Bài học xương máu từ việc xây dựng xã hội pháp quyền ở Hàn Quốc

Người Hàn Quốc cũng như nhiều quốc gia thành công khác đã chọn cách bảo vệ và khuyến khích những người dấn thân trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền. Đó là một quá trình lượng đổi – chất đổi dài lâu chứ không nóng vội, đốt cháy giai đoạn.

Tác giả: Huỳnh Thế Du, chuyên gia kinh tế.

“Đây là toà nhà cao nhất Hàn Quốc và cao thứ sáu thế giới. Với các công trình như tòa tháp này, tập đoàn Lotte và các doanh nghiệp hàng đầu Hàn Quốc mang lại cho chúng tôi những xúc cảm pha trộn: Tự hào với những công trình và doanh nghiệp tầm cỡ thế giới, nhưng xấu hổ vì tham nhũng vẫn dai dẳng ở thượng tầng”.

Một người bạn Hàn Quốc nói như thế khi chúng tôi đứng dưới chân tháp Lotte tại thủ đô Seoul vào mùa thu năm 2016, trao đổi về những thành tựu của nước này cùng với tin Samsung, Lotte và tổng thống đương nhiệm Park Geun-hye đang dính vào những bê bối tham nhũng.

Anh bạn giải thích tiếp, rằng “chúng tôi rất cương quyết với tham nhũng, nhưng cũng hiểu sự dấn thân và chấp nhận rủi ro để tạo ra của cải và giá trị cho xã hội của các doanh nhân”. Nỗ lực chống tham nhũng là để tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh và tạo dựng sân chơi bình đẳng, nuôi dưỡng tinh thần doanh nhân và sự dấn thân chứ không phải để trừng phạt, làm thui chột ý chí.

Tôi đã liên tưởng đến góc nhìn của người Mỹ, được thể hiện trong phát biểu của luật sư người bản xứ John Adams sau khi bảo vệ thành công cho những người lính Anh đã nổ súng vào đồng bào của mình trong vụ thảm sát Boston năm 1770.

“Điều quan trọng là sự vô tội được bảo vệ hơn là tội lỗi bị trừng trị, vì tội lỗi và tội ác thường xuyên xảy ra trong thế giới này nên chúng không thể bị trừng trị toàn bộ. Nhưng nếu người vô tội bị đem ra trước tòa kết tội và có thể bị xử tử, thì dân chúng sẽ tặc lưỡi rằng tôi có làm điều tốt hay làm điều xấu thì cũng không được bảo vệ. Nếu người dân có suy nghĩ như vậy thì không bao giờ còn công lý nữa”.

John Adams (sau này trở thành tổng thống thứ hai của Mỹ) là một thủ lĩnh của Cách mạng Mỹ đang lãnh đạo người dân nổi dậy để lật đổ chính quyền thuộc địa Anh lúc bấy giờ. Ý thức về việc xây dựng các nền tảng của công lý đã được xác định ngay khi cách mạng còn trong trứng nước.

Ở phía ngược lại, tôi nhớ lại chuyến đi với một người thầy ở Harvard đến Philippines và Indonesia vào năm 2018. Chúng tôi đã gặp gỡ những tỷ phú nổi lên từ thời Suharto ở Indonesia và Marcos ở Philippines – hai kẻ đánh cắp của công hàng đầu của nhân loại. Ở đó, tham nhũng và lũng đoạn chính sách đã trở thành vấn đề thâm căn, cố đế. Chống chúng gần như là nhiệm vụ bất khả thi vì các nhóm lợi ích hay tư bản thân hữu tìm cách “thể chế hóa” để có thể “tham nhũng bền vững”.

Xếp hạng Chỉ số tham nhũng (Corruption Perceptions Index) của Tổ chức Minh bạch quốc tế (Transparency International) năm 2021 phần nào cho thấy vấn đề này. Mỹ – 67 điểm (xếp hạng 27 trên thế giới), Hàn Quốc – 62 điểm (hạng 32), Việt Nam – 39 điểm (hạng 87), Indonesia – 38 điểm (hạng 96) và Philippines – 33 điểm (hạng 116).

Trở lại câu chuyện của chúng ta, tôi đã có dịp tương tác với rất nhiều doanh nhân Việt Nam, bao gồm những doanh nhân đang nổi và cả những người rất tai tiếng. Đa phần họ đều trăn trở và quyết tâm hiện thực hóa hoài bão xây dựng doanh nghiệp của mình – đóng góp thiết thực nhất cho sự phát triển của xã hội.

Tìm hiểu về chính sách công nên tôi thường hỏi xoáy về những vấn đề liên quan, đặc biệt là sự thích ứng của các doanh nghiệp và doanh nhân trước những bất cập hay vùng xám chính sách. Nhiều người đã tâm sự rất thật về những thách thức và những việc buộc phải làm trong điều kiện hiện nay.

Tương tác cận cảnh giúp tôi hiểu rằng rất khó để dựa vào các nguyên tắc đúng – sai, trắng – đen một cách thuần tuý. Thế lưỡng nan của các doanh nhân trong một nghiên cứu tình huống của Trường Fulbright viết cách đây gần hai thập kỷ vẫn còn rất thực tế. Một bên là tuân thủ các quy định của pháp luật, những chuẩn mực và tập quán quốc tế; và một bên là phải đối mặt với những thực tế hàng ngày để tồn tại và có thể phát triển.

Ở góc độ thể chế và phát triển, tôi cũng nhận thấy những dấu hiệu thao túng của các nhóm lợi ích và thế lưỡng nan của các nhà hoạch định chính sách Việt Nam. Làm thế nào để có thể răn đe mà vẫn khuyến khích được tinh thần dấn thân?

Người Hàn Quốc cũng như nhiều quốc gia thành công khác đã chọn cách bảo vệ và khuyến khích những người dấn thân trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền. Đó là một quá trình lượng đổi – chất đổi dài lâu chứ không nóng vội, đốt cháy giai đoạn. Nếu không có những hành động quyết liệt để ngăn chặn tình trạng thể chế hóa tạo ra tham nhũng bền vững sẽ rất nguy hiểm như ở Indonesia và Philippines.

Đứng trên góc độ phát triển, tôi hiểu rằng mục tiêu của chiến dịch chống tham nhũng trong nhiều năm qua và việc truy tố một số người trong giới kinh doanh gần đây ở Việt Nam là để gạn đục, khơi trong, làm lành mạnh hoá môi trường kinh doanh và tạo sân chơi bình đẳng, khuyến khích tinh thần dấn thân. Nói cách khác, mục tiêu chính là để bảo vệ các doanh nhân làm ăn chân chính chứ không phải là trừng phạt hay các lý do khác.

Là một người dân, tôi rất mong chiến dịch chống tham nhũng nói chung, những sự kiện gần đây được thực hiện theo những chuẩn mực và nền tảng của công lý để tạo dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh và một xã hội pháp quyền.

Theo VNEXPRESS

Tags: , , ,