Về triển vọng biến máy bay MiG-21 Việt Nam thành UAV chiến đấu

Một chuyên gia, phi công quân sự Nga đã bình luận về ý tưởng biến MiG-21 Việt Nam thành phiên bản UAV.

Về triển vọng biến máy bay MiG-21 Việt Nam thành UAV chiến đấu

Tờ Rossiyskaya Gazeta của Nga đưa tin, những “cựu binh” của Chiến tranh Việt Nam – các chiến đấu cơ MiG-21Liên Xô sản xuất, đang sắp biến hình thành máy bay không người lái UAV.

Về chủ đề này, Sputnik ngày 23/10/2020 cũng đã có bài viết về ý tưởng “MiG-21 không người lái” ở Việt Nam, trong đó trang báo Nga trích dẫn nhận định và bình phẩm của giới chuyên gia quân sự của nước này về ý tưởng.

Dẫn thông tin từ một trang Fanpage có tên là “VietDefenseVN”, trang báo Nga cho rằng Việt Nam dự kiến chuyển đổi phi đội MiG-21 đã ngừng hoạt động thành phương tiện bay không người lái. Ngoài ra, số UAV MiG-21 tương lai sẽ thuộc loại tấn công.

Dù đây không phải là thông tin chính thức về việc chuyển loại MiG-21 thành UAV nhưng báo chí Nga cho rằng đó là một ý tưởng.

Báo Sputnik nêu câu hỏi rằng liệu kế hoạch nghe hấp dẫn và táo bạo này có hiện thực chăng và nhất là liệu có hợp lý không? Liệu chiếc chiến đấu cơ cũ kỹ lạc hậu có thể đạt hiệu quả mới trong chiến tranh hiện đại? Thậm chí là trong phương án máy bay không người lái…

Trang báo Nga cho biết họ đã đã nêu câu hỏi này với chuyên gia Nga trong lĩnh vực hàng không quân sự là phi công cơ hữu Makar Aksyonenko.

Sputnik viết rằng, quân đội Việt Nam nổi tiếng về cách tiếp cận tích cực, chủ động đối với những kỹ thuật hiện có trong tay. Không có gì là thừa đối với Việt Nam và nếu đất nước có được vũ khí mới, thì hãy tin chắc rằng tài nguyên của các trang thiết bị quân sự đó không hoài phí.

Chẳng hạn, có thông tin rằng phần lớn các xe tăng T-90S/SK mua của Nga gần đây đã được quyết định đưa vào bảo quản.

Và các loại xe bọc thép cũ, hệ thống pháo, máy bay chiến đấu và xe tải (không phân biệt Liên Xô hay Mỹ) vẫn được bộ đội Việt Nam cố gắng duy trì ở trạng thái kỹ thuật bình thường có thể sẵn sàng chiến đấu. Không hiếm khi các thiết bị này được sửa chữa, bảo dưỡng và cất giữ không phải “trên đường”, mà là trong các khoang xưởng và nhà chứa máy bay.

Đôi khi từ những trang thiết bị cũ này chế ra những mẫu vũ khí rất thành công, hoàn toàn phù hợp với môi trường chiến sự địa phương.

Ví dụ, khẩu pháo tự hành bánh lốp tạo thành từ lựu pháo M101 của Mỹ và xe tải Xô-viết Ural-375. Hay hệ thống tên lửa phản lực Grad của Liên Xô được lắp đặt trên thiết bị vận tải bánh xích M548 vốn là sản phẩm Mỹ.

Dẫn thông tin được trang VietDefenseVN post trên mạng xã hội, báo Nga cho rằng ngay từ năm 2010, Không quân Việt Nam đã đưa các chiến đấu cơ cựu binh MiG-21 ra khỏi diện sử dụng.

Những chiếc máy bay vẫn trong tình trạng tốt (và phần lớn là như vậy) được đưa vào bảo quản trong nhà chứa máy bay.

Và bây giờ đang có kế hoạch chuyển đổi số này thành khí cụ bay không người lái. Một phần phương tiện bay sau khi được chuyển đổi công năng có thể được sử dụng làm mục tiêu trên không trong các cuộc diễn tập của lực lượng phòng không.

Một bộ phận khác của các MiG không người lái cần phải là phương tiện bay chiến đấu, tức là UAV làm nhiệm vụ tấn công.

Theo bình luận của trang báo Nga, thoạt nhìn, ý tưởng này khá táo bạo và hợp lý: thay vì mạo hiểm tính mạng phi công từng qua đào tạo lâu dài và tốn kém, sẽ khôn ngoan hơn nếu sử dụng chiếc UAV vũ trang, thậm chí là máy bay không người lái siêu thanh.

Khí cụ bay này được phi công điều khiển, nhưng là từ xa và đảm bảo an toàn. Còn trong trường hợp hệ thống phòng không hoặc chiến đấu cơ của đối phương bắn hạ UAV này, thì cũng không quá đáng tiếc – chiếc máy bay đã cũ, đằng nào cũng không thuộc phiên chế trang bị chính quy nữa.

Một tổ hợp hàng không quân sự lỗi thời có thể hoạt động hiệu quả đến đâu trong chiến tranh hiện đại? Về câu hỏi này, Đại tá Makar Aksyonenko, chuyên gia về sử dụng hàng không trong chiến đấu, Tiến sỹ Khoa học quân sự; Sĩ quan chiến đấu và phi công bay cơ hữu giải đáp như sau:

“Chuyển đổi MiG-21 thành máy bay-mục tiêu là ý tưởng hợp lý đối với thực tiễn chung. Có thể giả thiết rằng với chất lượng như vậy, MiG-21 vẫn sẽ phục vụ tốt cho việc huấn luyện các đơn vị phòng không cũng như đào tạo phi công tiêm kích trong các bài tập đánh chặn mục tiêu bay tốc độ cao, mô phỏng chiến đấu cơ hạng nhẹ hoặc tên lửa hành trình. Nhưng còn chuyển đổi MiG-21 thành UAV tấn công, thì tôi cho rằng khó thành.

Thứ nhất, việc làm cho nó cơ động và chống nhiễu qua các kênh điều khiển từ xa hiện thời vẫn là chuyện nằm trong khả năng của 3-4 nước có kinh nghiệm và tiềm lực công nghệ thích hợp.

Và Việt Nam nên hướng tới các nước này, thay vì tự mình vướng vào một vấn đề quá lạ lẫm. Thứ hai, về nguyên tắc, trông đợi chiếc máy bay không người lái như vậy có thể vượt qua lưới lửa phòng không, tiếp cận chủ thể và bắn trúng mục tiêu – thật ra là điều không tưởng huyền hoặc! Nếu mục tiêu không được bảo vệ, thì đòn tấn công đánh vào nó xét theo tỷ lệ hiệu quả – chi phí sẽ là quá tốn kém, không đáng.

Ở Nga, người ta diễn tả cảnh tượng này như sau: “Dùng đại bác bắn chim sẻ”. Trong trường hợp mục tiêu là chủ thể được bảo vệ, thì không phải UAV mà cần dùng tên lửa hành trình siêu thanh thực hiện cuộc tấn công: đó phải là P-270 Moskit (mã hiệu NATO là SS-N-22 Sunburn). Và chắc chắn tên lửa sẽ triệt hạ mục tiêu mà chi phí sẽ thấp hơn” – TS Makar Aksyonenko nhận định.

Theo SPUTNIK / ROSSIYSKAYA GAZETA

Tags: ,