Toàn cảnh cuộc thảm sát sắc tộc đẫm máu ở Mỹ năm 1921

Nước Mỹ chìm trong biểu tình bạo lực phản đối phân biệt chủng tộc gần một tuần qua. Biểu tình khiến người ta nhớ lại một trong những cuộc bạo loạn sắc tộc đẫm máu nhất lịch sử đất nước này.

Toàn cảnh cuộc thảm sát sắc tộc đẫm máu ở Mỹ năm 1921

Quận Greenwood ở Tulsa, Oklahoma bị người da trắng nhấn chìm trong khói lửa năm 1921. Ảnh: Wikipedia.

Theo kênh CNN (Mỹ), năm 2020 là năm kỷ niệm thứ 99 của vụ thảm sát sắc tộc ở thành phố Tulsa, bang Oklahoma năm 1921.

Tên của người đàn ông da màu George Floyd thiệt mạng sau khi bị cảnh sát bắt và lời van xin của nạn nhân “Tôi không thở được” đã được hàng nghìn người biểu tình nhắc lại. Nhưng trong vụ thảm sát Tulsa, tên các nạn nhân hiếm khi được nhắc tới vì sự kiện này không được đề cập tới trong sách vở suốt hàng chục năm.

Vào những năm 1920, quận Greenwood ở Tulsa được gọi là “Phố Wall đen” vì cộng đồng này có trên 300 doanh nghiệp do người da màu làm chủ, trong đó có rạp hát, phòng khám, nhà thuốc. Thậm chí có phi công da màu còn có máy bay riêng. Không phải ai cũng giàu có nhưng Tulsa nhanh chóng trở thành nơi có nhiều cơ hội cho người da màu muốn kiếm sống.

Tuy nhiên, theo ông Mechelle Brown, Giám đốc chương trình tại Trung tâm Văn hóa Greenwood, thành công của cộng đồng người da màu này đã khiến một số người da trắng ghen tị, tức giận. Họ bình luận: “Làm sao mà những tên mọi đen này dám có chiếc đàn piano sang trọng trong nhà, còn tôi thì không có cái nào”.

Những gì còn lại sau khi đám du côn da trắng tấn công quận Greenwood ở Tulsa. Ảnh: Getty Images.

Căng thẳng đạt đỉnh điểm sau khi xảy ra sự cố trong thang máy tòa nhà Drexel giữa một cô gái da trắng 17 tuổi tên là Sarah Page và một thanh niên da màu 19 tuổi tên là Dick Rowland làm nghề đánh giày. Page là người vận hành thang máy, còn Rowland gần như ngày nào cũng đi thang máy vì cậu được vào tòa nhà sử dụng nhà vệ sinh và lấy nước.

Vào ngày xảy ra sự cố, sau khi cửa thang máy đóng, chỉ có Sarah Page và Dick Rowland ở trong. Một lúc sau có thiết thét vang lên. Sau khi cửa thang máy mở, Rowland chạy và về sau bị bắt. Ban đầu, Page khai bị tấn công.

Mặc dù Page không yêu cầu buộc tội Rowland nhưng giới chức đã cáo buộc anh này. Cuối ngày đó, có tin đồn Page bị cưỡng hiếp. Tin tức phần lớn thiếu chính xác trên báo chí càng khiến dư luận giận dữ. Đám đông người da trắng tụ tập tại tòa án, nơi giam giữ Rowland. Họ có một yêu cầu là hành hình Rowland theo luật giang hồ, không qua xét xử.

Cộng đồng người da màu quyết định bảo vệ Rowland. Không ai tin Rowland làm một việc như vậy và họ đã tới giải cứu cậu. Ông Brown nói: “Họ sẵn sàng liều mạng, họ biết họ sẽ liều mạng để giúp bảo vệ Dick Rowland”.

Những tòa nhà bị đốt thành tro sau vụ bạo loạn. Ảnh: Getty Images.

Khi họ tới tòa án, hàng nghìn người da trắng đã tụ tập trước tòa. Họ giận dữ và thất vọng về điều đã xảy ra. Nhóm người da trắng mang vũ khí. Một trong số họ đụng độ với một người da màu sau khi người này hỏi tại sao ông ta lại vung súng lên. Hai người cãi nhau và vật lộn với khẩu súng. Tiếng súng vang lên. Người da trắng bị bắn. Mọi chuyện bỗng hỗn loạn vượt ngoài tầm kiểm soát.

Đám người da trắng quyết định tràn vào khu vực người da màu. Một số ước tính cho rằng có 10.000 người tìm cách tràn qua đường ray tàu hỏa ngăn cách khu vực Bắc Tulsa của người da màu và Nam Tulsa của người da trắng.

Người da màu bị lép vế về cả số lượng lẫn vũ khí. Người da trắng cuối cùng đã vượt qua đường ray, xâm chiếm khu vực “Phố Wall đen”ở quận Greenwood. Cuối đêm đó, 35 tòa nhà trong thành phố đã bị đốt cháy. “Phố Wall đen” bị xóa sổ. Xác người Mỹ gốc Phi nằm trên các con phố. Một số người bị bắn chết. Ít nhất 300 người da màu đã bị giết chết ngày đó. Ông Brown nói: “Thực sự không có cách nào để biết chính xác có bao nhiêu người chết. Chúng tôi biết có tới vài nghìn người không được tính”.

Nhiều người sống sót đã bỏ thành phố. Một số người cho biết cái chết không chỉ xảy ra trên phố mà còn từ trên trời. Họ nhìn thấy máy bay thả bom nitroglycerin xuống. Ít nhất có một công ty cho phép những kẻ nổi loạn da trắng dùng máy bay của họ để thả bom.

Khói bốc lên khi các tòa nhà ở Tulsa bị phóng hỏa. Ảnh: Timeline.

Dù không có thông tin chính thức về việc thả bom nhưng luật sư Buck Colbert Franklin cho biết có ghi chép về các vụ tấn công trên không ở Bảo tàng Quốc gia Văn hóa và Lịch sử người Mỹ gốc Phi thuộc Viện Smithsonian. Ông Franklin đã nhìn thấy hàng chục máy bay lượn trên không và nghe thấy tiếng như mưa đá rơi trên nóc tòa nhà. Bên dưới, ông thấy khách sạn Midway và các tòa nhà khác cháy từ nóc xuống. Báo cáo của một ủy ban của bang Oklahoma năm 2001 cho biết Tulsa có thể là thành phố đầu tiên ở Mỹ bị đánh bom từ trên không.

Năm 2016, có ít nhất một người sống sót ở lại Tulsa. Hazel Smith Jones khi đó đã 97 tuổi nhưng mới lên ba khi vụ tấn công xảy ra. Bà nhớ lại: “Bố tôi không ở nhà, chỉ có trẻ con và bà. Họ tới và bắt chúng tôi. Đàn ông da trắng trên xe tải bắt đầu gom người dân và đưa họ ra khỏi khu vực. Họ đưa chúng tôi tới một bãi đất rộng và chúng tôi ở đó hai hay ba ngày. Chúng tôi ở đó và bố tôi không biết chúng tôi ở đâu”.

Trong lúc người dân bị đưa tới nơi khác, đám du côn da trắng hoành hành đường phố và cướp bóc tài sản của người da màu. Các gia đình da màu còn sống sau vụ việc không còn lại gì khi họ trở lại.

Khi người dân ở Greenwood đòi bảo hiểm bồi thường, họ đều bị từ chối. Tổng số tiền bảo hiểm trị giá 2,7 triệu USD. Phố Wall đen vẫn được xây dựng lại nhưng không bao giờ có thể huy hoàng như trước.

Người dân da màu ở Tulsa ở trại tị nạn sau khi mất nhà do vụ bạo loạn. Ảnh: Getty Images.

Người da màu ở Tulsa không bao giờ được bồi thường. Họ cũng không đòi được công lý cho người thân đã chết, cho ngôi nhà và doanh nghiệp mà họ phấn đấu xây dựng.

Hàng chục năm sau vụ thảm sát năm 1921 ở Tulsa, vụ việc phần lớn không được thừa nhận. Các trường học ở Oklahoma không nói về vụ việc. Báo chí không in thông tin gì về vụ nổi loạn sắc tộc Tulsa. Vụ việc hoàn toàn bị bỏ qua. Đó là một trong những sự kiện kinh khủng mà ai cũng muốn chôn vùi. Lãnh đạo Oklahoma hồi tháng 2 thông báo rằng bang sẽ đưa vụ thảm sát Tulsa năm 1921 vào chương trình học tập ở các trường học. Thành phố Tulsa tiếp tục điều tra chuyện gì đã xảy ra với thi thể các nạn nhân và đang đi tìm các ngôi mộ tập thể.

Trở về với cuộc bạo loạn hiện tại ở Mỹ, người biểu tình đổ xuống đường phố ở ít nhất 30 thành phố đòi công lý cho Floyd, người chết dưới tay cảnh sát Dereck Chauvin. Chauvin đã bị sa thải và bị cáo buộc tội giết người cấp độ ba.

Tổ chức phi lợi nhuận ColorofChange đăng lên Twitter ngày 31/5: “Khi bạn theo dõi biểu tình ngày hôm nay, hãy nhớ vụ thảm sát chủng tộc Tulsa. Cuộc chiến chấm dứt bạo lực của cảnh sát sẽ không chấm dứt cho tới khi công lý được thực thi”.

Theo BÁO TIN TỨC

Tags: , , , ,