Về quan hệ Trung Quốc – ASEAN từ sau chiến tranh lạnh đến nay

Đông Nam Á là khu vực duy nhất để Trung Quốc thực hiện chiến lược ngoại giao của mình. Tuy nhiên, Đông Nam Á cũng có lợi thế kinh tế quan trọng đối với Mỹ và Nhật Bản, vì vậy khu vực này trở thành nơi cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn.

Về quan hệ Trung Quốc – ASEAN từ sau chiến tranh lạnh đến nay

Tác giả: TS Lưu Việt Hà, Bộ Công an.

Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2015.

1. Vị trí chiến lược của Đông Nam Á đối với Trung Quốc

Sau Chiến tranh lạnh, quan hệ với các nước láng giềng, trong đó có các nước Đông Nam Á được Trung Quốc đặc biệt coi trọng. Đông Nam Á có 3 ý nghĩa chiến lược đối với Trung Quốc:

Thứ nhất, Đông Nam Á nằm án ngữ trên con đường hàng hải huyết mạch nối liền giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, là cửa ngõ đi ra thế giới của Trung Quốc; là nơi có tài nguyên phong phú, nguồn cung cấp nguyên liệu chủ yếu cho nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh của Trung Quốc. Đông Nam Á là đòn bẩy cho các doanh nghiệp Trung Quốc vươn ra thị trường thế giới. Cộng đồng quốc tế luôn coi chính sách của Trung Quốc tại Đông Nam Á chính là sự thể hiện ý đồ trong tổng thể chính sách ngoại giao của nước này. Đông Nam Á trở thành “hòn đá thử vàng” để kiểm nghiệm “thuyết về mối đe dọa từ Trung Quốc”.

Thứ hai, Đông Nam Á có thể trở thành một lợi thế để Trung Quốc kiềm chế Nhật Bản và Mỹ. Do vậy, Trung Quốc đặc biệt quan tâm mở rộng không gian hoạt động tại khu vực này để bảo vệ lợi ích an ninh của mình.

Nếu nhìn các quốc gia bên cạnh Trung Quốc thì:

– Ảnh hưởng của Trung Quốc tại Trung Á không thể bằng Nga
– Ảnh hưởng của Trung Quốc tại Nam Á không thể bằng Ấn Độ
– Còn hướng Đông Bắc Á, có thể nói Nhật Bản là đối thủ của Trung Quốc trong việc tranh giành ảnh hưởng tại khu vực, Đông Bắc Á cũng không phải là khu vực địa chính trị của Trung Quốc, hơn nữa đây lại là khu vực nghèo tài nguyên.

Do vậy, Đông Nam Á là khu vực duy nhất để Trung Quốc thực hiện chiến lược ngoại giao của mình. Tuy nhiên, Đông Nam Á cũng có lợi thế kinh tế quan trọng đối với Mỹ và Nhật Bản, vì vậy khu vực này trở thành nơi cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn.

Thứ ba, chỉ khi Trung Quốc có chỗ đứng vững chắc tại khu vực Đông Nam Á mới có thể tăng cường ảnh hưởng của mình ra khu vực và thế giới.

2. Kết quả hợp tác trên các lĩnh vực

Thứ nhất, trên lĩnh vực chính trị, an ninh

Năm 1997, Trung Quốc, ASEAN ký Tuyên bố chung Trung Quốc – ASEAN hướng tới thế kỷ 21.

Thực hiện quyết định của Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – ASEAN (năm 1997), hằng năm Trung Quốc và ASEAN tổ chức Hội nghị thượng đỉnh nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác, tăng cường niềm tin giữa hai bên.

Trong vấn đề Biển Đông, tháng 11/2002, Trung Quốc và ASEAN ký “Tuyên bố về hành vi ứng xử của các bên ở Biển Đông”, cam kết giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, đặt cơ sở pháp lý quan trọng cho việc triển khai hợp tác giữa các bên ở Biển Đông.

Năm 2003, tại Hội nghị cấp cao Trung Quốc – ASEAN lần thứ 7, hai bên đã ra “Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược”, chuyển từ quan hệ đối tác đối thoại sang quan hệ đối tác chiến lược, mở ra một thời kỳ phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa… Tháng 11/2004, tại Hội nghị cấp cao ASEAN – Trung Quốc, tổ chức tại Viêng Chăn (Lào), hai bên đã thông qua Chương trình hành động, trong đó, nêu lên các biện pháp lớn nhằm hiện thực hóa các nội dung của bản Tuyên bố này.

Tại Hội nghị Bali (Inđônêxia, 2003), Trung Quốc là nước lớn đầu tiên ngoài khu vực tham gia ký kết Hiệp ước hữu nghị và hợp tác ở Đông Nam Á, tạo tiền đề quan trọng bảo đảm môi trường an ninh của khu vực; góp phần thúc đẩy các nước lớntham gia ký kết hiệp ước với các nước ASEAN.

Hợp tác trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống, như: chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh biển, không phổ biến vũ khí hạt nhân… được 2 bên coi trọng. Năm 2000, Trung Quốc và ASEAN đã ký “Kế hoạch hành động chống buôn bán ma tuý”. Tháng 11/2002, Trung Quốc và ASEAN ký kết “Tuyên bố chung Trung Quốc – ASEAN trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống”, trong đó xác định an ninh phi truyền thống là “nhân tố gây mất ổn định chủ yếu đối với an ninh quốc gia và khu vực”…

Chỉ trong khoảng thời gian ngắn hơn 10 năm, Trung Quốc và ASEAN đã xây dựng được quan hệ đối tác chiến lược. Về phía mình, các nước ASEAN chưa hết lo ngại về “mối đe doạ từ Trung Quốc”, tuy nhiên, vẫn coi sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc “đem lại cơ hội cho tất cả”(1).

Thứ hai, về kinh tế – thương mại

Năm 2002, Trung Quốc nêu sáng kiến thành lập Khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc – ASEAN (CAFTA). Ngày 4/11/2002, tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – ASEAN lần thứ 6, hai bên đã ký “Hiệp định khung”, trong đó đề cập tới việc thành lập CAFTA vào năm 2010 đối với 6 nước thành viên cũ và vào năm 2015 đối với 4 nước thành viên mới. Hiệp định có ý nghĩa quan trọng trong việc thiết lập cơ sở pháp lý thống nhất, điều chỉnh các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN. Có thể nói, việc thành lập Khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc – ASEAN được coi là trọng tâm trong hợp tác kinh tế giữa 2 bên từ những năm đầu thế kỷ 21 đến nay.

Trên cơ sở “Hiệp định khung”, hai bên đã triển khai các hoạt động cụ thể nhằm tiến tới hiện thực hoá Khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc – ASEAN, cụ thể: năm 2003, Trung Quốc đã đề xuất Chương trình thu hoạch sớm, với việc giảm thuế đối với 600 mặt hàng nông sản phẩm có thế mạnh của hai bên. Năm 2004, tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN ở Viêng Chăn, ASEAN và Trung Quốc đã ký Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN – Trung Quốc (TIG), có hiệu lực từ ngày 1/7/2005.

Ngày 1/1/2010 chứng kiến sự kiện trọng đại trong tiến trình hội nhập kinh tế giữa Trung Quốc với ASEAN, Khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc-ASEAN đã hình thành theo đúng lộ trình. CAFTA là khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới về dân số với 1,9 tỷ người tiêu dùng. Từ ngày 1/1/2010, 90% hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc và ASEAN nhập khẩu sang nhau sẽ được hưởng mức thuế quan bằng 0%.

Quan hệ thương mại Trung Quốc – Đông Nam Á có bước phát triển đột phá. Nếu năm 1991, kim ngạch thương mại song phương mới chỉ đạt 8,3 tỷ USD thì đến năm 2000, đã tăng lên 39,52 tỷ USD, hằng năm bình quân tăng 17,4%. Năm 2013, kim ngạch thương mại đạt 443,6 tỷ USD, gấp 56 lần so với thời gian đầu thiết lập quan hệ đối thoại. Nếu tính riêng khu vực ASEAN, Trung Quốc 4 năm liền trở thành đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, kim ngạch thương mại giữa ASEAN – Trung Quốc chiếm 14% tổng kim ngạch ngoại thương ASEAN; ASEAN 3 năm liền trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3, thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 và nguồn nhập khẩu lớn thứ 2 của Trung Quốc. Hai bên tiến tới mục tiêu đạt 500 tỷ USD vào năm 2015 và 1000 tỷ USD vào năm 2020.

Đầu tư hai chiều Trung Quốc – Đông Nam Á diễn ra mạnh mẽ. Các nước Đông Nam Á ngày càng trở thành điểm đến đầu tư đối ngoại chủ yếu của các doanh nghiệp Trung Quốc, số lượng và quy mô dự án đầu tư và khu công nghiệp không ngừng mở rộng, lĩnh vực đầu tư đang từ gia công chế tạo truyền thống và cơ sơ hạ tầng mở rộng đến lĩnh vực mới như dịch vụ tài chính tiền tệ, thương mại điện tử, công nghiệp văn hóa v.v.. Năm 2013, Trung Quốc đầu tư 8,64 tỷ USD vào các nước Đông Nam Á, tăng 7,1%. Tính đến tháng 6/2014, vốn đầu tư hai chiều Trung Quốc- ASEAN đạt gần 120 tỷ USD, trong đó, tổng vốn đầu tư của các nước ASEAN vào Trung Quốc đạt trên 80 tỷ USD, tổng vốn đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN gần 40 tỷ USD. Năm 2013, Singapore trở thành nước đầu tư lớn nhất của Trung Quốc.

Thứ ba, trong các lĩnh vực khác

Về giáo dục đào tạo, hằng năm có hàng trăm sinh viên từ các nước ASEAN đến Trung Quốc học tập. Tính đến năm 2003, có tới 77.628 sinh viên nước ngoài theo học tại Trung Quốc, trong đó gần 80% đến từ châu Á. Đến năm 2015, có khoảng 31 nghìn sinh viên từ các nước Đông Nam Á học tập tại Trung Quốc, trong đó có khoảng 13 nghìn sinh viên Việt Nam.

Trên cơ sở các hiệp định và thoả thuận được ký kết giữa Trung Quốc – Thái Lan. Năm 2004, Trung Quốc chính thức khởi công xây dựng dự án quốc lộ Côn Minh – Băng Cốc, bên cạnh đó, 2 bên đã đẩy nhanh xây dựng xa lộ thông tin bao phủ toàn bộ khu vực tiểu vùng để thúc đẩy việc xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin của các nước trong vùng, từ đó thu hút đầu tư thương mại và hợp tác kinh tế giữa các nước trong vùng.

Tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ diễn ra tại Nam Ninh ngày 20/7/2006, Trung Quốc đã nêu ý tưởng hợp tác “Một trục hai cánh”. Trong đó, “Một trục” là hành lang kinh tế Nam Ninh – Singapore, còn “hai cánh” là hình thành hai mảng hợp tác kinh tế khu vực là Hợp tác xuyên Vịnh Bắc Bộ và Hợp tác tiểu vùng sông Mekong. Sự hình thành của “một trục hai cánh” sẽ thúc đẩy hơn nữa và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác toàn diện giữa Trung Quốc và ASEAN. Với Vịnh Bắc Bộ, Biển Đông và tuyến đường bộ, đường sắt ven biển từ Hoa Nam xuống Singapore làm cơ sở hạ tầng trong “một trục hai cánh”, cùng với các tuyến đường sắt, đường bộ xuyên Á – cơ sở hạ tầng của hợp tác tiểu vùng sông Mekong, hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN bao trùm lên mọi không gian trên bộ và trên biển.

3. Những vấn đề còn bất đồng trong quan hệ Trung Quốc – ASEAN

Hiện nay, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á đều chủ trương giữ môi trường hòa bình, ổn định để tập trung phát triển kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề nóng bỏng hiện nay là tranh chấp tại Biển Đông là trở ngại lớn trong việc tăng cường hợp tác giữa Trung Quốc với các nước ASEAN. “Mối đe doạ từ Trung Quốc” đối với các nước ASEAN vẫn còn hiện hữu, bởi Trung Quốc không ngừng gia tăng các hoạt động tranh chấp chủ quyền, xây dựng các đảo nhân tạo bất hợp pháp trên Biển Đông; tăng mạnh chi phí quốc phòng để hiện đại hóa quân đội, đặc biệt là hải quân, gây quan ngại sâu sắc cho các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế.

Cùng với sự trỗi dậy mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt sau khi Trung Quốc gia nhập WTO, các nước Đông Nam Á vừa thấy đây là cơ hội, nhưng cũng đứng trước những thách thức to lớn khi một lượng lớn hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường khu vực và thế giới, tác động mạnh mẽ đến nền sản xuất hàng hóa của các nước ASEAN. Hơn nữa, các nước đều đang tập trung phát triển các ngành sử dụng nhiều lao động, thị trường xuất khẩu chủ yếu sang Mỹ, Nhật, EU, vì vậy cạnh tranh trong thương mại để giành giật thị trường tiêu thụ, thậm chí cạnh tranh trong thị trường nội khối cũng diễn ra gay gắt. Bên cạnh đó là sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Đông Nam Á còn là nơi tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn Mỹ, Nhật, Trung Quốc. Từ những năm 1990, Mỹ đã rút bớt lực lượng quân đội ra khỏi Đông Nam Á, song từ cuối những năm 90, đặc biệt những năm đầu thế kỷ 21, Mỹ đã nối lại các hoạt động quân sự, tăng cường viện trợ kinh tế cho các đồng minh truyền thống ở Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan, Philippines, nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực này.

Nhật Bản cũng tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á thông qua các khoản viện trợ, cho vay, đầu tư cho các dự án tiểu vùng sông Mekong, xây dựng tuyến đường cao tốc thuộc hành lang kinh tế Đông – Tây… Về lịch sử, Nhật Bản có quan hệ lâu đời với các nước Đông Nam Á, Nhật Bản viện trợ kinh tế nhiều hơn so với Trung Quốc cho các nước ASEAN, song Trung Quốc lại nhanh chân hơn trong việc thúc đẩy tiến trình hợp tác với các nước này, đã đạt được “Hiệp định khung” với các nước ASEAN. Sự tranh giành giữa các nước lớn khiến cho Đông Nam Á gặp khó khăn trong việc lựa chọn đối tác. Trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, các nước ASEAN đang thực hiện chính sách cân bằng nước lớn, coi trọng quan hệ với tất cả các nước lớn, trong đó có Trung Quốc.

————————–

Chú thích:

(1) Bài phát biểu của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long: “Tương lai hợp tác Đông Á”, http:// www.asean sec.org

Theo TẠP CHÍ LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

Tags: , , ,