Mấy vấn đề về củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn Tây Nguyên

Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của đất nước và bán đảo Đông Dương. Vì vậy, đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh trên địa bàn luôn là nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Mấy vấn đề về củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh trên địa bàn Tây Nguyên

Tác giả: Thượng tá, TS. Nguyễn Yến Thanh, Học viện Chính trị Công an nhân dân.

>> Nhận diện âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo gây bất ổn ở Tây Nguyên

Những năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn, Tây Nguyên đã có bước phát triển cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Tình hình an ninh chính trị toàn vùng cơ bản ổn định, kinh tế – xã hội có bước phát triển khá; việc liên kết vùng và hội nhập quốc tế có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện.

Trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, lực lượng vũ trang đã chủ động làm tốt công tác nắm tình hình, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương xây dựng, triển khai phương án đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, phản động, không để hình thành tổ chức chính trị đối lập trên địa bàn; tập trung giải quyết căn bản những vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, góp phần giữ vững sự ổn định, tạo cơ sở để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Tiềm lực quốc phòng, an ninh từng bước được củng cố, tăng cường, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, “thế trận lòng dân” được xây dựng ngày càng vững mạnh. Công tác đối ngoại với các địa phương nước bạn được triển khai có hiệu quả, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển, tạo vành đai bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Bên cạnh kết quả đạt được, Tây Nguyên vẫn là địa bàn kinh tế – xã hội phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng; quốc phòng, an ninh tuy “yên nhưng chưa ổn”, còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nguy cơ gây mất ổn định. Hệ thống chính trị cơ sở ở một số nơi chưa vững chắc, hiệu lực, hiệu quả hoạt động thấp; tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới; hoạt động tôn giáo trái pháp luật, di cư tự do, các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, tình trạng tranh chấp đất đai,… diễn biến phức tạp.

Đáng chú ý là, các thế lực thù địch, phản động từ bên ngoài lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập, các vấn đề “dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền” để hoạt động chống phá, gây mâu thuẫn giữa các tộc người, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo; tuyên truyền, kích động tư tưởng ly khai, tự trị trong đồng bào dân tộc thiểu số, móc nối, lôi kéo, tập hợp lực lượng, nhằm phục hồi cơ sở phản động của FULRO, đòi thành lập cái gọi là “Nhà nước Đê-ga độc lập”,… gây rối an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, để nước ngoài tạo cớ can thiệp, lật đổ, v.v. Những yếu tố đó đã, đang đe dọa trực tiếp đến an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Tây Nguyên và sự ổn định, phát triển chung của đất nước.

Bối cảnh trên đang tạo ra thời cơ, vận hội mới, nhưng cũng đặt ra nguy cơ, thách thức đan xen, tác động trực tiếp đến nhiệm vụ quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên. Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp; trong đó, tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:

Một làtăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với vùng Tây Nguyên. Đây là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn chiến lược này. Một trong những nguyên nhân dẫn đến kinh tế – xã hội vùng Tây Nguyên chậm phát triển là do những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước chưa được triển khai đồng bộ, thống nhất, hiệu quả chưa cao. Do vậy, các địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Cùng với việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần tập trung nghiên cứu, đánh giá tổng thể, đề xuất các giải pháp triển khai thực hiện đồng bộ, phù hợp với chủ trương, chính sách phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Trong đó, chú trọng giải quyết các mối quan hệ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữa đấu tranh bảo vệ chủ quyền với giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, xây dựng lòng tin của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đối với Đảng, chế độ và cấp ủy, chính quyền các cấp,… tạo môi trường chính trị ổn định, xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh trong nội vùng, liên kết vùng và hội nhập quốc tế.

Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ, “thế trận lòng dân” vững chắc, chú trọng các địa bàn trọng điểm. Tiếp tục quan tâm triển khai các chương trình quốc gia ứng phó với vấn đề an ninh phi truyền thống, nhất là việc tranh chấp đất sản xuất, hoang hóa đất đai, hạn hán và giải quyết hiệu quả vấn đề dân tộc, tôn giáo, ngăn chặn, loại trừ nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn, xung đột ở Tây Nguyên.

Hai làđẩy mạnh xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở các địa phương vùng Tây Nguyên thực sự vững mạnh. Những năm qua, hệ thống chính trị cơ sở của các địa phương nơi đây đã được xây dựng, củng cố. Tuy nhiên, còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, như: cấp ủy, chính quyền cơ sở có nơi chưa chủ động phát hiện, xử lý những vấn đề phát sinh; chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở nhiều nơi còn yếu, mất cảnh giác, quan liêu, không nắm chắc tình hình nhân dân; một bộ phận cán bộ, đảng viên “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, bị các thế lực thù địch, phản động móc nối, lôi kéo, tiếp tay cho các hoạt động của bọn FULRO, “Tin lành Đê-ga”, v.v.

Đây thực sự là nguy cơ, thách thức đặt ra đối với việc xây dựng hệ thống chính trị, đòi hỏi phải có giải pháp cấp bách nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cơ sở. Do đó, các địa phương cần chú trọng bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và đội ngũ cán bộ ở cơ sở để có đủ khả năng phát hiện, xử lý hiệu quả các vấn đề nảy sinh trên lĩnh vực, địa bàn phụ trách, nhất là tại những địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh. Đồng thời, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài; rà soát, kịp thời ngăn chặn, đưa ra khỏi đội ngũ những phần tử thoái hóa, biến chất; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số về âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt nhằm tuyên truyền, kích động, chia rẽ đồng bào Tây Nguyên với Đảng, chính quyền các cấp, giữa người Kinh với đồng bào các dân tộc nơi đây, v.v.

Trên cơ sở đó, đề cao tinh thần cảnh giác, không tin, không nghe, không làm theo sự xúi giục, kích động của kẻ xấu; phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng và của cả hệ thống chính trị trên địa bàn trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của đồng bào, góp phần củng cố lòng tin, xây dựng cơ sở chính trị, xã hội vững mạnh, tạo nền tảng vững chắc cho sự ổn định và phát triển Tây Nguyên.

Ba làxây dựng lực lượng vũ trang vùng Tây Nguyên vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tây Nguyên vốn là địa bàn phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định. Để không bị động, bất ngờ trước các tình huống, cần củng cố, kiện toàn tổ chức, biên chế các đơn vị lực lượng vũ trang theo hướng tinh, gọn, mạnh; tập trung nâng cao năng lực cho các đơn vị chuyên trách trong nghiên cứu, dự báo chiến lược ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ; chú trọng xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ, công an cơ sở, làm nòng cốt để chủ động ứng phó kịp thời mọi tình huống. Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; trong đó, chú trọng đẩy nhanh việc bố trí cán bộ công an chính quy về tất cả các xã trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên2.

Từ kinh nghiệm rút ra qua các cuộc bạo loạn xảy ra trên địa bàn năm 2001, 2004, các đơn vị Quân đội, Công an, Bộ đội Biên phòng cần thường xuyên sâu sát cơ sở, nắm chắc tình hình, tích cực huấn luyện, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu; xây dựng và luyện tập thuần thục các phương án chiến đấu bảo vệ địa bàn; tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Đặc biệt, nâng cao hiệu quả phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng trong nắm, dự báo, đánh giá đúng tình hình, trao đổi thông tin; thống nhất chủ trương, biện pháp, thực hiện phân cấp trách nhiệm trong tham mưu, chỉ đạo, điều hành, chủ trì xử lý các tình huống quốc phòng, an ninh. Đồng thời, tích cực phối hợp trong đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, xuyên tạc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; chủ động, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Cùng với đó, các địa phương cần tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và “thế trận lòng dân” vững chắc, tạo thế chủ động trong phòng thủ, bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền biên giới quốc gia; phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa âm mưu, thủ đoạn hoạt động phá hoại, làm vô hiệu hóa chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, nhất là hoạt động khủng bố, bạo loạn, lật đổ và hình thành các tổ chức chính trị đối lập trên địa bàn.

Tập trung đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh, đảm bảo đạt kết quả thực chất trong giải quyết các vấn đề biên giới, lãnh thổ quốc gia ở Tây Nguyên, góp phần bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, quyền chủ quyền và thống nhất của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

——————-

Chú thích:

1. Kế thừa kết quả nghiên cứu Đề tài “An ninh chính trị vùng Tây Nguyên trong bối cảnh quốc tế mới: Thực trạng và giải pháp”, mã số TN17/X03.
2. Bộ Công an đã chọn tỉnh Kon Tum là địa phương đầu tiên trên cả nước để thí điểm đưa công an chính quy về các xã. Đến nay, 100% xã của tỉnh Kon Tum đã bố trí cán bộ công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã và thành lập được 61/86 chi bộ công an xã.

Theo TẠP CHÍ QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN

Tags: , ,