Trung Quốc đã học được những gì từ cuộc chiến tại Ukraina?

Nền kinh tế khổng lồ của Trung Quốc cũng không an toàn trước các cuộc chiến tranh kinh tế nếu như Mỹ lôi kéo được các đồng minh, đối tác tham gia vào một mặt trận thống nhất để đối phó Bắc Kinh.

Trung Quốc đã học được những gì từ cuộc chiến tại Ukraina?

Tác giả:

– Evan A. Feigenbaum, Phó Chủ tịch Nghiên cứu tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, từng giữ chức Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ (từ năm 2006-2009)
– Adam Szubin: Một học viên xuất sắc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp của Đại học Johns Hopkins. Từ năm 2015 – 2017, ông giữ chức Quyền Thứ trưởng Bộ Tài chính và từ năm 2006 – 2015 là Giám đốc Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ.

Biên dịch: Phương Thảo

Khi Nga tấn công Ukraina vào tháng 2 năm 2022, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cố gắng cân bằng hai lợi ích cơ bản không thể dung hòa với nhau. Đầu tiên là củng cố mối quan hệ đồng minh của Trung Quốc với Nga để đối trọng với sức mạnh của Mỹ và giảm bớt áp lực chiến lược ngày càng tăng từ phương Tây. Thứ hai, mặc dù ủng hộ Nga nhưng Trung Quốc lại chọn lọc những lĩnh vực hợp tác nhằm đạt được lợi ích cao nhất, cũng như tránh các biện pháp trừng phạt đơn phương và phối hợp lẫn nhau của Mỹ và phương Tây nhằm vào chính phủ, các công ty và tổ chức tài chính của Trung Quốc.

Trong một năm qua, Trung Quốc đã thực hiện “thế trận Bắc Kinh” nhằm khéo léo cân bằng hai mục tiêu trên dưới sự giám sát của cộng đồng quốc tế. Trung Quốc dường như đã từ chối bán vũ khí cho Nga và cũng không giúp đỡ Nga né tránh các lệnh trừng phạt vì việc duy trì khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu đối với Trung Quốc quan trọng hơn bất kỳ liên kết kinh tế nào với Nga. Nói một cách đơn giản, lợi ích quốc gia là ưu tiên lớn nhất của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh Nga đang cần tìm kiếm một đồng minh để hạn chế thiệt hại từ các biện pháp cấm vận, trừng phạt của Mỹ và phương Tây, Trung Quốc đã cố gắng giành được lợi ích lớn nhất từ Nga thông qua các tuyên bố ủng hộ những lời “biện minh” của Nga cho lý do phát động cuộc xung đột, phối hợp với Nga về mặt ngoại giao trong khi thận trọng bỏ phiếu trắng tại Liên hợp quốc đối với các Nghị quyết phản đối Nga. Trung Quốc cho rằng, NATO đã quá hiếu chiến khi không đếm xỉa tới an ninh của Nga cũng như làm ngơ khi nền chính trị Ukraina bị cực đoan hóa và phát xít hóa. Trung Quốc tăng cường mua dầu giá rẻ và đẩy mạnh hợp tác kinh tế với Nga trong những lĩnh vực không vi phạm lệnh cấm của phương Tây, góp phần hỗ trợ nền kinh tế Nga. Trên thực tế, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước trong năm 2022 đã đạt được mức tăng đáng kinh ngạc 34,3%, lên mức kỷ lục 190 tỷ USD.

Trung Quốc đã rút ra được nhiều bài học quan trọng ngay cả khi họ phải vật lộn để duy trì sự cân bằng này. Cụ thể, nước này đã nghiên cứu kỹ chiến dịch trừng phạt do phương Tây dẫn đầu. Trung Quốc biết rằng, nếu căng thẳng với phương Tây tiếp tục gia tăng, những vũ khí kinh tế tương tự này rất có thể sẽ quay sang chống lại nước này. Trong 20 năm qua, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã theo dõi việc Washington mài giũa và triển khai vũ khí kinh tế thường xuyên hơn, bao gồm các biện pháp trừng phạt, kiểm soát xuất khẩu, hạn chế đầu tư và thuế quan. Nhưng các chiến dịch trừng phạt lớn của phương Tây trước đây nhìn chung không áp dụng với Trung Quốc vì chúng chỉ nhắm vào các nền kinh tế hạng hai, chẳng hạn như Iran và Iraq, hoặc thường xuyên hơn là các nền kinh tế cận biên như: Cuba, Triều Tiên và Sudan. Cuộc xung đột Ukraina hiện tại đã cho Trung Quốc cơ hội nghiên cứu chiến lược, chiến thuật và khả năng của phương Tây khi áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm làm tê liệt một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tất nhiên, theo một số chuyên gia, còn quá sớm để Trung Quốc rút ra đầy đủ các bài học từ nỗ lực trừng phạt của phương Tây đối với Nga bởi các biện pháp trừng phạt bao gồm cả những biện pháp có hiệu lực tức thời, chẳng hạn như đóng băng tài sản, và những biện pháp được thiết kế để có ảnh hưởng sâu hơn trong những năm tới. Đó là những biện pháp như kiểm soát xuất khẩu chip máy tính và các công nghệ tiên tiến, cũng như các hạn chế trong việc giúp Nga phát triển công nghệ khai thác các nguồn tài nguyên nước sâu, Bắc Cực và đá phiến mà doanh thu năng lượng trong tương lai của Nga phụ thuộc vào.

Quan điểm hai mặt của Trung Quốc đối với việc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế

Những bài học mà Trung Quốc đang rút ra từ cuộc xung đột hiện nay phần nào phản ánh sự thay đổi sâu sắc trong cách tiếp cận chiến tranh kinh tế của nước này trong những năm gần đây. Trong lịch sử, Trung Quốc đã chỉ trích các biện pháp trừng phạt đơn phương, đáng chú ý nhất là của Mỹ, như một sự xâm phạm bất hợp pháp vào chủ quyền của quốc gia bị áp đặt lệnh trừng phạt. Theo quan điểm của Bắc Kinh, chỉ có Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nơi Trung Quốc có quyền phủ quyết, mới có tính hợp pháp để áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một quốc gia thành viên Liên hợp quốc khác. Trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã lên án các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Cuba, Iran, Myanmar và các quốc gia khác là đã vượt quá các lệnh trừng phạt của của Liên hợp quốc; cho rằng, chúng “làm suy yếu nghiêm trọng chủ quyền và an ninh của các quốc gia khác… và vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và các chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế.”

Dẫu vậy, Trung Quốc cũng đã đơn phương sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để chống lại các đối thủ trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ làm như vậy một cách lặng lẽ, hoặc thường bằng cách biện minh cho các hành động này vì lý do “sức khỏe cộng đồng” hoặc môi trường, để trừng phạt một công ty từ một quốc gia mà Bắc Kinh đang có tranh chấp ngoại giao. Trung Quốc nói chung sẽ không thừa nhận các hành đồng này là “các biện pháp trừng phạt” và công khai phủ nhận chúng có liên quan đến địa chính trị. Ví dụ, khi nhà bất đồng chính kiến ​​Trung Quốc Lưu Hiểu Ba được trao giải Nobel Hòa bình năm 2010, hoạt động xuất khẩu cá hồi của Na Uy sang Trung Quốc bị ngưng lại một cách bí ẩn. Vào năm 2016, khi Đức Đạt Lai Lạt Ma đến thăm Mông Cổ, hàng trăm tài xế xe tải của tập đoàn khai thác mỏ Rio Tinto, công ty sở hữu 66% trữ lượng đồng và vàng hàng đầu của Mông Cổ, đã bị mắc kẹt trong một vụ tắc đường nghiêm trọng do biên giới Trung Quốc “tạm thời” đóng cửa gây ra. Việc Philippines khẳng định các yêu sách hàng hải ở Biển Đông vào năm 2014 đã dẫn đến việc Trung Quốc bất ngờ tuyên bố rằng, hàng tấn chuối nhập khẩu từ Philippines bị nhiễm thuốc trừ sâu; Philippines tạm thời mất thị trường quan trọng nhất đối với một trong những mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của mình. Tương tự, việc Hàn Quốc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đã khiến Trung Quốc đóng cửa 90 siêu thị Lotte ở Trung Quốc vào năm 2017 vì “an toàn cháy nổ”. Trung Quốc cũng lặng lẽ chỉ thị cho ngành du lịch cắt giảm số lượng các tour du lịch đến Hàn Quốc. Người ta ước tính rằng Hàn Quốc đã mất 5,1 tỷ USD doanh thu do hậu quả từ hành động này.

Trong những trường hợp này, Bắc Kinh rõ ràng muốn các quốc gia mục tiêu – và cả thế giới – ngầm hiểu rằng, đây là những biện pháp có động cơ địa chính trị nhằm mục đích trừng phạt một số chính sách của các quốc gia này, ngăn cản các lựa chọn và hành vi tương tự trong tương lai có thể gây bất lợi cho Trung Quốc. Nhưng bản chất không chính thức của những hành động này cho phép Trung Quốc tăng hoặc giảm chúng mà không cần bất kỳ lời giải thích nào và trên lý thuyết, chúng cho phép Bắc Kinh vẫn có thể lên án các biện pháp trừng phạt kinh tế đơn phương của Mỹ rằng, điều đó không có chỗ đứng trong hệ thống quốc tế.

Kho vũ khí kinh tế của Bắc Kinh hiện đã hoàn thiện.

Tuy nhiên, trong ba năm qua, Trung Quốc đã chuyển hướng theo cách có tính toán hơn. Trung Quốc đã nghiên cứu và tạo ra các bản sao của riêng mình y chang các lệnh trừng phạt chính trong kho vũ khí kinh tế và tài chính của Mỹ. Vào năm 2020, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bắt đầu áp dụng các biện pháp phong tỏa tài sản có mục tiêu và cấm thị thực đối với các quan chức từ Canada, Vương quốc Anh, Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) do những người chỉ trích các hành vi của Bắc Kinh ở Tân Cương và Hồng Kông. Cùng năm đó, Bộ Thương mại Trung Quốc đã thiết lập “Danh sách các thực thể không đáng tin cậy” để hạn chế các công ty này tiếp cận hàng hóa và đầu tư của Trung Quốc, tương tự như “Danh sách Đen” của Bộ Thương mại Mỹ.

Có lẽ phản ứng mạnh mẽ nhất của Trung Quốc được thể hiện trong Luật chống trừng phạt của nước ngoài, được thông qua vào tháng 6 năm 2021. Điều 15 của Luật này cho phép chính phủ Trung Quốc áp dụng tất cả các biện pháp trừng phạt đối với bất kỳ cá nhân hoặc công ty nước ngoài nào “thực hiện, hỗ trợ hoặc hỗ trợ các hành động” “có thể được coi là gây nguy hiểm cho chủ quyền, an ninh hoặc lợi ích phát triển của Trung Quốc”. Luật này cũng vay mượn nhiều nội dung từ luật ngăn chặn của Canada và EU, coi việc thực hiện các biện pháp trừng phạt của nước ngoài (thường là phương Tây) trên đất Trung Quốc là một tội ác.

Do cấu trúc pháp lý này vẫn còn khá mới nên Bắc Kinh đã thận trọng trong việc thực hiện, vì sợ việc thực thi mạnh tay sẽ làm mất đi các doanh nghiệp phương Tây và dòng vốn chảy vào Trung Quốc. Nhưng kho vũ khí kinh tế của Bắc Kinh đang ngày càng hoàn thiện và tiếp tục được nghiên cứu bổ sung từ những biện pháp trừng phạt và kiểm soát đơn phương mà phương Tây đang áp dụng đối với Nga.

Nền kinh tế Trung Quốc liệu có quá lớn để tránh bị trừng phạt?

Khi cuộc xung đột ở Ukraina nổ ra, Mỹ, Vương quốc Anh và EU đã liên tục áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế lên Nga. Trong cuộc khủng hoảng Ukraina 2014-2015, phương Tây đã xây dựng các biện pháp trừng phạt thận trọng trong nhiều tháng để buộc Nga phải trả giá, thay đổi hành vi của Moskva và có được đòn bẩy cho các cuộc đàm phán. Vào năm 2022, khi mục tiêu rõ ràng của Tổng thống Nga Vladimir Putin không chỉ là tìm cách sáp nhập thêm các lãnh thổ ở Ukraina mà còn muốn tiếp quản hoàn toàn lãnh thổ nước này, phạm vi của các lệnh trừng phạt đã chuyển sang một cuộc chiến kinh tế toàn diện ngay lập tức. Trong vòng vài ngày sau cuộc xâm lược, hàng loạt chính phủ đồng minh của Mỹ đã tuyên bố đóng băng các khoản dự trữ ngoại hối của Nga trên lãnh thổ nước họ như là: Australia, Canada, Nhật Bản, Vương quốc Anh, Mỹ và EU. Các tổ chức tài chính lớn nhất của Nga cũng bị trừng phạt và ngắt khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, nền tảng nhắn tin an toàn kết nối các ngân hàng trên toàn thế giới. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, sự ứng phó của Nga để nền kinh tế tồn tại đang được Trung Quốc theo dõi rất kỹ vì trong trường hợp xấu nhất, họ cũng có thể trở thành mục tiêu của phương Tây.

Không có nền kinh tế nào có quy mô gần như nền kinh tế của Nga phải chịu các lệnh trừng phạt nghiệt ngã như vậy kể từ Thế chiến II tới nay. Khi bắt đầu cuộc xâm lược năm 2022, Nga có nền kinh tế lớn thứ mười thế giới tính theo GDP. Sản lượng dầu của nước này đạt gần 11 triệu thùng/ngày, lớn hơn gần ba lần so với sản lượng dầu của Cộng hòa Hồi giáo Iran vào thời kỳ đỉnh cao năm 2005. Nga là nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới và là nhà cung cấp hàng đầu các hàng hóa và nguyên liệu đầu vào quan trọng trên toàn cầu, từ phân bón và ngũ cốc đến titan.

Từ góc độ địa chính trị, Nga, giống như Trung Quốc, đều là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Cũng giống như Trung Quốc, Nga đã là thành viên của nhiều tổ chức toàn cầu. Đúng là nền kinh tế Trung Quốc vẫn lớn gấp 10 lần so với Nga, và dấu ấn của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu – xét về thương mại, đầu tư và dòng vốn – cũng cao hơn hẳn Nga, đặc biệt là trong quan hệ với Mỹ. Nhưng nếu Trung Quốc tin rằng, nền kinh tế của họ quá lớn để có thể bị trừng phạt như Nga, thì một số chuyên gia cho rằng, điều này chưa hẳn đúng. Lí do là một số lệnh trừng phạt rất nhỏ vừa qua của phương Tây áp đặt với Trung Quốc, ví dụ như trong lĩnh vực sản xuất chip, được dự báo đang khiến ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc dần tụt hậu. Tất nhiên, để phương Tây trừng phạt Trung Quốc như trừng phạt Nga chắc chắn sẽ khó hơn nhiều và nền kinh tế phương Tây cũng sẽ bị tổn thương ngược lại một cách nặng nề.

Bắc Kinh không còn có thể đơn giản cho rằng, phương Tây sẽ không bao giờ chấp nhận mạo hiểm với những cú sốc kinh tế để đối phó với Trung Quốc trong trường hợp nước này tiến hành một cuộc xâm lược Đài Loan. Bắc Kinh đã chứng kiến ​​Mỹ và các đồng minh châu Âu gánh chịu rủi ro đối với quốc gia và toàn cầu đáng kể để tập trung đối phó Nga và hỗ trợ Ukraina, một nền kinh tế nhỏ hơn và ít có ý nghĩa “toàn cầu hơn” nếu so với Đài Loan, nền kinh tế lớn thứ bảy ở châu Á và cung cấp một liên kết then chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Và Washington có mối quan hệ lịch sử, pháp lý và tình cảm với Đài Loan lớn hơn rất nhiều so với Ukraina.

Bắc Kinh cũng ngạc nhiên trước phản ứng dữ dội của phương Tây đối với hành động gây hấn của Nga. Sau cuộc xâm lược Donbas năm 2014, Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã rút ra bài học rằng, phương Tây, đặc biệt là các đồng minh không ưa rủi ro của Mỹ, trong đó có nhiều quốc gia ở cả châu Á và châu Âu, sẽ không ủng hộ các biện pháp trừng phạt tốn kém thay mặt cho bên thứ ba, làm tổn hại lợi ích kinh tế của chính họ. Lần này, mọi thứ đã thay đổi. Khi xe tăng của của Nga tiến về Kiev, hàng loạt lệnh trừng phạt đã được đưa ra. Ngay cả xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga, vốn được coi là quá quan trọng trong năm 2014, cũng bị trừng phạt. Phương Tây đã hành động nhanh hơn nhiều người nghĩ để có thể từ bỏ dầu mỏ của Nga. G-7 gần đây đã áp giá trần đối với dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga.

Những bước đi này cũng đòi hỏi sự hy sinh. Châu Âu đã chứng kiến mức lạm phát phi mã, hóa đơn năng lượng cao hơn và tình trạng thiếu khí đốt diễn ra ở nhiều nơi. Nhưng cho đến nay, với sự giúp đỡ của một mùa đông không quá lạnh, cộng với đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo và mua dầu ở nơi khác, mọi thứ đang dần được khắc phục. Bài học cho các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh là nếu gây ra một mối đe dọa lớn đối với trật tự quốc tế thì có thể taojk ra một phản ứng kinh tế nghiệt ngã, ngay cả khi nó đi kèm với cái giá phải trả cho các quốc gia áp đặt lệnh trừng phạt.

Kho vũ khí chống lại cuộc chiến tranh kinh tế của Trung Quốc đã đủ sức mạnh?

Các quốc gia đưa ra các quyết định chiến lược, bao gồm cả chiến tranh, bởi vì các nhà lãnh đạo cân nhắc chi phí và lợi ích, sau đó đánh giá rằng, cuộc tấn công là đáng để mạo hiểm. Do đó, có khả năng, Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực đối với Đài Loan mà không lo ngại các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, Trung Quốc đang cố gắng tiếp thu bài học từ trường hợp của Nga về cách khắc phục các điểm yếu, đảm bảo khả năng phục hồi và tạo ra nhiều lựa chọn phản ứng hơn hơn.

Khi không gặp nhiều khó khăn với các biện pháp trừng phạt trong giai đoạn năm 2014 – 2015, Nga đã khoe khoang về một loạt bằng chứng để chứng minh, các lệnh trừng phạt không có tác động lớn và tự hào đặt biệt danh cho nền kinh tế của mình là “Pháo đài Nga”. Nước này đã tìm cách tăng dự trữ ngoại tệ của mình lên 631 tỷ USD và đa dạng hóa ngoại tệ dự trữ. Đến năm 2021, Nga đã giảm tỷ lệ nắm giữ đồng USD xuống còn 16% tổng số tiền nắm giữ, với việc Ngân hàng Trung ương Nga mua 90 tỷ USD vàng và mở rộng nắm giữ đồng Nhân dân tệ cũng như đồng ngoại tệ khác. Nga đã giới thiệu hệ thống thẻ tín dụng quốc gia MIR của riêng mình như một giải pháp thay thế cho hệ thống nhắn tin liên ngân hàng SWIFT có trụ sở tại Bỉ.

Tuy nhiên, mọi thứ đã không như tính toán ban đầu. Các nguồn dự trữ của Nga không phải đồng đô la đã bị các quốc gia thân thiết của Mỹ đóng băng ở Canada, Nhật Bản, Vương quốc Anh và châu Âu. Kết quả là, Nga đã không thể tiếp cận lượng dự trữ 300 tỷ USD của minh. Thậm chí, một phần số tài sản bằng vàng của Nga cũng không thể sử dụng vì nước này đã cất giữ chúng tại các quốc gia tham gia nỗ lực trừng phạt mà Mỹ và phương Tây kêu gọi.

Các biện pháp phòng thủ khác của Nga thậm chí còn kém thành công hơn. Sau 07 năm hoạt động, mạng lưới thẻ tín dụng MIR đã thu hút được một số đối tác ngân hàng cỡ vừa ở châu Á. Nhưng khi Bộ Tài chính Mỹ thông báo vào tháng 9 năm 2022 rằng, các ngân hàng hợp tác với MIR sẽ bị coi là lách luật trừng phạt của phương Tây. Ngay lập tức các ngân hàng ở Kazakhstan, Tajikistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Uzbekistan… đã cắt đứt quan hệ với hệ thống thẻ của Nga. Nga thậm chí còn gặp vấn đề tồi tệ hơn với Hệ thống chuyển thông điệp tài chính (SPFS), một giải pháp có chủ đích nhằm thay thế cho SWIFT. Không có gì đáng ngạc nhiên khi các quốc gia không có nhu cầu sử dụng một hệ thống nhắn tin tài chính có trụ sở tại Nga, trong khi hệ thống này có phạm vi tiếp cận hạn chế, cồng kềnh và kém an toàn hơn SWIFT.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang đối mặt với những thực tế kinh tế và địa chính trị không cho phép nước này phá hoại hệ thống tài chính toàn cầu. Trong thế giới kết nối ngày nay, việc chống lại các biện pháp trừng phạt tổng lực như vậy thực sự là không thể. Trung Quốc đã đạt được nhiều thành công hơn Nga về mặt này, nhưng họ cũng gặp phải một số thực tế cần phải suy xét. Đầu tiên, Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước của Trung Quốc mới đây tuyên bố, Trung Quốc đã giảm tỷ lệ dự trữ ngoại tệ bằng đô la Mỹ từ 79% vào năm 1995 xuống còn 59% vào năm 2016. Nhưng các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc trong các giao dịch mua ngoại hối thời gian qua vẫn ưu tiên mua đô la Mỹ. Theo các chuyên gia, lượng đô la Mỹ mà Trung Quốc thực sự nắm giữ là không thể xác định và các lựa chọn thay thế của Trung Quốc bị hạn chế. Không giống như Nga, Trung Quốc không thể chuyển bất kỳ khoản dự trữ ngoại hối nào của mình sang đồng Nhân dân tệ để bảo vệ khỏi rủi ro. Tuân theo chính sách quản lý tiền tệ, dự trữ phải được giữ bằng một loại tiền tệ khác với tiền tệ của chính mình. Và các nền kinh tế lớn trên thế giới có khả năng hấp thụ một phần đáng kể dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đều là một phần của liên minh đã đứng lên chống lại Nga. Điều này đã đẩy Trung Quốc vào thế tiến thoái lưỡng nan trong việc tìm kiếm các giải pháp thay thế dự trữ ngoại hối khác.

Trung Quốc cũng đã triển khai Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới bằng Nhân dân tệ (CIPS) của riêng mình, và đã thiết lập các cơ chế trong ngân hàng trung ương của nước này để thông quan thương mại song phương với các quốc gia như Nga, tránh sử dụng đồng đô la và đồng euro. Vào cuối tháng 3 năm 2022, CIPS ước tính, có 1.304 tổ chức kinh tế tham gia thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ. Đây là một con số khá ấn tượng, nhưng chỉ bằng một phần mười các tổ chức tham gia của SWIFT. Các bước đề phòng của Trung Quốc đã đạt được nhiều tiến bộ hơn so với Nga. Tầm quan trọng của kinh tế Trung Quốc với tư cách là đối tác thương mại lớn nhất đối với phần lớn thế giới mang lại cho nước này ảnh hưởng đáng kể trong các cuộc đàm phán song phương. Nhưng sẽ rất khó, thậm chí có thể là không thể, để Trung Quốc thuyết phục các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới giao phó dòng tài chính toàn cầu cho một nền tảng do Trung Quốc điều hành.

Vai trò của các liên minh ngày càng quan trọng

Theo các chuyên gia, bài học trừng phạt kinh tế quan trọng nhất từ ​​cuộc xung đột hiện nay là sự gắn kết trong các liên minh. Washington có ảnh hưởng to lớn khi tận dụng lợi thế của công nghệ, thị trường tài chính và đồng đô la Mỹ. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt đối với Nga sẽ không thể phát huy tác dụng (và Nga sẽ có nhiều cách giải quyết) nếu Mỹ không được các đồng minh ủng hộ, nhất là Australia, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Vương quốc Anh và EU.

Trung Quốc có thế mạnh sử dụng ảnh hưởng to lớn của mình đối với các đối tác thương mại riêng lẻ, nhưng Trung Quốc không có một liên minh tương ứng để tập hợp như Mỹ. Những hạn chế của vũ khí kinh tế của Trung Quốc đã được nhìn thấy trong những năm gần đây. Khi Bắc Kinh trừng phạt Australia và Litva bằng các biện pháp thương mại khắc nghiệt. Sau thời gian khó khăn ban đầu, cả hai nước đều đứng vững nhờ sự hỗ trợ kinh tế và chính trị từ một số bạn bè và đối tác thân thiết. Và Trung Quốc vẫn dễ bị tổn thương trước các biện pháp trừng phạt khi có nhiều quốc gia cùng áp dụng, có sự phối hợp giữa các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới. Mặc dù không dễ có một cuộc tấn công kinh tế như vậy, nhưng chắc chắn là nó vẫn vẫn có thể xảy ra và quan trong hơn là Trung Quốc không biết chính xác mức độ và cách thực hiện như thế nào.

Đối với Trung Quốc, bài học không phải chỉ là về kinh tế mà là về ngoại giao và các mối quan hệ. Trung Quốc đang hiểu rất rõ bài học này khi nhìn vào sự đoàn kết của phương Tây khi trừng phạt Nga. Mở cửa lại nền kinh tế sau ba năm phong tỏa, Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng lại các mối quan hệ, tiếp đón các nhà lãnh đạo nước ngoài từ châu Á và châu Âu, thực hiện các thỏa thuận kinh doanh và làm phức tạp bất kỳ nỗ lực nào của Mỹ nhằm thành lập một liên minh chống Trung Quốc. Đối với Washington và Bắc Kinh, vấn đề rút ra là như nhau. Trong bất kỳ cuộc đối đầu tiềm năng nào, vũ khí có giá trị nhất trong các công cụ kinh tế là sức mạnh tổng hợp của đồng minh. Có vẻ sức mạnh này, Mỹ đang chiếm ưu thế nhờ có mạng lưới đồng minh thân thiết và rộng lớn hơn so với mạng lưới đồng minh của Trung Quốc.

Theo NGHIÊN CỨU CHIẾN LƯỢC

Tags: , , ,