⠀
Trung Quốc đang khiến anh hưởng của Nga tại Trung Á suy giảm
Một luồng suy nghĩ khá phổ biến là nếu Moskva và Bắc Kinh xảy ra xung đột, điều đó có thể sẽ liên quan đến lợi ích chồng chéo của họ ở Trung Á. Theo quan điểm này, Trung Quốc đang khai thác vào thời điểm yếu kém của Nga…
Tác giả: Temur Umanov – thành viên tại Trung tâm Á-Âu Carnegie Russia; Alexander Gabuev – Giám đốc Trung tâm Á-Âu Carnegie Russia.
Biên dịch: Hồng Quang, Bùi Toàn.
Tháng trước đánh dấu một cột mốc ngoại giao đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông đã mời các nhà lãnh đạo của năm quốc gia Trung Á đến thành phố Tây An cho Hội nghị Thượng đỉnh chung đầu tiên của họ với Trung Quốc. Tiệc chiêu đãi, với các lễ hội tương đương với lễ khai mạc Olympic, rất xa hoa ngay cả theo tiêu chuẩn của Trung Quốc. Nó đã chính thức đưa Trung Quốc vào một khu vực mà ngày nay thường được gọi là sân sau của Nga. Sự hào hoa, cùng với những lời khen ngợi mà Tập Cận Bình cùng các vị khách của ông từ Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan dành cho nhau, khiến một số nhà quan sát tuyên bố một cuộc tranh giành Trung-Nga ở Trung Á, trong đó Bắc Kinh vừa ghi nhận một chiến thắng trước Điện Kremlin.
Trên thực tế, vai trò quyền lực của Trung Quốc và Nga ở Trung Á rất phức tạp và tinh tế. Ảnh hưởng của Trung Quốc đang gia tăng, nhưng Bắc Kinh không thể soán ngôi Moskva với tư cách là bá chủ thực sự của Trung Á. Hơn nữa, bất kỳ sự cạnh tranh nào tồn tại cũng bị lấn át bởi những quyền lợi chồng chéo và những con đường hợp tác. Nga có thể đang lép vế trong một quan hệ đối tác sâu sắc, bất đối xứng với Trung Quốc. Nhưng ở Trung Á, Nga vẫn là cường quốc thống trị, họ đang sẵn sàng phối hợp với Trung Quốc nhiều hơn, chứ không phải ít hơn.
Nếu ảnh hưởng của Bắc Kinh ngày càng mở rộng trong khu vực cho thấy bất cứ điều gì, thì đó là các quốc gia Trung Á, sau hơn ba thập kỷ độc lập từ khi Liên Xô tan rã, đang bắt đầu nổi lên như những chủ thể chính trị khu vực theo cách riêng của họ, chứ không phải là đối tượng của các lợi ích và tham vọng xung đột giữa các cường quốc. Tất cả năm quốc gia trong khu vực phải điều hướng một Trung Quốc đang trỗi dậy, sự chia rẽ ngày càng sâu sắc giữa hai nước láng giềng (Nga – Trung) này với phương Tây. Để đạt được mục đích đó, họ ủng hộ Putin mà không hoàn toàn quay lưng lại với phương Tây, họ ôm lấy Trung Quốc trong khi đặt cược với sự giúp đỡ của Nga. Bắc Kinh và Moskva, đang có những bước đi cẩn trọng, có ý định điều chỉnh lợi ích của cả hai bên cạnh lợi ích của các quốc gia Trung Á.
Ảo tưởng về sự tha hóa
Một luồng suy nghĩ khá phổ biến là nếu Moskva và Bắc Kinh xảy ra xung đột, điều đó có thể sẽ liên quan đến lợi ích chồng chéo của họ ở Trung Á. Theo quan điểm này, Trung Quốc đang khai thác vào thời điểm yếu kém của Nga do cuộc xung đột của họ vào Ukraine và Hội nghị Thượng đỉnh Tây An là động thái mở đầu của nó.
Chắc chắn, ảnh hưởng toàn cầu của Nga đã bị ảnh hưởng trong năm qua và Trung Á cũng không ngoại lệ trong vấn đề này. Lấy ví dụ về Kazakhstan, trong một cuộc khảo sát gần đây của Gallup cho thấy ngoài lần đầu tiên trong lịch sử của đất nước này, lượng người không tán thành ảnh hưởng của Nga ở nước đang tăng lên. Mặc dù các chính phủ trong khu vực không đưa ra các biện pháp trừng phạt của riêng họ đối với Cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng họ chủ yếu đồng thuận theo hành động của phương Tây. Nhưng những sai lệch như vậy so với chương trình nghị sự của Moskva là những hành động tự bảo vệ kinh tế thực dụng, không phải là dấu hiệu của một sự phá vỡ thực sự.
Chỉ một tuần trước Hội nghị Thượng đỉnh Tây An, tất cả năm nhà lãnh đạo Trung Á đã đến Moskva để tham dự cuộc diễu hành quân sự Ngày Chiến thắng hàng năm. Hình ảnh các vị khách mời đứng bên cạnh Tổng thống Nga Vladimir Putin để ăn mừng chiến thắng của Liên Xô trong Thế chiến II ngay cả khi ông đang tiến hành chiến dịch quân sự với nước láng giềng Ukraine sẽ không bị mất đi. Họ đã quyết định rằng tham dự là một ván cược an toàn hơn, chắc chắn rằng họ sẽ không bị phương Tây trừng phạt vì tham dự một cuộc diễu hành nhưng không chắc chắn Putin, người đã đích thân mời họ, sẽ phản ứng như thế nào với một lời từ chối.
Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột, Moskva đã cẩn thận nhắc nhở các nước láng giềng về vị trí của họ trong trật tự khu vực. Ví dụ, bắt đầu từ mùa hè năm ngoái, họ đã tạm thời đóng cửa đường ống dẫn dầu Caspian, chạy qua lãnh thổ Nga và đóng vai trò là đường dẫn quan trọng cho xuất khẩu dầu của Kazakhstan sang châu Âu. Mặc dù trong các trường hợp này, chính quyền Nga viện dẫn các vấn đề kỹ thuật hoặc lo ngại về môi trường không đáng tin cậy, việc đóng cửa này dường như thường xảy ra sau khi chính phủ Kazakhstan có động thái tiêu cực với Điện Kremlin.
Moskva có nhiều điểm tựa ảnh hưởng hơn. Họ là một nguồn cung cấp hàng hóa cơ bản quan trọng cho Kazakhstan, Kyrgyzstan, và các thành viên của họ trong Liên minh Kinh tế Á-Âu. Thương mại của Nga với toàn bộ Trung Á đang tăng vọt, đã tăng 20% trong năm 2022. Khi Nga tạm thời cấm xuất khẩu đường và bột mì khi cuộc xung đột bắt đầu, hậu quả là khiến thâm hụt ngân sách, đẩy lạm phát cao kỷ lục trên toàn khu vực. Trong khi đó, người Trung Á tiếp tục chuyển đến Nga để tìm kiếm việc làm. Theo Bộ Nội vụ Nga, hơn mười triệu người di cư lao động Trung Á đã đến vào năm 2022, tăng thêm hơn hai triệu người so với năm trước.
Củng cố các mối quan hệ kinh tế này là sự tin tưởng sâu sắc gắn kết giới tinh hoa chính trị trong khu vực. Ở Trung Á, cũng giống như ở nước Nga của Putin, quyền lực chủ yếu nằm trong tay những người đàn ông tóc bạc lớn lên ở Liên Xô. Họ đã biết nhau trong nhiều thập kỷ, nói cùng một ngôn ngữ, cả về văn hóa lẫn bản chất, vì tất cả đều thông thạo tiếng Nga. Chuyến đi đầu tiên của các nhà lãnh đạo mới và các quan chức cấp cao gần như luôn luôn là đến Moskva.
Càng ngày các quan chức Nga ngày càng thường xuyên hơn có những sự thiên vị. Năm 2022, lần đầu tiên sau nhiều năm, ông Putin đã đến thăm cả năm quốc gia Trung Á trong một năm. Hầu như tất cả các thành viên của Hội đồng Bảo an Nga, cũng như các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Nga có ảnh hưởng đã thực hiện các chuyến đi tương tự kể từ cuộc xung đột Ukraine. Một số cuộc điều tra truyền thông gần đây đã chỉ ra rằng đằng sau những trao đổi thân thiện không chính thức này là các kế hoạch mờ ám mà qua đó Moskva giúp lót túi của giới cầm quyền Trung Á. Trong những năm gần đây, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Uzbekistan đều đã thực hiện các luật hạn chế gần giống với các nguyên mẫu trước đó của Nga, từ lệnh cấm “tuyên truyền LGBT” đến kiểm soát chặt chẽ đối với các phương tiện truyền thông độc lập, các tổ chức phi chính phủ hợp tác với các tổ chức phương Tây.
Nhìn rộng hơn, Nga vẫn nắm giữ quyền lực mềm đáng kể trên khắp Trung Á. Các phương tiện truyền thông Nga ủng hộ Điện Kremlin tiếp tục phổ biến tuyên truyền trên khắp các thành phố trong khu vực, và không phải không có hiệu quả: danh tiếng của Nga có thể đã bị ảnh hưởng, nhưng theo một cuộc khảo sát gần đây của Central Asia Barometer, 23% người Kazakhstan vẫn đổ lỗi cho Ukraine về cuộc chiến (27% nghĩ rằng Nga phải chịu trách nhiệm và một nửa số người được hỏi chưa quyết định). Tại Kyrgyzstan, 30% đổ lỗi cho Ukraine và chỉ 19% cho rằng Nga phải chịu trách nhiệm.
Đánh giá thấp sự phối hợp
Giống như tuyên bố về ảnh hưởng suy yếu của Nga ở Trung Á, quan điểm cho rằng Trung Quốc đang tìm cách thay thế Nga trở thành cường quốc bá quyền của khu vực là không chính xác. Khi hai bên bất đồng, Moskva không có lựa chọn nào khác ngoài việc lùi bước và thích nghi. Nhưng trên nhiều vấn đề, lợi ích của Trung Quốc và Nga không có mâu thuẫn. Cuộc xung đột ở Ukraine cùng rạn nứt ngày càng sâu sắc giữa Trung Quốc với Mỹ đã đưa Moskva và Bắc Kinh xích lại gần nhau hơn. Sự phụ thuộc lẫn nhau đó mở rộng đến các mối quan hệ của họ ở Trung Á.
Không lĩnh vực nào sự xuất hiện của Trung Quốc rõ ràng hơn trong thương mại và đầu tư, bao gồm cả thông qua các dự án gắn liền với Sáng kiến Vành đai và Con đường. Thương mại của Trung Quốc với khu vực này lớn hơn và tăng nhanh hơn Nga, đạt 70 tỷ USD vào năm ngoái so với 40 tỷ USD của Nga. Tuy nhiên, sự mở rộng đó không mâu thuẫn với lợi ích của Nga. Phần lớn hàng hóa mà Trung Á xuất khẩu sang Trung Quốc là những mặt hàng mà Nga, với tư cách một nhà xuất khẩu hàng hóa hàng đầu, ít sử dụng. Bắc Kinh cũng đã cẩn thận để không phá vỡ Liên minh Kinh tế Á-Âu: họ không xây dựng việc cạnh tranh giữa siêu quốc gia, cũng không chính thức tìm kiếm các thỏa thuận thương mại tự do với các thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu ngoài Nga. Tất nhiên, Trung Quốc vẫn có thương mại song phương đáng kể với các quốc gia này, điều mà Moskva không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận, vì nó không thể cạnh tranh với thị trường, công nghệ hoặc tiền bạc mà Bắc Kinh có.
Trong các vấn đề an ninh khu vực cũng vậy, lợi ích, ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga thường bổ sung cho nhau. Ưu tiên hàng đầu của cả hai bên là duy trì các chế độ hiện tại của Trung Á, giữ phương Tây đặc biệt là Hoa Kỳ đứng ngoài. Nga vẫn là một sự hiện diện tối cao: Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan đều nằm dưới chiếc ô an ninh của Moskva như một phần của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể do Nga lãnh đạo. Tajikistan và Kyrgyzstan cũng có các căn cứ quân sự của Nga và chia sẻ một hệ thống phòng không khu vực thống nhất với nước này. Quân đội trong khu vực có mối quan hệ làm việc chặt chẽ với các đối tác Nga, bao gồm tiếp cận vũ khí Nga với giá trợ cấp và đào tạo chung tại các học viện Nga. Ngay cả Uzbekistan và Turkmenistan, mặc dù không phải là thành viên của CSTO, cũng có các thỏa thuận song phương với Nga, hạn chế khả năng mở rộng quan hệ an ninh sang các quốc gia khác. Các thỏa thuận cũng cho phép Nga có khả năng can thiệp chính trị và quân sự vào các vấn đề nội bộ của Uzbekistan và Turkmenistan – những quyền lực mà Nga đã sử dụng khi dẫn đầu “chiến dịch gìn giữ hòa bình” của CSTO để dập tắt các xung đột nội bộ giới tinh hoa ở Kazakhstan vào tháng 01/2022. Sự kiện này là một lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng Moskva vẫn là người chơi bên ngoài duy nhất có thể sử dụng quân đội của mình để ủng hộ các chế độ thân thiện.
Không giống như Nga, vốn coi lợi ích an ninh của mình ở Trung Á là an ninh quốc gia và cạnh tranh địa chính trị, Trung Quốc hài lòng với việc bảo vệ lợi ích thương mại của họ và đảm bảo rằng sự phát triển ở các nước láng giềng không gây nguy hiểm cho sự ổn định chính trị trong nước. Tỉnh Tân Cương, ở phía tây xa xôi của Trung Quốc, giáp với Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan, khu vực này khá giống họ về văn hóa, dân tộc, ngôn ngữ và tôn giáo hơn nhiều so với các vùng khác của Trung Quốc. Kể từ khi sau khi Liên Xô tan rã, các quốc gia này giành được độc lập, Bắc Kinh đã tìm kiếm mối quan hệ thân thiện với họ vì sợ rằng họ có thể truyền cảm hứng hoặc kích động chủ nghĩa ly khai ở Tân Cương.
Một mối quan tâm khác của Bắc Kinh là Trung Á có thể đóng vai trò là cầu nối cho các chiến binh thánh chiến từ Afghanistan tham gia lực lượng với những kẻ cực đoan Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, đặc biệt là sau khi một kẻ đánh bom tự sát nhắm vào Đại sứ quán Trung Quốc ở Bishkek, thủ đô của Kyrgyzstan, vào năm 2016. Quay trở lại nhiều thập kỷ, nhưng đặc biệt là kể từ cuộc tấn công Bishkek, Trung Quốc đã tiến hành hàng chục cuộc tập trận quân sự chung với các đối tác Trung Á, tổ chức hàng trăm cuộc họp cấp cao với các cơ quan quân sự và tình báo của họ. Họ cũng đã mở rộng hợp tác về công nghệ quân sự, tham gia nhiều chương trình trao đổi kết nối các sĩ quan Trung Á với các trường đại học quân sự Trung Quốc và tiến hành tuần tra biên giới chung thường xuyên.
Trong quá trình trao đổi này, Trung Á đã nổi lên như một nơi thử nghiệm các công cụ an ninh mà Bắc Kinh vẫn chưa sử dụng ở nơi khác. Ví dụ, ở Kyrgyzstan, họ đã đi tiên phong trong việc triển khai các công ty an ninh tư nhân để bảo vệ các dự án đầu tư của Trung Quốc. Một thử nghiệm khác như vậy là gửi các đơn vị cảnh sát bán quân sự Trung Quốc để tuần tra, giám sát biên giới nước ngoài: Kể từ năm 2018, Trung Quốc đã thiết lập hai căn cứ như vậy ở biên giới Tajikistan-Afghanistan, đóng vai trò là lực lượng tăng cường cho chính quyền Tajikistan. Mặc dù căn cứ đầu tiên trong số này đã gây bất ngờ và khó chịu cho Điện Kremlin, nhưng căn cứ thứ hai, được xây dựng vào năm 2021, đã không gặp phải sự phản đối nào như vậy. Dường như Moskva đã xem sự hiện diện an ninh ngày càng tăng của Trung Quốc không phải là một thách thức cạnh tranh mà là một cơ hội để chia sẻ gánh nặng.
Mối quan hệ đối tác không cân xứng
Sự thay đổi quan điểm của Nga về các căn cứ của Trung Quốc ở Tajikistan chỉ ra một sự thay đổi lớn hơn: sự trỗi dậy của Trung Quốc như một người chơi thống trị ở các quốc gia dọc biên giới của mình – tại thời điểm này là một kết quả không thể tránh khỏi – đang xảy ra không trái ý muốn của Nga mà vào thời điểm mối quan hệ giữa hai nước đang ngày càng sâu sắc, mặc dù không cân xứng và có lợi cho Trung Quốc. Ngay cả khi có lý do để cạnh tranh ở Trung Á, cả Moskva và Bắc Kinh đều coi quan hệ song phương thân thiện là ưu tiên, đặc biệt là trong bối cảnh họ mâu thuẫn của họ với phương Tây ngày càng tăng.
Bản thân các quốc gia Trung Á là những quốc gia không có bờ biển và nằm giữa hai cường quốc ngày càng liên kết. Họ không thu được gì từ việc thay thế sự phụ thuộc gần như hoàn toàn vào Nga bằng sự phụ thuộc gần như hoàn toàn vào Trung Quốc. Tất cả đều đang cố gắng đa dạng hóa mối quan hệ với thế giới bên ngoài, về mặt này, cả Nga và Trung Quốc đều quan trọng như nhau đối với họ.
Trong tương lai, sự bất cân xứng quyền lực Trung-Nga tất nhiên có thể phát triển đủ để các nhà lãnh đạo Trung Quốc can thiệp vào chính trị Trung Á mà không cần sự đồng ý hoặc ủng hộ của Điện Kremlin. Nhưng không chắc rằng điều này sẽ làm giảm lợi ích chung của họ và sự hỗ trợ lẫn nhau đối với các chế độ trong khu vực. Tiềm năng hợp tác vẫn lớn hơn nhiều so với nguy cơ xung đột và Trung Á, nơi trục Trung Quốc-Nga đang ngày một mạnh lên thay vì suy yếu.
Theo NGHIENCUUCHIENLUOC.ORG
Tags: Trung Quốc, Quan hệ Nga - Trung, Trung Á, Nghiên cứu quốc tế, Gà