con người một ngày nào đó có thể sẽ thua trong việc cạnh tranh với trí tuệ nhân tạo của các cỗ máy, thì ý thức về bản thân, cảm xúc và tình yêu thương sẽ là những lĩnh vực mà các cỗ máy này khó lòng chạm đến.
Bên cạnh nhận thức có tính trí tuệ, con người còn có cảm thức về đạo đức, thẩm mỹ và sự hài hòa. Vì thế, trong bốn giá trị phổ quát Chân – Thiện – Mỹ – Hòa, trí tuệ nhân tạo cùng lắm cũng chỉ tiến dần về các tri thức khách quan, tức một phần của cái Chân, còn cảm thức về cái Thiện, Mỹ, Hòa chắc chắn vẫn là lãnh địa và nguồn cội của riêng bản tính con người.
Cuối cùng, trước sự ra đời của các hệ thống AI đang len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống, điều quan trọng là ý thức mạnh mẽ và rõ ràng về việc “mình làm chủ nó thay vì để nó làm chủ mình”.
Con người chỉ thực sự là con người nếu giữ được ý thức về bản thân và giữ được tâm thế chủ động khi sử dụng công nghệ và máy móc. Nếu không, con người sẽ tự biến mình thành những chi tiết nối dài của máy móc, và qua đó, từng bước đánh mất nhân tính trong thời đại bùng nổ của công nghệ và trí tuệ nhân tạo.
Theo VNEXPRESS
Tags: Tri thức, Trí tuệ nhân tạo, Giáo dục, Công nghệ