Thử lý giải hiện tượng lên đồng từ góc độ tâm sinh lý

Trong các công trình nghiên cứu của mình, Freud đã nêu ra khái niệm hữu thức và vô thức, trong đó hữu thức phản ánh các hiện tượng mà con người quan tâm, có được nhận thức khá đầy đủ về sự tồn tại cũng như ý nghĩa, giá trị của hiện tượng ấy, trong khi đó vô thức lại bị chìm sâu vào tiềm thức, con người không có ý thức rõ rệt, không mang các thông tin đặc biệt về nó, chỉ trong môi trường đặc biệt, cái vô thức ấy mới thể hiện ra trong hành động của con người như một hiện tượng mang tính bản năng.

Trích từ sách “Lên đồng, hành trình của thần linh và thân phận”.

Trong hoạt động của con người, ý thức huy động hoạt động của vỏ não và hệ não tuỷ nhiều hơn (ý thức), còn vô thức huy động của cấu tạo lưới và hệ thần kinh thực vật nhiều hơn (tự động, phản xạ có điều kiện). Trong các giai đoạn biến đổi ý thức, khi ý thức yếu và bị thu hẹp thì hoạt động vô thức chiếm ưu thế. Trong trạng thái Lên đồng, hoạt động ý thức yếu đi và thu hẹp lại, nhất là ở giai đoạn Thánh nhập thì hoạt động vô thức chiếm ưu thế, tạo ra trạng thái ngây ngất, dưới tác động của các nhân tố: âm thanh, tiếng động, lời hát, nhảy múa, màu sắc, rượu… tạo nên trạng thái ngáp, rùng mình, run, nét mặt thay đổi, thở dồn, đổ mồ hôi, say mê, ngây ngất. Do vậy, Lên đồng là trạng thái biến đổi ý thức đặc biệt.

Để có thể tạo nên trạng thái biến đổi ý thức của các ông Đồng, bà Đồng thì con người phải chủ động tự đưa mình vào trạng thái “tự ám thị” . Đây là trạng thái tự ám thị về sự tồn tại của thần linh và khát vọng được thông quan với thần linh để cầu xin sự che chở, phù hộ của lực lượng siêu nhiên ấy đối với sức khoẻ và tài lộc của bản thân. Những con nhang đệ tử của Đạo Mẫu, tuy chưa phải là ông Đồng, bà Đồng, nhưng cũng có lòng tin vào sự tồn tại của thần linh thì khi tham gia Lên đồng, họ cũng có thể rơi vào trạng thái tự ám thị và bị ốp đồng. Hiện tượng Lên đồng vui ở Huế cũng là hiện tượng ốp đồng tập thể, khác với ốp đồng cá nhân thường thấy trong các buổi Lên đồng ở miền Bắc hay ở Nam Bộ.

Rõ ràng là Lên đồng không phải là trạng thái bệnh lý, mà chỉ là trạng thái tâm sinh lý, là trạng thái biến đổi ý thức đặc biệt, mà các ông Đồng, bà Đồng chủ động tự đưa mình vào trạng thái ấy. Chính trong môi trường tự biến đổi ý thức đó, cái vô thức trỗi dậy, giúp bà Đồng, ông Đồng giải toả nhiều ức chế tâm thần mà đó chính là nguồn gốc của nhiều hiện tượng tâm sinh lý, như điên loạn, bệnh tật, kết tóc, cơ đày… Và cũng không có gì là ngạc nhiên, là khi ra đồng và thường xuyên Lên đồng, thì trong môi trường tự biến đổi ý thức do tự ám thị mà các ức chế vô thức được giải toả, dần khỏi bệnh, khắc phục dần được các hành vi lệch chuẩn và tái hoà nhập cộng đồng như những người bình thường khác.

Trong tác dụng trị liệu của Lên đồng, hệ thống âm nhạc Chầu văn có giá trị trị liệu tích cực, đặc biệt là nhạc Chầu văn thường gắn với các tiết tấu vũ điệu. Chính vì thế, có người ví nhạc Chầu văn là “nhạc rốc Việt Nam” với hai đặc trưng là sự lặp đi lặp lại của trật tự các nghi lễ và tính chất mạnh mẽ, náo nhiệt của tiết tấu nhảy.

Chính chức năng trị liệu hay việc điều chỉnh hệ thống tâm sinh lý của Chầu văn, nếu có thể nói như vậy, nằm ở chỗ kết hợp được cả hai thái cực của đời sống tâm sinh lý: một bên là sự nghiêm túc, chặt chẽ, bên kia là sự nồng nhiệt, hồn nhiên đầy sức sống. Phần nghiêm túc trong Chầu văn (chủ yếu được thực hiện bởi trật tự nghi lễ), có tác dụng ổn định, điều chỉnh hệ thống tinh thần của người tham gia, hướng họ về một thế giới dựa trên một hệ giá trị bền vững; trong khi phần sống động, hồn nhiên thì giải thoát, khiến năng lượng tiềm ẩn ở người tham gia đi vào sự vận động làm tăng thêm sức sống. Vì vậy có thể ngay sau một số buổi lên đồng đầu tiên nhiều người lên đồng đã cảm thấy khoan khoái và hưng phấn, điều khiến cho họ lại mong muốn sớm thực hiện những vấn hầu mới. Nhìn chung, việc lên đồng mang một khoái cảm đặc biệt đối với người tham dự, có tác dụng giải toả và thăng hoa, đặc biệt đối nhiều người phụ nữ trong xã hội xưa, phần lớn chịu nhiều bề ức chế. Chẳng thế mà có câu: “thứ nhất ngồi đồng, thứ nhì lấy chồng quan”.

Nhạc lên đồng không chỉ để nghe, nó đưa người ta vào cuộc vận động cơ thể tích cực. Hơn nữa, trong nhạc Chầu văn có rất nhiều tiết tấu khác nhau, phù hợp với nhiều kiểu vận động và trạng thái tình cảm khác nhau, lúc thì khiến tâm hồn người ta bay bổng, lúc đau đớn buồn thương, lúc lại hừng hực khí thế, lúc phấn chấn say mê… Bao nhiêu cung bậc của tâm hồn diễn ra mau lẹ trong mấy tiếng đồng hồ vẻn vẹn chỉ trên một manh chiếu hẹp với sự hỗ trợ của một thầy cung văn và một người đánh nhịp (với một bộ nhạc cụ khá đơn giản: một cây đàn nguyệt, một bộ phách, đôi khi một chiếc trống con). Chiều hướng của một buổi lên đồng diễn biến từ những giá nghiêm trang nhất như các quan, các chầu đến những giá vui tươi trẻ trung của các cô các cậu. Theo chúng tôi, đây cũng là một chiều thuận khiến cho tinh thần được khai phóng và trở về với cuộc sống là phù hợp với một hình thức sinh hoạt mang tính trị liệu tích cực. Không chỉ người nhập đồng và êkíp cung văn là những người tích cực duy nhất, từ người hầu dâng đến những người xem xung quanh đều có một sự cộng hưởng gần như thống nhất để khuyến khích người chính chủ trong vai trò “bắc ghế hầu thánh” khiến cho “mức độ nhập vai” càng thêm sâu sắc và sự thể hiện các nhân vật thần linh càng thêm mạnh mẽ.

Nhưng những đặc thù có tính trị liệu của chầu văn còn cần phải được chú ý khai thác hơn nữa không chỉ nằm trong phương diện thuần tuý âm nhạc mà còn trong mối quan hệ giữa âm nhạc với những cảm xúc, những trạng thái tâm hồn được thể hiện một phần trong lời ca, một phần trong những ứng xử cụ thể của cộng đồng, những người tham gia góp phần tạo nên một đời sống độc đáo của thế giới những người lên đồng, trong đó nhiều vẻ đẹp trong quá khứ còn được lưu giữ lại rất sinh động, khiến cho trong những thời khắc nhất định, con người như cảm thấy mình bước vào và liên lạc được với một bình diện hoàn toàn khác với đời sống hàng ngày, thăng hoa và hội nhập với sự thống nhất “nguyên thuỷ” ngàn xưa. Chính ở đó mà sự sống được tái sinh và vai trò trị liệu thực sự diễn ra.

Cùng với âm nhạc, nhảy múa cũng mang lại giá trị trị liệu, thông qua vận động của cơ thể, qua sự nhập thần và đồng nhất bản thân với thần linh, khai mở và giải phóng các xúc cảm mang tính bản năng, vô thức. Đặc biệt, các yếu tố âm nhạc, múa này không thể tách rời các biểu tượng thần linh với ánh hào quang thần thánh, sức mạnh và uy lực của các biểu tượng tâm linh, được bao phủ bởi các hình tượng có thật, thông qua màu sắc trang phục mang nặng tính cung đình tạo nên sức mạnh của sự hợp nhất giữa con người và thần linh, tác động mạnh mẽ tới tâm sinh lý của các Ông đồng, bà Đồng về phương diện trị liệu.

Theo THẾ GIỚI DI SẢN

Tags: ,