⠀
Từ khủng hoảng Ukraina, thế giới sẽ một lần nữa phân cực Đông – Tây?
Ngay khi khủng hoảng Ukraina mới nổ ra, giới phân tích đã lo ngại hậu quả lâu dài của khủng hoảng sẽ là một hố sâu ngăn cách “Đông – Tây”, một bên là Nga và Trung Quốc dẫn đến phân cực với bên kia là Mỹ và phương Tây.
Tác giả: TS. Nguyễn Hùng Sơn.
Sự phân cực này làm nhiều nhà bình luận liên tưởng đến cục diện Chiến tranh Lạnh mới 2.0. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng sự đối đầu, phân cực đó sẽ chỉ là tạm thời.
Theo luồng ý kiến này, thời gian và sức hút của thị trường sẽ hàn gắn các cách biệt và giúp các bên hòa giải, tìm lợi ích chung như các khủng hoảng khác đã diễn ra trước đây.
Vậy phân cực giữa Mỹ, phương Tây với Nga hiện nay đang diễn ra ở đâu và mức độ như thế nào?
Về an ninh, sự “phân cực” đó đã biến thành đối đầu. Mong muốn của Nga về một cấu trúc “an ninh không chia rẽ” (indivisive security) ở châu Âu đã tan vỡ. Mâu thuẫn Nga-NATO bị đẩy lên mức cao nhất kể từ sau Thế chiến II đến nay. Cả Nga và NATO đều đang dồn sức mạnh quân sự của mình vào chiến trường Ukraina hay tới khu vực giáp ranh.
Song đối đầu không chỉ diễn ra trên mặt đất. Trong không gian mạng, Mỹ và phương Tây đã chủ động loại Nga khỏi mạng Internet toàn cầu, cô lập các phương tiện truyền thông của Nga, với sự tham gia của cả các tập đoàn tư nhân như Starlink.
Chính phủ Mỹ cho biết đã chủ động tấn công ngăn chặn hacker Nga hoạt động. Phương Tây đã đóng bầu trời với các hãng hàng không Nga và ngược lại. Trong không gian vũ trụ, cả Nga và phương Tây đều bị tố cáo đã tấn công hệ thống vệ tinh truyền thông, dẫn đường của nhau.
Trên mặt trận ngoại giao, phương Tây và Nga liên tục trục xuất các nhà ngoại giao của nhau. Phương Tây đã trục xuất gần 400 nhà ngoại giao Nga từ khi khủng hoảng Ukraina bắt đầu. Nga cũng đáp trả nhưng với quy mô nhỏ hơn.
Trên mặt trận ngoại giao đa phương, Mỹ và phương Tây đã phát động một chiến dịch chưa từng có nhằm cô lập, thậm chí loại Nga khỏi các tổ chức, diễn đàn đa phương, nhất là các tổ chức đa phương tại Liên hợp quốc.
Chiến dịch này bao gồm cả các tổ chức chuyên ngành ít liên quan tới các vấn đề chính trị hơn như Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), Tổ chức lao động quốc tế (ILO)…
Về thương mại, Mỹ và phương Tây đã áp đặt các lệnh trừng phạt đơn phương nhằm ngăn chặn hoạt động thương mại với Nga, nhất là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như năng lượng, ngũ cốc; rút quy chế tối huệ quốc (MFN) dành cho Nga để mở đường cho chính sách thương mại phân biệt với Nga, khiến Nga ngày càng gắn chặt hơn về kinh tế thương mại với Trung Quốc.
Về tài chính, tài sản và tiền gửi của không chỉ chính phủ Nga mà cả các nhà tài phiệt Nga ở các ngân hàng phương Tây bị phong tỏa, thậm chí bị tịch thu, làm dấy lên mối lo ngại về độ an toàn của hệ thống tài chính toàn cầu, nhất là các ngân hàng phương Tây.
Điều này sẽ thúc đẩy Nga và Trung Quốc cân nhắc lại việc bố trí tài sản của mình ở nước ngoài, gửi các tài sản đó vào các hệ thống tài chính độc lập không bị phương Tây chi phối.
Về tiền tệ, việc một số ngân hàng lớn của Nga bị tách khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng SWIFT sẽ tạo cơ hội để các dàn xếp và hệ thống hỗ trợ thanh toán khác hoạt động, như hệ thống SPFS do Trung Quốc sáng lập; dàn xếp hoán đổi tiền tệ giữa Nga và Ấn Độ; hay việc chuyển giao dịch thương mại quốc tế sang các đồng tiền khác, như đồng Nhân dân tệ để giảm lệ thuộc vào USD.
Quá trình chuyển đổi sang kinh tế số, đồng tiền số sẽ được đẩy nhanh, càng thách thức vị thế thống trị hệ thống thương mại thế giới của đồng USD.
Về khoa học công nghệ, khủng hoảng Ukraina sẽ ngăn chặn Nga tiếp cận công nghệ phương Tây, đẩy nhanh quá trình phân tách Mỹ-Trung, khuyến khích Trung Quốc nhanh chóng tự chủ chiến lược, giảm phụ thuộc vào công nghệ lõi của Mỹ.
Không chỉ trên các mặt trận an ninh, chính trị – ngoại giao, kinh tế, tài chính – tiền tệ, khoa học, công nghệ, trong nhiều lĩnh vực văn hóa – xã hội khác cũng đã xuất hiện các rạn nứt giữa Nga và phương Tây, như thể thao, nghệ thuật, âm nhạc…
Rõ ràng sự phân cực Đông – Tây không còn là một nguy cơ mà đã là một thực tế hiện hữu, một đặc điểm nổi lên của cục diện thế giới ngày hôm nay. Tùy vào tình hình chiến sự Ukraina mà hố ngăn cách Đông – Tây sẽ tiếp tục sâu và rộng thêm, hay sẽ dần dần thu hẹp và cải thiện. Với tình hình chiến sự tiếp diễn như hiện nay thì chưa có nhiều tín hiệu để lạc quan.
Ngay cả khi khủng hoảng Ukraina đã được giải quyết, tiến trình hàn gắn Đông – Tây cũng sẽ không diễn ra chóng vánh mà có thể phải mất hàng thập kỷ và không chỉ phụ thuộc vào ý chí hay mong muốn của các nước Mỹ và phương Tây.
Rất có thể Nga và Trung Quốc sẽ càng quyết tâm đẩy nhanh phân tách với phương Tây, duy trì hoặc củng cố vách ngăn Đông – Tây đó để tự bảo vệ chính mình trong các khủng hoảng với Mỹ và phương Tây trong tương lai.
Cục diện phân cực Đông – Tây sẽ rất khác cục diện của 30 năm hậu Chiến tranh lạnh vừa qua. Trong cục diện thế giới mới, đấu tranh và đối đầu có thể sẽ lại nổi lên gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế.
“Không liên kết” có thể lại thành lựa chọn chiến lược chính của đa số các nước đang phát triển thay vì hội nhập và liên kết quốc tế. Một môi trường đối ngoại rất khác có thể đang chờ đợi chúng ta ở phía trước.
Theo THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM
Tags: Trung Quốc, Nga, Nghiên cứu quốc tế, Quan hệ Nga - phương Tây, Xung đột Nga - Ukraina