Việt Nam cần một phong trào Bình dân học vụ mới

Kỳ tích của Bình dân học vụ 1945 là không chỉ xóa mù chữ diện rộng trong thời gian ngắn mà còn trang bị nội lực tri thức cho dân tộc để chuẩn bị vào cuộc chiến giành độc lập lâu dài. “Cuộc chiến” của 78 năm sau là sự cạnh tranh khốc liệt trên toàn cầu.

Việt Nam cần một phong trào Bình dân học vụ mới

Tác giả: Lang Minh, nghiên cứu viên.

Xuất phát từ TP HCM, đoàn chúng tôi cùng các nhà đầu tư Đông Nam Á đến Đồng Nai thăm một số gia đình học sinh đã tham gia khóa trực tuyến chương trình Khoa học máy tính (Computer Science) dành cho học sinh phổ thông trong suốt mùa dịch COVID-19.

Chuyến đi xuyên rừng, qua núi, đến một căn nhà nhỏ nằm giữa cánh đồng ở huyện Long Thành. Khi được hỏi, em học sinh 12 tuổi trả lời tự tin bằng tiếng Anh với nhà đầu tư giáo dục công nghệ người Singapore rằng: “Em muốn thành kỹ sư phần mềm, viết ra các sản phẩm công nghệ ứng dụng vào thực tế”.

Thay vì bó hẹp trong việc học các môn tổ hợp truyền thống, em đã thuyết phục được cha mẹ cho học thêm khóa này để sớm trải nghiệm ngành lập trình và có thể tạo ra các sản phẩm số ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Các nhà đầu tư thích thú. Trước chuyến đi, họ không tin Việt Nam thực sự có một thị trường giáo dục công nghệ sớm dành cho học sinh phổ thông nằm đâu đó ngoài những khu phố đông đúc và đắt đỏ nhất của Hà Nội và TP HCM.

Trên đường trở về, nhà đầu tư người Singaprore tâm sự rằng dù đã phân tích hàng tệp hồ sơ thị trường giáo dục về công nghệ ở Việt Nam nhưng chuyến đi mới thật sự làm anh “mở mắt” trước tiềm năng của đất nước này.

Còn điều khiến chúng tôi tự hào nhất là các nhà đầu tư ngoại quốc nhìn thấy Việt Nam đang dần có một thế hệ khát khao tạo mới các sản phẩm công nghệ thực tế, giúp thay đổi cuộc sống của chính mình và cộng đồng, chứ không đơn thuần thụ hưởng những gì sẵn có của thế giới.

Ngay cả nước Mỹ hùng mạnh về khoa học công nghệ cũng từng có cảm giác tụt hậu đến mức Tổng thống Obama trong Thông điệp Liên bang 2010 đã phải cảnh báo: vị trí hạng hai trong cuộc chạy đua công nghệ đồng nghĩa với sự thất bại về tinh thần đổi mới, khám phá ở tầm quốc gia: “Trung Quốc không chờ đợi để củng cố nền kinh tế. Đức cũng không chờ đợi. Ấn Độ cũng không chờ đợi. Những quốc gia này quyết không làm tay chơi hạng hai. Họ chú trọng hơn nữa vào toán học và khoa học… Tôi không chấp nhận vị trí thứ nhì cho nước Mỹ”.

Để đảm bảo vị trí hạng nhất tuyệt đối, bằng các nền tảng giáo dục, năm 2014, ông khởi động chiến dịch quốc gia “Khoa học máy tính cho mọi học sinh” cùng lời kêu gọi “đừng chỉ chơi game trên điện thoại, hãy lập trình ra chúng”. Ông đã ngồi cùng các học sinh trung học và tự gõ dòng lệnh đầu tiên trong đời mình, trước sự chứng kiến của toàn thể nước Mỹ trên sóng truyền hình.

Chương trình này dần phát triển thành sự kiện “Giờ lập trình”. Các chính trị gia, người của công chúng (ca sĩ Taylor Swift, cầu thủ Neymar…) cùng hàng triệu học sinh trực tiếp lập trình các dòng lệnh trong một giờ, để khơi gợi đam mê cho các em trong ngành công nghiệp số – chìa khóa của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Những hành động mang tính biểu tượng này đã góp phần phát động một tinh thần quốc gia học tập cho nước Mỹ, hướng về việc cập nhật tri thức và thành tựu của khoa học công nghệ.

Việt Nam cũng từng dấy lên tinh thần quốc gia học tập bằng phong trào Bình dân học vụ năm 1945. Ngày 8/9 năm đó, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh 19 và 20 ngay sau khi cả nước vừa giành được độc lập để khởi động phong trào. Kỳ tích của Bình dân học vụ là không chỉ xóa mù chữ diện rộng trong thời gian ngắn mà còn trang bị nội lực tri thức cho dân tộc để chuẩn bị vào cuộc chiến giành độc lập lâu dài nhiều năm sau đó.

“Cuộc chiến” của 78 năm sau là sự cạnh tranh khốc liệt trên toàn cầu. Bối cảnh hiện tại đòi hỏi một “phong trào xóa mù” khác – xóa mù công nghệ (digital literacy) – cũng bức thiết không kém, để đối phó với các thách thức không chỉ về chủ quyền địa lý của đất nước, mà còn chủ quyền không gian mạng, chủ quyền dữ liệu quốc gia, chủ quyền kinh tế số… Dù có nhiều thành tích, bức tranh tổng quan về tri thức công nghệ của người trẻ Việt Nam vẫn còn nhiều mảng cần nổi bật hơn.

Trong khi lập trình viên Việt Nam liên tục thăng hạng trong các bảng xếp hạng quốc tế và được đánh giá cao bởi các tập đoàn toàn cầu, nhìn ở phổ rộng hơn, học tập quốc gia, Báo cáo chỉ số cạnh tranh toàn cầu 2019 cho thấy Việt Nam xếp ở vị trí 93/141 quốc gia về kỹ năng số của người lao động. Trong 10 quốc gia ASEAN, Việt Nam xếp thứ bảy.

Rõ ràng đang tồn tại khoảng cách giáo dục lớn giữa các nhóm được học tập, tiếp xúc với công nghệ và phần đông còn lại. Thực trạng này cho thấy rõ sự cần thiết của một Bình dân học vụ 4.0: hướng tới một quốc gia lập trình, nơi học sinh nào cũng được hoàn thiện năng lực số trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ toàn cầu 4.0 (và có lẽ là 5.0, 6.0 trong thời rất ngắn sắp tới).

Dù chương trình Tin học phổ thông đã có nhiều cải tiến (cập nhật các ngôn ngữ lập trình mới), các chính sách và chế tài cho đổi mới sáng tạo công nghệ được thúc đẩy, tôi nghĩ thành tích của Bình dân học vụ vẫn là một giá trị cần tham khảo trong thời đại này, nhằm khích lệ niềm hứng khởi sáng tạo trong mỗi người dân với tầm nhìn về một quốc gia học tập để tự lực tự cường.

———————

* Dữ liệu trong bài được trích từ cuốn “Ước vọng về quốc gia lập trình”, tác giả Nguyễn Thanh Tùng, NXB Trẻ 2023.

Theo VNEXPRESS

Tags: , ,