⠀
Khi lịch sử dùng ba chữ ‘không điều kiện’
Ngôn ngữ của các dân tộc hình như đều có cụm từ ba chữ “không điều kiện”, hiểu theo nghĩa trực tiếp của nó là: không có bất cứ điều kiện nào, lý do gì có thể cản trở hay làm thay đổi được việc đạt được mục đích đã định ra.
Ở đất nước từng chịu nhiều chiến tranh như Việt Nam, ba chữ “không điều kiện” dường như rất thông dụng trong nhiều lĩnh vực (quân sự và ngoài quân sự), trong tất cả các thời kỳ (chiến tranh và giữa những cuộc chiến tranh). Tuy vậy, “không điều kiện” không xuất hiện một cách tuỳ tiện; nó thường được sử dụng khi diễn tả những cố gắng nỗ lực của một bên chính nghĩa (phục tùng không điều kiện, nhận nhiệm vụ không điều kiện, viện trợ không điều kiện, quyết thắng không điều kiện…), nhằm đẩy bên kia đi đến chấm dứt sự phi nghĩa (đầu hàng không điều kiện, thất bại không điều kiện).
Chỉ tính thời hiện đại với 4 cuộc chiến tranh vì độc lập tự do, bảo vệ Tổ quốc, nhân dân Việt Nam từng nhiều lần cùng Quân đội Nhân dân của mình thể hiện ý chí quyết tâm kháng chiến với hàm nghĩa không điều kiện: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng”, “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử”…
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh – linh hồn của kháng chiến, Người đã cùng Trung ương Đảng đề ra đường lối chiến tranh nhân dân trên cả hai miền Nam-Bắc, phối hợp tiền tuyến-hậu phương làm nhân tố tiên quyết cho thắng lợi. Trong thực tiễn cách mạng và kháng chiến, Người chỉ đạo khơi dậy sức mạnh chủ nghĩa yêu nước truyền thống và hiện đại của Việt Nam, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, kết hợp sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế và sức mạnh thời đại, làm thành sức mạnh tổng hợp để đánh bại các chiến lược chiến tranh thực dân mới của Mỹ.
Chính sức mạnh vô song và không điều kiện ấy đã trở thành cơ sở của quan điểm nhất quán của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh (khi trả lời thư của Tổng thống Mỹ Johnson ngày 8/2/1967) đã nhấn mạnh: “Chính phủ Mỹ đã gây ra chiến tranh xâm lược Việt Nam thì con đường đưa đến hoà bình ở Việt Nam là Mỹ phải chấm dứt xâm lược. Chính phủ Mỹ phải chấm dứt vĩnh viễn và không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; phải rút hết quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam; phải thừa nhận Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; phải để nhân dân Việt Nam tự giải quyết công việc nội bộ của mình“.
Trong lời kêu gọi cả nước tiến lên đánh thắng giặc Mỹ xâm lược (tháng 11/1968), Người viết “ngày 1 tháng 11 năm 1968, Chính phủ Mỹ đã buộc phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom và bắn phá trên toàn bộ lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa […]. Song đó chỉ mới là thắng lợi bước đầu […] nhiệm vụ thiêng liêng của toàn dân ta lúc này là phải nâng cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, quyết tâm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc. Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi“.
Theo đó, từ sau năm 1968, quân và dân Việt Nam thực hiện quyết tâm không điều kiện giải phóng miền Nam. Người dân hậu phương từng “xe chưa qua, nhà không tiếc”, nay càng ra sức động viên sức người sức của ra chiến trường. Người chiến sĩ ngoài tiền tuyến từng “bám thắt lưng địch mà đánh”, nay càng nêu cao ý chí bám trụ “một tấc không đi, một ly không rời” chống phá bình định Việt Nam hóa chiến tranh.
Khi bàn đàm phán ở Paris công bố sự lật lọng trong thực hiện thời khóa biểu kí kết; trên Mặt trận Quảng Trị giữ vững ý chí “còn người, còn trận địa” suốt 81 ngày đêm. Khi lưới lửa phòng không thủ đô Hà Nội buộc pháo đài bay B-52 của Mỹ phải cắm đầu xuống hồ Hữu Tiệp, Đài phát thanh Giải phóng phát đi lá thư từ Sài Gòn gửi ra Hà Nội nhắc đến “Lửa kêu lửa giữa miền Nam rực lửa” và quyết tâm từ hậu phương lớn đến tiền tuyến lớn đều vang lên tiếng đanh thép: “Đánh”… Sự kết hợp đánh với đàm cuối cùng buộc kẻ thù phải ký Hiệp định Paris không điều kiện để rút quân về nước (ngày 27/1/1973).
Nhưng chúng vẫn nuôi tham vọng dùng chính quyền và quân đội tay sai Việt Nam Cộng hoà để tiếp tục thực hiện chủ nghĩa thực dân mới; buộc quân và dân Việt Nam phải “tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi” đúng theo hai bước “Đánh cho Mỹ cút” và “đánh cho ngụy nhào”. Mùa Xuân 1975 cả nước ra trận tạo thành sức mạnh “Một ngày bằng hai mươi năm”. Năm cánh quân mạnh như những cơn lốc, đã “chọc Ban Mê Thuột, rụng cả Tây Nguyên; quét Huế-Thừa Thiên, đổ nhào Đà Nẵng. Đường tiến quân ào ào chiến thắng… rộn rực xe tăng chồm tới Sài Gòn” (Toàn thắng về ta).
Còn nhớ cuối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, kẻ thù xây dựng Điện biên phủ thành “pháo đài không thể công phá”, hòng buộc bộ đội Việt Minh phải “thách đấu”. Mùa hè năm 1954, quân và dân Việt Nam nêu cao ý chí quyết tâm không điều kiện quyết chiến quyết thắng, đã “khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”, “thân chôn làm giá súng, đầu bịt lỗ châu mai” “chèn lưng cứu pháo”, “xẻ núi lăn bom”… tất cả nhằm buộc kẻ thù phải chấp nhận thất bại không điều kiện. Chiều ngày 7/5/1954, tướng De Castri chỉ huy mặt trận Điện biên phủ phải giơ tay đầu hàng không điều kiện khi toàn bộ tập đoàn cứ của Pháp bị tiêu diệt.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chuyện ngày cuối cùng của chiến tranh còn ghi: Lúc 11:30 ngày 30/4/1975 lá cờ giải phóng còn lấm bụi chiến trường đã tung bay trên Dinh Độc lập; ngay sau đó, Quân giải phóng đã áp giải Tổng thống chính quyền Việt Nam cộng hòa sang Đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng; các sĩ quan Quân giải phóng có mặt cùng hợp lại soạn thảo văn bản đầu hàng cho đối phương và văn bản tiếp nhận sự đầu hàng ấy; một chiến sĩ Quân giải phóng nghe đọc các văn bản chuẩn bị phát chính thức lên sóng đã đề nghị thêm 3 chữ “không điều kiện” vào tuyên bố đầu hàng của Tổng thống – Đại tướng Dương Văn Minh (thành “đầu hàng không điều kiện”).
Lịch sử chiến tranh cho biết, đầu hàng không điều kiện là việc một bên tham chiến buộc phải chấm dứt chiến sự và kết thúc chiến tranh theo những điều kiện của đối phương; đầu hàng không điều kiện vì thế cũng có nghĩa là chịu thua về quân sự, thất bại về chính trị, buộc phải chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến tranh do chính họ gây ra.
Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II kéo dài 6 năm (1939-1945) đã kết thúc bằng việc Đức quốc xã (ngày 7/5/1945) và phát xít Nhật (ngày 14/8/1945) buộc phải đầu hàng không điều kiện trước quân đồng minh. Đúng 30 năm sau, cuộc chiến tranh vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam kéo dài 30 năm (1945-1975), cũng kết thúc bằng hai kết cục tương tự: Tướng Pháp đầu hàng không điều kiện bộ đội Việt Minh tại Điện Biên Phủ (ngày 7/5/1954) và tướng chế độ do Mỹ dựng lên đầu hàng không điều kiện Quân giải phóng miền Nam tại Sài Gòn (ngày 30/4/1975).
Như vậy, ngày chiến thắng 30/4/1975 trở thành ngày của những sự kiện lịch sử hào hùng trong cuộc kháng chiến vĩ đại của thế kỷ 20; mỗi sự kiện trong ngày lịch sử năm ấy diễn ra mang tầm vóc và trí tuệ của dân tộc có truyền thống chống xâm lăng; mỗi hành động của những con người cụ thể trong đoàn quân giải phóng ứng xử và làm nên những chi tiết lịch sử trọng đại năm ấy, đều xứng danh là những anh hùng của Quân đội Nhân dân Việt Nam Anh hùng.
Ba chữ “không điều kiện” từ khi người chiến sĩ giải phóng quân đem theo vào chặng đường hành quân và chinh chiến, nay có thêm giá trị lịch sử thật thú vị và vinh quang.
Theo CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tags: Chiến tranh Việt Nam, Kháng chiến chống Mỹ, 30/4/1975, Chủ quyền Việt Nam