Vài nét về nghệ thuật sân khấu dân tộc Chăm

Sân khấu Chăm cũng như sân khấu các dân tộc Việt Nam đều hình thành từ vốn văn học, nghệ thuật dân gian. Người Việt có nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương, múa rối… phát triển từ các trò diễn xướng dân gian thành sân khấu chuyên nghiệp.

Sân khấu Chăm cũng vậy. Nghệ thuật múa Chăm là đỉnh cao của nghệ thuật sân khấu Chăm cũng bắt đầu từ múa dân gian. Vì vậy, có thể nói nghệ thuật múa Chăm tạo ra sân khấu.

Nhiều vở kịch múa có nội dung văn học sâu sắc, có tính cách nhân vật cao, nhiều hình tượng đẹp. Nhưng nghệ thuật múa là dùng ngôn ngữ múa biểu hiện không gian, không lời; còn sân khấu là diễn tả nội tâm, thân phận nhân vật bằng hành động kịch thông qua cốt truyện, nói với khán giả bằng sự diễn cảm những suy tư, lời thoại văn học. Tuy nhiên, khi nghiên cứu sân khấu Chăm, nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định: Từ những vở kịch múa đã ra đời loại hình SÂN KHẤU.

Sân khấu Chăm hình thành từ trò diễn có tính thanh xướng kịch, một loại hình sân khấu cổ. Nghĩa là ở hình thức sân khấu kể chuyện: Có lời kể, có hát, có múa, có đọc văn. Chịu ảnh hưởng của sân khấu Ấn Độ, nhưng khi du nhập, dần dần phát triển tính bản địa, dân tộc, độc đáo. Có thể tóm lược sự phát triển sân khấu Chăm từ thấp đến cao như sau: Sân khấu dân gian đến sân khấu tín ngưỡng, rồi sân khấu cung đình, sau cùng là sân khấu đương đại.

Sân khấu dân gian phản ánh hiện thực, có đề tài là sử thi, có đề tài là sinh hoạt dân dã. Nội dung thường phê phán thói hư tật xấu, hướng tới cái thiện. Có đề tài về phong tục tập quán, lao động sản xuất. Nhưng tất thảy đều có cốt truyện, nhân vật trung tâm.

Sân khấu tín ngưỡng, tôn giáo có nguồn gốc từ nghệ thuật sân khấu dân gian, nhưng phát triển ở mức cao hơn, có quy phạm chặt chẽ, có người diễn chuyên nghiệp. Sân khấu này mang ý nghĩa linh thiêng, thờ phụng, tế thần, chỉ được diễn theo những nghi lễ nhất định, tuyết đối không được tùy tiện, du hí.

Sân khấu cung đình có nguồn gốc từ sân khấu tín ngưỡng. Khi nghiên cứu văn học và điêu khắc, người ta thấy sân khấu cung đình vẫn chỉ dừng lại ở những diễn ca lịch sử, dừng lại ở hình thái sân khấu tôn giáo. Tuy nhiên, người ta vẫn phải thừa nhận có loại hình sân khấu cung đình mang đặc trưng riêng về nội dung. Đó là những câu chuyện chuyên diễn kể về những ông hoàng, bà chúa. Nghệ thuật mang những quy phạm, ước lệ, cách điệu… là đặc trưng của sân khấu cung đình Chămpa.

Sân khấu đương đại là sự kế thừa, tiếp nối và phát triển lên một đỉnh cao mới của sân khấu Chăm. Sân khấu đương đại của dân tộc Chăm vừa giữ được nét truyền thống, vừa bảo đảm được tính nhân văn song cũng mang ăm ắp tính thời sự của cuộc sống hiện tại. Trải qua hàng trăm năm, sân khấu Chăm vẫn giữ nguyên vẻ đẹp dân gian, bản địa. Nhưng dưới các triều đại phong kiến, thực dân, sân khấu Chăm không được biết đến. Các nhà nghiên cứu nước ngoài cũng chỉ chú ý đến các hình thái nghệ thuật như kiến trúc, điêu khắc, ca múa nhạc.

Sau ngày đất nước thống nhất, nghệ thuật Chăm (trong đó có sân khấu) như một ngọn lửa bùng lên. Người Chăm tự do sáng tạo, phát triển các loại hình nghệ thuật của dân tộc mình. Cả nước biết đến sự phát triển phong phú của nền nghệ thuật ca múa nhạc. Năm 1985, tại Thuận Hải (Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay) đã diễn ra Hội diễn nghệ thuật quần chúng. Ngoài ca múa nhạc, có một số vở kịch hát dân ca, đặc biệt là vở kịch Bà Chăm – Bà Ni (dựa vào trường ca cùng tên) được dư luận chú ý. Sau hội diễn đã xuất hiện nhiều vở kịch hát dân ca như: Ngọn lửa tình yêu; Hôm nay hôm qua; Núi đá trắng… Có vở kịch được viết bằng tiếng Chăm, được dư luận đánh giá cao, được công chúng, đặc biệt là người Chăm nồng nhiệt đón nhận.

Là một dân tộc có nền văn minh phát triển sớm, dân tộc Chăm đang từng ngày làm sống dậy các hình thái nghệ thuật, góp phần xây dựng cuộc sống, con người của xã hội hôm nay, luôn tiến về phía trước, luôn hướng tới: Chân, thiện, mỹ.

https://www.youtube.com/watch?v=JGyIekqiqjg

Theo XUÂN NGUYỄN / BÁO BIÊN PHÒNG

Tags: , , ,