Nhận diện vòi bạch tuộc của các nhóm lợi ích ở Việt Nam

Nhóm lợi ích là các nhóm hoạt động ngầm trong lĩnh vực kinh tế, cấu kết với những người có quyền ra quyết định hoặc có thể tác động đến chính sách vì lợi ích riêng của họ mà làm tổn hại đến lợi ích của các nhóm khác, lợi ích của số đông và đặc biệt là lợi ích quốc gia…

Đây là một trong những nội dung của cuộc trao đổi giữa báo SSVN và TS Nguyễn Hữu Lam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Quản trị (CEMD), ĐH Kinh tế TP.HCM.

Nhận diện…

– Thưa ông, về mặt khoa học quản trị, nhóm lợi ích được hiểu thế nào?

– Nhóm lợi ích được hiểu đơn giản là nhóm bao gồm những người có cùng những lợi ích với những hoạt động, sự kiện, hoặc một đối tượng nào đó. Như vậy, sự tồn tại của các nhóm lợi ích là khách quan và luôn tồn tại trong đời sống xã hội. Các nhóm này gắn bó với nhau, cùng nhau bảo vệ và mở rộng những lợi ích của họ. Thông thường, những nhóm lợi ích vì những lợi ích tốt đẹp cho xã hội, cộng đồng thường hình thành những nhóm hoạt động xã hội hoặc phong trào xã hội có tổ chức và hoạt động công khai. Những nhóm lợi ích khác thường hoạt động phi chính thức, gắn bó một cách tự nguyện và khi lợi ích đạt được thì nó tự giải thể.

Tuy nhiên, khi nói đến nhóm lợi ích, người ta thường nói đến những nhóm có tổ chức (không thuộc tổ chức của Chính phủ) một cách phi chính thức, hoạt động tích cực và ảnh hưởng tới các quyết định hoặc các chính sách vì những lợi ích của nhóm mình. Đặc biệt, khi nói đến nhóm lợi ích là nói tới hoạt động của các nhóm vì lợi ích của nhóm họ mà làm tổn hại lợi ích của các nhóm khác, đặc biệt là lợi ích quốc gia.

– Ông nhận thấy lợi ích nhóm ở Việt Nam hình thành và biểu hiện như thế nào?

– Như tôi đã nói, việc hình thành nhóm lợi ích là khách quan nên trong xã hội luôn tồn tại các nhóm có tổ chức để phục vụ những lợi ích của các thành viên của nhóm mình. Các đoàn thể xã hội, các hội hoặc hiệp hội đã và đang hình thành, hoạt động để bảo vệ và mở rộng lợi ích hợp pháp, chính đáng của các thành viên của mình. Về phương diện này, theo tôi, do tổ chức lỏng lẻo và năng lực yếu, nhiều tổ chức này chưa làm tốt vai trò của mình trong việc bảo vệ và phát triển những lợi ích hợp pháp của các thành viên.

Trong điều kiện của một chính quyền tốt, vững mạnh, những người ra quyết định chính sách tận tâm phục vụ quốc gia thì việc ảnh hưởng của các nhóm lợi ích cũng giúp những nhà hoạch định chính sách có những thông tin đầy đủ và toàn diện hơn để ra các quyết định chính sách tốt hơn. Tuy nhiên, khi các hoạt động xã hội (đặc biệt trong kinh tế) phát triển, những lợi ích to lớn bắt đầu xuất hiện từ các chính sách phát triển thì hoạt động của các nhóm lợi ích trở nên mạnh mẽ hơn và tinh vi hơn. Đặc biệt, trong môi trường luật pháp thiếu minh bạch, các quy trình ra quyết định chính sách không rõ ràng, thiếu thông tin và các nhóm khác có những lợi ích có liên quan mà thiếu tổ chức… thì các nhóm lợi ích sẽ ảnh hưởng, cấu kết, mua chuộc những người ra quyết định để hướng chính sách về phía có lợi cho lợi ích của nhóm mình, bất chấp lợi ích của các nhóm khác, của số đông và lợi ích quốc gia.

Xã hội ta, gần đây, nói nhiều đến nhóm lợi ích, theo tôi hiểu, thì đó là nói về việc các nhóm hoạt động ngầm trong lĩnh vực kinh tế, cấu kết với những người có quyền ra quyết định hoặc có thể tác động đến chính sách vì lợi ích riêng của họ mà làm tổn hại đến lợi ích của các nhóm khác, lợi ích của số đông và đặc biệt là lợi ích quốc gia. Ở Việt Nam, khi nói về các nhóm lợi ích dạng này có thể kể đến những công ty “sân sau” của các công ty Nhà nước hoặc cổ phần Nhà nước, những tập đoàn độc quyền (của Việt Nam và các công ty đa quốc gia) có khả năng ảnh hưởng tới chính sách của Chính phủ thao túng thị trường (sữa, thuốc chữa bệnh, xăng dầu, điện lực, ô tô…), những lĩnh vực phát triển sử dụng nhiều tài nguyên và tài sản quốc gia. Độc quyền và cơ chế “xin – cho” là mảnh đất màu mỡ cho sự hình thành và phát triển các nhóm lợi ích dạng này. Các kiểu “chạy” là biểu hiện trong hoạt động của các nhóm lợi ích để khai thác cơ chế “xin – cho” này vì lợi ích riêng của nhóm họ.

– Có ý kiến cho rằng, lợi ích nhóm ở Việt Nam có đặc trưng là liên quan đến những người có chức, có quyền, nhất là quyền liên quan đến cán bộ, tài chính, ngân sách, đầu tư, đất đai… Ông có nhận định gì?

– Rõ ràng, ở đâu mà lợi ích hoặc tiềm năng lợi ích càng lớn thì ở đó nhóm lợi ích hoạt động càng mạnh, càng tinh vi, và thậm chí là rất trắng trợn. Các nhóm lợi ích phải bằng các phương tiện và các công cụ khác nhau để tác động tới những người ra quyết định hoặc hoạch định chính sách để thâu tóm những lợi ích cho nhóm của họ. Vì vậy, nhóm lợi ích thường liên quan tới những người có quyền ra quyết định hoặc ảnh hưởng tới các quyết định chính sách trong những lĩnh vực “màu mỡ” nhất.

… những hiểm họa

– Sự nguy hại của việc để các nhóm lợi ích thao túng là gì, thưa ông?

– Một trong những mục tiêu quan trọng của phát triển là phân phối công bằng các lợi ích của sự phát triển cho các thành phần trong xã hội và đặc biệt là quan tâm tới lợi ích của những người nghèo. Chỉ có bảo đảm việc phân phối công bằng các lợi ích của sự phát triển cho các thành phần có liên quan mới bảo đảm tạo ra một xã hội hài hòa, công bằng và văn minh. Khi đó, sự phát triển mới thật sự bền vững.

Khi bị các nhóm lợi ích thao túng, các lợi ích của sự phát triển bị thâu tóm bởi những nhóm này. Những lợi ích của các nhóm khác có liên quan bị xâm phạm sẽ tạo ra sự bất công, bất bình đẳng lớn hơn trong xã hội. Điều này làm méo mó những quan hệ xã hội lành mạnh, làm tăng khoảng cách giàu nghèo và từ đó gây bất ổn xã hội.

Thêm nữa, các nhóm lợi ích thường sử dụng nhiều công cụ khác nhau để ảnh hưởng tới những người ra quyết định và hoạch định chính sách, mà cách đơn giản và thường thấy nhất ở các nước chậm phát triển là mua chuộc và cấu kết với những người ra quyết định và hoạch định chính sách để chia sẻ các lợi ích đạt được. Nếu điều này xảy ra thì các nhóm này sẽ làm hư hỏng cán bộ của chính quyền, làm suy yếu chính quyền và biến chính quyền thành công cụ của nhóm chứ không phải phục vụ nhân dân và đất nước như sứ mạng cao cả của chính quyền.

– Các nhóm lợi ích luôn tồn tại, vì thế, cần thiết kế cơ chế giám sát thế nào để hạn chế được sự lũng đoạn của các nhóm lợi ích?

– Để các nhóm lợi ích không thể lũng đoạn, cần có một hệ thống luật pháp, chính sách và cơ chế ra quyết định công bằng và minh bạch. Cơ chế ra quyết định chính sách phải bảo đảm tính công khai, minh bạch dựa trên cơ chế đối thoại, tương tác cần thiết giữa các lợi ích có liên quan trong quá trình phát triển thông qua đối thoại, phản biện khoa học.

Những đại biểu của nhân dân ở các cơ quan dân cử và các cơ chế giám sát cần phát huy đầy đủ vai trò, nghĩa vụ của mình và phải có đủ năng lực để thực sự bảo vệ những lợi ích chính đáng và hợp pháp của những người có liên quan.

Việc tách bạch giữa hoạch định chính sách và thực thi chính sách cũng là một xu hướng chung trong đổi mới quản lý công trên thế giới hiện nay để đảm bảo trách nhiệm của những công chức, viên chức trong bộ máy chính quyền.

Cơ chế lên tiếng của người dân cũng cần được xây dựng và bảo đảm để người dân nói lên tiếng nói của mình khi lợi ích của họ bị xâm phạm. Ở đây, cần nâng cao năng lực cho các nhóm lợi ích có tổ chức (các hội và hiệp hội thương mại, nghề nghiệp, xã hội…) trong việc thực sự đại diện và bảo vệ cho lợi ích hợp pháp, chính đáng của các thành viên của mình.

Thông thường, các nhóm lợi ích sử dụng công cụ vận động hậu trường (lobby) để ảnh hưởng tới các quyết định chính sách. Vì thế, cần có luật về vận động hậu trường để đưa hoạt động này vào quỹ đạo luật pháp.

Cuối cùng, công khai, minh bạch là phương tiện rất quan trọng để đảm bảo sự công bằng, trung thực trong hoạch định và thực thi chính sách. Công khai, minh bạch sẽ ngăn chặn những sự méo mó trong hoạch định và thực thi chính sách do sự ảnh hưởng, tác động của các nhóm lợi ích.

– Xin cảm ơn ông!

Theo SINH VIÊN VIỆT NAM (2012)


Tags: , , ,