Cảm nhận vẻ đẹp của một số kỳ quan kiến trúc Hy Lạp cổ đại

Sự thịnh trị của nền văn minh Hy Lạp trong thời kì chiếm hữu nô lệ (thế kỷ 8 – 6 TCN) đã hình thành nên 2 loại hình thành bang: nông nghiệp và thủ công nghiệp, thương nghiệp.Vẻ đẹp của một số kỳ quan kiến trúc Hy Lạp cổ đại

Sự phát triển về kinh tế và ảnh hưởng của tín ngưỡng đa thần khiến người Hy Lạp ra sức xây dựng những đền thờ và những quần thể thánh địa vô cùng kì vĩ. Tiêu biểu nhất trong kiến trúc thánh địa phải kể đến là quần thể thánh địa Apollo tại xứ Delphi – nơi những tư tế của thần Apollo truyền đạt những ý chỉ của thần và xem bói vận mệnh cho mọi người.

Đền Apollo ở Delphi.

Quần thể thánh địa Apollo được xây dựng vào năm 370 trc CN và mất 30 năm để hoàn thành. Trong quần thể thánh địa, vai trò của đền thờ được nhấn mạnh và phối hợp hài hòa với những công trình công cộng cùng hệ thống đường xá tạo nên một quần thể kiến trúc hài hòa tự nhiên nhưng phong phú và tầng lớp do kết hợp với yếu tố địa hình. Tại đây, để kỉ niệm việc thần Apollo giết chết con long xà khổng lồ Python trong truyền thuyết người ta tổ chức thi điền kinh 4 năm một lần để vinh danh thần ánh sáng Apollo vĩ đại.

Dấu tích Agora ở Athens.

Cùng với quần thể thánh địa, các loại hình kiến trúc công cộng cũng hết sức phát triển. Đó là hai hình thái kiến trúc gồm Agora -những công trình mang tính dân dụng và Acropolis – quần thể kiến trúc với nhiều đền đài thường được xây cất trên những khu đất cao (đồi, núi). Agora là những trung tâm chính trị, thương mại của thành phố bao gồm quảng trường, chợ, sảnh hội họp, sảnh hội đồng và phòng hội đồng. Thời kì đầu các Agora thường không có hình dạng cụ thể, bố cục tự do nhưng từ cuối thế kỷ 4 TCN trở đi thì có hình dáng hình học cụ thể. Được vây quanh bằng hàng cột thức 2 tầng. Các Agora thường chiếm khoảng 5% diện tích của một thành phố.

Acropolis ở Athens.

Các Acropolis được đặt trên vị trí cao, những đền đài này tạo cho thành phố những góc nhìn hết sức mĩ quan. Các Acropolis thường mang một bố cục tự do, tương thích với thiên nhiên và địa hình. Trong đó nổi bật lên vai trò của những điện thờ thần thánh của người Hy Lạp.

Những đối tượng đáng nghiên cứu ở đây bao gồm: Acropole ở Athene, các đền thờ và các công trình liên quan quan trọng ở đây trên Acropole như đền Parthenon, đền Erechteyon, sơn môn Propilee và đền thờ Athenes Nike

Đền Parthenon

Vẻ đẹp của một số kỳ quan kiến trúc Hy Lạp cổ đại

Người ta vẫn dùng những lời đẹp nhất để miêu tả đền Parthenon, ngôi đền dâng cho nữ thần đồng trinh Athena. Vị thần bảo hộ thành Athens này được coi là hình mẫu tinh xảo nhất của kiến trúc cổ điển và kiệt tác nghệ thuật điêu khắc. Dài 69,5 m, rộng 30,5 m, đền Parthenon có phong cách kiến trúc Doris, hành lang cột chung quanh và hành lang cột bên ngoài quây lấy nội điện. Trong nội điện có khám thần, bên trong là pho tượng nữ thần lớn chế tác bằng vàng và ngà voi. Hành lang cột chung quanh có 46 cây cột lớn, 8 cây phía trước đền rõ ràng dễ thấy, 17 cột mé bên, mỗi cây có rãnh lõm do rất nhiều đá tròn lớp xếp thành, hiện ra hình chuỳ hướng lên phía trên. Phong cách kiến trúc chủ đạo của đền được tạo nên từ kết cấu gỗ đơn giản, đường nét và hình thức giản đơn nhưng không hề kém tinh tế. Đền Hy Lạp hình chữ nhật, tượng thần ở đầu mút phía đông. Đền lớn mặt ngoài có hành lang cột.

Đền Parthenon xây trên nền đất đền Athena thời kỳ xa xưa, nơi từng thờ pho tượng nữ thần Athena – nữ thần anh hùng, người bảo hộ nghệ thuật – được đúc bằng vàng và ngà voi bởi đôi tay tuyệt vời của nhà điêu khắc vĩ đại Phidias.

Đền Parthenon trước kia vốn có màu sắc tươi đẹp trang nhã. Những năm gần đây, Athens khói mù xâm lấn, du khách như sóng triều ào tới khiến đá cẩm thạch bị tổn hại nghiêm trọng. Năm 1867, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ dùng đền làm kho đạn dược, sau đó bị quân đội Venice vây đánh, phá huỷ. Thế kỷ 19, kế hoạch trùng tu đền lại phải bỏ dở giữa chừng bởi sự cản trở.Ngày nay, dù cho rất nhiều cây cột bị tròng dây kéo đổ, rất nhiều tác phẩm nghệ thuật điêu khắc bị viện bảo tàng nước ngoài thu giữ, đền Parthenon vẫn là một cảnh quan làm rung động hồn người.

Đền Erechtheion

Đền Erechtheion được xây dựng từ năm 424 – 406 TCN. Khác với đền Parthenon: mạnh mẽ, cao lớn mặt bằng hoàn toàn đối xứng với thức cột Doric; đền Erechtheion nhỏ hơn, đứng nép bên cạnh, duyên dáng với thức cột Iônic, và hàng cột Cariatít – những cô gái nô lệ xứ Caria, mặt bằng đền ở thể tự do không đối xứng.

Đền Erechtheion nằm trên thành Acropolis và bảo tàng cổ vật quốc gia Acropolis, là nơi trưng bày những đồ cổ quý giá nhất của Hy Lạp được khai quật cách đây 2.500 năm. Erechtheion là ngôi đền duy nhất trong kiến trúc đền đài Hy Lạp, có mặt bằng không đối xứng, thờ hai Thần Athena, Poseidon.

Tác giả Erechteyon là kiến trúc sư Pytheos đã đưa ra một giải pháp không bình thường về mặt bằng và hình khối căn cứ vào địa hình có chỗ chênh nhau 3 mét và căn cứ vào tính chất kỷ niệm của khu đất.

Sơn môn Propylaea (Cửa lên Acropolis)

Là cửa ngõ chính của khu thánh địa Acropolis ở Athens. Được xây dựng vào những năm 437-432 TCN. Tác giả là kiến trúc sư Mnesikles.

Vì địa hình ở đây phức tạp, phía Tây thấp hơn phía Đông 1,43m cho nên khối cửa chính thiết kế chênh nhau cốt nền và cốt mái, phần cửa chính trước và sau của công trình có 6 cột Doric, các cột bên trong nội thất dùng thức Ionic. Cánh Bắc của Sơn môn (sảnh trái) là một phòng trưng bày tranh, cánh Nam (sảnh phải) là một hành lang cột.

Việc kết hợp sử dụng hai thức cột Ionic và Doric lần đầu tiên được phát kiến cho các kiến trúc ở Athenes.

Đền Athena Nike (Thờ thần Thắng lợi)

Thờ thần thắng lợi Nike được xây dựng vào những năm 449-421 trc CN. Trước và sau đền có 4 cột Ionic mảnh mai hài hòa. Trên diềm mái của đền Athena Nike có một băng điêu khắc vòng quanh dài 26m và cao 43cm. Cùng với nó là một băng phù điêu ca ngợi chiến thắng và vinh quang mà thần Nike đem tới.

Tác giả Athena Nike là kiến trúc sư Callicrates. Vào những năm 1840, ở khu vực này, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một tấm đá cẩm thạch có điêu khắc nổi mà mọi người cho rằng đó chính là một bộ phận của dãy lan can nổi tiếng của ngôi đền này. Nữ thần Nike không cánh ( để thắng lợi khỏi bay đi mất) này tuy không còn đầy đủ như nguyên tác nhưng vẫn bộc lộ rõ vẻ trác tuyệt của một kiệt phẩm như một con người tràn ngập sức khỏe đang vận động linh hoạt, với những xiêm y mỏng manh nổi rõ những nếp gợn lăn tăn như sóng nước.

Ảnh hưởng của kiến trúc trên vệ thành Acropole ở Athenes đối với hậu thế là rất lớn. Tầm ảnh hưởng này vẫn còn vang vọng đến ngày hôm nay và vẫn là một chuẩn mực cho thiết kế các công trình kiến trúc hiện đại.

Trong một chừng mực nào đấy, chúng ta giữ lại cho chúng ta cái giá trị về một tiêu chuẩn và một khuôn mẫu đã đạt đến đỉnh cao.

K. Marx

.

Theo KIẾN THỨC

Tags: , , ,