Từ chiến dịch diệt chim sẻ ở Trung Quốc đến cuộc tận diệt giun đất ở Việt Nam

Trung Quốc từng có bài học về việc phá hủy cân bằng sinh thái. Cuối thập niên 1950, nước này phát động chiến dịch giết chim sẻ – vì cho rằng chúng phá hoại mùa màng, gây thiếu lương thực.

Tôi có anh bạn, do công việc, thường phải đi nhiều nước trên thế giới. Anh thích trải nghiệm món ăn độc và lạ của các dân tộc.

Trong một lần đến Hàn Quốc, biết sở thích của anh, các bạn đã mời đặc sản gỏi giun, giới thiệu trịnh trọng rằng đây là món ăn tươi, ngon và bổ dưỡng. Đó là lần đầu tiên một người bạo ăn như anh phải “tế nhị lắc đầu”. Dù từng biết người Hàn có cháo địa long rất phổ biến, anh vẫn không dám trải nghiệm món gỏi giun.

Từ chiến dịch diệt chim sẻ ở Trung Quốc đến cuộc tận diệt giun đất ở Việt Nam

Ở Việt Nam, giun chưa được coi là món ăn hay vị thuốc quý. Nhưng một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đều đánh giá cao giá trị dinh dưỡng và kháng bệnh của một số loài giun đất. Nhiều trung tâm y học cổ truyền ở Trung Quốc cho rằng sự xuống cấp của môi trường đã gây ra nhiều bệnh làm suy giảm sức khỏe con người mà giun có thể chữa được. Vậy là nhu cầu về giun tăng cao, từ 400 tấn vào năm 2010 tăng lên 675 tấn năm 2020. Giun đất được sử dụng làm thuốc đông y, thực phẩm chức năng, và cả xuất khẩu nữa.

Từ nhu cầu của thị trường, nông dân Trung Quốc ở các tỉnh tiếp giáp biên giới Việt Nam đã coi “săn bắt địa long” là nghề kiếm sống. Từ chỗ đào đất tìm giun, họ tiến tới dùng “máy địa long”, đánh bắt bằng xung điện. Máy địa long cũng hoạt động giống như cách đánh cá bằng xung điện của dân miền biển – hình thức đã bị cấm ở nước ta theo quy định của Luật Thủy sản và Bộ luật Hình sự hiện hành.

Người Trung Quốc ở các tỉnh giáp Việt Nam thấy người Việt không hành nghề săn giun nên đã sang ta hướng dẫn và thu mua giun. Từ đó, nghề săn giun với các máy địa long được trang bị cũng thành nghề “hot” ở nhiều địa phương ở Việt Nam.

Săn giun bằng xung điện sẽ làm hủy hoại tính đa dạng sinh học của môi trường gây mất cân bằng sinh thái. Trung Quốc từng có bài học về việc phá hủy cân bằng sinh thái. Cuối thập niên 1950, nước này phát động chiến dịch giết chim sẻ – vì cho rằng chúng phá hoại mùa màng, gây thiếu lương thực. Nhưng sau khi chim sẻ bị tiêu diệt, sâu bọ phát triển mạnh, đã phá hoại mùa màng còn nhanh và mạnh hơn cả chim sẻ. Mất cân bằng sinh thái là vậy!

Giun cũng làm xốp đất, giúp cây trồng tốt hơn nhiều. Khi giun bị bắt hết, đất đai sẽ “tiều tụy”, dần thành “đất chết”.

Năm 2008, Việt Nam đã ban hành Luật Đa dạng sinh học, nhưng tác động vào cuộc sống chưa nhiều. Trước mắt, địa phương cấp cơ sở cần tuyên truyền, phổ biến đến các hộ gia đình, cá nhân không tham gia săn giun để bán cho thương lái Trung Quốc. Chính phủ cũng cần bổ sung chế tài xử phạt đối với các hành vi phá hủy đa dạng sinh học và làm mất cân bằng sinh thái. Về phía các nhà y sinh học, cần có những nghiên cứu kỹ lưỡng về các loại giun phù hợp cho mục đích chữa bệnh mà có thể nuôi được.

Hiện nay, ngành nông nghiệp đang phổ biến mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn. Bản chất của mô hình này là tạo ra một trang trại mà chất thải của cây, con này lại là thức ăn cho cây, con khác, gần như không xả gì ra môi trường.

Cách đây 15 năm, tôi đã được tham quan một trang trại ở Đông Anh, họ nuôi gà, nuôi giun quế và trồng ngô. Giun quế và ngô cho gà ăn; phân gà và đất nuôi giun quế bón cho ngô; lá ngô và cây ngô băm nhỏ để mục là thức ăn cho giun quế. Giun quế và thịt gà để bán ra thị trường. Họ còn tự phát điện bằng hầm khí gas do lên men các chất thải từ chế biến gà và rác thải sinh hoạt. Mọi thứ được vận hành rất trơn tru mà không thải ra môi trường chút rác nào.

Người Trung Quốc cho rằng giun tự nhiên có tác dụng mạnh hơn giun nuôi rất nhiều. Việt Nam cần những nghiên cứu để tìm môi trường đất nào có thể làm tăng hiệu quả y học của giun nuôi, và nông dân có thể xây dựng mô hình trang trại tuần hoàn.

Hướng nghiên cứu này hay mọi bề, có được trang trại theo kinh tế tuần hoàn không rác thải, cung cấp được giun cho nhu cầu y học dân tộc ngày càng cao, thu nhập của nông dân tăng lên đáng kể, và cân bằng sinh thái – đa dạng sinh học môi trường đất được bảo vệ.

Theo VNEXPRESS

Tags: ,