Viễn cảnh biến động địa chính trị thế giới thời gian tới

Xung đột lớn sẽ diễn ra trên 3 đấu trường lớn: Châu Âu, Đông Nam Á và Trung Đông. Những dự đoán này có vẻ cực đoan, thậm chí là kỳ cục đối với những bạn đọc từ hàng thập kỷ nay quen với sự ổn định tương đối của thế giới. Tuy nhiên, cần phải nhớ nhiều điểm cốt yếu đã diễn ra trong lịch sử.

Sau hàng thập kỷ hòa bình, một cuộc chiến tranh quy mô lớn dường như ngày càng khó xảy ra. Tuy nhiên, lịch sử là một chuỗi nối tiếp những đảo lộn địa chính trị, xen kẽ bởi những giai đoạn lắng dịu. Một hiện tượng như sự tan rã, trong giai đoạn hòa bình, của Liên Xô, theo một cách thức tương tự với sự sụp đổ của nước Đức năm 1918 vào cuối Chiến tranh thế giới thứ nhất, cho thấy mọi điều vẫn có thể xảy ra. Sự lên ngôi của kỷ nguyên hạt nhân không ngăn cản được những đảo lộn địa chính trị như vậy; và cùng lắm cũng chỉ làm thay đổi các điều kiện hình thành những đảo lộn này.

Chính xác là chúng ta đang trong buổi đầu của những biến động lớn trong trật tự địa chính trị quốc tế, mà chúng sẽ là kết quả của những tiến hóa chậm. Khẳng định có thể báo trước tương lai của các cuộc xung đột, những mưu đồ chủ yếu và kết cục của các cuộc đối đầu, dường như là điều cực kỳ huênh hoang. Mặc dù vậy, việc phân tích những quỹ đạo lịch sử lâu dài cho phép nhận ra thế giới theo một cách khác và dự đoán không chỉ những tiến hóa không ngừng mà cả những đổ vỡ. Xung đột lớn sẽ diễn ra trên 3 đấu trường lớn: Châu Âu, Đông Nam Á và Trung Đông.

Những dự đoán này có vẻ cực đoan, thậm chí là kỳ cục đối với những bạn đọc từ hàng thập kỷ nay quen với sự ổn định tương đối của thế giới. Chính vì vậy, cần phải nhớ nhiều điểm cốt yếu.

Trước tiên, cần nhớ rằng không bao giờ các cuộc chiến tranh có quy mô rất lớn bắt đầu như thể chúng đã là như vậy. Lúc đầu, những nước phát động chiến tranh đánh cược vào cuộc xung đột ngắn và hạn chế, có khả năng nhanh chóng mang lại cho họ những thắng lợi. Vì vậy, chiến tranh không còn là điều không thể khi mà các siêu cường bắt đầu xem xét nghiêm túc khả năng thay đổi trật tự hiện có bằng một cuộc can thiệp quân sự, dù nhỏ bé.

Tiếp đó, không được quên rằng tất cả các nhà lãnh đạo không lập luận theo cùng một cách. Sự lưu ý này dường như là tầm thường, tuy nhiên, nó thể hiện một thực tế sâu sắc và mang nhiều hệ lụy khi người ta tham gia vào một bước đi sau này: tất cả các dân tộc không có cùng một bước đi và không có cùng suy nghĩ, theo cách của phương Tây và sau năm 1945, về lợi ích quốc gia và những quan hệ quốc tế. Do vậy, không nên loại bỏ một số giả thuyết với lý do rằng chúng dường như phi lý khi xét về lợi ích kinh tế trước mắt, như thường xảy ra: hãy nghĩ tới lời bình luận mà chúng ta đã nghe tới nghìn lần rằng một cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc và Mỹ có lẽ là điều không thể do họ phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế. Lập luận có thể có lý đối với một người châu Âu vào đầu thế kỷ XXI, tuy nhiên, nó đã không được chấp nhận đối với những người châu Âu của năm 1914 khi mà sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế không hề kém hơn, cũng như đối với nhiều cường quốc mới nổi hiện nay, đặc biệt là tại châu Á.

Sau cùng, cần phải gạt bỏ ảo tưởng theo đó chiến tranh ít khả năng xảy ra một khi hòa bình tồn tại đã từ lâu. Lịch sử có chung điểm này với những sự dịch chuyển của những mảng kiến tạo đó là những chuyển động lớn không thường xảy ra và cách quãng bởi những thời kỳ thai nghén dài: những căng thẳng tích tụ, những ràng buộc làm chao đảo những nền móng của trật tự thế giới, và sự lỏng lẻo của chúng gây ra một cơn địa chấn làm biến đổi bối cảnh thế giới.

Nhiều năm hòa bình liên tiếp kể từ năm 1991, không chỉ không có xung đột vũ trang mà còn không có nguy cơ xung đột vũ trang giữa các siêu cường, tuy nhiên, đã chứng kiến tương quan sức mạnh thay đổi sâu sắc. Lên nắm quyền từ 2 thập kỷ nay, Vladimir Putin đã xây dựng trên đống đổ nát của đế chế Xôviết, quyền lực cá nhân có sức ảnh hưởng lớn nhất mà nước này biết tới kể từ khi Stalin qua đời. Đồng thời, ông đã vực dậy sức mạnh quân sự của Nga để trở lại là lực lượng quân sự hàng đầu của châu Âu. Còn Trung Quốc, từ chỗ với GDP trong năm 1991 chỉ bằng 7% GDP của Mỹ, giờ đây chiếm gần 65%, và ngân sách quân sự của nước này đã tăng gấp mười lần: Bắc Kinh đã vươn lên đứng đầu một châu Á đang phát triển mạnh mẽ, nhờ dân số đông, vượt xa “4 con rồng” mà thế giới vẫn còn ngưỡng mộ về sự cất cánh của họ trong những năm 1990. Trong khi đó, Mỹ đã làm hao mòn uy tín chính trị và quân sự cũng như tài chính của họ trong những cuộc chiến tranh vô vọng và phi nghĩa tại Trung Đông, còn lực lượng Hồi giáo chính trị cực đoan – và những chân rết khủng bố của nó – đã bắt đầu một sự phát triển không thể ngăn cản được. Mỹ cũng đã đánh mất một phần lớn ưu thế về công nghệ của mình so với người Trung Quốc và Nga. Trên quy mô toàn cầu, sự chuyển đổi kỹ thuật số của thế giới đã cho ra đời những vũ khí mới và tạo nên những mối đe dọa mới mà người ta vẫn chưa lường được tầm ảnh hưởng của nó.

Vì vậy, thật vô lý khi tin rằng siêu cấu trúc của trật tự quốc tế có thể vẫn ổn định khi những tương quan quyền lực đã có sự biến đổi như vậy. Hiện nay, những đối thủ của Mỹ, mới nổi hoặc tái khôi phục ảnh hưởng trên thế giới, tự cho phép mình đòi hỏi – với ngôn từ được làm dịu đi là “đa cực” – quyền phô trương sự bá quyền của mình trên những không gian rộng lớn và dùng bạo lực dẫn đến một sự sửa đổi mô hình thế giới theo hướng có lợi cho họ.

Tại châu Âu, cánh tay sắt giữa NATO và Nga

Cuộc xung đột Gruzia năm 2008, việc sáp nhập Crimea năm 2014 và sự ủng hộ của Moskva dành cho lực lượng ly khai Donbass, từ nhiều năm nay chứng thực cho chủ trương yêu sách lãnh thổ của Nga trong không gian đế quốc trước đây của họ. Những dấu hiệu khác khiến ta tin rằng Moskva không loại trừ việc tiến hành các hoạt động quân sự chống lại NATO nhằm làm suy yếu liên minh này và tăng thêm khả năng ảnh hưởng của Nga tại châu Âu.

Do đó, năm 2015, Vladimir Putin đã tái lập binh chủng thiết giáp yểm hộ đầu tiên, lực lượng có thiên hướng tấn công bị giải tán vào năm 1998, mà phiên bản mới phải có từ 500 tới 600 chiến xa, 600 tới 800 thiết vận xa, 300 tới 400 đại pháo và 35.000 tới 50.000 quân. Tháng 11/2016, người ta đã biết rằng Nga đã quyết định hiện đại hóa các xe tăng T-80 gồm khoảng 3.000 chiếc. Tự trấn an mình, các chuyên gia quân sự phương Tây đã giải thích rằng quyết định này có lẽ là dấu hiệu cho thấy những khó khăn của Kremlin buộc phải sử dụng lại các xe thiết giáp cũ hơn là đặt cược vào các Armata đắt đỏ, loại xe tăng mới thuộc thế hệ thứ 3 mà cơ quan tuyên truyền Nga luôn tán tụng và việc sản xuất hàng loạt đã khởi động vào năm nay. Tuy nhiên, cần phải biết rằng với việc tái sử dụng này, Nga sẽ sở hữu một lực lượng thiết giáp tác chiến lớn hùng mạnh hơn so với lực lượng của toàn bộ các nước NATO tại châu Âu, và cần nhớ rằng chiến xa là một loại vũ khí tấn công chủ yếu.

Cũng trong tháng 11/2016, Nga đã di chuyển các bệ phóng tên lửa Iskander (có khả năng hạt nhân nhưng cũng rất hiệu quả xét về mặt vũ khí thông thường) tới Kaliningrad (vùng đất thuộc Nga nhưng nằm giữa Ba Lan và Litva), dưới vỏ bọc của các cuộc tập trận. Từ nay, Nga có thể với tới Đông Bắc Ba Lan và hành lang Suwalki, dải dất nằm giữa Belarus và Kaliningrad, đường giao thông trên bộ duy nhất giữa các nước Baltic và phần còn lại của NATO.

Những ngờ vực lớn nhất nhằm vào cuộc tập trận Zapad 2017 (Hướng Tây 2017), phiên bản mới nhất của một loại hình tập trận đã tồn tại từ thời Liên Xô và được Vladimir Putin áp dụng lại vào những năm 2000. Các hoạt động tác chiến đã diễn ra từ ngày 14-20/9/2017 tại Belarus, Kaliningrad và trên lãnh thổ Nga giáp ranh với các nước Baltic. Moskva đã khẳng định cuộc tập trận này huy động chưa đến 5.500 lính Nga và tổng cộng 12.700 người – theo một số nguồn tin, những con số này không trung thực nhằm tránh nghĩa vụ phải đón tiếp các quan sát viên quốc tế.

Những thống kê chính thức cho năm 2017 do Bộ quốc phòng Nga công bố vào cuối năm 2016, đã thông báo việc đưa tới Belarus 4.162 toa hàng quân sự, lớn hơn 80 lần so với số lượng năm 2016 (50), và lần lượt hơn 30 lần (125) và hơn 20 lần (200) so với 2 cuộc tập trận Zapad trước đó vào năm 2015 và 2013. Vào năm 2013, khoảng 12.000 binh sĩ đã tham gia cuộc tập trận. Người ta không hiểu tại sao năm 2017, Nga phải vận chuyển qua đường sắt lượng hàng hóa lớn hơn 20 lần để đảm bảo cho quân số chỉ bằng một nửa của năm 2013. Dù rằng, nếu người ta ghi nhận những lời giải thích khó chấp nhận của Bộ quốc phòng, theo đó 4.000 toa hàng là “khứ hồi” chăng nữa, thì khối hàng hóa đó cũng gấp 10 lần so với năm 2013! Phần lớn các nhà phân tích cho rằng trên thực tế cuộc tập trận đã có sự tham gia của hơn 5.500 lính Nga (chắc chắn là 100.000 lính) và rằng nó có khả năng cho phép che giấu việc di chuyển số lượng lớn các khí cụ tới lãnh thổ Belarus. Những khí cụ này được để lại thực địa, để sử dụng sau này đi từ chỗ đe dọa điều quân sẵn sàng chiến đấu đến biên giới NATO-Belarus. Tướng Czech Petr Pavel, Chủ tịch Ủy ban quân sự NATO, đã nói thẳng với hãng thông tấn AP vào ngày 16/9/2017: “Những gì mà chúng ta chứng kiến là một sự chuẩn bị thực sự cho một cuộc chiến tranh lớn”. Nhờ sự triển khai này, Kremlin tăng cường sự kiểm soát của mình tại Belarus, khi mà tổng thống nước này mới đây đã hé lộ ý định đòi quyền tự chủ.

Ngày 20/9/2017, trong thời gian diễn ra cuộc tập trận Zapad, tờ Pravda (Nga) đã thông báo rằng Bộ quốc phòng đang chuẩn bị một dự luật nhằm tạo thuận lợi cho việc tổng động viên trong thời chiến. Việc xung đột với các nước Baltic, thành viên của NATO có thể gây ra một cuộc chiến tranh công khai giữa Nga và toàn bộ các nước thành viên của liên minh, chiểu theo điều 5 của Hiệp ước Washington, với nguy cơ chứng kiến nổ ra một cuộc xung đột hạt nhân – đó là lý do khiến hầu hết các nhà bình luận cho rằng một sự can thiệp như vậy rất khó xảy ra. Họ đã quên đi cả sự tiến triển của học thuyết sử dụng vũ khí hạt nhân dưới triều đại Vladimir Putin lẫn lịch sử tư duy chiến lược Nga từ những năm 1970. Sự mập mờ được duy trì một cách khôn ngoan về những ý đồ của Nga, đã khiến cho một số nhà phân tích nói đến “sự hăm dọa hạt nhân”. Đặc biệt là trường hợp sáp nhập Crimea, ngay sau đó, Putin đã giải thích trong một phóng sự tuyên truyền, là sẵn sàng đặt lực lượng hạt nhân trong tình trạng báo động. Như vậy, Nga dường như đang sử dụng răn đe hạt nhân theo một cách mới, không phải để ngăn đối phương tấn công mà là để bảo trợ các cuộc tấn công với tính toán rằng đối thủ sẽ phải lùi bước.

Trong những năm 1970, tư duy chiến lược đã vấp phải một bức tường: chiến tranh hạt nhân là sự đảm bảo hủy diệt lẫn nhau. Các nhà tư tưởng quân sự Xôviết đã tìm cách vòng tránh trở ngại và đi tới kết luận rằng có thể tiến hành thắng lợi một cuộc chiến mà không sử dụng vũ khí hạt nhân, với điều kiện chỉ nhằm vào các mục tiêu chiến lược có giới hạn, với các lực lượng theo quy ước, sao cho đối phương muốn chấp nhận một thất bại kéo theo những nhượng bộ chiến lược phải chăng hơn là theo đuổi chiến tranh và leo thang nguyên tử. Ở thời kỳ đó, vấn đề là chỉ cần một cuộc xâm lược thông thường nhằm vào một mình Tây Đức cũng có thể gây ra sự sụp đổ của NATO.

Hiện nay, cũng kịch bản này đang được nghiên cứu tại Kremlin và Tây Đức được thay thế bằng Estonia, Latvia, Litva: người Nga biết rằng họ có thể chinh phục nhanh chóng các nước Baltic trước khi NATO có thể phản ứng. Cuộc chinh phục này không kéo theo việc sử dụng bất kỳ vũ khí hạt nhân nào. Mặt khác, trái với tình hình tại Tây Đức trong những năm 1970 và 1980, tương quan lực lượng khu vực rõ ràng có lợi đối với người Nga: các chuyên gia phương Tây cho rằng họ chỉ cần từ 3 tới 5 ngày để kiểm soát 3 quốc gia này. Như vậy, sự thành công của hành động đầu tiên là chắc chắn, so với cách đây 40 năm, điều này hơi bấp bênh. Khả năng đáp trả duy nhất sẽ là đặt lực lượng Mỹ trong tình trạng báo động và một sự đe dọa tấn công hạt nhân vào Nga. Tuy nhiên, về mặt chính trị quyết định đó thật khó khăn, nhất là vì lãnh thổ Mỹ không bị đe dọa, còn Nga thì muốn được khoan dung với lý do là những tham vọng của họ – có thể được “biện minh” trước bằng một chiến dịch tung tin giả – chỉ liên quan tới các nước Baltic, và các nước thành viên châu Âu của NATO do dự không biết cần ứng xử như thế nào. Tóm lại, vấn đề là cần biết liệu trong mắt châu Âu và Mỹ, các nước Baltic có đáng để họ mạo hiểm với một cuộc chiến tranh hạt nhân – Vladimir Putin có thể nghĩ một cách chính đáng rằng câu trả lời sẽ là “không”, hoặc ít ra thái độ do dự của các nước đồng minh sẽ cho phép Nga đặt họ trước sự đã rồi. Sau vài ngày, sẽ không còn là chuyện bảo vệ các nước Baltic nữa mà là việc cần giành lại những nước này và khi đó, họ thích tìm kiếm một sự dàn xếp hơn. Vì họ biết rằng chỉ cần một cuộc tấn công theo quy ước vào lãnh thổ Liên bang Nga mà các nước Baltic sẽ thuộc về sau khi bị sáp nhập, học thuyết của Nga không loại trừ bất cứ một sự đáp trả nào, kể cả bằng vũ khí hạt nhân.

Nga có thể sẽ phải chịu những biện pháp trừng phạt nặng nề về kinh tế, tuy nhiên, sau 3 năm sáp nhập Crimea, Putin tin tưởng vào sự chống chọi bền bỉ của đất nước mình trước hình thức trừng phạt này và chắc chắn rằng đó là một cái giá hợp lý phải trả so với mối lợi chiến lược thu được. Thực vậy, bằng cách bộc lộ sự bất lực của NATO trong việc đối phó với điều mà vì thế nó tồn tại, việc chiếm giữ các nước Baltic, sẽ làm mất hoàn toàn uy tín của tổ chức này và là một đòn trời giáng đối với Liên minh châu Âu (EU). Nước Nga đã luôn mơ ước được chứng kiến các cấu trúc quốc tế này tan rã để có thể thống trị châu Âu thông qua các cuộc đàm phán song phương, nhà nước với nhà nước: những lời đe dọa quân sự, như đã từng được lan truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng chính thức của Nga năm 2014, về triển vọng các xe tăng của Nga một lần nữa tiến vào Berlin, tất nhiên sẽ có sức nặng hơn và đáng tin hơn trước một NATO suy yếu và một EU tủi nhục.

Điều đó có lẽ là tính toán chiến lược của Tổng thống Nga, vốn rất muốn làm đảo lộn tương quan lực lượng và trật tự chính trị tại Lục địa già – một toan tính lôgích, khả thi và không có gì là phi lý, khi nó loại bỏ nguy cơ chiến tranh hạt nhân, cụ thể là điều đã răn đe mọi cuộc chiến tranh tại châu Âu từ năm 1945. Tuy nhiên, tính toàn này dựa trên một giả thuyết may rủi: tin chắc rằng các nước phương Tây sẽ chấp nhận để mất các nước Baltic hơn là mạo hiểm trong một cuộc chiến tranh hạt nhân để tìm cách giành lại những nước này. Chắc chắn điều này đúng với các nước châu Âu, tuy nhiên ít khả năng Mỹ sẽ chấp nhận một đòn trí mạng đánh vào quyền lãnh đạo thế giới của họ thông qua sự suy yếu của NATO. Hẳn là Donald Trump và một số nhân vật trong Đảng Cộng hòa đã có những phát ngôn mơ hồ về các nước Baltic, nói bóng gió rằng trong trường hợp xảy ra chiến tranh, không nhất thiết có sự ủng của Mỹ. Mặc dù vậy, chuyến thăm của Mike Pence tại Tallinn tháng 7/2017, có ý đồ trấn an những đồng minh của Mỹ ở sát Nga. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ đã quyết định rằng việc đảm bảo an ninh của họ hàm ý rằng họ trở thành “quốc gia lãnh đạo”. Từ bỏ cương vị này, đối với họ, sẽ là quay trở lại với vị thế phụ thuộc vào một trật tự thế giới mà họ sẽ không thể tự mình quyết định – một viễn cảnh không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, Vladimir Putin cũng giống như các lãnh đạo Trung Quốc, đang trong một một lôgic hoàn toàn khác. Ông ta tin vào trò chơi quyền lực, vào tương quan sức mạnh và vào sự thỏa hiệp biến hóa dựa trên những cơ sở này.

Vì vậy, nhận thức của Putin về thế giới sẽ thúc đẩy ông đặt cược vào một sự tháo lui của NATO – điều mà Washington không thể chấp nhận. Hệ quả sẽ là một cuộc đối đầu, có thể dài lâu giữa Mỹ và Nga trên đất châu Âu. Sự hiện diện quân sự của Mỹ sẽ được tăng cường, đặc biệt là tại Ba Lan, và các cuộc xung đột sẽ gia tăng, chẳng hạn theo hình thức một cuộc chiến tranh mạng toàn diện. Trừ phi Mỹ cuối cùng không quyết định đáp trả sự đe dọa hạt nhân của Nga bằng cách điều chỉnh học thuyết quân sự của họ và không tiến hành một cuộc tái chiếm theo quy ước các nước Baltic, vì nguy cơ chiến tranh nguyên tử mà một cuộc phiêu lưu như vậy có thể đưa tới.

Xét về cán cân dân số và kinh tế của Mỹ, của Nga và mạng lưới đồng minh, rõ ràng chiến thắng sẽ thuộc về Mỹ và thua thiệt sẽ thuộc về Nga. Xung đột sẽ dẫn tới một sự sụp đổ của chế độ Vladimir Putin và sau cùng là một sự chia cắt lãnh thổ của Nga. Sự chia cắt này chắc chắn sẽ có lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ, bởi vì một nước Nga bị thu nhỏ lại về tổng thể phần lãnh thổ châu Âu của mình, sẽ giải phóng vĩnh viễn các nước cộng hòa Xôviết cũ sử dụng tiếng Thổ – Kazakhstan, Turkmenistan, Kyrgyzstan, Uzbekistan – khỏi ảnh hưởng của Nga, điều này sẽ đánh thức xu hướng tập hợp của người Thổ. Như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành một trong những siêu cường sau chiến tranh, như nước Phổ đã hưởng lợi từ sự suy yếu của Pháp khi Napoleon thất thế và Nga sau sự sụp đổ của Đức năm 1945.

Những tham vọng của Trung Quốc

Mặc dù sự chú ý của quốc tế và truyền thông hiện nay chủ yếu hướng vào Triều Tiên, nhưng Bình Nhưỡng dường như không phải là trọng tâm của các cuộc xung đột trong tương lai ở châu Á.

Vào mùa Hè 2017, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã chạm chán trong suốt 2 tháng trên cao nguyên Doklam, gần ngã ba biên giới giữa Ấn Độ, Trung Quốc và quốc gia nhỏ bé Bhutan. Yếu tố châm ngòi cho cuộc đụng độ này là việc Trung Quốc cải tạo một con đường, ảnh hưởng lớn đến Ấn Độ. Một con đường có những đặc điểm khiến người ta nghĩ rằng nó cho phép những xe tăng hạng nhẹ hiện đại nhất của quân đội Trung Quốc đi qua, điều này hiển nhiên làm thay đổi thế cân bằng chiến lược trong một khu vực mấu chốt: cao nguyên Doklam là nơi duy nhất trên biên giới Ấn-Trung mà Ấn Độ có lợi thế về thực địa trong trường hợp xảy ra xung đột. Nó chỉ cách vài chục km là tới khu vực “cổ gà” – hành lang Siliguri, dải đất hẹp chia tách phần đất lớn nhất của Ấn Độ với các tỉnh phía Đông Bắc của nước này, nằm kẹt giữa Trung Quốc và Bangladesh. Vì vậy, con đường này có thể đảo ngược cơ bản tương quan sức mạnh, biến điểm mạnh duy nhất của Ấn Độ thành một điểm yếu nguy hiểm.

Người Ấn Độ đã điều động quân đến ngăn cản quân Trung Quốc tiếp tục thi công, đồng thời giải thích rằng khu vực liên quan thuộc về Bhutan chứ không phải Trung Quốc. Hai “gã khổng lồ” đã tập hợp hàng ngàn quân ở hai bên biên giới. Các phương tiện thông tin đại chúng của hai nước đã nói đến chiến tranh cho tới khi Trung Quốc và Ấn Độ quyết định xuống thang.

Tuy nhiên, sự xuống thang này không có nghĩa là Ấn Độ và Trung Quốc từ nay ở trong mối quan hệ hoà dịu, láng giềng tốt. Trái lại, cuộc xung đột này diễn ra trong một bối cảnh từng bước gia tăng những căng thẳng giữa hai nước: New Delhi không còn giấu giếm sự phẫn nộ của mình trước các cuộc thâm nhập liên tiếp của Trung Quốc, trong vòng 10 năm, đã lấy đi của họ 2.000 km2 lãnh thổ tại Himalaya và từ chối tham gia dự án “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc – con đường tơ lụa mới đi qua Pakistan và tỉnh Kashmir đang có tranh chấp.

Tuy nhiên, còn những lý do sâu xa hơn buộc Ấn Độ và Trung Quốc phải ở thế đối đầu. Vào lúc trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc phát triển một quân đội và một lực lượng hải quân hiệu quả (người ta ước tính rằng sự ngang bằng với Mỹ về lực lượng hải quân sẽ đạt được vào năm 2020), cho phép Bắc Kinh trở lại vị thế lịch sử của họ là cường quốc số một ở châu Á, và mở rộng sự kiểm soát của họ từ Đông Thái Bình Dương tới các bờ biển châu Phi. Ở đây xuất hiện sau lưng Trung Quốc một đối thủ đe dọa truất ngôi họ trong tất các lĩnh vực: lần đầu tiên trong lịch sử cận đại, tăng trưởng của Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc trong năm 2017. Về dân số, Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc vào năm 2022 – theo một số ước tính, có lẽ điều này đã xảy ra từ vài tháng nay. Một sự minh hoạ biết nói: Foxconn, doanh nghiệp Đài Loan tượng trưng cho sự cất cánh của Trung Quốc, đã bắt đầu đầu tư vào Ấn Độ, nơi có mức lương thấp hơn. Trong khoảng 20 năm tới, mọi chỉ số khiến ta nghĩ rằng Ấn Độ sẽ bắt kịp Trung Quốc và sẽ ngang bằng với Bắc Kinh về kinh tế, đồng thời về mặt dân số sẽ hơn hẳn nước này tới hàng trăm triệu người.

Đó chính là mối lo của các nhà lãnh đạo Bắc Kinh. Họ nhận thấy rằng cơ hội để thiết lập bền vững một sự bá quyền của Trung Quốc, vốn được xem là một điều tất yếu của an ninh quốc gia, đang bị thu hẹp lại và rằng thời gian đang chống lại họ. Tại Trung Quốc, độ tuổi từ 15 đến 24 có khoảng 190 triệu người, trong đó, có 100 triệu nam giới và chỉ có 90 triệu nữ giới, tỷ lệ cũng tương tự đối với độ tuổi 25-34 tuổi. Suy cho cùng, sự mất cân bằng này sẽ ảnh hưởng mạnh tới tỷ lệ sinh đẻ và dẫn tới một sự gia tăng già hoá về dân số. Tuy nhiên, hiện nay, điều đó có nghĩa là trên thực tế, Trung Quốc có thể hy sinh 20 triệu người trẻ mà không dẫn tới hậu quả về dân số về dài hạn.

Giới tinh hoa Trung Quốc có thể lựa chọn lợi dụng thời cơ hiếm hoi và sử dụng nguồn nhân lực mà họ có được này để, thông qua một cuộc xung đột hoặc một loạt các cuộc xung đột mà họ hy vọng chắc chắn là ngắn ngủi và hạn chế, giành được một ưu thế đủ giúp họ chống đỡ được sự gia tăng sức mạnh của Ấn Độ. Chẳng hạn, họ có thể chia cắt lãnh thổ của Ấn Độ tại hành lang Siliguri và biến các tỉnh Đông Bắc nước này thành nhà nước độc lập có một chính phủ hợp ý Trung Quốc, hoặc đẩy lùi biên giới Ấn-Trung về chân núi Himalaya, như vậy, biến dãy núi này thành một bức trường thành khổng lồ phía Nam, hay tăng cường các vị trí của họ trên Ấn Độ Dương để tạo nên “chuỗi ngọc trai” nổi tiếng.

Tuy nhiên, chúng ta hãy nhớ một điều, các cuộc chiến tranh ban đầu được dự kiến là diễn ra trong thời gian ngắn thường hay có xu hướng bị sa lầy, đặc biệt khi do các nước lớn và rất đông dân phát động: vào đầu thế kỷ XX, đế quốc Nhật Bản có vị thế như Bắc Kinh ngày nay, đã mắc đúng sai lầm này khi chống lại Trung Quốc khi đó. Và người Mỹ cũng theo cách mà họ đã ủng hộ Trung Quốc lúc đó, giờ đây chắc hẳn sẽ hậu thuẫn cho Ấn Độ; vả lại vào cuối năm 2017, hai nước đã xích lại gần nhau một cách ly kỳ. Một cuộc chiến tranh Ấn-Trung ở quy mô lớn, sẽ mang lại cho Mỹ cơ hội làm tiêu hao sức mạnh quân sự của cường quốc Trung Quốc mới, bằng việc cung cấp trang bị vũ khí cho Ấn Độ. Tuy nhiên, sự ủng hộ của Mỹ sẽ không đi xa hơn, vì một mặt, không có liên minh quân sự giữa New Dehli và Washington, và mặt khác, họ không muốn Ấn Độ trở nên quá mạnh.

Ngược lại, trục bành trướng thứ 2 của Trung Quốc tại Biển Đông và tại Thái Bình Dương, sẽ động chạm nhiều hơn tới các lợi ích và những đồng minh của Mỹ, và sẽ buộc nước này phải can thiệp trực tiếp. Vào đầu thế kỷ XXI này, Bắc Kinh gặp phải những thách thức tương tự của Nhật Bản vào năm 1940, đặc biệt là sự cần thiết phải xua đuổi những người phương Tây khỏi quốc gia lân cận họ để thực hiện quyền bá chủ không chia sẻ của mình.

Tuy nhiên, nếu như các lãnh đạo Trung Quốc có thể có cảm tưởng rằng, trước Ấn Độ, thời gian đang chống lại họ, thì trước Mỹ điều đó lại hoàn toàn khác. Do đó, ít khả năng Trung Quốc tìm cách đối đầu trực tiếp với Mỹ, trừ phi có một cơ hội đột nhiên xuất hiện, cho phép họ hy vọng có được những kết quả rất quan trọng, trước một phản ứng hạn chế, thậm chí là không có của Mỹ. Đó cụ thể là trường hợp Mỹ bận rộn tại châu Âu do một cuộc xâm lược của Nga chống các nước Baltic, nhất là nếu các cuộc đối đầu đầu tiên xoay chuyển theo hướng bất lợi cho Mỹ và tạm thời đặt Mỹ vào một tình thế khó xử. Hãy nghĩ đến một tình huống tương tự trước đây đã thúc đẩy Nhật Bản tấn công Anh-Mỹ tại Thái Bình Dương: Những thất bại của Anh tại châu Âu trước nước Đức của Hitler khiến người ta nghĩ rằng các thuộc địa của Anh ở Đông Nam Á đã trở thành những miếng mồi ngon, với điều kiện quân Mỹ có thể giúp đỡ Anh, bị tê liệt. Điều này giải thích cho cuộc tấn công Trân Châu Cảng và cuộc xâm lược của Nhật Bản ở quy mô lớn vào các quần đảo châu Á. Cả ở đây, một cuộc chiến dài và khủng khiếp đã được phát động với hy vọng của nước xâm lược là thu được những thắng lợi nhanh chóng và giữ được thành quả đó bằng cách đạt được một lợi thế. Cả ở đây nữa, kế hoạch thất bại do Mỹ quyết định theo đuổi chiến tranh tới chiến thắng hoàn toàn.

Những điều diễn ra có lẽ không khác mấy đối với Trung Quốc: lợi dụng sự cam kết của Mỹ tại châu Âu, Bắc Kinh tìm cách biến Biển Đông, vốn là đối tượng của các cuộc tranh chấp chủ quyền từ nhiều năm nay, thành biển nội địa của họ. Bắc Kinh sẽ xâm chiếm (hoặc thử xâm chiếm) các vị trí bàn đạp tại Philippines, Việt Nam và Malaysia, đặc biệt, tìm cách giành lại Đài Loan. Để thực hiện điều này, họ đã tăng trọng tải các tàu quân sự, các phương tiện thuỷ lục phối hợp – đặc biệt, phát triển xe tăng lội nước tấn công nhanh nhất thế giới – cũng như những năng lực về hàng hải-hàng không – với việc đang đóng tàu sân bay thứ hai và quân sự hóa nhiều đảo. Vì Mỹ không để mặc cho Trung Quốc hành động, chiến sự có lẽ sẽ mở rộng tới Nhật Bản và Hàn Quốc, những căn cứ của Mỹ bên cạnh Trung Quốc.

Xung đột có thể kéo dài nhiều năm. Mỹ phải chia lực lượng quân sự của mình trên hai mặt trận, tuy nhiên, họ có được liên minh sức mạnh đáng kể, trong khi đó, Trung Quốc có thể bị sa lầy tại Ấn Độ. Kết cục sẽ là, cũng giống như Nga, một sự chia cắt lãnh thổ, tiếp đó chắc chắn dẫn tới việc người Hán co lại trên một nửa đất nước, còn Tây Tạng và Tân Cương sẽ trở nên độc lập; vùng Tân Cương, nơi cư trú của người Duy Ngô Nhĩ nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, có thể sáp nhập với khu vực ảnh hưởng của cộng đồng Thổ Nhĩ Kỳ, vốn được giải phóng do sự sụp đổ của Nga.

Những rối loạn của Trung Đông

Trung Đông khác với hai chiến trường trên vì đã bị khủng hoảng sẵn: Năm 2011, các Phong trào mùa Xuân Arập đã mở ra giai đoạn 2 của lịch sử hiện đại trong nền chính trị Hồi giáo, giai đoạn đầu vào năm 1979, thời điểm diễn ra cuộc chiến của Liên Xô vào Afghanistan, từ cuộc cách mạng Iran và vụ bắt cóc con tin tại Thánh địa Mecca. Sự hỗn loạn trùm lên cả một phần khu vực, tại Libya, Syria, Iraq, Yemen. Các cuộc xung đột cục bộ này được duy trì bởi các cường quốc khu vực bằng cách sử dụng các quân cờ của họ – Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Saudi Arabia, Qatar – và xung đột thông qua các nhóm trung gian. Về phần mình, Israel lợi dụng sự hỗn loạn để thiết lập các liên minh mới: quan hệ với Ai Cập rõ ràng đã được hâm nóng từ khi nguyên soái al-Sissi lên nắm quyền, và hai nước đã có thể hợp tác đấu tranh chống lại sự cắm chân của Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Sinai; một sự xích lại gần nhau tương tự đã diễn ra giữa Tel-Aviv và Saudi Arabia, cho dù Riyad chính thức phủ nhận điều này.

Sự xuất hiện của các cuộc xung đột lớn giữa các siêu cường tại châu Âu và Thái Bình Dương, sẽ không phải không có hậu quả đối với thế quân bình tương đối đang thắng thế tại Trung Đông. Có lẽ những cám dỗ bị kìm nén bởi sự hiện diện của sen đầm Mỹ sẽ bùng phát khi Mỹ “mắc nghẹn” với hai miếng “bánh lớn” ở 2 đầu thế giới. Đặc biệt, người ta nghĩ tới những căng thẳng tồn tại giữa Iran (đồng minh của Nga) và Saudi Arabia (thân cận của Washington). Cho tới nay, hai cường quốc khu vực này đang đối đầu một cách gián tiếp tại Syria và Yemen, tuy nhiên, do sự rút lui của Mỹ khỏi khu vực vực này, hai nước có thể sẽ tham chiến trực tiếp – giống như việc Mussolini đã lợi dụng những khó khăn của Anh và Pháp để tấn công Hy Lạp năm 1940. Cuộc xâm lược này có lẽ sẽ không bao giờ diễn ra nếu như các siêu cường thời kỳ đó – Pháp và đế quốc Anh – có đầy đủ các phương tiện. Trong một cuộc xung đột như vậy, Iran có lẽ muốn vươn tay tới bờ Tây của biển Oman, khu vực dầu lửa chính của đất nước và là nơi sinh sống của người thiểu số Shiite Arập. Căn cứ vào những kết quả tồi tệ của quân đội Riyadh tại Yemen, người ta có thể nghi ngờ về năng lực của Saudi Arabia trong việc một mình chống lại quân đội Iran, vốn có khả năng được người Shiite Iraq yểm trợ. Tuy nhiên, chắc chắn Saudi Arabia có thể trông cậy – dù là một cách không chính thức và rất kín đáo – vào sự giúp đỡ của Israel, và điều này sẽ khiến Tehran thúc giục Hezbollah tấn công “kẻ thù Do Thái”. Kết quả dẫn tới một cuộc xung đột nghiêm trọng hơn so với xung đột năm 2016, Hezbollah đứng chân không chỉ ở Liban mà còn ở phía Nam Syria, từ đây, họ có thể bắn tên lửa tới lãnh thổ Israel. Về phần mình, Israel có lẽ thực sự đang trong cuộc chiến không chỉ chống lại Hezbollah mà còn chống lại Syria. Ngay từ bây giờ, nhà cầm quyền Israel đang dự kiến kịch bản này, trong đó, họ tính cả nguy cơ xung đột đồng thời với Hamas.

Trong cơn lốc này, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có thái độ như thế nào? Thật khó nói vì sự xích lại gần mới đây của nước này với Moskva. Khi xảy ra đảo chính tháng 7/2016, Recep Tayyip Erdogan không chấp nhận phản ứng chậm chạp và yếu ớt của các chính phủ phương Tây dường như tán thành việc lật đổ “nhà vua Thổ Nhĩ Kỳ” tuy không nói ra. Ông cũng không chia sẻ cam kết của họ ủng hộ người Kurd trên đất Syria. Tuy nhiên, việc chứng kiến Iran tăng thêm sức mạnh chắc chắn sẽ là nỗi lo sợ lớn nhất của ông và người ta có thể nghĩ rằng, đơn thuần do ý thức về địa chiến lược, Erdogan sẽ đứng về phía Mỹ và châu Âu, có lẽ để đổi lấy việc họ từ bỏ sự ủng hộ dành cho sự nghiệp của người Kurd. Như vậy, ông sẽ xuất hiện như kẻ chiến thắng lớn của khu vực và hưởng lợi hoàn toàn từ sự rút lui của Nga-Trung ra khỏi không gian Thổ ngữ. Điều này có lẽ khiến Erdogan trở thành một kiểu “Stalin của Hồi giáo”. Phạm vi ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ tạo thành một khối thù địch với trật tự của Mỹ. Tuy nhiên, nó sẽ bị chặn lại ở sườn phía Nam bởi sự duy trì sức mạnh của Israel và bởi một Saudi Arabia, với sự giúp đỡ của Washington, chống lại các cuộc tấn công của Iran. Một Iran mà chế độ không thể sống sót qua một thất bại và rốt cuộc lại sáp nhập vào liên minh của Mỹ, miễn là họ bắt đầu một giai đoạn quá độ dân chủ thực sự.

Như các cuộc xung đột thế giới diễn ra trước đó, chiến tranh trong tương lai sẽ dần dần lan ra nhiều chiến trường, mỗi cuộc xung đột mới làm suy giảm khả năng “người canh giữ hòa bình” thế giới – Mỹ – trong việc duy trì trật tự bằng cách răn đe đơn thuần. Tuy nhiên, bất chấp hiệu ứng “quả cầu tuyết” này, rất có khả năng Mỹ, với ưu thế về vũ khí thông thường, sẽ chiến thắng các cường quốc như Nga và Trung Quốc, và mở rộng ảnh hưởng của họ ra một phần lớn khu vực trên thế giới. Sự thất bại trong chính sách bành trướng của Moskva và Bắc Kinh, có thể gây ra tại những nước này một cuộc khủng hoảng của chế độ, thậm chí là một sự sụp đổ chính trị có thể so sánh với sự sụp đổ của Liên Xô, mà không hề cần tới một cuộc xâm lược lãnh thổ của họ. Do vậy, trật tự thế giới sau chiến tranh sẽ bị Mỹ chi phối hơn bao giờ hết, với một nước Nga và một nước Trung Quốc gia nhập hệ thống đồng minh của Mỹ như đã diễn ra với Đức và Nhật Bản trước đây.

Về phần mình, sự đe dọa chính trị Hồi giáo sẽ luôn hiện hữu, tuy nhiên, nó sẽ có tổ chức hơn với sự nổi lên của các đảng hứng thú với hệ tư tưởng của tổ chức Anh em Hồi giáo, kể cả tại những nước Tây Âu có đông người thiểu số Hồi giáo. Sự tiến hóa này sẽ được kích thích bởi sự trỗi dậy của Thổ Nhĩ Kỳ như một cực thống trị của tư tưởng chính trị Hồi giáo, vốn sẽ giữ một vai trò điều phối và tài trợ có thể so sánh với vai trò mà Liên Xô đã nắm giữ trước đây. Chính trong vòng ảnh hưởng chống Mỹ này là nơi tập trung của tất cả sự bất mãn đối với trật tự thế giới. Sự đối kháng mới này có lẽ sẽ là một dữ kiện chủ yếu trong việc thiết lập mô hình quốc tế sắp tới.

Ngày dẫn tới chiến tranh dĩ nhiên là không thể dự đoán. Xét những biến số khác nhau, như tuổi tác của Vladimir Putin và những người thân cận của ông, xuất thân từ cơ quan an ninh quốc gia hoặc quân đội, vốn luyến tiếc sức mạnh Xôviết, tình thế chiến lược của Trung Quốc so với Ấn Độ hay quá trình vũ trang của hai siêu cường này, người ta có thể có lý khi nghĩ rằng trong 10 năm tới, chúng ta sẽ bước vào một vùng bất trắc tối đa. Cần hy vọng rằng các nhà lãnh đạo của Mỹ và châu Âu sẽ có nhiều biện pháp hơn nữa để răn đe một cuộc phiêu lưu của Nga tại các nước Baltic và chặn trước các mưu đồ của Trung Quốc trong khu vực ngoại vi của họ. Cũng như họ sẽ chuẩn bị cho tình huống có thể xảy ra – không hình dung được đối với phần lớn các nhà bình luận – các cuộc tấn công của Nga và Trung Quốc, trên các mặt trận của mỗi nước để hạn chế tối đa những thành công ban đầu của những nước này. Vì người ta biết rằng những trận đánh đầu tiên ảnh hưởng như thế nào tới kết quả của các cuộc xung đột mà chúng khởi đầu: Hitler lẽ ra đã không thể trụ lâu như vậy nếu như ông ta đã không cướp phá nước Pháp; cũng như vậy đối với Nhật Bản, nếu nước này đã không tiếp cận các nguyên liệu được lấy từ các thuộc địa Anh bị chinh phục.

Để trở lại nhận xét ban đầu của chúng tôi: Người ta không thể cản trở những sự dịch chuyển kiến tạo nhưng, bằng một sự phòng ngừa thích hợp, người ta có thể hạn chế mức độ thiệt hại và số lượng các nạn nhân.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG / POLITIQUE INTERNATIONALE

Tags: , , , , , ,